Hình ảnh bánh mì xuất hiện trên giao diện trang chủ Google tại hơn 10 quốc gia, trong đó có Việt Nam, Mỹ, Canada, Nhật Bản, Australia, New Zealand, Áo, Thụy Sĩ, Singapore, Pháp...
Món bánh mì xuất hiện hầu hết các khu vực ăn uống ở Việt Nam, từ những hàng quán ăn đường phố đến các nhà hàng sang trọng và trở thành món ăn được yêu thích trên khắp thế giới.
Bánh mì không chỉ được các blogger du lịch nổi tiếng khen ngợi mà nhiều trang báo lớn nước ngoài cũng có không ít bài viết về món ăn quen thuộc này. Thậm chí, CNN từng gọi bánh mì Việt Nam là “loại sandwich ngon nhất thế giới”. Hay Traveller, trang du lịch uy tín của Australia, từng xếp bánh mì Việt vào trong top 10 món sandwich hấp dẫn nhất hành tinh.
Mới đây nhất, ngày 24/3, trên giao diện trang chủ Google tại hơn 10 quốc gia, trong đó có Việt Nam, Mỹ, Canada, Nhật Bản, Australia, New Zealand, Áo, Thụy Sĩ, Singapore, Pháp... xuất hiện những hình ảnh hoạt họa sinh động để tôn vinh bánh mì Việt Nam. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử "người khổng lồ" trong lĩnh vực công nghệ của Mỹ thiết kế Doodle nhằm kỷ niệm 9 năm ngày từ "banh mi" được thêm vào từ điển danh tiếng Oxford.
Hình ảnh bánh mì Việt Nam trên trang chủ Google.
Bánh mì vốn có xuất xứ từ món bánh baguette trứ danh của Pháp, thường được ăn cùng bơ, phô mai, mứt... Bằng cách sử dụng nguyên liệu Việt Nam thay cho hương vị châu Âu, bánh mì được bán trong những con hẻm Sài thành cuối thập niên 1950 lan ra miền Trung, miền Bắc và cả thế giới.
Phần nhân bánh không có công thức chuẩn mực rõ ràng mà được làm theo thói quen của từng vùng. Bánh mì Hà Nội chủ yếu dùng nhân thịt, bánh mì Hội An khá nhỏ còn nhân bánh mì Sài Gòn luôn đầy đặn, cay xè... Nhìn chung, món đồ ăn bình dân này có thể tìm thấy ở khắp các con phố với mức giá trung bình từ 15.000-40.000 đồng. Tuy nhiên, một số nhà hàng còn phục vụ bánh mì giá 100 USD với nguyên liệu đắt tiền như gan ngỗng, trứng cá muối...
Những loại bánh mỳ Việt Nam bạn nhất định phải thử 1 lần trong đời
Bánh mì thịt nướng (Sài Gòn)
Cắn một miếng bánh mì là bạn đã cảm nhận đầy đủ hương vị của Sài Gòn, món ăn pha trộn giữa ẩm thực Pháp và Việt. Chiếc bánh mì giòn là văn hóa Pháp, nhưng toàn bộ nhân ở trong gồm những miếng thịt nướng, lát dưa leo giòn tan, đồ chua, ngò và nước tương thơm phức thì đích thị là văn hóa Việt.
Một ổ bánh mì thịt nướng gồm 5 - 7 miếng thịt nướng vàng ươm, cùng với rau và đồ chua. Thịt có vị ngọt bởi có nêm đường và thơm mùi sả, tuy nhiên nó được cân bằng nhờ vào món đồ chua. Thứ độc đáo nhất của loại bánh mì này lại nằm ở thứ nước tương đặc biệt làm cho tất cả các nguyên liệu hòa quyện với nhau, tạo ra hương vị rất hài hòa.
Bánh mì chảo (Hà Nội)
Ngoài bánh mì kẹp biến tấu từ bánh mì Sài Gòn, bánh mì chảo ở Hà Nội cũng là món ngon độc đáo của đất Hà thành. Sở dĩ có cái tên như vậy bởi một phần ăn sẽ được dọn trên chảo gang – luôn luôn nóng rực – với đầy đủ pate, bít tết, trứng ốp la, cùng một ổ bánh mì giòn rụm. Lấy ý tưởng từ các suất bít tết kiểu Tây, nhưng thay vào đó, các hàng quán vỉa hè Hà Nội đã không chú trọng ở phần thịt bò đắt đỏ, mà đưa ổ bánh mì bình dân trở thành “ngôi sao” của đĩa ăn.
Bánh mì cay (Hải Phòng)
Phong trào bán bánh mì que ở Hải Phòng đã bắt đầu từ những năm 80, nghe nói xuất phát từ một quán nhỏ trong ngõ Khánh Lạp, gần Hàng Kênh, nay đã trở thành món ngon tên tuổi bán khắp phố phường đất cảng.
Bánh mì que còn được gọi là bánh mì cay, lấy từ vị loại tương ớt đặc biệt không thể thiếu khi ăn kèm nhân bánh nhưng cũng bởi hình dạng đặc biệt, to chỉ nhỉnh hơn đốt ngón tay, dài chừng hơn một gang tay mà người ta cũng quen miệng gọi chiếc bánh là bánh mì que. Hai cái tên đều giản dị, dễ gọi, dễ nhớ, dễ đi vào lòng người như chính hương vị của món ăn dân dã nơi hè phố ấy.
Linh hồn của bánh mì cay đến từ thứ nhân "nghèo nàn" nhưng người ta thường biết tới ấy là pate. Bánh mì cay Hải Phòng chỉ sử dụng loại nguyên liệu duy nhất là pate. Kì thực nếu là thứ bánh biến tấu thêm đủ thứ cầu kì, dù hình dạng không thay đổi nhưng ắt hẳn không phải là chiếc bánh mì que lừng lẫy đất cảng. Hầu hết các quán bán bánh mì cay có tên tuổi đều tự chế biến pate.
Thế nhưng, thứ quyết định, tạo nên tên gọi của món ăn lại nằm ở một loại tương ớt đặc biệt của người Hải Phòng mang tên chí chương. Cách gọi bắt nguồn từ tiếng của người gốc Hoa sinh sống lâu năm tại Hải Phòng. Từ đất cảng, chiếc bánh mì cay ngày nay đã du ngoạn khắp Bắc, Nam.
Bánh mì Hội An
Bánh mì Phượng
So với bánh mì ở những nơi khác, điểm đặc biệt của bánh mì Phượng có thể là 3 thứ: vỏ bánh mì, nước sốt và rau đi kèm. Tất cả kết hợp với nhau rất hài hòa và hợp lý. Nếu để ý kĩ, bạn sẽ nhận thấy rằng, vỏ bánh mì ở đây luôn giòn và cứng hơn so với bánh ở Hà Nội hay Sài Gòn. Đây cũng là điều cần thiết để bánh không bị nhũn nát khi rưới 3 loại nước sốt đặc biệt của quán. Bên cạnh đó, người ta còn ấn tượng với bánh mì Phượng là bởi bánh có rất nhiều rau ăn kèm: nào hành, nào mùi, nào húng... và còn cả một loại rau thơm rất đặc trưng của Hội An.
Bánh mì Madame Khánh
Phần nhân bánh của tiệm gồm hơn 10 loại nhân gồm: thịt quay, thịt nướng, trứng chiên, dưa góp, pate, phô mai, xốt, nộm... đều được chính tay bà Khánh làm rất tỉ mỉ, với những bí quyết tẩm ướp, chế biến của riêng bà. Đã hơn 80 tuổi nên bà Khánh thao tác làm bánh chậm rãi, thế nên với những ai quen ăn đồ "fast food" hoặc ít thời gian có lẽ không hợp để ngồi đợi bánh hoàn thành. Tuy nhiên nên đủ kiên nhẫn, bạn sẽ có một "phần thưởng" xứng đáng với sự chờ đợi của mình.
Bánh mì chả cá (Nha Trang)
Bánh mì Nha Trang nổi tiếng với công thức không một chút bơ nào, vỏ giòn và rỗng ruột còn hơn bánh mì Sài Gòn phiên bản gốc. Bánh mì ngon nổi tiếng nhất ở Nha Trang phải kể đến bánh mì chả cá đúng chất món ăn miền biển: chả cá làm từ nạc basa hay cá thu với chút gia vị, thái sợi vừa rồi chiên ngập dầu cho vàng rụm và thơm lừng, kẹp với bánh mì và rau dưa. Tương ớt cùng ớt tươi cùng được kết hợp nhằm làm tăng hương vị nồng ấm, đồng thời cũng át cái tanh của cá và làm dậy mùi thơm vô cùng.
Món bánh mì chả cá không chỉ phổ biến ở Nha Trang nói riêng mà còn ở các vùng biển nói chung, trong đó điển hình là Vũng Tàu.
Bánh mì xíu mại (Đà Lạt)
Bánh mì xíu mại đơn giản là một chén nước dùng trong veo với một ít váng mỡ cho cảm giác béo ngậy, vài cọng hành xanh bắt mắt.
Hầu hết xíu mại Đà Lạt được làm từ thịt quết khéo nên có độ dẻo dai vừa đủ, nêm nếm cũng vừa phải nên hương vị nhẹ nhàng. Nước xíu mại là nước dùng ninh từ xương heo quyện cùng vị ngọt thanh từ thịt nạc viên, thêm một chút hành lá cắt nhuyễn, khiến món ăn trở nên lôi cuốn từ hình thức đến hương vị.
Khi dùng xíu mại với bánh mì, thường người ta sẽ cho thêm một chút sa tế để tạo màu và vị cay cay. Thực khách có thể dùng kèm thêm chút giá, ngò hay tép mỡ phi giòn, bỏ vào chén khi còn nóng cho ngấm nước sốt rồi dùng sẽ rất thơm.
Bánh mì xíu (Huế)
Bánh mì xíu Huế có kích thước bằng với các loại bánh mì patê, bánh mì trứng mà bạn hay ăn. Chữ xíu ở đây gắn với món thịt kho xíu kiểu Huế. Đây là một kiểu kho thịt rất độc đáo với hương vị đậm đà, hơi cay, tép thịt dai và giòn chứ không bở như thịt kho tàu.
Món bánh mì xíu gồm một ổ bánh mì kẹp với thịt kho xíu, dưa leo, rau răm, rau mùi, nộm cà rốt đu đủ, tương ớt. Chỉ dung dị vậy thôi mà sao rất là đậm đà. Giờ đây ngay tại Huế người ta đã cho thêm nhiều nguyên liệu khác như giò, chả, patê… vào bánh mì.
Những chiếc bánh mì xíu Huế khiến người ta thèm thuồng.