Trong thiên đường ẩm thực ở khu tập thể Thành Công, món cháo trai xứ Huế của cô Hoa ở khu tập thể A4 luôn là món ăn được nhắc đến đầu tiên của các tín đồ sành ăn.
Quán cháo trai xứ Huế ở Hà Nội.
Cháo trai là món ăn dân giã được ưa thích của người Việt, đặc biệt món ăn này được thưởng thức trong những ngày không khí lạnh tràn về còn điều gì tuyệt vời hơn.
Ở Hà Nội để tìm một quán cháo trai hơi khó vì món ăn này chỉ được bán ở một vài nơi, trong đó ở các dãy phố nổi tiếng như Hòe Nhai, Trần Xuân Soạn, Nguyễn Biểu… Tuy nhiên, với tín đồ nghiền món cháo trai, địa điểm đầu tiên không thể không nhắc đến đó là quán cháo trai xứ Huế nức tiếng Hà Nội nói chung và khu tập thể A4 Thành Công nói riêng của cô Hoa.
Bát cháo trai đơn giản nhưng vô cùng hấp dẫn.
Quán cháo trai xứ Huế hơn 20 năm nức tiếng ở Thành Công
Khu tập thể Thành Công được mệnh danh là thiên đường ẩm thực với muôn vàn các món ăn ngon nổi tiếng lâu năm. Trong đó, sân khu tập thể A4 và A5 hội tụ rất nhiều các quán ăn được mọi người yêu thích, nào món nộm, nào ốc, nào chè,… và đặc biệt là món cháo trai Huế của cô Hoa.
Quán nổi tiếng ở khu tập thể Thành Công.
Phải nói ở sân khu tập thể có khoảng 2-3 quán bán cháo, để có thể tìm được đúng quán, bạn chỉ cần để ý đến tấm biển ghi cháo trai Huế hoặc nhận biết qua giọng nói xứ Huế thân thuộc của cô. Hiện nay, quán được mở rộng không chỉ có không gian ngoài sân mà còn có cả trong nhà vô cùng gọn gàng, sạch sẽ nên mọi người có thể thoải mái đến đông mà không lo ngại chật chội.
Thực đơn của quán.
Quầy làm hàng được đặt ở ngay trước cửa với 3 nồi gang đầy ụ cháo trên bếp lửa giữ cho cháo luôn ấm nóng. Mọi người đến đây chỉ cần gọi cháo và tìm cho mình một chỗ ngồi hợp lý, chỉ chưa đầy 2 phút đã có ngay bát cháo trai nóng hổi, thơm ngon ngay trước mặt.
Tuy bát cháo trai đơn giản chỉ có quẩy được đặt lên trên và rau răm ở dưới nhưng khi trộn bát cháo lên, mọi nguyên liệu quyện với cháo, để lộ những miếng trai to ngon vô cùng hấp dẫn.
Có lẽ vì được nấu theo công thức xứ Huế với bí quyết riêng của người nấu nên cũng chỉ từ ngần ấy thứ nguyên liệu, bột gạo xay, thịt trai, nước trai, rau răm, hành khô, tiêu… nhưng ở đây không hề giống bất kỳ loại cháo trai ở nơi nào khác. Cháo nhuyễn hơn, quyện hơn và có màu nâu sánh chứ không trắng, hơi loãng như thông thường. Và hương vị ấy phải ăn một lần mới cảm nhận hết được.
Cháo được nấu từ nước luộc trai đặc sánh nhừ, có màu sậm.
Quẩy được cắt sẵn ăn cùng cháo.
Cũng sử dụng gạo xay để nấu nhưng cháo trai ở đây vẫn mang lại cảm giác thích thú cho mọi người mà không giống như ăn bột trẻ em ở nhiều quán. Trai trong bát rất nhiều, miếng to xào đượm vị mềm rất vừa miệng, không bị cắt nhỏ, ăn dai như những quán khác. Quẩy giòn sau khi được trộn với cháo ăn mềm, bùi và ngậy hơn. Đặc biệt, bát cháo trai khiến mọi người ăn hoài không chán và nhắc đến phải thèm vì không hề mang lại vị ngang ngang từ nước luộc trai hay vị tanh của trai.
Phải nói bát cháo trai ở đây đáp ứng đầy đủ tiêu chí ngon-bổ-rẻ của mọi người và rất đáng “đồng tiền bát gạo”. Hơn nữa, cô Hoa chủ quán lại vô cùng cởi mở, thân thiện và dễ thương với giọng nói Huế dịu dàng tan chảy lòng người.
Được biết, giá một bát cháo 15 nghìn. Ngoài cháo trai, gần đây cô Hoa còn nấu cháo sườn sụn, mọi người có thể gọi thưởng thức. Sau khi ăn cháo xong, mọi người có thể thưởng thức tào phớ do cô Hoa tự làm để tráng miệng vô cùng hợp khẩu vị.
Những ngày thời tiết se lạnh như thế này, không thưởng thức hương vị cháo trai Huế, cảm nhận sự ấm áp của con người xứ Huế thì quả là phí hoài tuổi thanh xuân.
Ngoài cháo trai ở đây còn bán tào phớ.
Bán 3 nồi 40 lít cháo mỗi ngày ngon ơ
Cô Ngô Thị Hoa (49 tuổi, chủ quán) cho biết, cô sinh ra và lớn lên ở Huế. 29-30 tuổi theo chồng ra Hà Nội mưu sinh cuộc sống. Trước đây, chồng cô làm xây dựng, cô cứ ở nhà phụ nấu cơm cho chồng và thợ. Sau này nghĩ mình cần có một công việc để cùng chồng trang trải cuộc sống, cô quyết định đi bán cháo bánh canh Huế.
Vậy là hơn 20 năm trước, cô gánh gồng nồi bánh canh Huế đi khắp khu chợ Thành Công. Khách Hà Nội ăn quen cũng ghé qua quán cô đông dần. Tuy nhiên, mọi người vẫn ghé đến ăn hàng cháo trai bên cạnh nhiều hơn. Thấy vậy, cô nghĩ ở Huế cũng nấu cháo trai như này nên đã quyết định chuyển sang nấu cháo trai kiểu Huế cho mọi người ăn thử xem sao. Và nào ngờ chính món cháo trai đặc trưng của xứ Huế đã giúp cô phát triển, làm nên tên tuổi đến bây giờ.
“Hồi đó, mình mới ra Hà Nội muốn kiếm công việc làm ăn, đầu bán cháo bánh canh Huế, khách cũng ăn quen nhưng về sau mình nhìn có một người gánh rong bán cháo trai, khách đến đông hơn. Mình nghĩ ở quê cũng có món ăn này nên về thử nấu, khách ăn đông hơn và dần dần ăn quen. Từ gánh hàng rong đến ngồi ngoài vỉa hè và thuê nhà cửa để bán như hiện nay cũng đã được hơn 20 năm rồi. Trước đây, mình là người đầu tiên bán hàng ở sân A4 này luôn”, cô Hoa chia sẻ.
Cô Hoa bán cháo trai xứ Huế cách đây hơn 20 năm.
Trước đây, ít hàng quán cô Hoa chỉ bán vào buổi chiều từ 14h-18h nên khách đến đông dồn dập cô không kịp nghỉ tay. Hồi ấy, mỗi ngày hết 3 nồi cháo 40 lít là bình thường. Sau này, có địa điểm cửa hàng, cô chuyển ra bán cả ngày từ 8h sáng đến 8h tối, khách đến cũng đông tản ra các thời gian cũng đỡ vất vả hơn. Hiện nay, nhiều hàng quán và sự lựa chọn hơn, những ngày cuối tuần cô bán khoảng hơn 2 nồi cháo, ngày trong tuần bán khoảng một nồi rưỡi có dung tích 40 lít.
“Ngày xưa mới bán chỉ có 1,5-2 nghìn/bát rồi tăng dần, 5-6 năm nay, mình vẫn giữ giá 15 nghìn/bát”, cô Hoa cho hay.
Gạo tẻ nấu cháo sánh, quyện.
Cô Hoa cho biết, cháo trai Huế ở quê cô được nấu từng hạt gạo với trai chứ không xay nhuyễn nên khi nấu hạt gạo nở to, nước cháo lỏng, không được đặc. Ở Hà Nội ăn kiểu khác, mọi người thích cháo đặc sánh quyện vào với nhau nên cô phải thay đổi để chiều lòng thực khách.
Cũng xào trai nhưng gạo cô sẽ xay ra để nấu. Cùng với bí quyết của mình dù nấu bằng gạo tẻ cô vẫn khiến cháo được sánh, đặc như gạo nếp và trai không hề bị tanh, dai.
“Để nấu cháo trai Huế, khi nấu phải chọn trai ở quê, trai đồng, trai sông thì con trai mới ngon, béo hơn những con trai khác. Đồng thời, chọn gạo nấu để sánh quyện với quẩy để thực khách cảm thấy có độ béo, độ ngậy trong đó. Mình thường chọn trai của một bà cụ ở Vĩnh Phúc mỗi ngày khoảng 50-60kg trai nấu cháo, còn gạo vẫn chọn gạo tẻ nấu mà không hề có gạo nếp”, cô Hoa cho biết.
Để chế biến cháo trai phải làm sạch con trai rồi đem luộc. Lấy nước luộc ấy để nấu cháo. Trai có làm sạch thì nước trai mới trong, nấu cháo mới được ngon. Còn thịt trai sau khi làm sạch ở phần bụng thì thái ra thành miếng mỏng, cho vào xào với gia vị cho vừa rồi cho vào nấu cháo.
Xào trai tưởng đơn giản nhưng lại khó vô vùng và là công đoạn vô cùng quan trọng để có bát cháo trai ngon bởi nếu xào kỹ quá thịt trai sẽ bị dai, bã. Phải xào vừa chín tới thì miếng thịt trai mới giòn và giữ được vị ngọt. Hơn nữa khi xào phải phi hành thơm lên rồi vớt vụn hành ra rồi mới cho trai vào xào với gia vị.
Cô được mọi người yêu mến bởi tính cách thân thiện.
Theo cô Hoa, cháo trai là món ăn bình dân, giá lại không quá đắt nên nhiều người ăn quen rồi trở lại, thậm chí giới thiệu người quen, bạn bè. Hơn 20 năm bán quán, điều cô vui nhất là mọi người yêu thích món ăn của mình và cô đã góp một phần công sức nhỏ giới thiệu ẩm thực Huế đến với những người dân Hà Thành.