Chẳng biết từ bao giờ, nhắc đến kẹo Sìu Châu, bánh gai, bánh xíu páo hay bánh nhãn, ai cũng nhớ đến Nam Định đầu tiên – mảnh đất nổi tiếng với những đặc sản khiến mọi người đi xa vẫn luôn nhớ mãi.
Ngày đầu năm mới, nếu như có dịp về Nam Định xin ấn Đền Trần hay đi chợ Viềng, mọi người đừng quên thưởng thức những đặc sản nức tiếng khiến bất cứ ai nếm thử một lần cũng đều nhớ mãi không thôi.
Bánh gai Bà Thi
“Bánh gai bảy chục được mười. Phố Trần Hưng Đạo toàn người Bà Thi”, đó là những câu thơ vui mỗi khi mọi người nhắc đến bánh gai Nam Định. Thế nhưng giờ đây, bánh gai bà Thi không còn "bảy chục được mười" nữa mà giá đã lên khoảng 100-200 nghìn/10 chiếc tùy từng loại.
Với những ai muốn tìm đến đúng cửa hàng bánh gai của bà Thi thì chắc chắn sẽ phải buồn rầu mà ra về vì “bà Thi nay làm gì còn”.
Dọc con phố này, mọi người sẽ bị hoa mắt với loạt cửa hàng bánh gai bày la liệt, đặc biệt cửa hàng nào cũng đề tên bánh gai bà Thi nhưng khó ai biết đâu là bà Thi chính gốc.
Theo như cô Trần Thị Tuyết (57 tuổi, phố Trần Hưng Đạo, Nam Định) chia sẻ, bánh gai bà Thi bây giờ không còn nữa. Tuy nhiên, nếu đến thành phố Nam Định có thể mua bánh gai ở bất cứ đâu.
“Bà Thi chỉ là người bán bánh gai đầu tiên thôi. Theo tôi được biết bà cũng không làm bánh mà đi cất bánh ở nơi khác. Tôi bán bánh gai được 25 năm nay, từ thời bố mẹ để lại”, cô Tuyết chia sẻ.
Lá chuối gói rất quan trọng giúp cho bánh gai mềm.
Tâm sự về nghề làm thức quà đặc sản này, cô Tuyết kể, ngày xưa còn nhiều khó khăn, thời kỳ đầu phải vất vả đi mua nguyên vật liệu, lá gai, phải sang Thái Bình để mua. Bây giờ, phát triển hơn nên việc làm bánh gai cũng đỡ vất vả ít nhiều.
“Đặc điểm lá gói bánh gai phải mềm, dai. Lá gói vỏ ngoài phải to còn những lá bé dùng để độn cho bánh mềm. Cách làm là lấy bột gạo nếp xay mịn trộn với lá gai giã nhỏ, nhân làm bằng đỗ xanh đồ trộn với đường trắng, điểm thêm vài hạt sen, một ít cùi dừa nạo nhỏ, vài ba miếng mỡ thái khổ, ngoài bánh rắc ít vừng rang thơm”, cô Tuyết cho hay.
Bánh gai ngon yêu cầu bánh bóc mềm dẻo, không bị khô.
Có thể nhiều nơi khác cũng có bánh gai nhưng dường như bánh gai Nam Định vẫn khiến nhiều người lưu luyến, ưu ái hơn không chỉ bởi người xưa cũ – bà Thi làm nên thương hiệu đặc sản này mà còn bởi những viên mỡ trong veo long lanh hoà quyện với dừa và hạt sen ẩn mình bên trong lớp đậu xanh mang lại dư vị khó quên mỗi khi đến mảnh đất Thành Nam.
Kẹo sìu châu Nguyên Hương
Vị ngọt ngào, giòn tan, bùi ngậy của những viên kẹo lạc sìu châu đã từng khiến cho rất nhiều nhà văn, nhà thơ phải chắp bút lưu lại những dư vị khó quên của mình. Nhà thơ Tú Xương từng có hai câu như đóng đinh vào tâm trí nhiều cụ già ở Nam Định như: “Kẹo chú Thiều Châu (sìu châu) nào đọ được. Bánh bà Hanh Tụ cũng thua xa”.
Kẹo sìu châu ở phố Hàng Sắt nổi tiếng bao đời nay.
Đúng vậy, kẹo sìu châu đã góp một phần giới thiệu mảnh đất, con người Nam Định với mọi người Việt Nam và với cả bạn bè thế giới. Nhiều người già ở thành phố Nam Định bảo rằng, muốn thưởng thức kẹo sìu châu chính hiệu phải đến số 12 Hàng Sắt bởi đây chính là “cha tổ” của nghề làm kẹo sìu châu.
Theo nghệ nhân Đỗ Đình Thọ (85 tuổi), đời thứ 7 nối nghề làm kẹo sìu châu của gia đình kể lại rằng, cụ Đỗ Phúc Nhật – người con trai của cụ Đỗ Văn Mười đã là người đầu tiên tìm hiểu và sáng tạo ra thức kẹo nức tiếng này. Mặc dù cụ Đỗ Phúc Nhật làm kẹo và bán ở con phố Hàng Sắt, gần đền Triều Châu từ năm 1860 nhưng đến năm 1880 cửa hiệu mới được dựng lên và từ đó gia đình lấy năm này là năm khởi nghiệp.
Ông Đỗ Đình Thọ - đời thứ 7 nối nghiệp.
Quy trình làm kẹo sìu châu.
Nói về kẹo sìu châu, ông Thọ cho biết, đây là kẹo lạc cao cấp (hoặc kẹo vừng) được sáng tạo ra từ các nguyên liệu đặc sản của nông nghiệp vùng châu thổ sông Hồng. Nguyên liệu làm kẹo gồm có lạc bò, vừng, đường mía, gạo nếp cái hoa vàng, mộng mạ lúa chiêm làm mạch nha.
Trong đó, những viên “lạc bò” 6 tháng với hàm lượng protein đầy đặn được chọn kỹ, rang chín thấu, giòn thơm ngậy, nấu với đường mía quyện với mạch nha chế từ gạo nếp hương và mộng mạ đã làm nên nét tinh túy của thức quà này.
Cùng với hoa mai, hoa đào khoe sắc, đĩa kẹo sìu châu giòn tan, thơm bùi, thanh ngọt bên ấm trà xanh nóng hổi càng tô điểm thêm cho sức sống của mùa Xuân về.
Bánh xíu páo Hoàng Văn Thụ
Sau khi thưởng thức xong bánh gai và kẹo sìu châu, bánh xíu páo là món thứ 3 mọi người đừng quên bỏ lỡ khi đến với thành phố Nam Định. Đặc biệt, những sáng sớm mùa đông, được cầm trên tay chiếc bánh xíu páo nóng hổi, vàng ươm để thưởng thức, lớp vỏ giòn rụm, mềm mại và lớp nhân thơm nức béo ngậy, ngọt ngọt, bạn sẽ cảm nhận được được hương vị vừa lạ vừa quen của loại bánh này.
Bánh xíu páo có hình dáng bên ngoài như bánh bao chiên.
Theo như ông Nguyễn Quang Hòa, 61 tuổi, từng có 30 năm làm bánh xíu páo trên con phố Hoàng Văn Thụ cho biết, đây là thức quà vặt có nguồn gốc Trung Hoa, theo chân cộng đồng Hoa kiều sống ở phố Khách (nay thuộc phố Hoàng Văn Thụ và phố Lê Hồng Phong, TP Nam Định) từ rất lâu và được xem là món quà vặt dân dã, hấp dẫn với du khách khi tới đây.
Vỏ bánh vàng ươm, có thể bóc ra từng lớp mỏng. Nhân bánh là nhân thập cẩm rất thơm và ngậy.
Ông Hòa cho biết, để làm bánh ngon, điều quan trọng nhất là nguyên liệu làm cùi bong (vỏ), sao cho lớp vỏ có thể tách được 4-5 lớp.
“Vỏ bánh được làm từ bột mì và rất cầu kỳ để vỏ có thể tách thành 4-5 lớp riêng. Như thế người ta mới gọi là vỏ cùi bong. Nhân cũng phải làm cẩn thận, có thịt ba chỉ thái hạt lựu, tẩm ướp gia vị cho mộc nhĩ, hành ăn thơm, ngọt quyện với lớp vỏ mềm. Nặn xong quét trứng cho màu vàng óng sau khi nướng”, ông Hòa cho biết.
Được biết, hiện nay, cơ sở sản xuất bánh của ông Hòa mỗi ngày làm khoảng 2.000 chiếc xuất đi khắp các tỉnh thành ở Việt Nam, đặc biệt là Hà Nội.
Bánh nhãn Hải Hậu
Từ thành phố Nam Định đi gần 50km nữa, bạn sẽ tiếp tục được thưởng thức một thức quà đặc sản nức tiếng nữa, đó là bánh Nhãn. Và nhắc đến bánh nhãn mọi người sẽ nhớ ngay đến mảnh đất Hải Hậu thân thuộc.
Theo chị Nguyễn Thị Loan (45 tuổi, chủ cơ sở sản xuất bánh nhãn Hải Hậu, Nam Định) cho biết, làng nghề bánh nhãn thủ công gia truyền có cách đây 40 năm, từ ngày chị vẫn còn rất nhỏ.
Tên gọi bánh nhãn xuất phát từ hình dạng tròn tròn, vàng ngon như long nhãn.
Nhớ lại ngày xưa, chị Loan kể, khi xưa mọi người trong làng nghề làm bánh nhãn đều làm thủ công vê tay rất vất vả, ngày nay mọi công đoạn đã có máy nên việc làm cũng đơn giản hơn.
Nói về làng nghề truyền thống của làng mình, chị Loan cho biết, chị tự hào vì đây là thức quà ngon, lại không độc hại vì chỉ làm từ bột nếp Hải Hậu 6 tháng và trứng gà, đường, mỡ lợn.
“Bột nếp sau khi trộn với trứng gà được vo thành từng viên nhỏ, chiên trong chảo ngập mỡ. Đường trắng nấu chảy, cho bột vừa chiên vào để đường bọc ở ngoài thật khéo”, chị Loan chia sẻ.
Khi ăn viên bánh ta sẽ thấy độ giòn tan trong miệng, độ thơm của gạo, của trứng trong bánh và độ ngọt vừa đủ quyện hòa vào nhau.
Nghe qua có thể mọi người sẽ thấy công việc này đơn giản nhưng thực tế, mọi công đoạn làm bánh đều thật tỉ mỉ, khi cho bánh vào rán phải đảo nhẹ và đều tay để bánh tròn như lòng đỏ trứng, không dính, nở đều. Thắng đường cũng đòi hỏi kỹ thuật cao, sao cho đường tan chảy vừa độ, bám đều mỏng dính một lượt quanh bánh.
Công đoạn đóng gói.
Chính vì sự cầu kỳ từ nguyên liệu đến cách làm mà khi ăn viên bánh ta sẽ thấy độ giòn tan trong miệng, độ thơm của gạo, của trứng trong bánh và độ ngọt vừa đủ quyện hòa vào nhau.
Và những ngày Tết này, cùng nhau ngồi nhâm nhi chén trà, thưởng thức hương vị bánh nhãn béo bùi, giòn tan thì còn điều gì tuyệt vời bằng.