Gỏi nhệch, bánh canh cá, bánh cuốn tôm, nộm sứa,.. là những món ngon dân dã, lạ miệng khiến thực khách say lòng khi đặt chân lên đất Thái Bình.
Về với quê lúa Thái Bình, người ta dễ bị "chết mê chết mệt" bởi bao nhiêu món ăn nhìn trông rất đơn giản, mộc mạc nhưng hương vị lại thơm ngon khó cưỡng.
Bánh canh cá Quỳnh Côi
Món canh cá Quỳnh Côi ngọt ngào, thanh mát, dân dã đậm hồn quê được xem là một trong những đặc sản Thái Bình hấp dẫn của những con người nơi đây. Nguyên liệu để làm món canh cá rất đơn giản, đều là sản vật từ chính những cánh đồng "quê lúa" như cá, rau, gạo,... nhưng lại có hương vị riêng hấp dẫn không nơi đâu có được.
Trước kia nguyên liệu cá trong món ăn được người Quỳnh Côi sử dụng là cá rô đồng béo vàng, thịt chắc bắt từ dưới ruộng lên. Xương cá, đầu cá được đem ninh nhừ cùng xương lợn để tạo vị ngọt trong cho nước dùng. Thịt cá được lọc riêng, tẩm ướp rồi rim cùng nước mắm ngon, hành, gừng, tiêu.
Ngày nay, rô đồng hiếm nên hàng quán có thể chọn cá quả hoặc cá trắm thay thế, ướp thêm bột nghệ để thịt cá có màu vàng bắt mắt, được nướng sơ rồi chiên giòn, tỏa ra mùi hương hấp dẫn khó cưỡng.
Bát bánh canh cá với những sợi bánh đa dai, trong, mỏng đặc biệt từ làng nghề tráng bánh đa cổ truyền ở Quỳnh Côi, có vị đậm đà thơm ngọt của miếng cá chắc nịch thơm mùi gừng nghệ, lại xanh ngắt tươi ngon màu của rau quê mùa nào thức nấy (mùa lạnh có rau cải, rau cần, mùa nóng là rau ngót, rau rút), vắt thêm chút quất, rưới thêm ít giấm tỏi, húp một miếng là thấy cả hương vị đồng quê Thái Bình trong đó.
Bánh cuốn tôm
"Bánh cuốn mà cuộn nhân tôm
Để ăn buổi sớm đến hôm lại thèm"
Bánh cuốn - đặc sản Thái Bình - của vùng biển Diêm Điền chẳng giống với bất kì nơi nào. Thay vì nhân thịt mộc nhĩ như các nơi khác, người Diêm Điền chỉ chọn tôm vàng có vỏ mỏng tanh như giấy bóng, thịt nhiều lại ngọt và thơm làm nhân bánh cuốn.
Vỏ bánh trắng tinh mịn màng, nhân tôm đỏ au quyến rũ, chấm cùng nước mắm tôm nguyên chất sắc vàng như mật ong của riêng biển Diêm Điền tạo nên món ăn làm say lòng biết bao du khách tới nơi đây.
Gỏi nhệch
Dân sành ăn vẫn truyền tai nhau, tới Thái Thụy, Thái Bình mà không thưởng thức gỏi nhệch thì xem như cả chuyến đi... công toi. Tại vùng biển Diêm Điền, Thái Thụy, Thái Bình, có tới hàng chục nhà hàng, quán ăn phục vụ món gỏi nhệch gia truyền.
Con nhệch mình dài, bụng trắng, trông tương tự như rắn, lươn hoặc chạch, sống được cả ở nước mặn lẫn nước ngọt, có thể chế biến thành nhiều món nhưng làm gỏi vẫn là ngon nhất. Nhệch càng nhỏ thì làm gỏi càng ngon vì xương mềm thịt mịn, và ngọt.
Nhệch được làm sạch, bỏ đầu đuôi, lóc xương, chỉ lấy phần mình đem thái lát mỏng, bóp với riềng giã nhỏ rồi trộn đều với thính gạo đã rang thơm, chanh, hạt tiêu xay. Gỏi nhệch được dùng kèm vơi các loại lá như vọng cách, đinh lăng, cúc tần, mùi tàu, húng quế, lá sắn, lá sung, lá si, hoa chuối, chuối tiêu xanh, khế quả, ớt…, chấm với nước chấm chua mặn ngọt.
Nhâm nhi từng miếng thịt gỏi nhệch cuộn trong các loại lá, chấm đẫm nước chấm, nhai thật kĩ sẽ cảm nhận được đủ hương vị ngọt, giòn, dai, thơm mát, chua, cay, đăng, chát, bùi, quả thực là cả tinh hoa Thái Bình được gói bên trong.
Nộm sứa
Nộm sứa cũng là một món ngon dễ ăn, giải nhiệt trong những ngày hè oi ả, níu chân du khách ghé thăm Thái Bình.
Nộm sứa - đặc sản Thái Bình - là sự kết hợp của những miếng thịt sứa trong veo, dai ngon giòn tan, quyện với vị đậm đà nước mắm cốt, ngầy ngậy của lạc, thơm dịu ngọt của dừa và một chút vị biển của mực khô, có thể thêm chút thịt bò, lợn hoặc gà mềm ngọt, cùng sự thanh mát của các loại rau thơm ăn kèm.
Bún bung
Bún bung khá phổ biến ở nhiều tỉnh phía Bắc, thành phần gồm có dọc mùng, mọc, chân giò,... Tuy nhiên, khác với các nơi, bún bung Thái Bình không ăn kèm dọc mùng mà thay bằng hoa chuối thái nhỏ.
Chính vị chan chát của hoa chuối khiến cho món bún bung Thái Bình có sự thanh mát, không bị ngấy. Bát bún đầy ắp thịt chân giò luộc, chả cuốn lá lốt hoặc lá xương sông, móng giò béo ngậy được chan ngập nước dùng, kèm hoa chuối thái nhỏ trộn dấm, rau muống chẻ, các loại rau thơm, thêm chút ớt cay xuýt xoa, ăn một lại muốn thêm hai.
Bánh cáy
Bánh cáy làng Nguyễn, xã Nguyên Xá, huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình xưa kia là đặc sản chuyên dùng để tiến vua. Ngày nay nó vẫn là niềm tự hào của người dân quê lúa mỗi khi làm quà giới thiệu tới bạn bè gần xa hay du khách tới thăm.
Nhiều người vẫn nhầm tưởng rằng bánh cáy - đặc sản Thái Bình - được làm từ con cáy nhưng thực tế, bánh được làm từ hạt nếp cái hoa vàng đem ngâm, trộn gấc đỏ đồ xôi, rồi ép dẻo, xắt hạt lựu lại đem phơi khô, có màu vàng giống trứng con cáy nên bánh có tên gọi là bánh cáy.
Trong tiết trời se se lạnh, nhâm nhi cốc trà xanh nóng, nếm miếng bánh cáy ngọt ngọt, bùi bùi, dẻo dai, cay cay vị gừng sẽ cảm thấy người ấm dạ, khoan khoái vô cùng.
Bánh nghệ
Chỉ riêng vùng đất Thái Bình mới loại bánh nghệ vàng ruộm, thơm bùi và dân dã. Gọi là bánh nghệ bởi nguyên liệu chính của bánh là gạo tẻ và nghệ vàng.
Nhân bánh được làm từ nước mắm, mỡ nước, tóp mỡ, thịt, hành khô, hạt tiêu, mộc nhĩ. Bánh ăn rất ngon khi còn nóng.
Ổi Bo
Đến Thái Bình, ngoài việc thưởng thức các món ăn mặn, ngọt hấp dẫn, đừng quên nếm thử loại trái cây mang hương vị đặc trưng vùng miền - ổi Bo.
Ổi thì vùng quê Bắc Bộ nào cũng có nhưng ổi Bo nổi tiếng hơn hẳn bởi đặc điểm cùi dày, ít hạt, hương thơm thanh mát, vị ngon giòn, ngọt đậm rất ưa miệng.