Bướu lành tuyến giáp là bệnh lý phổ biến có thể gặp phải ở nữ giới, bệnh gây ra những cục nổi ở cổ gây khó chịu trong ăn uống cũng như sinh hoạt hàng ngày. Vậy nguyên nhân, triệu chứng cũng như cách điều trị bệnh này ra sao?
Tổng quan về bệnh
Tuyến giáp là cơ quan nằm ở vùng cổ của con người, ngay dưới thanh quản và nằm phía trên xương đòn một chút. Bướu lành tuyến giáp là tình trạng xuất hiện một khối u bướu phát triển ngay bên trong tuyến giáp của bệnh nhân. Khối u bướu này có thể ở trạng thái lỏng hoặc rắn, có thể xuất hiện từng cục đơn lẻ hoặc thành một cụm dày đặc các nốt quanh tuyến giáp.
Căn bệnh bướu lành tuyến giáp xảy ra phổ biến ở phụ nữ nhiều hơn là với đàn ông, theo tỷ lệ 6% phụ nữ và 1-2% đàn ông có thể mắc phải. Với những người cao tuổi, bệnh có nguy cơ mắc phải cao đến 10 lần nhưng thường khó có thể phát hiện sớm và chẩn đoán để điều trị kịp thời. Bệnh nếu phát triển có thể gây ra chèn ép vào khí quản và thực quản của bệnh nhân, từ đó gây ra đau nhức mỗi khi nói chuyện, ăn thức ăn hoặc nuốt nước bọt. Đa số các bướu lành tuyến giáp là lành tính, ít có khả năng chuyển hóa thành ung thư tuyến giáp.
Triệu chứng
Với căn bệnh bướu lành tuyến giáp lành tính, các triệu chứng xảy ra có thể sẽ không rõ ràng. Nếu như các nốt u bướu phát triển lớn hơn, bệnh nhân sẽ gặp phải các triệu chứng rõ rệt như sau:
- Tuyến giáp bị mở rộng, sờ rõ phần bướu cổ hình thành.
- Bệnh nhân cảm thấy đau ở phần cổ do bướu đè lên khí quản
- Đau mỗi khi nuốt thức ăn hoặc nước uống
- Cảm thấy khó thở
- Giọng của bệnh nhân trở nên khàn đi, thậm chí ho khan kéo dài
Trong nhiều trường hợp, các bướu lành tuyến giáp của bệnh nhân sẽ sản xuất ra nhiều hormone tuyến giáp Thyroxine, từ đó gây ra thêm một số triệu chứng đáng chú ý như:
- Nhịp tim đập nhanh, không đều
- Sụt cân nhanh mà không rõ nguyên nhân
- Cơ bắp bị yếu đi dẫn đến run tay chân, khó cầm nắm
- Khó ngủ, thậm chí mất ngủ kéo dài
- Tâm trạng lo âu, hồi hộp thường xuyên
- Có cảm giác buồn nôn, khó chịu
Trong một vài trường hợp đặc biệt, bướu lành tuyến giáp phát triển mạnh ở người bệnh đang bị mắc chứng viêm tuyến giáp thì sẽ gây ra thêm một số triệu chứng nổi bật khác như:
- Mệt mỏi kéo dài
- Cân nặng tăng nhanh không rõ nguyên nhân
- Táo bón
- Mẫn cảm với thời tiết lạnh
- Da và tóc trở nên khô
- Móng tay giòn và dễ gãy
Nguyên nhân
Căn bệnh bướu lành tuyến giáp xảy ra chủ yếu là do một số nguyên nhân sau đây:
- Viêm tuyến giáp thông thường hoặc mạn tính: Bệnh nhân khi bị viêm tuyến giáp sẽ dẫn đến việc hình thành các khối u, bướu lành tính tại tuyến giáp.
- Thiếu Iot: Chế độ ăn hàng ngày bị thiếu muối Iot sẽ gây ra tình trạng suy giáp, điều này cũng sẽ dẫn đến việc xuất hiện các khối u, bướu tại tuyến giáp của người bệnh. Tuy nhiên nếu hấp thụ quá nhiều Iot lại có thể gây ra tình trạng cường giáp, do đó mà mỗi ngày chỉ nên hấp thụ không quá 150mg muối Iot.
- Sự tăng sinh của mô tuyến giáp: Mô tuyến giáp phát triển quá mức có thể sản sinh ra các hormone ngoại lai góp phần gây ra sự hình thành bệnh cường giáp và xuất hiện các khối u lành tính tại tuyến giáp.
- Viêm tuyến giáp Hashimoto: Đây là chứng bệnh tự miễn xảy ra khiến cho người bệnh lâm vào tình trạng suy giáp và xuất hiện các bướu lành tuyến giáp.
Đối tượng nào có nguy cơ cao mắc bướu lành tuyến giáp?
Như đã đề cập đến ở trên, phụ nữ là đối tượng sẽ có nguy cơ mắc bệnh bướu lành tuyến giáp nhiều hơn so với nam giới, nhất là với phụ nữ lớn tuổi. Tuy vậy thì bạn cũng không nên bỏ qua những nhóm đối tượng sau đây, vì họ cũng có thể có nguy cơ mắc bệnh như bình thường nhưng xảy ra ở xác suất cao:
- Có tiền sử bệnh tuyến giáp: Bệnh nhân trước đây đã từng mắc bệnh về tuyến giáp nhưng đã được chữa khỏi thì vẫn có nguy cơ xuất hiện bướu lành tuyến giáp.
- Gia đình có tiền sử mắc bệnh tuyến giáp: Điều này sẽ ảnh hưởng tới vấn đề di truyền, khiến cho bạn có nguy cơ mắc bệnh về tuyến giáp cao hơn so với người bình thường.
- Mẫn cảm với tác dụng phụ của thuốc: Nếu người bệnh đang sử dụng các loại thuốc gây ức chế miễn dịch hoặc thuốc chống virus tấn công thì sẽ có khả năng xuất hiện các khối u tuyến giáp cao hơn người bình thường.
Bướu lành tuyến giáp có nguy cơ phát triển thành ung thư tuyến giáp hay không?
Giống như tên gọi của mình, bướu lành tuyến giáp bản chất là các khối u bướu lành tính, an toàn với người bệnh nếu như được phát hiện và điều trị kịp thời. Tỷ lệ biến chứng từ bướu lành tuyến giáp sang ung thư tuyến giáp là vô cùng thấp nhưng vẫn có khả năng xảy ra. Do đó mà người bệnh cần khám sức khỏe định kỳ thường xuyên để sớm phát hiện ra bệnh và có biện pháp điều trị kịp thời.
Cách điều trị
Hầu hết, việc điều trị chứng bướu lành tuyến giáp sẽ phụ thuộc vào tình trạng bệnh lý hiện tại cũng như kích thước khối u bướu mà bệnh nhân đang gặp phải. Từ đó bác sĩ sẽ lựa chọn phương pháp điều trị phù hợp nhất để không làm tổn hại sức khỏe của bệnh nhân và khiến mau chóng hồi phục. Đối với căn bệnh bướu lành tuyến giáp thì các phương pháp điều trị hiện nay gồm có:
1. Thăm khám định kỳ và theo dõi
Nếu như các nốt u bướu của người bệnh không phải là ung thư mà hoàn toàn lành tính, các bác sĩ sẽ kết luận rằng tình trạng hiện tại của bệnh nhân là không cần phải điều trị, chỉ cần theo dõi thường xuyên và thăm khám định kỳ là được. Tuy nhiên nếu như khối u bướu phát triển lớn hơn thì sẽ cần có biện pháp điều trị khác hiệu quả hơn.
2. Sử dụng thuốc điều trị
Trong trường hợp các nốt u bướu có kích thước nhỏ bé thì có thể được điều trị bằng các loại thuốc chuyên dụng. Các loại thuốc này đều có khả năng giúp cơ thể tổng hợp ra chất thyroxine để cung cấp hormone tuyến giáp cho cơ thể người bệnh. Tuy nhiên cách điều trị này vẫn còn đem lại khá nhiều tranh cãi khi mà chưa có bằng chứng thuyết phục cho thấy việc làm tăng hormone tuyến giáp lại giúp giảm thiểu tình trạng u bướu lành tuyến giáp.
3. Tiến hành phẫu thuật
Với nhân bướu lành tuyến giáp có kích thước lớn từ 4-5cm trở lên thì bắt buộc phải can thiệp bằng phẫu thuật để loại bỏ. Nếu không thì bướu sẽ to dần lên gây ra chèn ép tới khí quản hoặc thực quản của người bệnh khiến họ đau đớn, khó thở, khó ăn uống được.
4. Chọc hút dịch bướu
Trong trường hợp khối u bướu của người bệnh chứa nhiều chất lỏng bên trong chứ không rắn chắc thì bác sĩ có thể sẽ chỉ định chọc hút dịch bên trong nhân bướu để khiến kích thước của khối u bướu giảm đi đáng kể. Từ đó việc điều trị sẽ trở nên dễ dàng và không mang đến biến chứng cho người bệnh.
Bướu lành tuyến giáp kiêng ăn những gì?
Để có thể giúp người bệnh điều trị hiệu quả tình trạng bướu lành tuyến giáp, những món ăn sau đây người bệnh tuyệt đối nên hạn chế hoặc tránh xa:
1. Nội tạng động vật
Trong nội tạng động vật có chứa rất nhiều acid alpha lipoic có thể gây ra những hoạt động bất thường tại tuyến giáp. Từ đó khiến cho bệnh bướu lành tuyến giáp lâu khỏi và có nguy cơ biến chứng.
2. Đậu nành và các chế phẩm
Trong đậu nành và các sản phẩm từ đậu nành có chứa rất nhiều hoạt chất isoflavone. Đây là hoạt chất có khả năng gây cản trở sự hình thành hormone tuyến giáp ở người. Từ đó sẽ làm tăng nguy cơ mắc các bệnh về tuyến giáp.
3. Đồ ăn nhanh, đồ ăn đóng hộp
Các loại đồ ăn nhanh, đồ ăn đóng hộp thường chứa nhiều phụ gia, chất bảo quản,... không có lợi đối với sức khỏe người bệnh đang mắc bướu lành tuyến giáp. Do đó mà bạn không nên sử dụng các loại đồ ăn này trong quá trình điều trị bệnh.
4. Đồ ăn ngọt
Đồ ăn ngọt chứa nhiều đường có thể khiến làm suy giảm đi hoạt động của tuyến giáp. Ngoài ra đồ ăn ngọt còn làm tăng nguy cơ mắc béo phì, tăng cân nhanh chóng, mất cân bằng dinh dưỡng, không tốt cho tuyến giáp.
5. Rượu, bia, thuốc lá
Rượu, bia, thuốc lá là những thứ chứa vô vàn các chất độc hại với sức khỏe con người, đặc biệt là với những người mắc các bệnh về tuyến giáp. Vậy nên bạn hãy tránh xa những thứ đó để bảo vệ sức khỏe của bản thân tốt hơn.