Sứa đỏ được coi là món ăn chơi cầu kỳ đất Hà thành không chỉ ở trong cách ăn mà còn trong cách thưởng thức để trọn hương vị.
Quả không sai khi nói Hà Nội là thiên đường ẩm thực bởi mỗi một mùa, Hà Nội đều khiến cho người ta nhớ thương với những món ăn mang đặc trưng riêng. Và cứ mỗi khi hè đến, những người sành ăn ở mảnh đất kinh kỳ lại nhớ đến món sứa đỏ mắm tôm Hải Phòng – Món ăn đặc trưng chỉ có từ tháng 2 đến tháng 6, 7 ở Hà Nội.
Người ta bảo rằng, muốn ăn sứa đỏ mắm tôm Hải Phòng ngon, chuẩn vị nhất phải đến Hàng Chiếu bởi nơi đây có gánh hàng rong gia truyền hơn 70 năm tuổi nổi tiếng ở phố cổ.
Sứa đỏ Hải Phòng - món ăn gọi hè về.
Chiều hè mát lịm với sứa đỏ mắm tôm
Mọi người bảo rằng sứa đỏ mắm tôm không phải là món ăn khởi sinh của mảnh đất Kinh kỳ, thế nhưng món ăn này du nhập từ Hải Phòng về cũng ngót nghét gần một thế kỷ. Điển hình có thể nhắc đến gánh hàng rong của cụ Gái ở phố Hàng Chiếu đã có tuổi đời hơn 70 năm.
Mặc dù không có cửa hàng, chỉ là một gánh hàng rong nhỏ, bày bán trên vỉa hè vài m2 nhưng nơi đây cứ độ tháng 3 về là lại tấp nập người ghé ăn từ 7h sáng đến 6h tối.
Cửa hàng của cụ Gái trên phố Hàng Chiếu mới bán sứa đỏ được 3-4 hôm nay.
Với những người lần đầu tiên có lẽ sẽ chần chừ khi nhìn thấy đĩa sứa đỏ au, đặc biệt đó lại là đồ tươi, chưa qua chế biến. Thế nhưng khi thưởng thức, dường như vị thanh mát, bùi bùi, lạ miệng khiến người ta quên đi cái chần chừ ban đầu.
Một suất sứa đỏ ở đây có giá 30 nghìn, ai muốn ăn thân mềm, mọng nước hay chân sứa dai dai giòn giòn đều có thể gọi riêng theo sở thích của mình.
Một suất sứa đỏ đầy đủ gồm một đĩa sữa, một đĩa đậu phụ nghệ nướng, cùi dừa, mắm tôm, rau tía tô, kinh giới và một lát chanh. Để ăn món sứa đỏ chuẩn vị nhất, đầu tiên mọi người phải vắt chanh vào mắm tôm rồi đánh bông lên. Sau đó chọn lá tía tô to nhất để làm thứ gói rồi xếp kinh giới, sứa, đậu phụ, dừa mỗi thứ một miếng lên. Khi đã đầy đủ, khéo léo cuốn vuông lá tía tô quanh thứ "nhân" kia rồi chấm vào bát mắm tôm.
Sứa đỏ là món ăn cầu kỳ của người Hà Nội.
Khi thưởng thức, mọi người sẽ cảm nhận được vị thanh mát, mọng nước, giòn từ sứa; vị béo, bùi, ngọt, mềm của đậu phụ nghệ, cùi dừa; vị thơm, thanh của rau tía tô, kinh giới quyện với vị đậm đà của mắm tôm.
Người ta bảo, sứa đỏ là món ăn chơi cầu kỳ nhất đất Hà Thành và là món cho những người sành ăn. Quả thực như vậy, sứa đỏ vốn không có vị, chính vì thế, những nguyên liệu phụ trợ mới là thứ đem lại hồn cốt cho món ăn. Ăn sứa đỏ phải đúng cách và phải đầy đủ nguyên liệu mới toát lên và tận hưởng được tất cả hương vị, độ ngon của món ăn độc đáo theo mùa này.
Đặc biệt, ngồi thưởng thức hương vị thanh mát của sứa đỏ nhìn ngắm ánh nắng chiếu qua những tán cây cổ thụ ngắm một Hà Nội chuyển mình vào hè thật thi vị biết bao.
Điểm trừ của quán là không gian khá nhỏ, nếu đến vào buổi trưa tầm 11-12h sẽ không có chỗ để xe.
Gánh sứa đỏ 70 năm nằm khép mình trong lòng Phố Cổ
Nhắc đến món sứa đỏ Hải Phòng, mọi người thường hay chỉ về con phố Hàng Chiếu với lời nhắn nhủ nhất định phải đến ăn một lần. Có lẽ sự đặc biệt về bà cụ hơn 90 tuổi từng gánh những mẹt sứa đi khắp các con phố qua những thăng trầm lịch sử Hà Nội và sự đặc biệt, giản dị trong món ăn ở đây đã khiến người ta luôn nhớ về.
Được biết, gánh hàng rong sứa đỏ Hải Phòng trên con phố Hàng Chiếu đã có từ thời “ông bà anh” với tuổi đời hơn 70 năm. Người đầu tiên làm nên tên tuổi của gánh hàng rong sứa đỏ trên con phố này chính là cụ Nguyễn Thị Gái. Mặc dù năm nay đã 92 tuổi, chuyển gánh hàng cho 2 người con gái Nguyễn Thị Minh và Nguyễn Thị Lập tiếp quản nhưng mỗi sáng cụ vẫn đều đặn ra bán nước, vui hưởng tuổi già.
Bao nhiêu năm nay quán vẫn bán trên vỉa hè trước ngõ vào nhà cụ Gái.
Cụ Gái bảo, gia đình nghèo khó, năm 19 tuổi cụ đã làm đủ thứ nghề để sinh sống từ bán sứa đỏ đến bán bánh khảo, bán măng. Đến bây giờ trong kí ức của cụ vẫn nhớ như in hình ảnh 5-6 người trong xóm tất bật quang gánh đi bán cùng mình khắp các con phố, sang Gia Lâm lấy sứa đỏ hay những ngày Hà Nội bị thả bom, cụ phải chạy bỏ cả quang gánh hàng, rồi những ngày bao cấp, mọi người vẫn còn lạ lẫm với món ăn này...
"Ngày xưa chỉ bán 5-7 hào thôi, các cụ già biết ăn, các cô trẻ thì không, chỉ bán một tiếng là hết bay hàng. Cả vốn chỉ có vài chục thôi", cụ Gái kể.
Trước kia cụ ngồi ở con số 62 về sau lui về đầu ngõ gia đình ở bán. Mặc dù diện tích nhỏ chỉ quanh gốc cây xà cừ, thế nhưng khách vẫn chấp nhận, nườm nượp đến ăn khi mùa sứa tới.
Mỗi ngày quán bán 3 thùng sứa đầy.
Tiếp lời cụ Gái, cô Nguyễn Thị Minh – con gái cụ chia sẻ thêm, cụ bán hàng đến năm 85 tuổi nghỉ và chuyển cho cô cùng chị tiếp quản. Tính đến nay, cô bán hàng đã được hơn chục năm.
Nói là vậy nhưng cô Minh bảo, cô đã đi bán cùng cụ Gái từ năm 13 tuổi và được cụ giao cho gánh riêng đi bán khắp các con phố Hà Nội. Những ngày còn trẻ, cô đã gánh những mẹt sứa đi từ Hàng Bè, ra Ngô Thì Nhậm, Nguyễn Công Trứ, Phố Huế vòng về bán.
“Tôi bán món sứa đỏ này cũng được hơn 40 năm rồi. Bây giờ giá sứa phải hơn triệu một gánh, tăng lên gấp 10 lần ngày xưa, giá cũng lên 1 đĩa 30 nghìn.
Trước tôi gánh rong đi từ 8h sáng đến 1h chiều bán xong mới về nhưng mùa sứa chỉ có từ tháng 2-7 là hết thôi”, cô Minh cho biết.
Những nguyên liệu đi kèm làm đẩy lên hương vị của món sứa đỏ.
Chia sẻ thêm, cô Minh cho biết, khi bắt sứa đỏ, phải ngâm vào thùng nước có sẵn rễ hoặc vỏ cây sú vẹt. Chất từ vỏ, rễ sú vẹt tiết ra giúp sứa không tan, tanh mà lại giòn sật và có thêm màu đỏ hấp dẫn. Để phục vụ khách hàng mỗi ngày, sau 6h tối dọn hàng, cô lại tất bật làm mắm tôm, sáng hôm sau dậy từ 3h đi chợ mua đậu, dừa, rau sống để bán hàng.
“Mắm tôm pha từ tối hôm trước, cầu kỳ hòa với mì chính, rượu nếp, đường theo theo bí quyết riêng, để qua đêm cho ngấm vị. Ai không ăn được mắm tôm có thể thay bằng gia vị bột canh, đường, mì chính. Ngày xưa mọi người ăn với lạc nhưng bây giờ nhiều người không quen nên ăn với đậu, cùi dừa.
Mỗi ngày gia đình tôi làm phải vài chục kg sứa, hơn 150 bìa đậu, mấy kg cùi dừa phục vụ khách. Điều quan trọng nhất trong món ăn này là ăn cho mát, tất cả mọi thứ đều làm ngon sạch sẽ thì món ăn sẽ ngon”, cô Minh chia sẻ.
Món sứa đỏ mắm tôm khiến nhiều người nhớ nao lòng.
Mặc dù nườm nượp khách đến ăn, mỗi ngày bán được 60-70kg sứa thế nhưng gánh hàng rong của cô cũng chỉ bán đến hết tháng 7 là chuyển sang bán bún đậu mắm tôm. Dẫu bán theo mùa nhưng cô Minh và chị gái vẫn cố gắng gìn giữ món ăn gia truyền này của mẹ, để mọi người có điểm dừng chân tận hưởng mỗi khi thèm nhớ món sứa đỏ Hải Phòng.