Yên tâm khi sử dụng máy đo lượng nitrat trong thực phẩm

Ngày 25/04/2016 13:41 PM (GMT+7)

Hoang mang trước vấn đề thực phẩm không an toàn, nhiễm hóa chất, nhiều người tiêu dùng đã không ngần ngại bỏ ra tiền triệu để mua máy đo nitrat trong rau quả.

Hiện nay, an toàn thực phẩm đang trở thành mối lo ngại lớn của nhiều người. Rau quả nhiễm hóa chất, thuốc trừ sâu, phân bón hay thuốc kích thích đã “nghiễm nhiên” trở thành nguyên liệu chế biến những món ăn hằng ngày. Và, nó ảnh hưởng không nhỏ tới sức khỏe của người thưởng thức.

Khắc phục tình trạng đó, nhiều gia đình đã tìm mọi phương án cải thiện chất lượng bữa ăn bằng cách tự trồng rau sạch hoặc sẵn sàng bỏ ra số liền lớn để mua máy đo lượng nitrat tồn dư trong thực phẩm.

“Thử” để yên tâm và dọa người bán hàng

Tránh thực phẩm không an toàn, chị Cẩm Vân (Đống Đa - Hà Nội) đã có sự lựa chọn thông minh cho những bữa ăn của gia đình. Chị đã nhờ người nhà ở quê cung cấp rau củ quả, thịt cá. Có những lần nhỡ bữa, chị đành phải mua thực phẩm ở siêu thị hoặc đồ rõ nguồn gốc. Tuy nhiên, chị vẫn luôn cảm thấy bất an về thông tin rau quả nhiễm hóa chất, thịt có chất tạo nạc,… Do vậy, chị đã quyết định dành ra số tiền khá “chát” (5 triệu đồng) để mua “chiếc điều khiển” đo lượng nitrat trong thực phẩm.

Yên tâm khi sử dụng máy đo lượng nitrat trong thực phẩm - 1

Chị Cẩm Vân thử lượng nitrat tồn dư trong trái cam

Chị Cẩm Vân cho biết, loại máy này được quảng cáo có thể kiếm tra được dư lượng nitrat tồn dư trên rau củ quả và thịt tươi trong vòng 20 giây. Cách sử dụng khá đơn giản, chỉ cần ghim thực phẩm vào máy là ra kết quả. Đặc biệt, nó có hẳn một danh mục dành riêng cho việc đo hàm lượng nitrat khi chọn đồ ăn để người tiêu dùng có thể biết rõ nguồn thực phẩm đó có an toàn và đảm bảo sức khỏe hay không.

Gia đình mình đã sử dụng loại máy này được một thời gian. Khi đo lượng nitrat tồn dư trong thực phẩm từ quê gửi lên thì nhận được kết quả an toàn. Thi thoảng, mình đi chợ có đem theo máy để “dọa” người bán hàng. Nếu, rau củ quả vượt ngưỡng cho phép thì coi đó là dấu hiệu để nghi ngờ thực phẩm không an toàn và tránh mua”, chị Cẩm Vân tâm sự.

Có nhiều ý kiến tranh luận về máy đo lượng nitrat trong rau quả nhưng chị Cẩm Vân tạm chấp nhận và hài lòng về nó. Đặc biệt, chị có thể yên tâm và luôn coi đó là “bảo bối” trong căn bếp nhỏ.

Yên tâm khi sử dụng máy đo lượng nitrat trong thực phẩm - 2

Máy đo lượng nitrat trong thực phẩm luôn coi đó là “bảo bối” trong căn bếp nhỏ

Chỉ có tác dụng kiếm tra lượng nitrat trong rau quả 

Trên các trang xã hội, nhiều Fanpage với tên gọi “Máy an toàn thực phẩm” đã được lập ra và không ngớt lời ca ngợi công năng máy này đem lại. Liên hệ với chủ 1 Fanpage, họ cho biết,  nhiều quốc gia trên thế giới đã sử dụng phổ biến máy đo nitrat. Gồm 2 loại máy: Soeks của Liên bang Nga và Horiba của Nhật Bản. Tuy nhiên, chỉ có máy Soeks là thiết bị được Bộ y tế cấp phép lưu hành tại Việt Nam.

Chủ cửa hàng nhấn mạnh: “Máy Soeks chỉ có tác dụng kiểm tra lượng nitrat có trong rau của quả. Vì vậy, máy không có công năng kiểm tra thực phẩm có nhiễm thuốc bảo vệ thực vật, kim loại nặng và vi khuẩn. Nếu người tiêu dùng muốn loại sạch 3 nhóm chất độc hại trên, cần mua thêm các loại máy khác có thể nhận biết. Còn, nguyên lý hoạt động của máy đo lượng nitrat chỉ để loại trừ thực phẩm không an toàn”. 

Theo Hội Khoa học kỹ thuật an toàn thực phẩm Việt Nam, nitrat tồn dư trong thực phẩm rau củ là do sử dụng quá nhiều phân bón hóa học thúc đẩy sự phát triển của trái và được bón sát thời điểm thu hoạch. Ngoài ra, nitrat có thể tìm thấy trong các hóa chất bảo quản chứa gốc nitrat để ép chín hoặc giữ tươi thực phẩm.

Nitrat có thể gây ngộ độc cấp tính, khó thở, thiếu máu và đồng thời là tiền chất gây ung thư.

Loại máy được giao bán ở Việt Nam có giá dao động từ 4,5-5 triệu đồng/chiếc. Đặc biệt, máy có thể đo được lượng nitrat trong 100 loại thực phẩm. “Bản cũ của máy chỉ kiểm tra được 60 loại thực phẩm. Từ tháng 11/2015, mẫu thiết kế mới đã bổ sung thêm 40 loại thực phẩm. Do đó, người tiêu dùng có thể hoàn toàn an tâm”, chủ cửa hàng cho hay.

Chỉ có 1 công năng: Đo dư lượng nitrat

Trên thị trường, máy đo dư lượng nitrat trong thực phẩm do Nga sản xuất được Bộ Y tế cấp phép là thiết bị hiện đại. Dù vậy, máy chỉ đo được duy nhất nitrat nên tồn tại nhiều hạn chế. Những chất độc hại khác như thuốc bảo vệ thực vật, kim loại nặng và vi khuẩn thì máy không thể đo được dư lượng thừa. Đặc biệt, máy không kiểm tra được nước uống.

Theo PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh (Viện sinh học- Công nghệ thực phẩm, ĐH Bách khoa Hà Nội), không nên gọi máy đo dư lượng nitrat trong rau củ là máy đo an toàn thực phẩm, để người sử dụng không hiểu lầm về công năng của nó.

PGS.TS cho biết thêm, chiếc máy này là thiết bị điện tử tự động có gắn đầu cảm ứng sẽ thay đổi độ nhạy sau một thời gian sử dụng. Vì vậy, để đảm bảo cho thiết bị này hoạt động chính xác sau thời gian sử dụng, người nội trợ cần mang đến các cơ sở đo lường để kiểm tra.

Vân Anh
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề An toàn thực phẩm