Thúng xôi hơn 20 năm của người phụ nữ làng Phú Thượng nuôi con học Đại học

Ngày 22/11/2019 09:57 AM (GMT+7)

Hàng xôi cô Hạ ở cổng trường THCS Thành Công gắn bó với biết bao nhiêu thế hệ học sinh nơi đây.

Video thúng xôi của cô Hạ ở Thành Công.

“Làng Gạ có gốc cây đề

Có sông tắm mát, có nghề thổi xôi”…

Đó là câu thơ về tiếng thơm làng nghề có hàng bao thế kỷ nay ở làng Gạ (Kẻ Gạ, tức làng Phú Gia nằm bên bờ Nam sông Hồng, nay thuộc phường Phú Thượng, quận Tây Hồ, Hà Nội).

Chỉ cần đến ngay đầu làng buổi sáng sớm đã thấy hương xôi nếp lan tỏa khắp làng trên xóm dưới. Và từ tờ mờ sáng, người dân làng đã tay gánh tay gồng với những thúng xôi thơm nức tỏa đi khắp thành phố bán buôn, làm sứ giả ẩm thực thầm lặng của làng Phú Thượng mỗi ngày.

Thúng xôi hơn 20 năm của người phụ nữ làng Phú Thượng nuôi con học Đại học - 1

Cô Hạ bán xôi ở Thành Công hơn 20 năm nay. 

Xôi chuẩn Phú Thượng hơn 20 năm ở Thành Công

Với người Hà Nội, xôi làng Gạ hay xôi Phú Thượng đã trở nên thân quen. Chỉ cần nhìn hạt xôi căng mọng, dẻo thơm, những người sành ăn biết ngay nguồn gốc món xôi nức tiếng thơm ngon này.

Ở khu vực Thành Công, nhắc đến xôi Phú Thượng mọi người nghĩ đến ngay hàng xôi của cô Hạ có hơn 20 năm ở đây. Hàng xôi của cô Hạ ở ngay khu vực cổng trường THCS Thành Công, chỉ cần đi đường Nguyên Hồng rẽ vào ngõ số 9 và đi một đoạn là thấy ngay hình ảnh mọi người tấp nập sáng sớm ghé đến mua xôi của cô.

Được biết, quán xôi của cô Hạ có 7 loại: xôi xéo, xôi đỗ, xôi lạc, xôi đỗ đen, xôi trứng thịt, xôi dừa, xôi gấc,…nhưng ngày nào cũng vậy cô chỉ mang đúng vỏn vẹn 1 thúng xôi. Không quá khi nói thúng xôi của cô như đựng được cả thế giới, giúp bao nhiêu thế hệ học trò được ấm bụng mỗi sáng sớm đến trường.

Vì là hàng xôi vỉa hè nên hầu hết, mọi người thường gọi mua mang đi. Ở đây cũng có sẵn một vài chiếc ghế nhỏ để mọi người có thể ngồi ăn thư thả tận hưởng bữa sáng với những hạt xôi dẻo, mẩy, thơm.

Thúng xôi hơn 20 năm của người phụ nữ làng Phú Thượng nuôi con học Đại học - 2

Mọi nguyên liệu trong xôi đều do cô tự tay làm. 

Xôi của cô Hạ được ủ trong thúng và được đặt dưới lót bọc mút, trên đậy vỉ cói nên luôn nóng, thơm mà không bị hấp hơi nước. Đặc biệt xôi luôn được bọc trong lá dong nên giữ được mùi thơm và sự an toàn tuyệt đối cho mọi người.

7 loại xôi của cô Hạ, xôi nào xôi nấy cũng đều khiến mọi người bị hấp dẫn bởi những hạt xôi mẩy, to, tròn, núc ních. Khi ăn vào luôn dẻo, thơm khó cưỡng. Từ xôi đỗ xanh, xôi lạc, xôi đỗ đen, các nguyên liệu đỗ lạc vẫn giữ nguyên được hạt, ăn bở không bị nát.

Thúng xôi hơn 20 năm của người phụ nữ làng Phú Thượng nuôi con học Đại học - 3

Thúng xôi hơn 20 năm của người phụ nữ làng Phú Thượng nuôi con học Đại học - 4

Thúng xôi hơn 20 năm của người phụ nữ làng Phú Thượng nuôi con học Đại học - 5

Xôi thịt trứng vô cùng hấp dẫn, đủ no căng bụng buổi sáng với giá 25 nghìn/bát. 

Với xôi trứng, thịt, chả, các nguyên liệu ăn vào khá hợp xôi, nước thịt đậm đà quyện vào khiến từng hạt xôi căng bóng, thịt được kho vừa miệng beo béo của phần mỡ và thơm ngọt của phần thịt nạc. Ba nguyên liệu ấy được kết hợp với xôi thêm chút nước thịt vô cùng đúng điệu và tuyệt cú mèo cho bữa sáng no bụng chỉ với 25 nghìn tùy theo yêu cầu của từng người.

Một thúng xôi nhỏ nuôi 2 con ăn học Đại học

Vừa thoăn thoắt đôi tay gói xôi cho khách, cô Hạ (52 tuổi) vừa chia sẻ, hàng xôi của cô là xôi chuẩn Phú Thượng bởi cô sinh ra và lớn lên ở mảnh đất làng nghề này. Ngày nào cũng vậy cứ tờ mờ sáng là cô và bao người làm nghề trong làng lại dậy thổi xôi rồi gánh và chuyên chở những thúng xôi vào Hà Nội bán. Đến nay, cô bán ở khu vực Thành Công này cũng được hơn 20 năm.

Nhớ lại những ngày đầu gắn bó với nghề xôi, cô Hạ kể, ngày bé cô được nhìn thấy bà, mẹ và các cô các chị đi bán xôi, sau khi học hết cấp 2 cô lại theo nghề gia đình đi bán. Thời gian đầu cô gặp khá nhiều vất vả và khó khăn vì xu thế người dân chưa có nhu cầu ăn sáng ở ngoài. Họ chỉ nấu nướng trong nhà nên bán rất chậm. Thời điểm ấy cô đi bán gói xôi chỉ có 200 đồng, rồi sau đó mới lên 500 đồng và bây giờ là 5 nghìn một gói.

Thúng xôi hơn 20 năm của người phụ nữ làng Phú Thượng nuôi con học Đại học - 6

Cô Hạ là con gái làng Phú Thượng - làng nghề làm xôi truyền thống. 

Hiện nay, ngày nào cô Hạ cũng dậy từ 3h30 để thổi xôi rồi đến 6h cô đi xe hơn 10km mang xôi ra cổng trường Thành Công bán. Sau khi bán xong khoảng 10h-11h, cô về nghỉ ngơi ăn trưa rồi lại dậy để ngâm gạo chuẩn bị nguyên liệu cho ngày hôm sau. Mặc dù chỉ làm xôi nhưng công việc của cô vẫn cứ tất bật mỗi ngày không được ngơi chân, ngơi tay ngày nào.

“Tôi ngồi bán xôi lâu năm ở đây có thương hiệu thật. Rất nhiều lớp học sinh cũ vẫn quay về cho con cái đến ăn vì họ quen ăn xôi của tôi. Đó cũng là niềm vui lớn nhất của tôi”, cô Hạ chia sẻ.

Cô Hạ tâm sự, thời gian trước đây ít người bán xôi nên mỗi ngày cô cũng làm được 2 thúng. Gần đây nhiều người bán hơn nên cô chỉ làm khoảng 1 thúng để bán mỗi ngày. Mặc dù nghề bán xôi thức khuya dậy sớm, lại bán không được nhiều nhưng nhờ thúng xôi ấy mà cô cũng đủ để trang trải cuộc sống gia đình, nuôi 2 con học Đại học khôn lớn.

Thúng xôi hơn 20 năm của người phụ nữ làng Phú Thượng nuôi con học Đại học - 7

Bao thế hệ học sinh ra trường lâu năm vẫn quay trở lại quán xôi cô ăn. 

Được biết, ở Phú Thượng mỗi người có một bí quyết thổi xôi riêng nhưng để muốn xôi ngon đúng điệu đều phải đồ hai lần lửa. Xôi đồ lần thứ nhất từ chiều hôm trước, đạt độ chín khoảng 80% rồi dỡ ra giá cho nguội và ráo nước. Đến độ 3h sáng hôm sau, đem đồ lần thứ hai cho chín tới, hạt xôi vừa săn vừa dẻo. Khi đồ phải giữ cho lửa đều, hơi nhiều, hạt gạo lúc chín phải bóng và no tròn như bôi dầu mỡ. Mỗi món xôi lại có một cách đồ riêng và cách nào cũng thật tỉ mẩn.

Chia sẻ về bí quyết để xôi ngon, níu chân mọi người suốt hơn 20 năm qua của mình, cô Hạ cho biết, điều đầu tiên là phải lựa chọn được gạo và chỉ có gạo nếp cái hoa vàng ở vùng chuyên trồng mới có thể làm được xôi ngon. Còn gạo nếp ở những vùng đất khác hay gạo nếp nương cũng không thể cho ra được chất xôi ngon. Gạo cũng phải được ngâm vừa đủ từ buổi chiều đến để chuẩn bị cho sáng hôm sau đồ.

“Tất cả các loại xôi, ruốc, hành phi đều do tôi làm hết. Xôi đỗ xanh ngâm rồi đồ lên, xôi đỗ đen thì phải luộc đỗ đen trước còn xôi lạc chỉ cần ngâm lạc cho nước đỏ ra rồi để lạc xuống dưới đồ. Với xôi trứng thịt, chả, tôi không gặp khó khăn nhiều vì nhu cầu học sinh đòi hỏi có thịt trứng nên tôi làm. Cứ tối đến tôi kho thịt, làm trứng, chả. Sáng hôm sau lấy xôi trắng từ xôi lạc nên không vất vả mấy”, cô Hạ chia sẻ bí quyết.

Thúng xôi hơn 20 năm của người phụ nữ làng Phú Thượng nuôi con học Đại học - 8

Cô Hạ bảo, nhiều người khuyên cô chuyển nghề làm việc khác, thậm chí nhìn thấy cô vất vả chồng và con cô cũng đều khuyên cô nghỉ việc nhưng vì tình yêu nghề cô vẫn cứ gắn bó với nó bao nhiêu năm nay. Đối với cô “sướng khổ là do mình” quan niệm nên cô vẫn cứ yêu thích nghề làm xôi này. Cô sẽ mãi gắn bó để góp phần gìn giữ và quảng bá thức ăn của làng nghề mình.

Bán xôi sắn độn hiếm gặp, mẹ Hà Nội nườm nượp khách, 4 tiếng hết veo 30kg
Ngày nào từ 2h chiều đến 6h tối, cô Kim ở Ngô Sĩ Liên cũng đẩy 2 xe chở nồi xôi sắn đầy ụ ra phục vụ khách hàng.
Hồng Nhung (Ảnh: NVCC)
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Địa điểm ăn uống