Dù ai đi ngược về xuôi, nhớ ngày giỗ Tổ...

Ngày 06/04/2017 09:40 AM (GMT+7)

Nếu có dịp về giỗ Tổ Vua Hùng, bạn nhất định phải thử những món ăn được coi là đặc sản hấp dẫn nhất ở Phú Thọ, mảnh đất trung du quanh năm mưa thuận gió hòa này!

Phú Thọ là mảnh đất Tổ thiêng liêng, cội nguồn dân tộc Việt Nam với hàng ngàn năm lịch sử, nơi khởi nghiệp 18 đời vua Hùng. Chẳng những thế, ngay trên chính mảnh đất này cũng là nơi sản sinh ra những món ăn bình dị, dân dã nhưng thơm ngon, đặc sắc, thể hiện được sự sáng tạo của đôi bàn tay và thấm đẫm hồn người miền núi trung du phía Bắc.

Dù ai đi ngược về xuôi, nhớ ngày giỗ Tổ... - 1

1.

Dù ai đi ngược về xuôi, nhớ ngày giỗ Tổ... - 2

Nếu một lần được thưởng thức bánh tai, bạn sẽ thấy, đây là món quà vặt đáng thử khi đến mảnh đất trung du này.

Không rõ bánh tai có xuất xứ từ khi nào, chỉ nghe nhiều người nơi đây kể lại rằng, trước kia bánh được gọi là bánh trai vì bánh được nặn theo hình con trai, sau đó được gọi tắt là bánh tai. Bánh được làm vẫn những nguyên liệu đó nhưng dài và nặng hơn.

Theo người dân khu vực thị xã Phú Thọ, để làm được chiếc bánh chuẩn thì trước tiên là phải chọn được loại gạo tẻ ngon, trắng, dẻo. Đây là khâu quan trọng quyết định đến chất lượng của chiếc bánh tai. Xong rồi đến kỹ thuật làm bánh, nhân bánh. Qua những bàn tay nhào nặn, những bí quyết gia truyền riêng, những chiếc bánh tai được hấp nóng hổi đã ra lò thơm mùi bột quyện trong mùi thịt, hành vô cùng hấp dẫn.

Dần dần, bánh tai không chỉ còn là món quà sáng dân dã, nhiều gia đình yêu thích còn đặt bánh tai về để ăn kèm trong các bữa tiệc đãi khách hay trong cả cỗ cưới nữa.

2.

Dù ai đi ngược về xuôi, nhớ ngày giỗ Tổ... - 3

Cơm nắm lá cọ là món ăn giản dị, dân dã nhưng thể hiện được đôi bàn tay khéo léo của con người Phú Thọ. Hơn thế, để nấu món ăn này, nghe nói, người ta phải chọn được loại gạo trắng ngon, nấu với nước mưa mới giữ được hương vị nguyên chất. Và dĩ nhiên, cơm phải ướt hơn hàng ngày mới tạo ra được những nắm cơm thơm ngon, chắc mịn, trắng ngần.

Lá cọ để nắm cơm cũng phải là những chiếc lá bánh tẻ, còn e ấp chưa xòe hết, có màu vàng phớt xanh. Sau khi hái mang về, lá cọ được rửa sạch, hơ qua lửa cho hơi tái sẽ dẻo, càng dễ nắm cơm. Chính những chiếc lá này, sẽ bao bọc lấy phần cơm trắng đã được nắm kỹ, gói lại, lăn đi lăn lại vài lần cho cơm bám chặt vào lá, sau đó đem để nguội và chờ thưởng thức. Lúc này, các hạt cơm đã bám chặt vào nhau, quyện lẫn với mùi lá cọ, ngai ngái, thơm nồng. Khi cắt ra ăn, chấm với muối vừng, đơn giản thế thôi nhưng vẫn đem lại cảm giác lạ miệng, hấp dẫn chẳng thể nào kể xiết.

Ngoài cơm nắm lá cọ, nơi đây còn có món quả cọ ỏm, tằm cọ cũng rất đặc trưng. Nếu bạn đến đúng mùa, sẽ may mắn được nếm thử.

3.

Dù ai đi ngược về xuôi, nhớ ngày giỗ Tổ... - 4

Cũng là một loại thịt thính giống như nem chua Thanh Hóa, nem nắm Nam Định, nem Phùng, nhưng thịt chua Phú Thọ có sự khác biệt về hương vị.

Vốn là món ăn gốc của người Mường trên mảnh đất huyện Thanh Sơn, Phú Thọ nên thịt chua có cách làm khá đơn giản. Song, để có một lọ thịt chua hấp dẫn và đạt yêu cầu lại đỏi hỏi là cả một nghệ thuật chế biến. Đó là sự chọn lọc kỹ càng để có các nguyên liệu tốt nhất cũng như quy trình thực hiện chính xác. Tỉ lệ giữa phần thịt nạc và thịt mỡ có bì cũng cần được tính tỉ mỉ. Các gia vị cho vào phải rất thơm ngon. Thính rang vàng, thơm nức. Bởi thế, dù nhiều nơi cũng bắt chước làm nhưng chỉ ở Thanh Sơn – Phú Thọ người ta mới tìm được thứ hương vị thịt chua mà mình thích nhất.

Lá ổi sẽ được lót dưới cùng của một chiếc lọ rồi lèn thật chặt thịt sau khi đã trộn gia vị và thính vào trong. Sau đó lại thêm một vài lá ổi ở bên trên thịt. Lá ổi giúp cho thịt chua thơm hơn rất nhiều. Để nén chặt thịt bên trên, người ta gài chéo hai que tre.

Thịt chua ăn ngon nhất khi thưởng thức cùng với lá ổi, lá sung, đinh lăng, lá mơ tam thể, lộc vừng… Chỉ cần cho một miếng thịt chua thơm phức vào những chiếc lá này cuộn lại, chấm với tương ớt cay cay rồi thả vào miệng nhai chậm rãi. Đơn giản bấy nhiêu thôi mà thực khách có thể thưởng thức được bao nhiêu hương vị chua, ngọt của thịt, thơm của gia vị, và cả sức sáng tạo tài tình trong ẩm thực của con người.

4.

Dù ai đi ngược về xuôi, nhớ ngày giỗ Tổ... - 5

Nhiều người không biết rằng, rau của cây sắn tưởng chừng bỏ đi lại trở thành một món ăn đặc sản ở vùng đất Phú Thọ.

Để chế biến thành các món khác nhau, trước tiên rau sắn được hái về đem muối chua giống như bạn làm dưa cải vậy nhưng công đoạn có sự khác biệt. Những búp sắn non mập mạp còn nguyên lớp phấn mịn phía đầu chồi, hái về ngâm qua nước cho bớt nhựa rồi được vò nát. Người vò phải khéo léo làm sao cho lá sắn mềm, đều nguyên búp chứ không vụn thành từng đoạn.

Sau khi vò xong, trộn lá sắn với chút muối cho thêm vị đậm đà. Rau sắn sau khi đã trộn muối đem cho vào vại hoặc bình, để 4 đến 5 ngày ủ chua. Rau sắn muối có màu vàng đều, dậy mùi thơm hấp dẫn và tưởng chừng như dù có thưởng thức bất cứ món ngon nào cũng không thể quên hương vị món dưa sắn.

Từ thứ dưa rau sắn muối chua này, người ta có thể xào, nấu canh cá, làm nộm (gỏi), kho cá… Mỗi món ăn mang một hương vị thân thương của gia đình, của tình yêu quê hương của những người con xa quê khi nhớ về. Bao thực khách đến đây, dù sang trọng hay bình dân cũng đều bị thứ hương dưa sắn quyến rũ. Những bát canh cứ đầy lại vơi, những món xào chỉ hết trong nháy mắt… thật thích thú biết bao.

5.

Dù ai đi ngược về xuôi, nhớ ngày giỗ Tổ... - 6

Ngoài kỹ thuật trồng ra, có lẽ, bưởi Đoan Hùng còn ngon và nổi tiếng nhờ thiên nhiên ưu đãi, nằm trên khu vực ngã ba sông của con sông Lô và sông Chảy, quanh năm phù sa bồi đắp. Cùng những chất đất đặc biệt ở các khu vườn này. Chính vì thế, dù ai đó có cố gắng xin giống bưởi này về trồng thì hương vị cũng vẫn thua xa vài bậc.

Ở Đoan Hùng, bưởi của xã Chí Đám và Bằng Luân là ngon nhất. Chỉ một lần nếm miếng bưởi với tép bưởi trắng, mềm mọng nước và ngọt lịm, thơm ngây ngất khiến ta tưởng chừng như vị bưởi như đang tan vào tận ruột gan, da thịt.

Mộc Lan
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Ẩm thực Việt Nam