Suy giáp là một trong những rối loạn tuyến giáp thường gặp, có thể xảy ra ở bất kỳ ai, không phân biệt độ tuổi, giới tính.
Tổng quan
Tuyến giáp là một phần của hệ thống nội tiết, có nhiệm vụ sản xuất, lưu trữ, giải phóng hormone triiodothyronine (T3) và thyroxine (T4) vào máu, tham gia điều hòa sự trao đổi chất, đóng vai trò quan trọng trong hoạt động của một số cơ quan như hệ tim mạch, hệ thần kinh, hệ tiêu hóa,... cũng như chuyển hóa các chất carbohydrate, chất béo, chất đạm,... Suy giáp là hội chứng xảy ra khi chức năng tuyến giáp bị suy giảm, dẫn tới không sản xuất đủ hormone đáp ứng nhu cầu của cơ thể.
Suy giáp thường gặp ở phụ nữ và những người trên 60 tuổi. Người có tiền sử cá nhân hoặc gia đình mắc các bệnh về tuyến giáp. Người từng phẫu thuật tuyến giáp hoặc xạ trị cổ hoặc ngực. Phụ nữ có thai. Hoặc người mắc hội chứng Turner, hội chứng Sjögren, hoặc một số bệnh tự miễn.
Suy giáp có nhiều loại:
Suy giáp tiên phát: do căn nguyên miễn dịch (như viêm tuyến giáp Hashimoto). Sau phẫu thuật cắt tuyến giáp hoặc điều trị bằng iốt phóng xạ (kể cả phóng xạ vùng cổ). Do dùng thuốc kháng giáp trạng tổng hợp điều trị bệnh basedow, (neomercazol, thyrozol, novacarb, lithium...). Do thiếu hụt iốt nặng.Bẩm sinh hoặc mắc phải trong tử cung (suy giáp trẻ mới đẻ);
Các đồ béo như salad trộn cùng mayonnaise là món ăn mà người bệnh suy giáp nên tránh.
Suy giáp thứ phát: do suy thùy trước tuyến yên (hiếm gặp);
Suy giáp do vùng dưới đồi: rất hiếm gặp;
Suy giáp dưới lâm sàng: không có biểu hiện. Thể bệnh này khá phổ biến, chiếm 5-13% dân số.
Tuy nhiên, suy giáp gặp phổ biến ở nữ giới. Đối với phụ nữ đang mang thai, nó có thể là một nguyên nhân dẫn đến sảy thai hoặc suy yếu não bộ của trẻ sơ sinh.
Khi bị suy giáp người bệnh có các biểu hiện: mệt mỏi, nhức đầu, chóng mặt, đãng trí, trầm cảm, da, tóc khô; tâm trạng thay đổi thất thường; rối loạn kinh nguyệt; tay chân lạnh, cảm thấy vô cùng lạnh trong mùa đông và nóng quá mức trong mùa hè... Suy giáp làm tăng nguy cơ tai biến tim mạch, có thể gây hôn mê, ngừng thở...
Nguyên nhân
Có rất nhiều nguyên nhân gây suy giáp, tuy nhiên, các nhà khoa học cho rằng, nguyên nhân phổ biến nhất là do sự suy yếu, rối loạn của hệ miễn dịch. Bình thường, hệ miễn dịch có chức năng nhận diện các tế bào lạ như vi khuẩn, virus, vi sinh vật, tế bào già, lỗi và sinh ra các kháng thể để tấn công, phá hủy chúng. Tuy nhiên, khi hệ miễn dịch bị suy yếu, dẫn đến rối loạn hoạt động nên đã nhận nhầm các tế bào, mô tuyến giáp là tác nhân lạ nên sản xuất kháng thể tự sinh tấn công, phá hủy chúng, làm giảm nồng độ hormone tuyến giáp.
Nhằm duy trì hoạt động bình thường của cơ thể, các tế bào lành còn lại của tuyến giáp phải hoạt động nhiều hơn để sản xuất đủ lượng hormone cần thiết, khiến cho cơ quan nội tiết này phình to ra và hình thành nên u bướu ở cổ (trường hợp này còn được gọi là bướu cổ do suy giáp). Vì thế, để kiểm soát tốt hội chứng suy giáp thì cần tác động vào “phần gốc” này.
Triệu chứng
Mệt mỏi
Mệt mỏi là một trong những triệu chứng phổ biến nhất của bệnh suy giáp. Người bệnh thậm chí có thể luôn trong tình trạng kiệt sức dù nghỉ ngơi hay ngủ đủ giấc cũng không hồi phục.
Tăng cân
Hormon tuyến giáp giúp điều chỉnh trọng lượng cơ thể, lượng thức ăn và chuyển hóa chất béo và đường. Những người giảm hormon tuyến giáp có thể bị tăng cân và tăng chỉ số khối cơ thể (BMI). Ngay cả những trường hợp suy giáp nhẹ cũng có thể làm tăng nguy cơ tăng cân và béo phì. Nhiều bệnh nhân suy giáp có khuôn mặt sưng húp.
Đau cơ và khớp
Suy giáp có thể ảnh hưởng đến cơ và khớp: Nhức mỏi, đau, cứng khớp, sưng khớp, co cứng cơ, yếu nhược cơ khớp. Nghiên cứu cũng cho thấy mối liên hệ giữa rối loạn tuyến giáp và viêm khớp dạng thấp.
Thay đổi tâm trạng và trí nhớ
Những người mắc bệnh suy giáp không được điều trị thường gặp phải chứng lo âu, phiền muộn, hoặc ngược lại là lãnh đạm, thờ ơ, suy giảm trí nhớ, giảm chú ý và tập trung, trầm cảm, suy nghĩ và nói chậm chạp hơn... Những triệu chứng này diễn ra do não thiếu hormon để hoạt động chính xác. Những thay đổi não này có thể đảo ngược khi được điều trị.
Cảm giác lạnh
Suy giáp có thể làm chậm quá trình trao đổi chất, dẫn đến giảm nhiệt độ cơ thể. Do đó, một số người có lượng hormon tuyến giáp thấp có thể luôn cảm thấy lạnh hoặc có khả năng chịu lạnh kém.
Táo bón
Các nghiên cứu báo cáo rằng tuyến giáp hoạt động kém có thể gây ra vấn đề với hoạt động của dạ dày, ruột non và ruột kết khiến một số người bị táo bón.
Cholesterol cao
Hormon tuyến giáp có vai trò quan trọng để loại bỏ cholesterol dư thừa ra khỏi cơ thể qua gan. Nồng độ hormon tuyến giáp thấp khiến gan thực hiện chức năng này khó khăn hơn và mức cholesterol trong máu tăng lên. Nghiên cứu cho thấy rằng có tới 13% người có cholesterol cao cũng có tuyến giáp hoạt động kém. Do đó, những người bị cholesterol cao nên định kỳ kiểm tra bệnh suy giáp.
Nhịp tim chậm
Những người bị suy giáp cũng có thể có nhịp tim chậm hơn bình thường (dưới 60lần/phút). Mức hormon tuyến giáp thấp ảnh hưởng đến tim gây rối loạn huyết áp, nhịp tim, xơ cứng động mạch. Rối loạn nhịp tim có thể gây yếu, chóng mặt và khó thở. Nếu không điều trị, tình trạng này có thể dẫn đến các biến chứng như tăng huyết áp hoặc huyết áp thấp, có cơn đau thắt ngực hoặc suy tim.
Rụng tóc
Rối loạn hormon tuyến giáp không được điều trị là một nguyên nhân gây rụng tóc. Điều này là do hormon tuyến giáp rất cần thiết cho sự tăng trưởng và sức khỏe của nang lông.
Da khô và tóc và móng tay yếu
Tuyến giáp hoạt động kém ảnh hưởng đến da và gây ra các triệu chứng như: da khô, dễ bong vảy, thô, xanh tái, da mỏng,... Những người bị suy giáp cũng có thể gặp tình trạng tóc khô và thô, dễ gãy hoặc móng tay xỉn màu.
Bướu cổ
Tuyến giáp phát triển gây tình trạng cổ to hơn bình thường gọi là bướu cổ. Các triệu chứng khác bao gồm: ho, khàn tiếng, khó nuốt, nghẹn, khó thở.
Thay đổi kinh nguyệt
Phụ nữ bị suy giáp dễ bị rối loạn kinh nguyệt. Suy giáp gây ra những vấn đề này vì nó ảnh hưởng đến các hormon khác có vai trò trong kinh nguyệt, chẳng hạn như: làm giảm quá trình sản xuất estrogen, làm giảm lượng globulin liên kết với hormon giới tính.
Các biến chứng suy tuyến giáp gặp phải
Bướu cổ
Tình trạng kích thích liên tục để giải phóng nhiều hormone hơn có thể làm tăng kích thước của tuyến giáp và dẫn đến một biến chứng được gọi là bướu cổ. Mặc dù bướu cổ thường không gây khó chịu, nhưng nếu tình trạng nặng có thể có thể cản trở việc nuốt hoặc thở.
Vấn đề tim mạch
Suy giáp cũng có thể liên quan đến nguy cơ mắc bệnh tim và suy tim. Nguyên nhân chủ yếu là do sự gia tăng cholesterol lipoprotein mật độ thấp (LDL) hay còn gọi là cholesterol "xấu" có thể xảy ra ở những người có tuyến giáp hoạt động kém.
Sức khỏe tinh thần
Trầm cảm có thể xuất hiện sớm ở giai đoạn suy giáp và có thể trở nên trầm trọng hơn theo thời gian. Suy giáp cũng có thể khiến chức năng thần kinh bị chậm lại.
Bệnh thần kinh ngoại biên
Suy giáp lâu dài không kiểm soát có thể gây tổn thương các dây thần kinh ngoại vi. Đây là những dây thần kinh mang thông tin từ não và tủy sống đến phần còn lại của cơ thể như cánh tay và chân. Bệnh thần kinh ngoại biên có thể gây đau, tê và ngứa ran ở các vùng bị ảnh hưởng.
Phù niêm
Biến chứng hiếm gặp và đe dọa tính mạng này là hậu quả của bệnh suy giáp lâu dài không được chẩn đoán. Các dấu hiệu và triệu chứng của phù niêm (myxedema) là da khô lạnh, đau cơ, buồn ngủ, ù tai, táo bón ... Biến chứng trở nặng có thể dẫn đến hôn mê sâu và bất tỉnh
Vô sinh
Lượng hormone tuyến giáp thấp có thể cản trở quá trình rụng trứng, từ đó làm giảm khả năng sinh sản. Ngoài ra, một số nguyên nhân gây suy giáp - chẳng hạn như rối loạn tự miễn dịch - cũng có thể làm suy giảm khả năng sinh sản.
Dị tật bẩm sinh
Trẻ sinh ra từ những phụ nữ mắc bệnh tuyến giáp không được điều trị có thể có nguy cơ bị dị tật bẩm sinh cao hơn so với trẻ sinh ra từ những bà mẹ khỏe mạnh. Những đứa trẻ này cũng dễ gặp các vấn đề nghiêm trọng về trí tuệ và tăng trưởng.
Những rủi ro khó lường của bệnh suy giáp không những làm giảm chất lượng sống mà còn có thể gây tử vong nếu không điều trị kịp thời.
Chế độ ăn giúp dự phòng và điều trị suy giáp
Nếu bị suy giáp, bên cạnh việc dùng thuốc điều trị bạn nên chú ý đến chế độ ăn uống để giúp quá trình điều trị được hiệu quả
Thực phẩm người bệnh suy giáp nên tránh
Đậu nành: rất giàu hormon phytoestrogen (nội tiết tố nữ thực vật). Một nghiên cứu đã chỉ ra rằng lượng estrogen (nội tiết tố nữ) cao sẽ làm giảm khả năng sản xuất ra thyroxin - một trong hai hormon chính của tuyến giáp. Do đó nên hạn chế ăn.
Bắp cải: đây là loại thực phẩm đặc biệt nên tránh đối với người bị suy giáp do thiếu iốt. Tuyến giáp cần có iốt để sản sinh ra hormon cần thiết. Những loại rau cải trắng này có thể ngăn chặn việc hấp thu iốt của tuyến giáp (nhất là khi ăn sống). Vì vậy, người suy giáp nên tránh ăn súp lơ, củ cải, bắp cải, cải bẹ trắng.
Đồ béo: các món béo như bơ, mayonnaise và mỡ động vật là những thứ nên tránh vì chúng sẽ làm giảm lượng hormon sản sinh bởi tuyến giáp.
Thức ăn chứa nhiều đường: suy giáp làm giảm khả năng trao đổi chất của cơ thể bạn, vì thế nó trở nên khó khăn hơn cho cơ thể trong việc đốt cháy năng lượng từ lượng đường dư thừa mà bạn hấp thụ qua các loại kẹo và bánh ngọt. Hậu quả là bạn sẽ bị tăng cân, gây ảnh hưởng đến hoạt động tuyến giáp.
Thức uống có chứa cafein: cafein làm giảm tác dụng của thuốc điều trị suy giáp vì nó làm giảm khả năng hấp thụ của hệ tiêu hóa.
Rượu bia: rượu bia có tác hại nghiêm trọng đối với tuyến giáp, làm giảm khả năng sản xuất hormon của tuyến giáp và khả năng tận dụng hormon của cơ thể.
Thực phẩm người suy giáp nên dùng
Bổ sung thực phẩm giàu iốt: thực phẩm giàu iốt có trong các loại hải sản, và các loại rau xanh đậm. Muối iốt sẽ giúp cải thiện quá trình trao đổi chất của cơ thể cũng như ổn định hoạt động của tuyến giáp.
Nước trái cây tươi rất tốt cho suy tuyến giáp: trái cây và rau củ tươi rất giàu khoáng chất, vitamin, enzym và chất chống ôxy hóa cần thiết cho tuyến giáp hoạt động hiệu quả.
Bổ sung gia vị là cần thiết: các loại gia vị có tính kích thích như hạt tiêu, gừng, ớt và quế giúp tăng thân nhiệt cho người suy giáp
Bổ sung gia vị là cần thiết: các loại gia vị có tính kích thích như hạt tiêu, gừng, ớt và quế giúp tăng thân nhiệt cho người suy giáp
Bổ sung gia vị là cần thiết: các loại gia vị có tính kích thích như hạt tiêu, gừng, ớt và quế giúp tăng thân nhiệt, cải thiện quá trình trao đổi chất của cơ thể và giúp máu lưu thông tốt cũng như tăng miễn dịch cho cơ thể. Bạn nên nêm thêm các gia vị này trong bữa ăn hàng ngày, sẽ là một việc làm hữu ích.
Axit béo và protit giúp cải thiện tình trạng suy tuyến giáp: mỗi ngày, một người nên bổ sung đủ lượng protit cho cơ thể để tăng hiệu quả, việc này sẽ giúp cơ thể có đủ nguyên liệu cân bằng các quá trình chuyển hóa protit. Bên cạnh đó các axit béo còn giúp cải thiện sự trao đổi chất trong cơ thể và tăng lưu thông máu. Điều này rất quan trọng khi bạn đang điều trị với bệnh suy giáp.