Trên mâm cúng rằm tháng 7 của các gia đình chắc chắn không thể thiếu những món sau.
Rằm tháng 7 hàng năm cũng là ngày Vu lan báo hiếu, ngày Xá tội vong nhân. Trong Phật giáo, đây là ngày để con cháu hướng về tổ tiên, nguồn cội. Chính vì thế, vào rằm tháng 7, các gia đình sẽ sắm sửa lễ vật dâng cúng thần linh, gia tiên. Tùy vào điều kiện mà cúng các món chay, mặn khác nhau, tuy nhiên dù khó cỡ nào cũng phải có 3 lễ vật sau:
1. Xôi đỗ xanh
Theo ngũ hành, đỗ xanh (hay còn gọi là đậu xanh) biểu trưng cho yếu tố Mộc. Nó cũng mang ý nghĩa cầu mong sự bình an và gắn kết.
Trong khi đó, gạo nếp là biểu tượng của nền văn minh lúa nước. Cuộc sống của người Việt từ bao đời đều gắn với cây lúa, hạt gạo vì vậy nấu xôi (cơm nếp) là cách để con người cảm tạ trời đất đã cho một năm mưa thuận gió hòa để cây cối sinh sôi. Điều này cũng lí giải vì sao các loại xôi đỗ xanh, xôi gấc luôn góp mặt trong những mâm cúng ngày lễ, tết.
Cách nấu xôi đỗ xanh không khó, bạn có thể nấu xôi bằng nồi cơm điện nhưng hấp/đồ là ngon nhất.
- Đầu tiên, lựa chọn hạt gạo nếp tròn căng, không gãy nát. Đậu xanh có vỏ vàng tươi, sáng.
- Tiếp đến, bạn đem đãi gạo nếp thật sạch và ngâm khoảng 8 tiếng cho tới khi các hạt gạo hút đủ nước. Đậu xanh sẽ nhanh mềm hơn nên chỉ ngâm chừng 4 tiếng là đủ.
- Khi gạo đã ngâm xong, bạn đãi sạch 1 lần nữa rồi đem trộn chung cùng đậu xanh và vài hạt muối.
- Cho hỗn hợp đỗ, gạo vào xửng và đặt lên bếp hấp chín. Xôi muốn ngon phải đồ 2 lần lửa và thêm 1 chút mỡ gà.
- Xôi chín, bạn xơi ra khuôn hoặc đĩa là có thể đặt lên mâm cỗ cúng rằm tháng 7.
2. Gà luộc
Ngoài xôi đỗ xanh thì gà luộc cũng là món không thể thiếu trên mâm cỗ ngày rằm tháng 7. Thông thường, người ta sẽ chọn cúng gà trống. Bởi theo quan niệm của người Việt, gà gắn liền với mặt trời. Nó cũng là biểu tượng báo hiệu cho những điều mới mẻ. Một số quan điểm còn cho rằng, tiếng gáy của gà trống gắn liền với tiếng hát của các thần linh.
Nên chọn gà trống tơ để làm lễ vật. Khi mua bạn cần ưu tiên các con có mào đỏ, phần mỏ và chân vàng, lông mượt thì đó là gà ngon.
Gà này mua về làm sạch lông, lấy hết nội tạng bên trong, chà xát muối rồi rửa nhiều lần cho bớt tanh thì mang đi luộc. Tùy vào kích thước của gà mà thời gian luộc sẽ khác nhau. Tuy nhiên, để tránh cho gà bị nứt da, thịt nát, sau khi nồi gà luộc sôi bạn cho thêm bột nghệ rồi để 3 - 5 phút thì tắt bếp. Đậy vung và ủ gà chừng 5 - 10 phút nữa là có thể vớt ra bát nước lạnh.
Luộc gà kiểu này không chỉ phòng tình trạng nứt da mà còn giúp con gà có lớp da vàng đều, đẹp mắt hơn.
3. Trái cây
Trong quan niệm của Phật giáo, cúng trái cây tượng trưng cho nhân quả, bởi phải gieo nhân lành mới mang đến trái ngọt. Ngoài ra, khi bày ngũ quả, người ta thường bày cao là tượng trưng cho khao khát tìm quả lành, trái tốt.
Một số loại trái cây được bày nhiều trên mâm quả ngày rằm tháng 7 như:
- Chuối: Quả này tượng trưng cho sự sum vầy, đầm ấm. Bạn nên chọn những nải chuối tiêu có quả to, dài, hơi cong lên để cầu cho may mắn, sự bao bọc và chở che.
- Phật thủ: Ngày lễ nào trong năm thì phật thủ cũng là trái cây không thể thiếu. Quả này có hình dáng gần giống với bàn tay Phật, người ta bày lên với mong muốn được bề trên che chở cho cả gia đình.
- Lê: Tháng 7 đang vào mùa lê. Quả này có vỏ xanh hoặc vàng, vị ngọt thanh, nhiều nước. Người ta bày lên trên mâm ngũ quả để mong cầu mọi thứ suôn sẻ, hanh thông.
- Lựu: Quả này có rất nhiều hạt màu đỏ, nó tượng trưng cho con cháu đầy nhà. Khi mua lựu, bạn nên chọn những quả to, vỏ màu vàng hoặc đỏ, dáng quả tương đối tròn hoặc hơi vuông, nếu dễ dàng thấy hạt lựu hơi gồ lên thì đó là lựu ngon.
- Thanh long: Loại quả này vốn mang ý nghĩa cho sự phát tài vì thế bạn tuyệt đối đừng bỏ qua. Bạn nên ưu tiên những quả có cuống và các tai mềm, dùng tay nắn nhẹ sẽ thấy độ dẻo, màu vỏ tươi sáng.