Bánh ngọt Nhật - Wagashi là loại bánh thơm ngon, tinh tế, hoàn hảo như những tác phẩm nghệ thuật tuyệt đỉnh của người Nhật.
Bánh Wagashi (bánh ngọt Nhật Bản) đã từ lâu được ví như một nét tinh hoa đầy nghệ thuật và quyến rũ của nền ẩm thực xứ Phù Tang. Niềm tự hào về bánh Wagashi của người Nhật được tái hiện một cách khá chân thực, sâu sắc thông qua bộ phim truyền hình dài tập Asuka. Khán giả màn ảnh nhỏ Việt Nam từng được làm quen với bộ phim hấp dẫn này cách đây gần chục năm.
Sự đa dạng của bánh wagashi - niềm tự hào của ẩm thực Nhật Bản
“Wa” có nghĩa là Nhật Bản, còn “gashi” – điệp âm của "kashi" – mang ý nghĩa bánh ngọt. Wagashi xuất hiện từ thời Yayoi (300 TCN – 300), nhưng khi đó chúng không khác gì với các loại quả, dâu và các hạt tự nhiên.
Sau một thời kì dài hình thành và phát triển, đến cuối kỷ nguyên Muromachi (1336-1573), khi Nhật Bản mở cửa giao thương với nước ngoài, cách chế biến Wagashi lại bị ảnh hưởng bởi công thức và các thành phần nguyên liệu du nhập từ Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha.
Wagashi đã từng là món ăn chỉ dành cho giới thượng lưu ở Nhật
Đến cuối thời Taisho (1912-1926), từ “Wagashi” mới hình thành để phân biệt với các loại bánh Tây khác. Mặc dù bị ảnh hưởng bởi nhiều nền văn hoá ngoại lai trong nhiều thế kỷ nhưng Wagashi vẫn luôn mang trong mình ý thức nghệ thuật của dân tộc Nhật.
Thưởng thức bánh Wagashi không chỉ để no mà còn để thực khách thỏa mãn 5 giác quan của mình. Yếu tố mỹ học được đặt lên hàng đầu, nói không ngoa, chúng ta có thể ví Wagashi giống như một kiệt tác nghệ thuật thu nhỏ mà người thợ bánh Nhật sáng tạo ra.
Mỗi chiếc Wagashi đều được ví như một tiểu vũ trụ tổng hòa những yếu tố tươi đẹp trong đất trời: Bột bánh thường được nhuộm màu theo các mùa trong năm, hình dạng bánh đa dạng tương ứng với các hình ảnh thiên nhiên (hoa anh đào, hoa mơ, lá phong, bông tuyết...) và đặc biệt là nhân bánh từ đậu đỏ tượng trưng cho con người đứng ở trung tâm.
Khách ẩm thực dễ dàng cảm nhận được hương vị 4 mùa hòa quyện trong bánh Wagashi
Hoa, lá, cỏ, cây.. cảm hứng vô tận của thợ bánh Wagashi
Trong bộ phim Asuka, chắc hẳn khán giá không thể nào quên hình ảnh những chiếc bánh Wagashi đẹp mê mẩn đến nỗi chỉ ngắm nhìn thôi cũng đủ no. Và gắn liền với nó còn là ước mơ hoài bão mãnh liệt của Asuka (Takeuchi Yuko đóng), mong muốn trở thành một người thợ bánh Wagashi chuyên nghiệp, gánh vác cửa hàng bánh truyền thống của gia đình.
Bài học đầu tiên mà người cha - một thợ bánh wagashi lão luyện dạy cho cô bé Asuka là: "Bánh ngọt chính là phép thuật. Đường, bột, và đậu đỏ… Chỉ từng đó nguyên liệu mà có thể làm được mọi thứ đẹp đẽ mình nghĩ, bằng chính bàn tay này."
Cô thợ bánh Asuka chăm chú tạo hình bánh trong phim
Một chiếc bánh Wagashi tuyệt đẹp đầy ý nghĩa trong phim Asuka
Trong phim, Asuka từng kể lại bánh wagashi mà cha cô làm có một vị ngọt rất hiền lành, dễ chịu, như tan ra nơi đầu lưỡi. Bí quyết của vị ngọt thanh khiết đó chính là một loại đường cổ xưa được sản xuất tại Nhật Bản (wasambonto). Loại đường này trải qua giai đoạn tinh chế truyền thống đặc biệt để cho ra những hạt màu kem thật mịn, vị thanh thoát và mùi thơm của bơ và mật ong khá dễ chịu.
Đường wasambon chuyên để làm bánh wagashi
Ngoài ra các thành phần cơ bản để làm nên bánh Wagashi bao gồm đậu (azuki) đỏ hay trắng; thạch (kanten) giàu chất xơ, chiết xuất từ rong biển để làm Wagashi dạng thạch (yokan). Từ đây, người thợ có thể chế biến ra rất nhiều loại Wagashi phong phú khác nhau như: Yokan (bánh thạch), Monaka (bánh rán), Manju (bánh bao), Higashi (bánh khô), Namagashi (bánh ẩm), mochi (bánh dày)....
Yonkan- bánh thạch trong veo như tác phẩm nghệ thuật
Cùng xem lại cảnh Asuka làm bánh nhé:
Eva giới thiệu tới chị em cách làm một kiểu bánh Wagashi đơn giản nhất: bánh mochi có nhân đậu đỏ:
Nguyên liệu:
- Bột nếp : 200g
- Đậu đỏ: 300 g
- Đường kính: 40g
- Nước trắng, vani, siro, phẩm màu và bột năng
Cách làm:
Đối với phần nhân bánh
- Rửa sạch đậu đỏ. Cho đậu đỏ vào nồi đun sấp nước. Tới khi cạn nước, đậu đỏ chín mềm vớt ra bát.
- Dùng máy xay để xay nhuyễn đậu đỏ chín hoặc dùng muôi để dằm, cho tới khi được hỗn hợp đậu đỏ được nghiền mịn.
- Cho hỗn hợp đậu đỏ đã nghiền mịn vào nồi, cho thêm đường tùy khẩu vị, 1 chút muối, thêm một thìa vani và siro (tùy ý). Bật bếp và tiếp tục đảo đều hỗn hợp cho tới khi đường tan, thấm vào đậu đỏ xay thì tắt bếp.
- Cho hỗn hợp mứt đậu đỏ ra bát. Bắt đầu dùng găng tay nilon để nặn các miếng nhân đậu đỏ, số lượng nhân tùy vào lượng bánh bạn muốn làm
Đối với phần vỏ bánh
- Trộn bột nếp với 1 chút đường, 1 chút muối, nước, đảo đều tay cho đến khi được hỗn hợp bột hơi khô (tránh cho nhiều nước bột sẽ bị nhão).
- Trong bước này bạn nên dùng phẩm màu hòa tan vào nước trước rồi mới đổ vào bột để bột lên màu đẹp.
- Đặt hỗn hợp trên vào lò vi sóng (quay khoảng 4 phút - nhiệt độ cao), nếu không có lò vi sóng bạn có thể đun cách thủy đều được.
- Lấy bột ra khỏi lò, dùng muôi đảo đều tay thật tạo độ kết dính cho khối bột
- Chia hỗn hợp bột thành các phần nhỏ để nặn bánh, đặt nhân đậu đỏ vào giữa. Lưu ý dùng bột năng phủ lên hỗn hợp vỏ bánh để khi nặn không bị dính tay.
Cũng với công thức này, bạn có thể thay đổi nhân bánh thành kem tươi hoặc dâu tây để đổi vị, chúc bạn thành công!
Thu Ninh
Món ngon tại Bếp Eva: