Để hưởng ứng phong trào "sống xanh, giảm nhựa", chị Xuân Liên đã thực hiện bằng nhiều việc đơn giản nhất, bắt đầu từ căn bếp của mình.
Mấy năm trở lại đây, trào lưu "sống xanh, giảm nhựa" đang ngày càng được nhiều người biết đến và ủng hộ với mục đích giảm rác thải ra môi trường, bảo vệ trái đất, đem lại không gian sống trong lành, tươi sạch hơn. Những thói quen sử dụng đồ nhựa, túi nilon... cũng được một số người hạn chế với mong muốn góp sức nhỏ bé của mình bảo vệ môi trường.
Chị Xuân Liên
Là một người phụ nữ của gia đình, một bà nội trợ đảm đang, thường xuyên nấu ăn nên chị Xuân Liên (30 tuổi, Đồng Nai) rất ý thức được việc có nhiều rác thải sau khi đi chợ và chế biến đồ ăn xong. Hơn thế, một lần tình cờ biết đến phong trào sống xanh, giảm nhựa qua một số diễn đàn mạng xã hội, từ đó chị đã tìm hiểu sâu hơn, đọc thêm nhiều sách báo để thực hành điều này. Chị rất muốn bản thân và gia đình sẽ tạo được một thói quen tốt, nhằm cứu lấy môi trường đang ngày càng bị ô nhiễm bởi rác thải, lan tỏa thông điệp sống xanh đến với mọi người xung quanh từ phạm vi nhỏ nhất bằng những hành động đơn giản nhất.
Chị tâm sự, bản thân hiểu nôm na việc giảm thiểu rác thải hàng ngày thông qua những biện pháp như refuse (từ chối), reduce (giảm), reuse (dùng lại), recyle (tái chế) và ROT (ủ phân).
Khi tìm hiểu kiến thức trên lý thuyết, bà mẹ đảm bắt đầu thực hành và liệt kê ra là rất nhiều hoạt động liên quan đến cuộc sống thường nhật, đặc biệt là trong việc đi chợ, nấu ăn, bảo quản thực phẩm.
Chị Xuân Liên cho rằng, bản thân dĩ nhiên không thể làm tốt và làm đủ hết tất cả vì thế mình bắt đầu từ những việc nhỏ nhặt như từ chối lấy túi nilon, hộp xốp, ly nhựa... khi mua thực phẩm; rồi dần dần chọn lọc ưu tiên chọn sản phẩm đóng gói giấy thay vì bọc màng nilon; hoặc dùng lại những loại hộp nhựa số 5, gom bán ve chai những loại nhựa có thể tái chế và cố gắng ủ phân cho tất cả rác thải nhà bếp để trồng rau, trồng hoa.
Chị Liên sử dụng làn và túi vải đi chợ
Đặc biệt, khi đi chợ, chị sử dụng làn và túi vải để hạn chế lấy túi nilon. Tuy nhiên, việc làm của chị không phải ai cũng hưởng ứng. "Mình thích xách giỏ đi chợ sớm, xách giỏ để khuân được thật nhiều rau củ vườn nhà người ta mà lại không phải lấy thêm bọc nilon. Cái chuyện không lấy bọc nilon, ở chợ cũng có người khen, kẻ bĩu môi bảo muối bỏ biển", 9X nói. Tuy nhiên chị không để tâm bởi việc của chị "là sống xanh" mà. Bên cạnh đó, chị cũng thấy vui vì nhiều hàng quán đã quen với việc mình không lấy bọc nilon và cổ vũ cũng khen ngợi chị rất nhiều.
Trong nấu ăn, chị bắt đầu việc giảm rác thải nhựa bắt đầu từ việc đi chợ và bảo quản thực phẩm. Bà mẹ đảm thường ưu tiên mua rau củ quả từ chợ, để tránh việc bị đóng gói sẵn hay quấn màng bọc nilon. Riêng thịt cá, để cầm về nhà cho sạch mà không phải dùng đến túi nilon, chị mang hộp theo để đựng.
Chị Liên sử dụng hộp nhựa an toàn đựng thực phẩm cho gọn tủ lạnh, hạn chế dùng hộp nhựa sử dụng 1 lần và túi nilon
Đến khâu bảo quản, trong nhà bà mẹ 9X luôn sẵn các hộp nhựa nguyên sinh, hộp thủy tinh để bảo quản thực phẩm trong tủ lạnh. Nếu như có quá nhiều rau củ cần trữ mát mà không đủ hộp, chị sẽ quấn bằng giấy.
Chị Xuân Liên tâm sự, việc áp dụng sống xanh, giảm nhựa đã trở thành thói quen của bản thân. Chị cũng sẽ rất khỏ chịu khi mình hay người nhà mang túi nilon về khi không thực sự cần thiết. Rất may, chồng và các chị cũng cùng quan điểm và ủng hộ điều này.
Chị tâm niệm, nếu các chị em phụ nức cũng là một người nội trợ như mình, thì chị mong muốn mọi người hãy cùng nhau bắt tay vào hồi đáp lối sống xanh càng sớm càng tốt, môi trường sống quanh chúng ta không thể chờ lâu hơn nữa.
Tất cả đều được chỉ phân loại rất gọn gàng trong các hộp nhựa an toàn
"Mình chỉ là một người mẹ toàn thời gian, mình không có tài năng gì đặc biệt, điều mình nói có thể không truyền cảm hứng. Vì thế, mình lắng nghe từ mọi nguồn và thực hành giảm thiểu rác thải mỗi ngày. Mình có thể không làm nên gì to tát, nhưng lối sống tạo nên thói quen, và con của mình sẽ học hỏi điều đó... Và thế hệ sau sẽ khác", chị Liên nói.
Bà mẹ 30 tuổi khẳng định, việc thực hiện giảm thiểu rác thải không hề ảnh hưởng gì đến chất lượng cuộc sống của chị cũng như gia đình. Mà ngược lại, khi tìm hiểu về vấn đề cốt lõi, chị có thêm kiến thức để bảo vệ sức khỏe bản thân và gia đình.
Tủ lạnh nhà chị được sắp xếp gọn gàng, ngăn nắp
Việc sống xanh giúp cho 9X tự thấy thanh thản, không mắc lỗi với môi trường. Với chị, Mẹ Thiên Nhiên đã và đang nuôi dưỡng sự sống trên trái đất, nên dù là nhỏ, bà mẹ đảm vẫn muốn chung tay bảo vệ môi trường. Chị mong mỏi, mỗi người một ít, cùng nhau thực hành giảm nhựa và rác thải để trái đất thêm xanh.
Qua đây, chị Xuân Liên còn gợi ý những hoạt động vô cùng đơn giản mà bản thân đã thực hiện thành công khi thực hiện lối sống xanh, giảm nhựa ngay từ trong bếp của mình:
Những bữa cơm tươi mát thơm ngon của gia đình chị Xuân Liên
1. Kiểm soát đầu vào của rác thải
Từ chối nhận bọc nilon hay hộp nhựa dùng 1 lần nếu không thật sự cần thiết. Thay vào đó, có thể chuẩn bị:
- Hộp chất liệu an toàn để đựng những món đồ ướt, thực phẩm sống, thực phẩm ăn liền, thức ăn mang đi...
- Giỏ hay túi cói để đi chợ mua đa dạng các loại rau, củ, quả.
- Túi vải (tiện vì có thể xếp gọn và để sẵn trong cốp xe) để đựng khi mua các loại tạp hóa, hóa mỹ phẩm.
- Túi zip để đựng các loại đồ khô, sợi khô như bún gạo, mì vàng, nui, miến... Thường các loại này trong siêu thị sẽ đóng gói nilon, nhưng nếu mua ở hàng tạp hóa chợ, có thể chọn mua hàng quê theo kg và từ chối lấy thêm bọc nilon.
- Cốp xe, túi áo, túi xách... hoặc nếu có thể thì cầm luôn trên tay nếu lỡ như quên không chuẩn bị giỏ/túi.
Thực ra, hộp, giỏ, túi vải/túi zip đều có thời hạn sử dụng nhưng vòng đời của nó dài hơn cái bọc nilon, nên chị Xuân Liên ưu tiên chọn.
Giảm việc nhận bọc nilon hay hộp nhựa dùng 1 lần bằng một số gợi ý như:
- Chọn chai/lọ thủy tinh thay vì nhựa PET khi mua các thực phẩm đóng chai như mắm, dầu, tương...
- Nếu chỉ có lựa chọn nhựa PET thì nên chọn chai/lọ dung tích lớn, rồi có thể chiết ra chai/lọ nhỏ dùng dần, để hạn chế thải nhiều vỏ nhựa.
- Có thể chọn mua mặt hàng quê theo kg, theo lít như sợi khô, bột, mắm... và mang theo dụng cụ cá nhân để chứa/đựng.
- Nếu có thể, (cái này tùy lựa chọn mỗi người), hạn chế luôn các loại thực phẩm đóng gói nilon nhỏ như trà, cà phê, mì gói... và thay bằng loại truyền thống.
2. Kiểm soát đầu ra của rác thải
- Tái sử dụng chai/lọ thủy tinh và hộp nhựa an toàn (nhựa số 2, 4, 5 - thông tin này chị tham khảo trong sách của bác sĩ Anh Nguyễn). Rửa sạch và dùng các loại chai/lọ/hộp này cho các nhu cầu khác của gia đình.
- Các loại nhựa PET và nhựa đựng hóa mỹ phẩm không nên tái sử dụng cho thực phẩm thì có thể mang đi trồng cây, cũng rất xinh xắn. Hoặc dùng để đựng đồ linh tinh, sắp xếp/phân loại đồ dùng trong nhà cũng rất gọn gàng.
- Có các tổ chức đứng ra thu gom nhựa PET, hộp sữa và một số loại khác để tái sử dụng cho các dự án môi trường.
- Phân loại rác và tái chế (bán ve chai).
- Rác hữu cơ như xác rau, vỏ củ quả... thì để trồng cây, trồng rau. Còn cơm, canh thừa thì để phần gà, vịt.
- Rác nhựa, giấy, thủy tinh chị để riêng thành 3 loại như vậy và khuyến khích con gái 4 tuổi gom bán ve chai, lên kế hoạch sử dụng số tiền ấy.
- Phân loại đến đây thì lượng rác thải ra ngoài đã giảm được rất nhiều rồi.