Tuy thời gian sống ở Đức nhiều hơn ở Việt Nam nhưng hương vị của những món ăn quê hương đã ngấm sâu vào trong chị, để sau 30 năm xa xứ, nó vẫn là một phần lớn không thể thiếu trong cuộc đời chị Kim Dung.
Sinh ra và lớn lên ở TP HCM, nhưng đến khi 21 tuổi, chị Kim Dung đã cùng chồng định cư ở thành phố Siegen, Đức. Ở nơi xa xứ 30 năm nhưng chưa khi nào chị Kim Dung quên đi hương vị đậm đà của những món ăn Việt Nam.
Thành phố Siegen qua lời miêu tả của chị Kim Dung rất đẹp và thơ mộng. Có lẽ chính phong cảnh thiên nhiên bình yên ấy đã khiến con người chị trở nên lắng đọng và thăng hoa hơn trong những sở thích như nấu ăn, làm bánh, trồng cây.... Bà mẹ đảm cho biết, đam mê này của chị được thừa hưởng từ mẹ. Bà là người nấu ăn rất ngon và kỹ tính. Mẹ chị luôn kỹ càng từ khâu chọn nguyên liệu, xử lý và kỹ thuật làm thế nào để chế biến món từ dân dã thành món ngon ăn một lần là nhớ mãi.
Thời điểm chị sang Đức sống vào mùa thu năm 1990. Khi mới sang nơi này, chị không biết nấu nướng. Nhưng sau khi sinh con đầu lòng chị bắt đầu tập tành vào bếp. Có lẽ do từ nhỏ được thưởng thức nhiều món ngon, theo tiêu chí của mẹ chị là "ăn ít thôi nhưng phải ngon". Cộng thêm hồi đó sau giờ học hoặc trong kỳ nghỉ hè, chị cũng hay vào bếp giúp mẹ, được mẹ giải thích cặn kẽ phương pháp và cách nấu, nên chị đã không mất quá nhiều thời gian để có thể làm ra được món ngon cho chồng con thưởng thức.
"Mình cũng có học một số món Âu, thỉnh thoảng cũng nấu cho gia đình thưởng thức, nhưng phần lớn mình và gia đình thích món Á hơn, nhất là món Việt Nam. Ngay cả một số người Đức hay người nước ngoài cũng nhận định, sau khi thưởng thức món Á xong thì không muốn ăn lại món Âu nữa", chị Kim Dung tâm sự.
Những năm đầu xa xứ, để tìm mua được thực phẩm châu Á, đặc biệt là đồ Việt Nam rất khó, được thứ nọ lại thiếu đồ kia. Thế nhưng dần dần mọi thứ thay đổi, cho đến hiện tại thì điều này lại trở nên dễ dàng hơn rất nhiều. Thành phố nào cũng có vài tiệm bán đồ Châu Á, hoặc chị cũng có thể đặt hàng online bất cứ lúc nào cần.
Hiện tại gia đình chị Kim Dung có 4 người. Điều đặc biệt, sở thích ăn uống của cả nhà rất giống nhau nên chị vào bếp vô cùng dễ dàng. "Vài năm nay 2 con lớn đi học xa, con gái thì cuối tuần mới về. Mỗi lần con về thì mình nấu những món đặt sản Việt Nam mà con thích. Mỗi lần đi thăm gia đình em gái, mình cũng hay nấu vài món mang theo, em và các cháu rất thích nên mình cũng rất vui", chị Kim Dung cho biết.
Với bà mẹ đảm, tiêu chí vào bếp lúc nào cũng phải là cân bằng dinh dưỡng. Với các loại thịt luôn phải nhiều nạc, ít mỡ. Ngoài ra, chị còn nấu xen kẽ các loại cá có nhiều omega 3 để bổ sung dưỡng chất cho gia đình. Đặc biệt, trong bữa cơm chị còn chế biến nhiều món từ rau xanh, củ quả và giảm lượng muối tốt cho cơ thể.
Ngoài bữa cơm hàng ngày chị cũng hay làm những món để dùng cho tiệc tùng hoặc sinh nhật, cưới hỏi, hay bún, phở, miến và đồ ăn vặt cho gia đình. Mỗi lần nghe con nói, "ăn đồ mẹ nấu xong ra ngoài ăn không được, cá kho mẹ kho bằng nước dừa, ăn rất ngon. Đi ăn chỗ khác cũng ăn được nhưng không ngon", thì bao nhiêu cực nhọc trong chị cũng tiêu tan.
Tuy thời gian sống ở Đức nhiều hơn ở Việt Nam nhưng hương vị của những món ăn quê hương đã ngấm sâu vào trong chị, để sau 30 năm xa xứ, nó vẫn là một phần lớn không thể thiếu trong cuộc đời chị. Chị cũng luôn muốn các con biết nhiều về nguồn cội vì thế, dù các con sinh ra ở Đức nhưng mỗi khi trên bàn ăn chị hay kể hoặc giải thích với con về các món ăn hay những phong tục tập quán của Việt Nam hoặc của gia đình nội ngoại. Nhờ thế, con chị rất thích về Việt Nam. Chị luôn cảm thấy, bữa cơm gia đình, những câu chuyện về ẩm thực rất quan trọng, đem lại cảm giác thân thương và ấm cúng vô cùng.
Chị kể, hàng năm bắt đầu từ tháng 12 thì thời tiết Âu Châu rất lạnh, chiều 16:00 giờ là trời sụp tối. Tuy nhiên thời tiết bây giờ có thay đổi lớn, ấm hơn so với những năm về trước. Vào ngày Tết Dương lịch ở Đức mọi người làm việc nửa ngày, nửa ngày còn lại chuẩn bị cho bữa tiệc gia đình hoặc chuẩn bị món ngon mang đến địa điểm người Việt trong thành phố cùng chung vui với nhau, cùng nhau vui Tết đầu năm, tay bắt mặt mừng chúc nhau sức khỏe và bình an.
Trước khi dịch COVID-19 xuất hiện, khoảnh khắc sắp giao thừa ở đây thời tiết âm độ nên vừa lạnh vừa run, nhưng với chị rất vui. "Có những năm mình tranh thủ chạy 450km đi đến thành phố cảng Hamburg thăm em gái và đón giao thừa ở đó. Mặc dù dưới thời tiết lạnh cắt da, nhưng dân thành phố và khách du lịch từ chiều là đã tụ tập quanh bờ hồ lớn để cùng đón giao thừa, xem những màn pháo hoa đủ màu đủ loại cùng tiếng pháo nổ vang trời, phải nói là đẹp tuyệt vời. Hòa trong tiếng pháo là những câu chúc mừng năm mới, những cái ôm ấm áp, những cái bắt tay thân thương... phải nói là phút ấm lòng người con xa xứ", chị nói.
Thế nhưng, Tết Dương lịch năm nay theo lệnh của chính phủ Đức khuyên ai ở nhà nấy, nhằm tránh cho dịch COVID - 19 lây lan rộng hơn, chị Kim Dung cho biết, bản thân sẽ chuẩn bị nấu một bữa tiệc nhỏ gồm 8 món cho gia đình thưởng thức và cũng sẽ có vài mẫu chuyện nhỏ về ẩm thực Việt Nam kể cho con nghe. Cứ như thế, cuộc sống cũng trở nên lắng lại, yên bình hơn trước khoảnh khắc bước sang năm mới.
"Bước sang năm mới 2021, mình kính chúc bà con Kiều bào và bà con trong nước đón năm mới vui vẻ và bình an, sức khỏe dồi dào mọi sự đều hanh thông và hạnh phúc", chị Kim Dung hạnh phúc chia sẻ.