Vào ngày 23 tháng Chạp hàng năm, dù bận bịu đến mấy, các gia đình cũng chuẩn bị mâm lễ cúng ông Công ông Táo để tiễn Táo quân về trời.
Ngày 23 tháng Chạp hay còn gọi là Tết ông Công ông Táo có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong văn hóa của người Việt. Vào dịp này, gia đình dù bận bịu đến mấy cũng cố gắng dành thời gian để chuẩn bị mâm lễ cúng ông Công ông Táo sao cho đủ đầy và thành kính nhất.
Năm nay, Tết ông Công ông Táo rơi vào thứ Sáu ngày 2/2/2024 dương lịch, tức ngày 23/12/2023 âm lịch. Vậy mâm lễ cúng ông Công ông Táo năm 2024 cần chuẩn bị những gì? Cùng Bếp Eva tìm hiểu ngay sau đây nhé.
Mâm lễ cúng ông Công ông Táo cần những gì?
Tùy vào điều kiện, hoàn cảnh của mỗi gia đình cũng như văn hóa của từng vùng miền mà mâm lễ cúng Táo quân sẽ chuẩn bị các lễ vật khác nhau. Có nơi dâng cúng lễ chay, cũng có vùng lại tất bật sửa soạn mâm cỗ mặn. Ngoài các món ăn chính thì mâm cúng ông Công ông Táo còn cần thêm hoa quả, cau trầu, tiền vàng và đặc biệt là cá chép.
1. Mâm cỗ cúng ông Công ông Táo của người miền Bắc
Thường trên mâm cỗ cúng của người miền Bắc sẽ gồm các món ăn quen thuộc, dễ nấu nhưng mang nhiều tầng ý nghĩa.
- Gà luộc
Thường người ta sẽ chuẩn bị gà trống tơ có mào đỏ. Đây được xem là biểu tượng của sự khởi đầu mới với những điều may mắn, tốt lành.
Gà trống sau khi mua về được làm sạch rồi đem luộc chín. Để da gà vàng ươm đẹp mắt bạn nên cho 1 chút bột nghệ vào nồi nước luộc. Khi nước ấm, bạn cho gà vào luộc chín, đợi nồi gà sôi khoảng 5 phút là có thể tắt bếp sau đó ủ thêm 15 phút để đảm bảo thịt gà đã chín hoàn toàn.
Lưu ý, trường hợp không có gà trống bạn nên thay bằng thịt lợn luộc nguyên miếng.
- Đĩa xào
Món xào trong mâm cỗ cúng Táo quân rất đa dạng. Bạn có thể nấu thịt bò xào, thịt lợn xào hoặc rau củ xào chay.
- Giò lụa hoặc nem rán
Trên mâm cỗ Tết của người Việt nhất là người miền Bắc nhất định phải có giò lụa hoặc nem rán. Hai món ăn này không chỉ ngon mà còn giúp mâm cỗ trông đẹp mắt hơn. Bạn có thể chọn 1 trong 2 hoặc cả 2 để tạo sự đa dạng, phong phú cho cỗ Tết.
- Canh
Có nhiều món canh để bạn lựa chọn ví dụ như: Canh xương rau củ, canh bóng bì hoặc canh mọc, canh măng khô…
- Xôi/bánh chưng
Mâm lễ cúng ông Công ông Táo thường sẽ bày thêm xôi gấc hoặc bánh chưng. Màu đỏ của xôi gấc tượng trưng cho sự may mắn, thịnh vượng cho gia chủ. Bánh chưng là sự biết ơn đất trời đã cho mưa thuận gió hoà, một năm mùa màng bội thu.
- Chè kho
Đây cũng là món ăn không thể thiếu trên mâm lễ cúng dâng Phật, gia tiên. Theo quan niệm của người Việt, chè kho là món ăn mong cầu cho sự sung túc, may mắn và ấm no. Bên cạnh đó, đây còn là biểu tượng của sự đoàn kết và sum vầy.
Ngoài mâm lễ cúng này, vào ngày Tết ông Công ông Táo gia chủ cũng cần sắm thêm bộ mũ ông Công. Trong bộ mũ này gồm 3 mũ áo, giầy là cúng ông Táo. Bộ mũ đơn, màu vàng là cúng ông Công. Thường mũ này có dáng hình cánh chuồn và được làm bằng giấy màu để mong cầu cho sự may mắn và thăng tiến.
Đặc biệt, trên mâm lễ cúng ông Công ông Táo cũng không thể thiếu 3 con cá chép đỏ. Đây là phương tiện đưa các Táo về chầu trời. Ngoài ra, tục thả cá chép cũng mang ý nghĩa nhân văn.
Nhìn chung, tuỳ vào điều kiện của mỗi gia đình mà lựa chọn sắm sửa mâm cỗ cúng ông Công ông Táo khác nhau. Ngoài các món chính vừa liệt kê ở trên, gia chủ cũng nên chuẩn bị thêm:
- Mâm ngũ quả tượng trưng cho sự hoà hợp của ngũ hành, biểu trưng của sự no đủ, sung túc.
- Bánh kẹo mang ý nghĩa của sự ngọt ngào và may mắn
- Rượu
- Tiền vàng mã
- Đĩa gạo
- Đĩa muối
2. Mâm lễ cúng ông Công ông Táo miền Trung
Giống như người miền Bắc, miền Trung rất coi trọng ngày Tết ông Công ông Táo. Trên mâm lễ này, gia chủ miền Trung vẫn chuẩn bị các món ăn như:
- Gà trống luộc
- Nem rán
- Giò lụa
- Xôi/bánh chưng
- Canh
- Tiền vàng
Tuy nhiên, người dân miền này sẽ không sử dụng bộ áo mũ cho Táo quân như thông thường. Thay vào đó, họ sẽ dâng cúng ngựa bằng giấy. Con ngựa này có đầy đủ yên cương và các trang bị khác. Ở một số tỉnh, mâm lễ cúng ông Công ông Táo còn dâng thêm cá ngừ hoặc cá thu.
3. Mâm lễ cúng ông Công ông Táo miền Nam
Nếu như người miền Bắc và miền Trung thường làm lễ cúng ông Công ông Táo vào trước 12h ngày 23 tháng Chạp thì người miền Nam lại cúng Táo quân vào buổi tối. Thông thường, thời gian làm lễ cúng sẽ trong khoảng từ 20 - 23h. Người ta cho rằng, việc dâng cúng ở thời điểm này sẽ không làm phiền các Táo.
Trên mâm lễ cúng của người miền Nam có nhiều sự khác biệt so với miền Bắc và miền Trung. Cụ thể:
- Gà luộc
- Nem
- Giò lụa
- Bánh tét
- Kiệu muối
Đặc biệt, trên mâm cỗ sẽ có kẹo vừng đen và đậu phộng (lạc). Người miền này cũng không cúng Táo quân bằng cá chép và bộ mũ áo như miền Bắc và miền Trung.