Chè trôi nước liên hoa đẹp mắt, thơm ngon, dẻo ngọt lại ấm nóng vô cùng hấp dẫn để dâng hương Rằm tháng Giêng.
Vào Rằm tháng Giêng, ngoài việc chuẩn bị một mâm cỗ tươm tất để dâng lên tổ tiên, nhiều gia đình còn làm thêm món chè trôi nước. Món chè trôi nước không chỉ ngon, mà nó còn mang ý nghĩa nhất định. Những viên bánh trôi dẻo thơm, nhân bên trong có thể là đỗ xanh, đường hoặc vừng đen được đắm mình trong bát nước dùng dịu ngọt... chính là thể hiện ước mong mọi sự cả năm được trôi chảy như tên gọi của món bánh và hạnh phúc của gia đình cũng tròn đầy như hình dáng của viên bánh.
Trước đây chè trôi nước thường được nặn hình tròn, nhưng hiện tại nhiều người lại biến tấu, làm bánh thành hình hoa, hình con vật, hình quả... Dưới đây là món chè trôi nước hoa sen (chè trôi nước liên hoa) vô cùng đẹp mắt của chị Tạ Thùy Giang, các bạn có thể tham khảo nhé:
Chị Tạ Thùy Giang.
Nguyên liệu:
Phần bột vỏ:
- 200g bột nếp Thái.
- 100g đậu hũ non.
- 75g nước sôi.
Phần nhân đậu:
- 100g đậu xanh khô cà vỏ.
- 75g đường.
- 25g dầu ăn.
- 25g vừng trắng rang chín thơm.
Phần trân châu lạc:
- 100g bột năng.
- 20g đường.
- 80g nước sôi.
- 100g lạc rang chín xát bỏ vỏ.
Phần nước đường gừng:
- 500g nước.
- 150g đường vàng (hoặc đường phèn).
- 20g gừng thái sợi.
- 1 nhúm muối nhỏ.
Cách làm:
Bước 1: Làm nhân đậu
Đậu xanh đem ngâm mềm rồi cho vào nồi. Thêm nước xâm xấp mặt đậu xanh. Sau đó đem nấu chín bở tơi. Tiếp theo, cho đường và dầu ăn vào nồi đậu rồi xay cho đậu xanh nhuyễn mịn.
Cho đậu đã xay vào chảo, sên đến khi đậu róc chảo, gom thành khối dẻo mịn không dính tay.
Lấy nhân đậu ra trộn cùng vừng rang rồi vê thành các viên tròn nặng 20g.
Phần nhân nên chuẩn bị trước, gói kín bằng màng bọc thực phẩm đem bảo quản tủ mát được 3 ngày, tủ đông được 2 tháng để tiết kiệm thời gian làm.
Bước 2: Nhồi bột vỏ
Nhồi 100g bột nếp với nước sôi thành khối mịn, sau đó cho đậu hũ non và chỗ bột còn lại vào nhồi cùng đến khi thành khối dẻo mịn.
Bước 3: Pha màu
Đối với chè trôi nước liên hoa này chỉ cần 4 màu cơ bản: Xanh, vàng, hồng, trắng.
Pha màu lá sen và đài sen thì dùng màu xanh lá. Bạn có thể dùng màu tự nhiên từ lá dứa hoặc màu thực phẩm. Tùy theo màu sắc mong muốn mà bạn gia giảm màu vào cho phù hợp. Bánh sau khi luộc lên màu sẽ đậm hơn nên khi pha màu đừng pha đậm quá. Pha xong nhào nặn cho bột đều màu.
Pha một chút màu vào một ít bột trắng để làm nhụy hoa.
Pha màu hồng để làm cánh và nụ hoa.
Chia vỏ bánh từng viên 20g.
Bước 4: Tạo hình
Dùng khuôn silicon hình hoa sen để tạo hình.
Tạo hình sen màu trắng: Ấn dẹt bột vỏ trắng, cho nhân vào, bọc kín nhân.
Vê tròn viên bột cho thật mịn. Cho viên bột vàng làm nhụy hoa vào khuôn. Sau đó ấn viên bột trắng lên. Lưu ý viên bột trắng phải áo qua một lớp bột khô trước khi cho vào khuôn để chống dính. Ấn viên bột để viên bột dàn đều khắp khuôn. Sau đó tách bột ra khỏi luôn.
Làm tương tự với các khuôn đài sen, lá sen và nhụy sen.
Lưu ý: Với những bạn mới làm, chưa quen bọc nhân thì nên chia viên bột với tỷ lệ 15g nhân : 25g vỏ để tránh tình trạng bục nhân khi đóng khuôn hoặc khi luộc bánh.
Bước 5: Làm trân châu đậu phộng ăn kèm
Bột năng cho vào âu và đường trộn đều, cho nước sôi vào nhồi thành khối dẻo mịn. Sau đó chia thành viên nhỏ rồi cho lạc rang chín vào, vê tròn để bột bọc ngoài hạt lạc rang.
Cho các viên trân châu vào âu bột khô để trân châu được bám đều bột, rây sạch bột thừa.
Bước 6: Nấu nước đường
Cho đường, nước, đường thái sợi vào nồi nấu ở lửa vừa. Vừa đun vừa khuấy đến khi đường tan hoàn toàn, sôi nhẹ là đạt.
Bước 7: Luộc bánh
Đun sôi một nồi nước to, nước sôi lăn tăn thì thả các viên bột bánh vào để luộc.
Lưu ý chỉ để nước sôi lăn tăn, khi viên bánh nồi lên thì vớt ra, cho ngay vào âu nước lạnh.
Trình bày:
Cho các viên chè ra bát, múc nước đường lên, rắc vừng lạc rang vàng hoặc dừa nạo sợi để tăng thêm hương vị cho món chè.
Chúc các bạn thành công!