Tây Thi, Vương Chiêu Quân, Điêu Thuyền, Dương Ngọc Hoàn thực tế chẳng hoàn hảo được như thi ca. Tuy nhiên, "Tứ đại mỹ nhân" đều biết cách làm đẹp bản thân, chữa những khuyết điểm đó và biến chúng thành ưu điểm đi vào lịch sử.
Nhắc tới biểu tượng nhan sắc của lịch sử Trung Hoa, ai nấy đều phải trầm trồ khi liệt kê ra những cái tên trong nhóm "tứ đại mỹ nhân". Tuy không có nhiều tư liệu về hình ảnh của các mỹ nhân thời xưa nhưng thông qua những con chữ trong thơ ca, Tây Thi, Vương Chiêu Quân, Điêu Thuyền hay Dương Ngọc Hoàn điều hiện lên một cách hoàn hảo và tuyệt mỹ.
Thế nhưng, "nhân vô thập toàn", mỹ nhân âu cũng là người phàm, khó tránh khỏi việc có khuyết điểm. Quan trọng hơn hết là cách họ cư xử như thế nào với khiếm khuyết đó để cả ngàn thế hệ sau vẫn không khỏi ngân nga, trầm trồ.
"Trầm ngư" Tây Thi xấu hổ vì… chân to
Nàng Tây Thi đi vào trong tiềm thức người dân như một vị tiên nữ xinh đẹp, yêu nước nhưng bạc mệnh. Người đời sau đã dành những câu thơ như "trầm ngư lạc nhạn, bế nguyệt tu hoa (Chim sa cá lặn, hoa hờn nguyệt thẹn) để chỉ nét đẹp phi phàm của Tây Thi. Tương truyền khi nàng giặt lụa bên bờ Phố Giang (nay là sông Tiền Đường), cá trong nước nhìn thấy vẻ đẹp của nàng hổ thẹn mà lặn sâu dưới nước, hoa đang khoe sắc nhưng cũng phải hổ thẹn, trăng dù tròn nhưng cũng vội lẫn khuất trong mây.
Tạo hình Tây Thi đẹp lay động lòng người do Ô Tĩnh Tĩnh thủ vai.
Chỉ tiếc rằng, đại mỹ nhân như Tây Thi lại luôn phải che giấu một khuyết điểm xấu xí trên cơ thể của mình. Đó chính là đôi chân "quá khổ" so với chuẩn mực thời bấy giờ. Hiểu rõ khuyết điểm của mình, Tây Thi từng tự làm một đôi guốc gỗ, lại thường xuyên mặc những chiếc váy dài qua mắt cá chân. Nhờ đó, không ai biết tới đôi chân thô kệch của mỹ nhân Xuân Thu này. Không chỉ vậy, đôi guốc và những chiếc váy thướt tha càng khiến dáng vẻ của Tây Thi thêm uyển chuyển, say lòng người.
Đôi guốc gỗ này hay còn gọi là giày "Hoa bồn để" được các cung tần mỹ nữ đời sau học theo Tây Thi cho dáng đi mềm mại, uyển chuyển.
Vương Chiêu Quân và nỗi niềm về đôi vai lệch
Được nhắc đến như "á hậu" trong danh sách "Tứ đại mỹ nhân", mỹ nữ nhà Hán là Vương Chiêu Quân nổi tiếng với nhan sắc và trí tuệ vẹn toàn.
Dương Mịch có thể nói là mỹ nhân vào vai Vương Chiêu Quân đẹp nhất màn ảnh.
Gắn liền với câu chuyện "Chiêu Quân xuất tái", mỹ nhân họ Vương này đã trở thành hình tượng nổi tiếng trong thi ca Trung Quốc. Tương truyền rằng, khi Chiêu Quân đi ngang qua một hoang mạc lớn, trong lòng chất chứa nỗi nhớ quê hương, Chiêu Quân đã đàn "Xuất tái khúc".
Lúc bấy giờ, có đàn chim nhạn bay ngang qua, nghe thấu nỗi u oán cảm thương trong tiếng đàn, liền quên cả vỗ cánh mà sa xuống đất. Từ đó, Chiêu Quân được hậu thế ca tụng là mỹ nhân "lạc nhạn" (chim sa). Vậy nhưng, mỹ nhân có vẻ đẹp "lạc nhạn" ấy cũng mang trong mình nỗi tự ti về ngoại hình. Nỗi xấu hổ ấy bắt nguồn từ đôi vai lệch của Chiêu Quân.
Để che giấu nhược điểm ngoại hình này, mỹ nhân họ Vương thường xuyên mặc những chiếc áo khoác có miếng độn vai. Những chiếc áo tinh tế ấy vừa khắc phục được khuyết điểm, vừa giúp Chiêu Quân thêm phần xinh đẹp, mỹ miều.
Điêu Thuyền và nỗi buồn vì đôi tai chuột
Sở hữu vẻ đẹp khiến "nguyệt thẹn", Điêu Thuyền từ lâu được người đời ca tụng là mỹ nhân "bế nguyệt" (khiến mặt trăng phải xấu hổ mà giấu mình đi). Cứ ngỡ dung nhan thanh tú, thuộc hàng tuyệt sắc giai nhân của Điêu Thuyền không có gì đáng chê. Tuy nhiên, nàng lại sở hữu một đôi tai rất nhỏ, mà người ta thường gọi là "tai chuột".
Do quan niệm thời xưa vốn xem trọng tướng mạo, đôi tai phải to thì mới có phúc nên mỹ nhân này thường che đi khuyết điểm bằng cách đeo những đôi bông tai khá nặng với họa tiết trang trí cầu kỳ.
Tương truyền, đôi bông tai đính ngọc của Điêu Thuyền thường trở nên lấp lánh mỗi khi nàng ngồi thơ thẩn ngắm trăng bên vọng nguyệt lầu. Điều ấy khiến vẻ đẹp của người con gái thời Tam Quốc càng thêm phần kiều diễm, làm bao bậc Vương quyền phải say đắm khôn nguôi.
Trần Hảo hay Cố Lan Quân là những người đẹp vào vai Điêu Thuyền trên màn ảnh thuyết phục nhất từ trước đến nay.
Dương Ngọc Hoàn – Quý phi có mùi cơ thể
Tương truyền rằng, sắc đẹp của Ngọc Hoàn rực rỡ tới nỗi trăm hoa "xấu hổ" đến nỗi không dám nở. Bởi vậy, ái phi của vua Huyền Tông được hậu thế ca tụng là mỹ nhân "Tu hoa". Kỳ thực, giai thoại về vẻ đẹp của Dương Ngọc Hoàn còn có một "dị bản" khác khiến người đời dở khóc dở cười. Đó là vị Quý phi họ Dương này vì sở hữu mùi khó chịu trên cơ thể, nên trăm hoa mới không dám nở. Tuy nhiên, mỹ nhân vốn là người đam mê làm đẹp nên không chịu chấp nhận sự thật đó đã làm trăm kế để khử mùi, tạo hương cho cơ thể.
Nàng thường hái những bông hoa thơm nhất trong vườn như hoa nhài, hoa lình lan, hoa hồng,... vào buổi chiều tà khi bông hoa ngát hương nhất. Sau đó, nàng chiết thành "nước hoa" để xức lên người.
Không dừng lại ở đó, Dương Quý phi còn rất chăm tắm rửa bằng các loại hương liệu để lấn át đi mùi hương khó chịu trên cơ thể mình. Tương truyền mỗi lần đi tắm của nàng tiêu tốn rất nhiều ngân sách vì số lượng lớn cánh hoa tươi phải phủ đầy mặt bồn.
Nhờ che giấu được mùi khó chịu, Dương Quý phi vẫn là mỹ nhân "thập toàn thập mỹ" trong mắt nhà vua và được Đường Huyền Tông vô cùng sủng ái.