2 cách làm cơm rượu ngon ngọt, không cay, ăn chẳng say cho chị em cúng Tết Đoan Ngọ

Ngày 05/06/2019 13:09 PM (GMT+7)

Để làm được món cơm rượu ngon ngọt, thơm nức, không cay cũng cần có bí quyết.

Tết Đoan Ngọ (5/5 âm lịch) vốn có nguồn gốc sâu xa từ Trung Quốc nhưng khi về nước ta, nó đã được Việt hóa, trở thành Tết “giết sâu bọ” và thờ cúng tổ tiên.

Theo tục lệ, vào ngày này mọi người phát động bắt sâu bọ, tiêu diệt bớt các loài gây hại cho cây trồng trên cánh đồng, trong đó nhiều loài sâu có thể ăn được và chúng được coi như là chất bổ dưỡng. Người ta tin rằng khi ăn món ăn đầu tiên trong ngày này thì sâu bọ, giun sán trong người sẽ bị chết hết.

Chính vì thế, hoa quả, bánh trái có nguồn gốc tự nhiên (những loại có vị chung là chua, cay, nóng...) là những đồ cúng không thể thiếu. Ngoài ra còn có các món ăn khác tùy theo tập quán của từng địa phương, khu vực.

2 cách làm cơm rượu ngon ngọt, không cay, ăn chẳng say cho chị em cúng Tết Đoan Ngọ - 1

Cơm rượu nếp là một trong những món không thể thiếu ngày Tết Đoan Ngọ

Một trong những món không thể thiếu ngày Tết Đoan Ngọ chính là cơm rượu nếp. Miền Bắc và miền Nam có cách làm cơm rượu nếp khác nhau, chị em có thể tham khảo dưới đây:

CƠM RƯỢU MIỀN NAM

Nguyên liệu:

- 500g gạo nếp

- lá chuối

- 6 viên men ngọt  nhỏ

- 1 chén nước muối

Cách làm:

- Lá chuối rửa sạch, để ráo, lau khô.

- Nếp vo sạch, để ráo. Nấu sôi 1 lít nước. Cho nếp và nước sôi vào nồi cơm điện, nấu chín thành cơm nếp.

- Xới cơm nếp ra khay, dàn thành lớp mỏng, để nguội.

- Giã nhuyễn men.

- Dùng lá chuối lót đáy và thành thố đựng.

- Khi cơm nếp nguội thì rây men đều lên mặt cơm nếp. Lưu ý là cơm nếp phải nguội, nếu cơm còn nóng thì men sẽ bị "chết", không thành rượu được.

- Chuẩn bị chén nước pha 1 muỗng cafe muối để thoa tay cho khỏi dính. Vắt cơm nếp trộn men thành từng viên nhỏ cho thật chặt tay, quấn lá chuối quanh viên cơm nếp, mình làm 2 viên cùng nhau như trong hình.

- Xếp viên cơm nếp vào thố thành từng lớp.

- Trên cùng đậy một lớp lá chuối.

- Đậy kín nắp thố, cho thố vào 2 lớp nilon buộc kín lại. Ủ trong 3-5 ngày thì được.

- Tùy chất lượng men và nhiệt độ mà thời gian ủ khác nhau. Sau 3 ngày các bạn có thể mở thố ra thăm chừng, mùi men rượu tỏa ra thơm, viên cơm rượu mềm hơn, nước rượu tiết ra ở lớp dưới thố và nếm thử xem độ nồng vừa chưa là được. Nếu chưa được chúng ta lại đậy lại để thêm 1-2 ngày nữa.

Lấy lá chuối ra bỏ, xếp các viên cơm rượu và nước rượu vào một thố khác, cho vào tủ lạnh để cơm rượu giữ vị ngọt nồng vừa phải, không tiếp tục lên men cay thì sẽ trữ được lâu hơn. Nếu thích vị ngọt hơn và nhiều nước hơn, có thể nấu ít nước đường, để nguội rồi chế vào thố cơm rượu.

Lưu ý:

- Cơm nếp nấu quá khô sẽ không tiết được nhiều nước rượu, quá nhão thì viên cơm rượu không được chắc, sẽ bị rã ra, độ "hút" nước của nếp cũ và mới khác nhau cũng ảnh hưởng đến việc canh nước nấu cơm nếm. Tuy nhiên mình thường nấu với tỷ lệ 1:1 như thế thì thấy cơm nếp vừa dẻo.

- Men có thể có độ lớn nhỏ khác nhau, các bạn có thể hỏi người bán thì sẽ mua được lượng men vừa đủ cho 1 kg nếp nhé.

- Cơm rượu kiểu miền Nam mềm hơn, khác với rượu nếp sần sật của miền Bắc, mỗi món mỗi vị đặc trưng riêng. Món này kết hợp với xôi vò ngon tuyệt.

2 cách làm cơm rượu ngon ngọt, không cay, ăn chẳng say cho chị em cúng Tết Đoan Ngọ - 2

CƠM RƯỢU KIỂU MIỀN BẮC

Nguyên liệu:

- Gạo nếp cẩm: 1 kg

- Men ngọt: 2 viên

- Đường, lá sen

Lưu ý:

- Cách chọn nếp cẩm: Hãy lựa chọn các hạt nếp to tròn đều nhau, không bị bể hoặc vỡ hạt để khi nấu, nếp sẽ không bị nhão. Bạn cũng nên mua những loại nếp còn chưa loại hết lớp vỏ trấu bên ngoài vì đây là lớp đem lại rất nhiều vitamin B cần thiết để tăng cân và phục hồi làn da.

- Cách chọn men ngon: Nên lựa chọn các viên men còn sáng màu và có hương thơm nhẹ vì đây là những loại men còn mới, chưa bị mốc ẩm. Bạn cũng nên cân bằng lượng men dùng khi ủ cơm rượu, cụ thể là cứ khoảng 1kg nếp sẽ dùng 1 viên men 50g.

Cách làm:

- Nếp cẩm vo sạch, ngâm qua đêm. Cho nếp vào nồi đồ chín. Khi nếp chín, cho ra mâm, chờ cơm nguội.

- Giã hoặc nghiền men nhuyễn.

- Chuẩn bị 1 nồi hấp to, lót một lớp lá sen rồi cho nếp cẩm đã chín vào.

- Cứ một lớp nếp cẩm lại 1 lớp lá sen xen kẽ. Sau đó cho men đã giã nhuyễn vào. Lưu ý, chỉ nên trộn men đã giã nhuyễn chung với cơm nếp khi cơm đã nguội, nếu không sẽ làm chết con men.

- Gói kín lá sen lại, đặt vào nơi kín gió, ủ khoảng 2 - 3 ngày vào mùa hè. Nếu muốn chua hơn và có độ cay nồng hơn, bạn có thể ủ thêm 1 – 2 ngày nữa nhưng tốt nhất không nên ủ quá 5 ngày vì có thể độ nồng của rượu sẽ khiến bạn khó chịu khi ăn. Khi ủ xong phần nước chảy xuống dưới pha cùng với chút đường, khi ăn rưới lên cơm rượu nếp cẩm.

2 cách làm cơm rượu ngon ngọt, không cay, ăn chẳng say cho chị em cúng Tết Đoan Ngọ - 3

Bạn có thể ăn cơm rượu nếp cẩm trộn cùng sữa chua cũng vô cùng hấp dẫn.

Vì sao người Việt lại ăn thịt vịt vào ngày Tết Đoan Ngọ?
Rượu nếp cẩm, mận, vải, bánh tro... là những thứ không thể thiếu trong ngày Tết Đoan Ngọ. Thế nhưng, ở nhiều địa phương, người ta còn ăn cả thịt vịt.
Minh Hằng (tổng hợp)
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Tết Đoan Ngọ