5 món nóng hổi, đậm đà sinh ra chỉ để dành cho những ngày trời lạnh

Minh Ngọc - Ngày 30/10/2021 09:41 AM (GMT+7)

Cuối tuần có thời gian rảnh chị em hãy nấu những món ngon và hấp dẫn này để cả nhà ăn cùng cơm nhé!

CHÂN GIÒ KHO ĐẬU NÀNH

Nguyên liệu: 

- 1 cái chân giò, 150g hạt đậu nành vừa đủ, hành lá, gừng, 4 miếng đường phèn, quế, 1 ít lá nguyệt quế, 4 muỗng nước tương, 2 muỗng hắc xì dầu, dầu ăn

Cách làm:

Làm sạch chân giò, rửa sạch rồi chặt thành từng khúc. Đậu nành khô có thể ngâm trước 1 tiếng.

Cho nước vào nồi, cho chân giò vào, thêm 1 thìa rượu nấu ăn, đun sôi khoảng 5 phút ở lửa vừa để máu thừa trong chân giò ra hết, sau đó hớt bọt. Việc luộc sơ và hớt bọt này giúp khử mùi hôi và tanh của chân giò. Sau đó cho các miếng chân giò ra, rửa sạch với nước ấm.

Đun nóng dầu ăn trong nồi, cho đường phèn đã nghiền nhỏ vào, vặn lửa vừa và nhỏ, đợi đến khi đường phèn tan ra, có màu hổ phách và bắt đầu nổi bọt. 

Đổ chân giò vào đảo cho đến khi đường bám đều vào và có màu sém vàng.

Lúc này, thêm lát gừng, hành lá, lá nguyệt quế, quế và các loại gia vị khác. Sau đó cho nước nóng vào, lượng nước không quá nhiều, chỉ xâm xấp chân giò.

Đổ nước tương và hắc xì dầu vào, bạn có thể điều chỉnh gia vị tùy theo khẩu vị gia đình cho vừa ăn. 

Cho đậu nành đã ngâm vào, đậy vung, đun sôi và vặn lửa vừa và nhỏ, đun khoảng 30-60 phút tùy theo sở thích ăn chân giò mềm đến mức nào. Nếu thích mềm hơn bạn có thể nấu thêm. Lúc gần được, hãy tăng lửa để nước cạn gần hết thì tắt bếp.

Chân giò kho hạt đậu nành không những mềm ngon, đậm đà lại có chút bùi bùi vô cùng ngon và bổ dưỡng!

5 món nóng hổi, đậm đà sinh ra chỉ để dành cho những ngày trời lạnh - 1

MÓNG GIÒ GIẢ CẦY

Nguyên liệu:

- Móng giò, riềng, mẻ, sả, mắm tôm, bột nghệ, gia vị

Cách làm

- Muốn làm món này ngon, trước tiên khâu chọn móng giò rất quan trọng. Nên chọn móng của con lợn vừa phải. Móng của lợn to quá sẽ bị cứng. Ngoài ra, nên chọn móng của chân giò trước của con lợn do chân trước hoạt động nhiều hơn chân sau vì thế có nhiều gân hơn. Điều đó đồng nghĩa thịt nó mỏng và ít hơn chân sau nhưng hương vị lại có chút tinh thế hơn, thanh hơn, ngọt và hơi giòn nên phù hợp làm món giả cầy.

- Bên cạnh đó, chân giò mua về nên đem đốt cho sém vàng chứ không nên rửa sạch rồi nấu ngay. Việc đốt cho sém như vậy vừa làm chân giò sạch lông hơn, thơm hơn và da cũng giòn hơn. Bạn có thể dùng đèn khò, đốt trên bếp ga, hay bọc giấy vào đốt. Nếu có rơm đốt thì tốt nhất.

- Sau khi đốt xong thì đem móng cạo, rửa lại cho sạch rồi chặt miếng bằng bao diêm.

- Riềng, sả băm nhỏ. Cho vào âu móng giò cùng với thịt cùng mắm tôm, mẻ, chút bột nghệ, chút muối trộn đều. Ướp trong vòng 30 đến 45 phút cho thịt ngấm gia vị. (Lưu ý, tùy khẩu vị mà điều chỉnh gia vị, có người thích cho mật mía, có nơi thì cho thêm tiết, có nơi không cho mẻ...).

- Sau khi ướp xong, cho móng giò vào nồi, bật bếp, đảo cho săn lại. Sau đó cho nước ngập 2/3 mặt móng giò, ninh đến khi chín mềm là xong.

 Như vậy đã có nồi giả cầy vừa mềm lại có chút dai dai thơm thơm để thưởng thức cùng cơm hoặc bún rồi! 

5 món nóng hổi, đậm đà sinh ra chỉ để dành cho những ngày trời lạnh - 2

SƯỜN KHO HẠT DẺ

Nguyên liệu:

- 300g sườn, 300g hạt dẻ (đã tách vỏ hoặc còn vỏ), gừng tỏi vừa đủ, 3 thìa nước tương, 1 thìa dầu hào, nửa thìa hắc xì dầu, nửa thìa muối, chút đường phèn, 1 muỗng canh rượu nấu ăn, 1 thìa nước tinh bột (1 thìa ăn phở nước hòa với 1 muỗng cà phê tinh bột)

Cách làm:

Chặt sườn thành từng miếng nhỏ, rửa sạch rồi ngâm nước khoảng 15 phút để ra bớt máu thừa, vớt sườn ra, để ráo.

Cho hạt dẻ vào nồi nước đun sôi khoảng 5-6 phút thì vớt hạt dẻ ra, rửa lại bằng nước lạnh cho đến khi phần lớp vỏ lụa bên ngoài hạt dẻ bong ra (hạt dẻ này đã được bóc vỏ trước đó). Để hạt dẻ ráo nước.

Cho một lượng dầu thích hợp vào nồi, cho hạt dẻ vào chiên sơ qua, có chỗ hơi sém vàng thì cho ra đĩa. Chiên như vậy giúp hạt dẻ có vị thơm hơn. 

Vẫn trong chảo đó, đổ sườn và gừng thái chỉ vào nồi xào, cho một ít mỡ vào xào cho đến khi sườn ngả màu và ráo nước.

Cho lượng nước nóng ngập 2/3 sườn, thêm nước tương, hắc xì dầu, đường phèn và một chút muối vào đun sôi, nêm nếm cho vừa miệng.

Đổ hạt dẻ mới chiên vào nồi, đậy nắp lại, đun sôi và chuyển sang lửa vừa - nhỏ và đun trong vòng 30 - 40 phút. Trong quá trình om xem nước trong nồi có cạn không, nếu cạn thì cho ngay nửa bát con nước nóng vào, phải ninh hạt dẻ đủ thời gian để hạt bùi và có vị thơm ngon.

Sau khi hạt dẻ mềm và có màu vàng đẹp, bạn đổ một ít nước tinh bột vào, đảo đều để nước sôi lên và sệt lại thì tắt bếp. Múc sườn kho hạt dẻ ra đĩa, ăn nóng với cơm.

Sườn kho hạt dẻ không chỉ thơm nức, mềm ngon lại quyện lẫn chút bùi bùi đặc trưng của hạt dẻ đảm bảo ai ăn cũng phải thích mê.

5 món nóng hổi, đậm đà sinh ra chỉ để dành cho những ngày trời lạnh - 3

VỊT OM BIA

Nguyên liệu:

- Nửa con vịt, 1 lon bia, 3 thìa nước tương, 1 hắc thìa xì dầu, gừng lượng vừa đủ, 2 bông hoa hồi, 1 lá nguyệt quế, 1 củ hành lá, 1 thìa rượu nấu ăn, 20 gam đường phèn, 1 cây tỏi tây.

Cách làm:

Chặt thịt vịt thành từng miếng, rửa dưới vòi nước để rửa sạch một phần máu thừa trong vịt. Sau đó cho vịt vào một nồi nước lạnh, thêm một ít rượu nấu ăn và 2 lát gừng vào nồi, nấu cho đến khi ra nhiều bọt do máu thừa tạo ra. Lúc này đổ bỏ nước, để vịt sang một bên.

Cho vịt đã ráo nước vào chảo xào sơ qua, xào cho đến khi bề mặt thịt vịt bắt đầu chuyển màu sém vàng, để khi om thịt vịt thơm hơn. Thêm chút xíu dầu ăn vào cũng được.

Xào cho đến khi thịt vịt se lại và săn chắc thì cho hoa hồi, lá nguyệt quế và các gia vị khác vào, thêm đường phèn, thêm chút ớt khô nếu thích ăn cay.

Không thêm nước mà đổ lon bia vào, lượng bia ngập trên thịt vịt, đổ nước tương và hắc xì dầu vào, đậy vung đun trên lửa lớn cho đến khi sôi. Sau đó chuyển sang lửa nhỏ đun trong 40 phút. Bạn có thể tự điều chỉnh thời gian tùy theo sở thích.

Lưu ý: Tốt nhất nên chọn loại bia có mùi thơm, không nên chọn loại bia có vị đắng đặc biệt. Sau khi rót bia vào sẽ nổi rất nhiều bọt, bạn đừng lo lắng, một lúc sau nó sẽ biến mất. Mặc dù dùng nhiều bia để làm món vịt om bia nhưng cồn sẽ bay hơi trong quá trình hầm nên khi ăn cuối cùng chỉ còn lại mùi thơm của bia, còn vị của bia thì sẽ không còn.

Hết thời gian, vặn lửa lớn để nước cốt cạn bớt và sệt lại. Cho tỏi tây thái nhỏ vào, đảo đều rồi tắt bếp.

Khi ăn, vừa nhâm nhi thịt, vừa rưới nước sốt lên cơm sẽ ngon vô cùng. Món thịt om bia không những đậm đà, thơm ngon, đặc biệt trôi cơm ai ăn cũng sẽ rất thích.

5 món nóng hổi, đậm đà sinh ra chỉ để dành cho những ngày trời lạnh - 4

THỊT BĂM NHỒI NẤM SỐT

Nguyên liệu:

- 16 cái nấm đông cô tươi (nấm hương tươi), 180 gam thịt lợn, 1 quả trứng, 2 thìa nước tương, 1 thìa cà phê muối, 1 thìa cà phê đường, 1 thìa cà phê tiêu, lượng gừng và hành lá vừa đủ, lượng nước tinh bột thích hợp (pha 1 thìa tinh bột với 1 thìa nước)

Cách làm:

Cho thịt nạc vào máy xay, xay nhỏ rồi cho thịt ra bát. Thêm hành lá băm nhỏ, nước tương, muối, đường, tiêu và trứng vào, đảo đều theo chiều kim đồng hồ cho đến khi thịt sền sệt và quánh lại.

Cắt bỏ chân nấm, rửa sạch, dùng tay bóp thịt băm thành những viên thịt rồi vào phần dưới mũ nấm, dùng ngón tay cái ấn nhẹ cho thịt bám chặt vào nấm. Lưu ý, khi chọn nấm đông cô, bạn phải chọn loại nấm tròn, dày, kích thước đều nhau thì thành phẩm mới đẹp mắt.

Làm tương tự cho đến hết. Sau đó xếp các phần nấm nhồi thịt vào một chiếc đĩa sâu lòng. 

Đun sôi nồi nước, cho đĩa nấm vào xửng hấp 10 phút là chín.

Cho nước tương, muối, đường và nước tinh bột vào một bát, khuấy đều. Sau đó cho vào nồi đun sôi, hơi sệt lại thì rưới nước sốt lên đĩa nấm và thưởng thức.

Món thịt nhồi nấm không những thơm ngon mà còn bổ dưỡng, vô cùng hấp dẫn. Nếu trẻ con nhà bạn chưa thích ăn nấm, bạn hãy thử làm theo cách này xem nhé!

5 món nóng hổi, đậm đà sinh ra chỉ để dành cho những ngày trời lạnh - 5

Chúc các bạn thành công!

Mực xào cần tỏi xưa rồi, nấu với loại quả chỉ để ăn sống này giòn ngon lại lạ miệng
Mực giòn mềm quyện lẫn với sốt gia vị vô cùng đậm đà, hấp dẫn, thơm nức, món này ăn với cơm trong trời se lạnh thì không còn gì tuyệt bằng.

Món xào ngon

Minh Ngọc (Tổng hợp)
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Món ngon mỗi ngày