Quán chè Thái ở Hồ Đắc Di của chị Hồng dù nhỏ nhưng suốt 26 năm nay là nguồn mưu sinh cho cả gia đình chị. Nhờ nó mà chị có thể nuôi con đi du học thành tài.
Video quán chè Thái Lan 26 năm ở Hồ Đắc Di.
Mỗi chiều hè, các quán chè vẫn là điểm hẹn thân quen của biết bao người bởi nó là món ăn quen thuộc, giản dị, lại vô cùng thanh mát. Ở Hà Nội, đi đến đâu, bạn cũng có thể dễ dàng tìm thấy những quán chè ngon, hấp dẫn như chè thập cẩm, chè đỗ đen, chè sầu, chè sương sa hạt lựu,… và còn có rất nhiều món chè du nhập từ nước ngoài vào nữa nhưng phổ biến nhất vẫn là món chè Thái Lan.
Có thể nói, ẩm thực Thái Lan rất nổi tiếng về hương vị và hình thức. Chính vì thế, chè Thái khi du nhập vào Việt Nam rất được lòng mọi người, nhiều cửa hàng mở ra đều thu hút được đông đảo khách đến. Trong đó, quán chè Thái của vợ chồng chị Hồng (54 tuổi, ở ngõ 119 Hồ Đắc Di) luôn tấp nập khách suốt 26 năm nay.
Chị Hồng và hàng chè Thái Lan của mình.
Quán chè của chị Hồng nằm ngay trong chợ Nam Đồng trên ngõ 119 Hồ Đắc Di. Mặc dù có diện tích khá nhỏ chỉ khoảng chục m2 trong chợ nhưng quán khá sạch sẽ, lúc nào cũng đông khách.
Ở đây bán rất nhiều các loại chè như chè ngô, khoai, chuối, hạt lưu, sương sa giống như các quán chè khác nhưng nổi tiếng nhất, được mọi người gọi nhiều nhất vẫn là món chè Thái Lan, chè khoai môn Thái hoặc chè thập cẩm Thái bao gồm tất cả các vị chè ở trong đó.
Trong bát chè Thái thập cẩm có đầy đủ màu sắc của sợi dài màu xanh thơm lừng mùi hương lá nếp đặc trưng chè Thái, màu phớt hồng của những hạt sương sa, màu tím của khoai môn, màu vàng của chè ngô,… và màu trắng trong của nước cốt dừa được phủ lên trên.
Chè ăn không ngọt quá, ăn mát và rất thanh. Khi trộn tất cả những nguyên liệu lên thêm một chút đá, bạn sẽ được thưởng thực một bát chè Thái vô cùng tuyệt vời. Nước cốt dừa sáng mịn mà thơm, ngọt dịu vương lại một chút ở khoang miệng cùng với khoai môn mềm thơm, sương sa giòn, trân châu thạch thanh thanh, sợi xanh dậy mùi lá nếp.
Điểm cộng ở đây là nước đường được để chan riêng nên độ ngọt có thể dễ dàng điều chỉnh theo ý thích của mọi người. Thêm nữa, ngoài món "tủ" là chè Thái, ở quán còn có ngô, khoai, chuối, thập cẩm được bày tinh tươm trong những chiếc bát mạ bạc có họa tiết đặc trưng Thái Lan vô cùng bắt mắt. Và dù là chè Thái, chè Thái chuối hay thập cẩm giá cũng chỉ 20 ngàn cho một bát chè đầy ắp.
Theo chị Hồng – chủ quán cho biết, quán chè Thái của chị mở từ năm 1993. Mẹ chị là Việt kiều Thái học hỏi món ăn này ở xứ sở chùa Vàng rồi mang về Việt Nam bán. Hồi đó, chị 27 tuổi cứ phụ mẹ bán hàng mỗi ngày.
“Thời gian trôi qua nhanh quá, lúc âý con trai mới 5 tuổi vậy mà bây giờ đã hơn 30 rồi”, chị Hồng cười cho hay.
Chị Hồng theo mẹ bán chè Thái từ khi mới 27 tuổi.
Với những ai đến đây ăn lần đầu nên để ý quán của chị nằm sau một quán chè Thái nữa để kẻo bị vào nhầm lẫn.
Nhớ lại thời gian đầu bán món chè này, chị Hồng kể, ngày xưa món ăn này còn mới mẻ nên được mọi người khá ưa chuộng. Cứ tan học, từng tốp học sinh lại nườm nượp ghé vào quán, phục vụ không xuể. Sau này, nhiều người làm văn phòng cũng gọi mang về.
Thuở ấy, chè chỉ có giá 5 nghìn/bát mà mỗi ngày chị thu được 5 triệu, hôm đắt hàng còn kiếm được 7 triệu. Mấy năm gần đây, nhiều quán chè ở mặt đường mở với những loại chè mới, quán của chị cũng giảm lượng khách dần, chỉ còn những khách quen, thân thiết. Hiện nay, mỗi ngày chị chỉ kiếm được 2 triệu và một tháng, chị kiếm được hơn 60 triệu chưa trừ chi phí nguyên liệu, thuê nhân viên phục vụ.
Lá nếp nguyên liệu làm sợi dài màu xanh đặc trưng của chè Thái.
Sương sa giòn, mát.
Dù quán chè của chị Hồng nhỏ, chỉ nằm trong chợ, ấy vậy mà suốt 26 năm nay, nó là nguồn mưu sinh cho cả gia đình, giúp chị nuôi con ăn học, đi du học Đức thành tài đến nay. Để phục vụ lượng khách từ 8h-19h tối, ngày nào, chị Hồng cũng dậy từ 5h sáng để nấu chè. Xong xuôi chị phải bật quạt cho chè mát mới mang ra chợ bán.
“Trước mình phụ mẹ, qua năm tháng nấu cho mẹ có kinh nghiệm nên nấu được nhiều món chè như chè ngô, chè khoai, chè chuối,… Ngày xưa giá mỗi bát chỉ có 5 nghìn, sau lên dần 7 nghìn, 10 nghìn, 15 nghìn và 20 nghìn như bây giờ”, chị Hồng chia sẻ.
Nước cốt dừa giúp chè thơm, không bị ngọt quá.
Chia sẻ về công việc làm hàng chè của mình, chị Hồng tâm sự, rất nhiều người muốn xin học nghề nấu chè Thái của chị nhưng chị không truyền lại bởi chị sợ những người trẻ không thể tỉ mỉ, kỹ càng được như mình. Chị cũng không muốn đưa hàng cho người ta bán bởi chị sợ chè của mình mộc, không có chất bảo quản, không biết cách sẽ không giữ được trong thời tiết nắng nóng ở Hà Nội như thế này. Chính vì vậy, suốt 26 năm nay, chị cứ cần mẫn, chăm chút cho những nồi chè bằng tình yêu nghề, sự say mê, nấu đến đâu bán đến đấy.
Màu sắc bắt mắt trong bát chè Thái.
Tuy bát chè Thái của chị đơn giản chỉ là sợi Thái xanh, thêm ít hạt lựu đỏ hồng, trân châu tí hon, trân châu sợi trắng, muôi cốt dừa, tí đá bào nhưng khi ăn, ai nấy đều bị chinh phục bởi sự thơm ngon từ các nguyên liệu tự làm và sự thân thiện, nhiệt tình của chị với khách hàng.