Cơm rượu nếp cẩm vị ngọt ngọt, thơm mùi men nhẹ rất dễ ăn. Hướng dẫn cách làm cơm rượu nếp cẩm ngọt ngon đơn giản tại nhà và cách ủ rượu nếp cẩm.
Cơm rượu nếp cẩm ủ thành rượu để uống rất tốt cho sức khỏe, phần cái có thể ăn cũng giàu vitamin và khoáng chất, giúp kích thích hệ tiêu hóa, kích thích ăn ngon, tốt cho hệ tim mạch. Cơm rượu nếp cẩm có vị chua nồng, cay ngọt của men và nếp cẩm rất thơm và dễ ăn. Rượu nếp cẩm chắt ra có màu đẹp mắt, uống một chút rất có lợi cho sức khỏe.
Bếp Eva hướng dẫn cách làm rượu nếp cẩm và cách làm cơm rượu nếp cẩm ăn vào ngày Tết Đoan Ngọ vừa ngọt, thơm lại dễ ăn.
1. Nguyên liệu nấu cơm rượu nếp cẩm
- 1 kg gạo nếp cẩm
- 3 quả men trấu (nếu làm vào mùa hè dùng 4 quả men)
- Lá chuối
- 2 - 3l rượu trắng nồng độ 40 - 50 độ
Lưu ý:
- Chọn gạo nếp cẩm ngon: Chọn gạo nếp cẩm nếp than có màu tím đặc trưng, bắt mắt, hạt nếp mẩy, dài. Để làm cơm rượu nếp hay rượu nếp cẩm ngon thì chọn gạo thu hoạch sau tối thiểu 3 tháng, gạo mới thu hoạch sẽ không cho cơm rượu hay rượu ngon.
- Chọn men rượu: Chọn men được làm thủ công từ bột gạo, cục men tròn, màu trắng, hơi phồng nhẹ, có mùi thơm đặc trưng, không bị mốc.
2. Cách làm cơm rượu nếp cẩm
Bước 1: Nấu cơm gạo nếp cẩm
- Gạo nếp cẩm ngâm nước lạnh 4 - 6 tiếng. Nhặt bỏ những hạt nổi, hạt trấu. Sau đó vo gạo sạch với nước sạch.
- Cho gạo vào nồi cơm điện, đổ nước ngập mặt gạo khoảng 1cm (nếp cẩm ngậm nhiều nước hơn so với nếp thường nên cần đổ nhiều nước hơn so với nấu cơm nếp bình thường). Cắm cơm nấu, khi nồi cơm sôi và nhảy về nút Warm thì để ủ cơm 15 phút cho cơm chín mềm, không bị nát, không cần bật lại nồi.
Bước 2: Trộn men với cơm gạo nếp cẩm
- Cho 3 cái men vào giã nhuyễn mịn, rây lại men để loại bỏ hết trấu và cặn.
- Lá chuối rửa sạch và lau khô. Trải lá chuối ra 1 mặt phẳng rồi cho cơm nếp cẩm vừa nấu ra tán đều để cơm nguội nhanh.
- Khi cơm nếp cẩm đã nguội, chỉ còn âm ấm, rây ½ men vào cơm và trộn đều. Sau đó rây ½ men còn lại vào, trộn đều lại 1 lần nữa. Trộn men 2 lần sẽ giúp men thấm đều vào cơm hơn.
Trộn men vào cơm khi cơm còn đang ấm ấm
Lưu ý: Không trộn men vào cơm khi cơm còn đang nóng quá, sẽ gây chết men.
Bước 3: Cách ủ cơm rượu nếp cẩm
- Lót 1 lớp lá chuối sạch vào xoong hoặc rổ. Cho cơm nếp cẩm đã trộn men vào, gói lại, để cơm rượu lên 1 cái bát và đặt vào nồi (không được để cơm chạm đáy nồi). Bọc ủ thật kín bằng các lớp vải. Ủ cơm rượu nếp 3 ngày (nếu làm vào mùa đông thì ủ 4 ngày).
Cơm rượu nếp cẩm ủ kín 3 ngày là có thể ăn được
Sau khi ủ nếp cẩm 3 - 4 ngày, mở ra sẽ thấy mùi thơm tự nhiên, mặt cơm hơi bóng là được, cơm rượu nếp mềm, ngọt, ngon. Cơm rượu nếp ủ xong 3 - 4 ngày là có thể lấy ra ăn được. Cơm mềm, ngọt, vị cay cay nồng nồng tự nhiên rất hấp dẫn.
Cơm rượu nếp cẩm bóng đẹp, ngọt thơm
Lưu ý: Không ủ cơm rượu nếp để ăn quá lâu, mùa hè chỉ cần ủ khoảng 3 ngày là có thể ăn được, mùa đông thì ủ 4 ngày là ăn được. Cơm rượu nếp ủ lâu quá ăn sẽ bị hăng, lên men nhiều vị cay nồng rất khó ăn và không còn ngọt.
3. Cách làm rượu nếp cẩm để uống
Cơm rượu nếp cẩm ủ 5 - 7 ngày sẽ lên men cay nồng là có thể dùng để ủ rượu nếp.
Bước 1: Chuẩn bị 1 hũ thủy tinh thật lớn, rửa sạch và lau thật khô.
Bước 2: Cho toàn bộ cơm rượu nếp đã ủ 5 ngày vào, phần nước chắt ra trong quá trình ủ cũng cho vào hũ thủy tinh. Sau đó cho thêm 2 - 3l rượu vào rồi đậy thật kín lại. Để ủ rượu khoảng 1 tháng là có thể uống được. Rượu nếp cẩm để càng lâu càng ngon.
Rượu nếp cẩm ủ xong có màu sắc đẹp mắt, rượu cay cay nhẹ, vị ngọt thanh, rất thơm và tốt cho sức khỏe.
Rượu nếp cẩm để uống màu sắc đẹp mắt, vị thơm ngọt dịu
Công dụng và cách ăn cơm rượu nếp, uống rượu nếp cẩm
- Cơm rượu nếp cẩm và rượu nếp cẩm có vị ngọt thanh mát, giàu vitamin B có tác dụng làm đẹp, giàu chất sắt ngừa thiếu sắt, ngăn ngừa đái tháo đường, bệnh tim mạch…
- Cơm rượu nếp cẩm sau khi lên men, 100g sẽ có chứa 170 calo, 1 ngày chỉ nên ăn 1 bát con nhỏ là đủ, không nên ăn quá nhiều.
- Rượu nếp cẩm 1 ngày uống 1 chén nhỏ sẽ tốt cho hệ tiêu hóa, lưu thông máu tốt hơn, không nên uống nhiều hơn.