Để tiết kiệm thời gian, công sức, chị Nguyễn Thị Quỳnh Chi (26 tuổi, Hà Nội) đã nghĩ ra cách làm pate bằng nồi cơm điện mà vẫn giữ được độ ngon, hấp dẫn như thường.
Vốn bận bịu với công việc giảng viên của một trường đại học ở Hà Nội nhưng chị Quỳnh Chi vẫn tranh thủ thời gian để vào bếp, nấu những món ăn ngon, đảm bảo an toàn cho gia đình. Cả nhà chị rất thích món pate, nên chị thường xuyên nấu món này. Chị tham khảo rất nhiều công thức khác nhau nhưng phần lớn tốn thời gian, nhiều nguyên liệu hay công đoạn.
Sau nhiều lần thực hiện mà bản thân chị cảm thấy chưa được ưng ý lắm, “mình nghĩ tại sao không thử một công thức đơn giản và tiết kiệm thời gian nhất có thể. Nghĩ vậy mình đã tối giản, chỉ sử dụng những nguyên liệu thực sự cần thiết tạo nên hương vị của món ăn. Mình nghĩ ngay đến chiếc nồi cơm điện dùng để hấp cho khỏi phải mất thời gian trông chừng gì”, chị Quỳnh Chi chia sẻ.
Vốn bận bịu với công việc giảng viên của một trường đại học ở Hà Nội nhưng chị Quỳnh Chi vẫn tranh thủ thời gian để vào bếp, nấu những món ăn ngon, đảm bảo an toàn cho gia đình.
Vì vậy, nhân tiện nhà có chút thịt và gan sạch được người bạn gửi tặng, chị Chi đã làm pate theo cách của mình. Chị cho biết, để có món pate ngon, dù rút bớt thời gian hay công đoạn nhưng vẫn cần phải thực hiện tỉ mỉ từng bước dể món ăn được ngon. Cần chú ý từ việc chọn mua thịt, gan ngon; lựa chọn tỷ lệ thịt, gan và mỡ và bì như thế nào để miếng pate nấu xong không bị khô, để lạnh không bị cứng.
"Ngoài ra, việc sơ chế nguyên liệu cũng rất quan trọng. Thịt, gan cần được xay thật kỹ từng thứ một để thành phẩm pate nhuyễn, mềm. Khi xào nguyên liệu cũng chú ý độ vừa tới để thịt và gan không bị quá khô. Khi hấp cũng cần hấp ở nhiệt không quá cao thì pate sau khi để tủ lạnh đông lại sẽ có màu hồng trông rất đẹp mắt", chị nói.
Theo chị Quỳnh Chi, cách nấu pate bằng nồi cơm điện của chị không có gì khác nhiều so với cách hấp thông thường, chỉ có điều người làm sẽ nhàn hơn rất nhiều.
Pate khi hoàn thiện, lúc đang còn nóng sẽ mềm, nhuyễn, cảm giác có thể tan được trong miệng; còn khi đặt lạnh, pate đông lại thì sẽ có màu hơi hồng, xốp mà không bị cứng. Pate có vị béo ngậy, thơm mùi pate vốn rất đặc trưng. Khi bảo quản pate, chỉ cần để trong hộp kín. Lúc ăn, nếu ăn nguội xắt thành miếng bày lên đĩa hoặc muốn ăn nóng thì hấp lại bằng lò vi sóng, pate sẽ mềm ra ngay. Pate khi làm kỹ có thể bảo quản được đến 1 tuần trong ngăn mát tủ lạnh.
Pate khi hoàn thiện, lúc đang còn nóng sẽ mềm, nhuyễn, cảm giác có thể tan được trong miệng; còn khi đặt lạnh, pate đông lại thì sẽ có màu hơi hồng, xốp mà không bị cứng.
Sau khi chia sẻ cách làm của mình qua facebook, chị Chi đã rất bất ngờ khi được nhiều chị em quan tâm và ủng hộ. “Đó cũng là niềm vui với mình, vì mình không chỉ có một món ăn ngon cho gia đình mà còn chia sẻ điều có ích cho các chị em khác”.
Tham khảo cách làm pate gan heo bằng nồi cơm điện của chị Quỳnh Chi: Nguyên liệu: - 200g thịt ba chỉ hoặc nạc vai thật mỡ (nếu mua thịt nạc có thể xay cùng mỡ, nhiều mỡ thì pate mềm ngon) - 1 miếng bì cỡ bằng lòng bàn tay - 200g gan heo - 1 cái bánh mỳ không - 1 túi sữa tưoi không đường - 3 củ hành khô, 1 củ tỏi - Gia vị, hạt tiêu Cách làm: - Thịt heo xay nhuyễn. Bì heo luộc chín xay nhuyễn (luộc bì mềm cho dễ xay và cũng để khử mùi hôi ở bì luôn). Gan heo thái lát mỏng vừa, ngâm với sữa tươi, rửa sạch. - Phi thơm ½ số hành khô, tỏi rồi cho gan vào áp chảo sém cạnh, sau đó say nhuyễn. Bánh mỳ ngâm sữa tươi không đường khoảng 10 phút cho mềm. - Tiếp tục phi thơm số hành tỏi còn lại, cho thịt vào để lửa to xào hơi săn lại, thơm thì cho gan vào đảo cùng, tiếp đến là bì và bánh mỳ, nêm gia vị vừa ăn, đảo khoảng 2-3 phút thì tắt bếp, rắc hạt tiêu, cho tất cả vào máy xay nhuyễn lại lần nữa. - Hấp pate bằng nồi cơm điện trong 2-3 giờ (có thể đổ pate xay xong vào nồi nhỏ có thành cao hoặc khuôn bánh, cho nước vào nồi cơm ngập tầm 1/2 khuôn, sau đó ấn nút cook cho sôi 30 phút, ấn nút warm 30 phút rồi quay lại cook-warm lặp lại như vậy. Nếu cạn nước, chế thêm nước nóng để khỏi cháy nồi, nhưng mình dùng khuôn cao thành thì không phải tiếp nước lần nào trong quá trình hấp). |