Theo dân gian, cứ đến ngày 23 tháng Chạp hàng năm, các gia đình lại cùng nhau làm mâm cỗ để tiễn ông Táo về trời.
Lễ vật cúng ông Công ông Táo 2019
Theo chuyên gia phong thủy Phạm Cương, lễ vật cúng ông Công ông Táo truyền thống và đầy đủ nhất là phải có bộ mũ ông Công ông Táo, mâm cỗ mặn và các lễ vật khác như đèn, hương, bánh kẹo, nến, lọ hoa tươi, tiền vàng và 3 con cá chép sống.
Trong đó, bộ mũ bao gồm hai chiếc mũ có cánh chuồn của táo ông (2 ông), một chiếc mũ không có cánh chuồn của táo bà. Ngoài ra, chuyên gia phong thủy Phạm Cương cũng nhấn mạnh rằng, màu sắc của bộ mũ này sẽ thay đổi theo ngũ hành. Các lễ vật này sẽ được "hóa" (đốt) sau khi gia chủ thực hiện xong lễ cúng.
Còn cá chép sống cũng sẽ được phóng sinh sau khi làm lễ cúng. Cá chép chính là phương tiện để các Táo ông, Táo bà di chuyển về trời.
Mũ ông Công ông Táo
Mâm cỗ cúng ông Công ông Táo chuẩn truyền thống gồm những gì?
Trước đây, mâm cỗ cúng ông Táo gồm rất nhiều món ăn truyền thống giống các món người dân ăn Tết. Một mâm cỗ mặn đầy đủ thường có:
- 1 con gà luộc hoặc 500g thịt vai luộc; 1 đĩa xào thập cẩm, 1 đĩa canh măng khô hoặc canh mọc (canh rau củ hầm...)
- 1 đĩa xôi gấc (hoặc xôi đỗ xanh...); 1 đĩa chè kho
- Hoa quả: 1 đĩa hoa quả; 1 quả bưởi
- Lễ vật đi kèm: 1 đĩa gạo, 1 đĩa muối, 1 lọ hoa cúc, 1 lọ hoa đào nhỏ, 1 ấm chè, 3 chén rượu, 1 tập tiền, vàng mã; 1 quả cau, 1 lá trầu
Một số mâm cỗ cúng ông Công ông Táo đơn giản
Nếu làm mâm cỗ cúng ông Táo truyền thống sẽ phải đầy đủ các lễ vật, mâm cỗ mặn như trên. Tuy nhiên, hiện nay, phần lớn các bà nội trợ đều bận việc ở văn phòng, không có nhiều thời gian để chuẩn bị lễ vật truyền thống đầy đủ như vậy. Do đó, mâm cỗ cúng ông Táo cũng đã được đơn giản hóa đi nhiều.
Các món ăn cũng không nhất thiết phải theo truyền thống, chỉ cần hương vị thơm ngon, đẹp mắt, nhưng vẫn thể hiện sự trang nghiêm trong ngày cúng ông Táo này là được. Dưới dây là một số mâm cỗ cúng ông công ông Táo đơn giản chị em tham khảo.
Mâm cỗ chỉ có gà luộc, súp lơ luộc, canh măng miến, canh khoai tây hầm xương, 2 con cá chép sống
Mâm cỗ gồm gà luộc, canh măng, giò lụa, nem rán, bánh chưng, rau xào, miến xào
Mâm cỗ ngon này gồm gà luộc, xôi gấc, chè ong, nộm, rau hấp, canh rau củ, bánh, hoa quả
Mâm cỗ gồm các món: Gà luộc, canh mọc, bánh chưng, gỏi, giò lụa, canh măng khô, xôi gấc hình cá chép, thịt đông, hoa quả
Mâm cỗ gồm: Gà luộc, xôi gấc, giò lụa, canh mọc, rau củ luộc, cá chép sống, cơm
Nên cúng ông Công ông Táo ở đâu?
Nhiều người cho rằng, cúng ông Công ông Táo phải cúng ở dưới bếp, vì các vị thần Táo này chuyên cai quản việc bếp núc. Tuy nhiên, theo chuyên gia phong thủy Phạm Cương, chỉ có gia đình nhà nào có ban thờ Táo quân riêng, để gần bếp thì mới cúng ở ban thờ này.
Còn gia đình nào không có ban thờ Táo quân riêng thì phải thực hiện lễ cúng ở ban thờ thần linh hoặc gia tiên. Vì từ xưa đến nay, ban thờ này luôn được coi là "ăn ten" để kết nối giữa hai thế giới âm và dương, giữa người trần và các vị thân linh.
Bài cúng ông Công ông Táo 23 tháng Chạp năm Kỷ Hợi chuẩn nhất
Nam mô A Di Đà Phật (3 lần)
Kính lạy ngài Đông trù tư mệnh Táo phủ thần quân.
Tín chủ chúng con là:................................................ Ngụ tại:........................................
Nhân ngày 23 tháng Chạp tín chủ chúng con thành tâm, sửa biện hương hoa phẩm vật xiêm hài áo mũ, nghi lễ cung trần, dâng lên trước án, dâng hiến tôn thần, đốt nén tâm hương dốc lòng bái thỉnh.
Chúng con kính mời:
Ngài Đông trù tư mệnh Táo phủ thần quân giáng lâm trước án thụ hưởng lễ vật.
Phỏng theo lệ cũ, ngài là vị chủ, ngũ tự gia thần, soi xét lòng trần, Táo quân chứng giám.
Trong năm sai phạm, các tội lỗi lầm, cúi xin tôn thần, gia ân châm chước. Ban lộc ban phước, phù hộ toàn gia, trai gái trẻ già, an ninh khang thái.
Giãi tấm lòng thành cúi xin chứng giám.
Cẩn cáo.
(Theo Văn khấn Nôm, Thượng tọa Thích Viên Thành)