Bắc Ninh là mảnh đất của những làn điệu quan họ, của những đặc sản truyền thống thơm ngon, đặc sắc rất biết níu chân người.
Bắc Ninh là tỉnh có diện tích nhỏ nhất Việt Nam song lại có một nền văn hóa đặc sắc. Nơi đây hằng năm có trên 300 lễ hội dân gian, nhiều di tích lịch sử và những làng nghề truyền thống. Trong số rất nhiều những làng nghề truyền thống đó, có những nơi đã sản sinh ra loại đặc sản thơm ngon độc nhất, khiến du khách đã thưởng thức rồi chẳng muốn về.
Bánh tẻ làng Chờ
Có lẽ chính những nghệ nhân làm bánh lâu năm tại làng Chờ cũng không biết là món bánh này xuất hiện từ bao giờ, chỉ biết đâu đâu khắp Bắc Ninh, từ hàng quán vỉa hè đến nhà hàng sang trọng, bánh tẻ làng Chờ đã được phủ sóng.
Bánh tẻ làng chờ có nhân hấp dẫn. (Ảnh: a.hungry.kitten)
Chiếc bánh tẻ làng Chờ - đặc sản Bắc Ninh - mộc mạc giản dị như chính con người vùng quê Kinh Bắc này. Bánh được làm từ bột gạo đã qua tuyển chọn kỹ lưỡng và nhiều khâu chế biến tỉ mỉ để làm sao cuối cùng ra được độ mềm, giòn ngon và không bị nát. Đó là phần vỏ bánh. Còn nhân bánh cũng được chuẩn bị và sơ chế kỹ không kém. Thịt phải là thịt nạc 3 mỡ, được thái hạt lựu rồi đem trộn với mộc nhĩ và hành thái nhỏ. Lá dong gói bánh cũng được rửa nhiều lần với nước, để ráo rồi lau khô bằng khăn sạch. Lá cuộn bánh phải là dây tơ dứa mới đạt.
Chính vì sự tỉ mẩn trong từng khâu, từng loại nguyên liệu như thế mà đến nay, bánh tẻ làng Chờ vẫn giữ nguyên phong độ, vẫn dư sức hút đối với du khách thập phương.
Đây chính là sự chắt chiu của những người thợ làm bánh tại vùng quê này. (Ảnh: liekent8x)
Chiếc bánh tẻ có màu xanh nhẹ, bóng bẩy, giòn ngon. Nhân bánh đậm đà và vừa miệng. Vì người thợ làm bánh đã đặt bao nhiêu chắt chiu, tâm huyết trong đó nữa nên khi thưởng thức, bạn sẽ cảm được hơn cả hương vị của một món bánh thông thường. Sau bao nhiêu món ăn cầu kì béo ngậy, trở về với chiếc bánh tẻ mộc mạc chắc chắn sẽ khiến bạn dịu lại, an lành.
Bánh phu thê Đình Bảng
Ai đã có dịp đặt chân đến Đền Đô, phường Đình Bảng, Từ Sơn, Bắc Ninh, chắc không lạ lùng với món bánh phu thê được bán khắp hai bên đường. Bánh phu thê sau này còn được gọi là bánh xu xê. Món bánh dân dã, quen thuộc rất được lòng du khách và còn chứa nhiều câu chuyện nhân văn trong đó.
Đằng sau món bánh dân dã này là rất nhiều truyền thuyết khác nhau. (Ảnh: _tuyet_mai_)
Có người kể rằng, loại đặc sản Bắc Ninh là món bánh mà hoàng hậu của vua Lý Anh Tông đích thân làm để gửi theo chồng khi xuất chinh. Vì vua ăn thấy ngon và cảm mến tình nghĩa vợ chồng nên đặt tên bánh là phu thê. Cũng có câu chuyện khác, rằng trong hội làng ở Đình Bảng, vua Lý Thánh Tông cùng vợ là Nguyên phi Ỷ Lan về quê lễ ở Đền Đô, được dân làng ở đây dâng lên món bánh phu thê này. Vua và Nguyên phi thưởng thức thấy rất ngon và đã cho rằng: Khi ăn món bánh này, gia đình sẽ êm ấm và hạnh phúc.
Màu bánh không chỉ nổi bật mà vị bánh cũng rất ấn tượng. (Ảnh: internet)
Vì thế mà trong những đám cưới, đám hỏi của người dân Đình Bảng tuyệt nhiên không thể thiếu được món bánh phu thê. Bánh phu thê hình vuông, vỏ bánh được làm từ bột nếp cái hoa vàng, pha với nước dành dành nên có màu vàng ươm ngon mắt; nhân bánh hình tròn được làm từ đậu xanh, thắng đường cát, có nơi còn cho thêm cơm dừa và hạt sen. Bánh được gói trong hai lớp lá. Một lớp lá chuối bên trong và lớp lá dong bên ngoài.
Ngày nay, bánh phu thê được sáng tạo với nhiều màu sắc khác nhau nổi bật. (Ảnh: nguyendtt)
Khi thưởng thức, bánh có mùi thơm dịu dàng tỏa khắp gian nhà. Cắn một miếng là có thể cảm nhận ngay được độ dẻo của nếp, độ béo bùi của đậu xanh, độ béo của cơm dừa, độ giòn của hạt sen và đường thắng ngọt ngào không bị gắt. Tất cả hòa với nhau làm một, khiến lòng người mê đắm.
Bánh khúc làng Diềm
Bánh khúc – loại bánh được làm từ rau khúc, thứ rau mọc tự nhiên ở các bãi đất trống, đất bồi ven sông, ven ruộng chứ không hề được nuôi trồng từ bàn tay con người. Đây chính là đặc sản của làng Diềm, nằm ở hữu ngạn sông Cầu, thuộc xã Hòa Long, huyện Yên Phong, Bắc Ninh.
Bánh khúc được chế biến kỹ lưỡng từ vỏ bánh đến nhân bánh. (Ảnh: nmaryle)
Bánh khúc có vỏ bánh được làm từ gạo tẻ loại ngon đã được ngâm vài tiếng, sau đó vo và đãi sạch. Gạo sau đó đem giã chung với lá khúc nếp còn tươi, non. Điều đặc biệt chính là phải kết hợp giữa gạo và lá theo một tỉ lệ hợp lý để ra chiếc bánh hoàn hảo nhất. Trong trường hợp, nếu như gạo nhiều quá thì sẽ làm mất đi cái vị đặc trưng của lá khúc; còn nếu gạo không đủ thì bánh sẽ bị hạn chế về độ kết dính, độ dẻo.
Bánh khúc làng Diềm có hai loại là nhân đỗ và nhân hành. Hai loại nhân này khi làm bánh đều được nêm nếm gia vị vừa miệng người thưởng thức. Bánh nhân đỗ thì khi ăn bạn sẽ cảm nhận được độ bùi của đỗ, độ béo của thịt mỡ và thơm thơm mùi hạt tiêu. Còn bánh nhân hành thì bạn sẽ còn cảm nhận được các dư vị khác từ mộc nhĩ, thịt ba chỉ, hành khô, hạt tiêu và rau răm quyện vào nhau.
Ngoài xôi, trong bánh, nhân đặc biệt và hành phi được rải lên trên bắt mắt, hấp dẫn chính là đặc sản bánh khúc làng Diềm.
Bánh khúc dùng ăn no cũng vừa mà ăn chơi cũng hợp, làm mê đắm đủ mọi lứa tuổi. (Ảnh: thao.ngthu)
Bánh tro Đình Tổ
Món bánh tro có độ mềm, vị thanh mát, ngọt ngào chính là món quà quê dân dã từ quê hương quan họ Bắc Ninh. Điều đặc biệt làm nên thương hiệu của đặc sản này không chỉ là hương vị mà nó mang lại, đó còn là sự sáng tạo, cách chế biến từ những nguyên liệu đặc sắc của người dân nơi đây.
Khó tưởng tượng được tro có thể làm ra loại bánh hấp dẫn như thế này. (Ảnh: kenny__spmaay)
Bạn có thể ngạc nhiên về nguyên liệu làm bánh. Bánh tro Đình Tổ làm từ gạo nếp, mật mía, nước tro và một ít vôi. Nguyên liệu chủ đạo và đặc biệt nhất ở đây chính là nước tro. Nước tro trong có mùi thơm nhẹ chính là người ta dùng rơm nếp để đốt, lấy tro đó cho vào chậu, hòa với chút nước vôi; chờ đến khi nào cặn lắng xuống, phần nước trong thì chắt lấy. Còn gạo nếp sẽ được vo sạch, ngâm trong 4 giờ liền rồi vớt ra chờ gói bánh. Lá được dùng gói bánh thường là lá chuối hoặc lá dong đã được hấp chín mềm.
Thưởng thức bánh tro Đình Tổ cảm tưởng như được thưởng thức hương vị quê nhà. (Ảnh: internet)
Đến Bắc Ninh, dạo một vòng quanh các ngôi đình truyền thống, cổ xưa; nghe các liền anh liền chị ngân một khúc quan họ và thưởng thức chiếc bánh tro Đình Tổ khiến bạn sẽ nhớ mãi hương vị dân dã đậm đà của nó.
Nem làng Bùi
Dường như ở Bắc Ninh, mỗi làng quê là một làng nghề với những món ăn truyền thống. Cũng tương tự, ở làng Bùi, xã Ninh Xá, huyện Thuận Thành, có món nem đã xuất hiện hàng trăm năm nay. Những ngày vào hè thời tiết nóng nực, một gói nem làng Bùi được bóc ra, nhâm nhi cùng vài cốc bia với lá sung, đinh lăng, chấm tương ớt thì hết ý.
Nếu như những món bánh kia được lòng chị em thì nem làng Bùi lại rất được cánh mày râu ưu ái. (Ảnh: internet)
Để có thể làm ra được những gói nem làng Bùi nổi tiếng như thế, người làm nem lấy nguyên phần hông con lợn, trong đó phần nạc và mỡ để sống; bì đem cạo sạch lông, luộc chín rồi thái nhỏ ra. Tất cả đem trộn chung với gia vị, thính nóng và chờ cho thịt chín. Cuối cùng, người ta sẽ nắm chặt nem thành từng quả nhỏ rồi bọc lại kín trong lá chuối.
Nem làng Bùi ngon nhất là được sử dụng trong ngày. Khi thưởng thức, bạn sẽ cảm nhận được cùng lúc rất nhiều hương vị khác nhau, từ độ ngọt, béo mềm của thịt, giòn dai của da lợn đến bùi bùi thơm thơm của thính gạo. Và nem còn được ăn kèm với các loại rau khác nữa. Món ngon này thực sự không kén người ăn nên chắc chắn bạn phải thử khi đi thăm thú tại nơi đây.
Tương Đình Tổ
Ở miền Bắc này có nhiều loại tương nổi tiếng như tương Đường Lâm, tương bần Hưng Yên hay tương nếp Cự Đà, mỗi loại mang một hương vị, một đặc trưng riêng song với tương Đình Tổ, nó để lại cho người nếm nhiều dư vị. Trong đó, không chỉ là dư vị từ những hạt ngô, hạt đậu mà còn là cốt cách, sự tỉ mẫn của người dân Đình Tổ.
Tương Đình Tổ được làm từ hạt ngô là chính. (Ảnh: Internet)
Theo kinh nghiệm của những người làm tương lâu năm thì để có được mẻ tương Đình Tổ ngon, quan trọng nhất là khâu chuẩn bị nguyên liệu. Tại Đình Tổ, người ta không làm bằng đậu tương hoàn toàn mà làm bằng ngô, loại ngô đỏ, hạt mẩy và căng; phụ họa thêm là đậu và gạo nếp. Ngô sau khi phơi và sàng kỹ cho sạch hết mày, lớp lụa mỏng bên ngoài đi rồi mới đem đồ thành xôi và ủ lên men. Còn đậu tương thì rang nhỏ lửa đến ngả vàng thơm. Đậu rang xong sẽ đổ ra mẹt một hôm, hôm sau cho vào chum sành và ngâm cùng với nước.
Thời gian ủ một mẻ tương hoàn chỉnh phải đến nửa tháng mới có thể mang ra để tạo món tương thành phẩm cuối cùng. Trong thời gian nửa tháng này phải thường xuyên kiểm tra, đánh đều, vớt bọt để tương đạt được độ sánh mịn như ý.
Tương sánh mịn, thơm nức với hương vị khó phai. (Ảnh: internet)
Muốn có một mẻ tương Đình Tổ - đặc sản Bắc Ninh - ngon không khó nhưng cái khó ở đây đó là phải đặt cái tâm vào đó. Mọi công đoạn, dụng cụ sử dụng đều phải đảm bảo sạch sẽ, được khử trùng kỹ càng. Có lẽ cũng vì thế mà hương vị thơm ngon của tương Đình Tổ ngày càng bay xa và được nhiều người yêu thích.
Cháo cá Tích Nghi
Bắc Ninh mỗi năm có trên 300 lễ hội và mỗi khi du khách thập phương đến đây vui chơi trẩy hội thì chắc chắn không thể bỏ qua màn thưởng thức cháo cá Tích Nghi.
Từng thớ cá to được giữ nguyên vẹn lấy lòng thực khách. (Ảnh: internet)
Người dân Kinh Bắc chọn cá trắm và cá chép được nuôi ở các ao hồ Bắc Ninh để nấu món ăn này. Khi nấu, cá không phải bỏ vào nồi để nấu ngay từ đầu mà là được thả vào sau khi cháo vừa chín tới. Nhưng thực khách có thể yên tâm là cháo chắc chắn không hề bị tanh. Những miếng cá dù được được lọc bỏ hết xương song vẫn giữ nguyên được thớ thịt chắc nịch.
Đến Bắc Ninh, không khó để tìm thấy một hàng quán bán món cháo cá Tích Nghi này. Gạo được ninh nhừ, thớ cá to, chắc nịch và ngọt lịm, hòa quyện cùng với các loại rau thơm như hành, tía tô, mùi, thì là, cải cúc,… làm kích thích các vị giác của người ăn.
Bát cháo cá nóng hổi cho những ai đang đói lòng quả là một món quà quý. (Ảnh: internet)
Trong cái tiết trời miền Bắc vào xuân vẫn còn se se lạnh như thế này, cùng nhau ngồi xuống và xì xụp bát cháo cá nóng hổi, cay nồng thì tuyệt vời vô cùng.