Quá chán với cuộc sống phố thị ngột ngạt chị Kim chọn một xã nhỏ tại tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu để xây một khu vườn mang ý tưởng mộc mạc gần gũi.
Khi bình minh vừa ló rạng, chị Nguyễn Kim (SN 1988) khoác chiếc áo cũ kỹ, đội nón đi ra khu vườn do chính bản thân gây dựng. Chị cúi xuống nhặt những chiếc lá úa rơi rớt, nhanh tay dọn dẹp những cành cây mà tụi nhỏ chơi vương vãi ra sân nhà và cắt thêm chút hoa quả sạch đem vào nhà.
Hình ảnh mảnh đất 1ha trước và sau khi cải tạo.
Khu vườn nhà chị Kim nhìn từ trên cao.
Khu vườn có vị thế rất đẹp, bao xung quanh là cánh đồng lúa.
Chị nói: “Nhìn ba mẹ có chỗ chăm sóc những luống rau, nhìn tụi nhỏ có chỗ chơi mà bản thân cảm thấy rất hạnh phúc. Từ nhỏ mình đã ước ao có thể tự tay làm một khu vườn mang giá trị tinh thần cao và hoài cổ như thế này cho gia đình”.
Khu vườn mà chị kể tới rộng 1ha thuộc xã Long Tân, huyện Đất Đỏ, tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu. Nơi có một căn nhà màu trắng, xung quanh vườn trồng rất nhiều rau trái xanh tươi cùng những con vật dễ mến. Không gian ở đó có thể ngắm toàn bộ view ruộng, thấy những đàn cò trắng bay qua, những chú cá bơi tung tăng, chiều đến sẽ là hình ảnh những đứa trẻ đi học về đạp xe qua những ruộng vườn rau xanh.
Chị Kim tâm sự, bản thân vốn là nhiếp ảnh gia đang định cư ở Singapore. Đầu năm nay khi về Việt Nam ăn Tết chị cùng con trai mắc kẹt ở quê nhà do dịch COVID-19 bùng phát. Thời gian này công việc nhiếp ảnh của chị có phần không suôn sẻ do cô dâu chú rể hoãn cưới khá nhiều. Hằng ngày nhìn các con cháu dán mắt vào tivi, các thiết bị điện tử chị lấy làm bực bội và cáu gắt.
Lúc đó quá chán với cuộc sống phố thị ngột ngạc chị Kim liền bàn với anh trai đi về miền quê, tìm mua đất làm vườn, cũng là nơi giúp đám trẻ có chỗ sinh hoạt lành mạnh, tránh xa các thiết bị điện tử. Có đất trong tay chị Kim lên ý tưởng thiết kế khu vườn với chủ đề ‘’Trở về với tuổi thơ’’.
Khu vườn là nơi để cả người lớn và trẻ nhỏ được trớ về tuổi thơ.
Những vật nuôi trong nhà của chị Kim.
8X tâm sự: “Kim sinh ra và lớn lên ở thành phố Vũng Tàu, nhưng những ngày giãn cách xã hội kể cả trong thành phố cũng rất ngột ngạt, khó thở. Hai anh em đã quyết tâm về vùng quê tìm đất. Và may mắn chúng mình đã tìm mua được 1 mảnh đất như mong muốn ban đầu”.
Bản tính mộng mơ của người làm nghệ thuật như chị vốn rất thích cây cối quanh nhà phải luôn đẹp, còn rau phải trồng những loại quý hiếm… Nghĩ là làm mà không chút cân nhắc hay nghiên cứu khí hậu, địa lý vùng miền, và rồi chị thất bại.
Người phụ nữ 8X cho biết: “Khi mua mảnh đất này bốn bề chỉ toàn cây cối hoang và rắn rết. Mình phải cho người phát quang cỏ mới bắt đầu gieo trồng. Chính bởi lần đầu làm nông dân nên mất khá nhiều tiền ‘’Dại‘’. Do không hiểu về khí hậu vùng đất đó nên những loại rau trái như mè Hàn Quốc, hướng dương, cẩm tú cầu cầu… chẳng lên một chút nào hết”.
Mất tiền, nhiều lần nghĩ sẽ bỏ cuộc nhưng khi về nhà thấy ba má không có chỗ vui tuổi già, thấy các cháu cứ miệt mài những cái chiếc điện thoại, chị Kim lại cố gắng hết sức. Những ngày nắng to, rát cháy da mặt nhưng chị vẫn cứ bám vườn, thấy cái nào không ổn liền phải bón phân, cải tạo đất lại, chăm chỉ xịt những loại diệt côn trùng với loại thuốc sinh học hữu cơ và dùng tỏi bột vôi để diệt côn trùng, tưới tắm rau nhiều hơn. Sự kiên trì đã được đền đáp. Sau nhiều tháng, những luống đất trống đã được phủ màu xanh mướt của rau, cây ăn trái cũng đâm chồi nảy lộc.
Từ một cô nhiếp ảnh gia thích trưng diện, chị Kim đã trở thành nông dân thực thụ.
Trong khu vực nhà lớn thay vì phải trang trí hào nhoáng, chị Kim trưng ảnh Bác Hồ, chọn những vật dụng ngày xưa để cả nhả và đặc biệt đám trẻ nhỏ mỗi lần về chơi chúng hiểu được những giá trị cả về tri thức và tinh thần trong đó. Thay vì chơi những trò chơi công nghệ, ở đây chị không lắp wifi và đám trẻ nhỏ bắt buộc phải chơi những trò dân gian (cò cò, tạt lon, ô quan, nhảy bao bố).
Chị Kim từ một cô gái thích trưng diện đến khi vào vườn đã trở thành nông dân chính hiệu. Nhiều lần bạn bè chẳng còn nhận ra nhiếp ảnh gia nữa. Bạn bè đến chơi ai cũng phải thốt lên câu: “Vườn đẹp quá Kim ơi”. Cũng từ những lời khen ngợi đó chị nảy ra ý tưởng đặt tên cho khu vườn của bản thân là: “Vườn nhà Kim Ơi ‘’. Đây thực sự là chốn an yên mà mọi thành viên trong gia đình có thể ghé tìm chút hoài cổ xa xưa.
Nhìn ba mẹ có chỗ chăm sóc những luống rau, nhìn đám trẻ nhỏ có chỗ chơi mà chị cảm thấy rất hạnh phúc. Vì từ nhỏ chị đã ước ao có thể tự tay làm một khu vườn mang giá trị tinh thần cao và hoài cổ như thế này cho gia đình.
Thay vì chơi những trò chơi công nghệ, ở đây chị không lắp wifi và đám trẻ nhỏ bắt buộc phải chơi những trò dân gian (cò cò, tạt lon, ô quan, nhảy bao bố).
Niềm vui của chị giờ đây là hàng vườn ươm cây, nhổ cỏ, cuốc đất, hòa mình với đời sống của hoa lá cỏ cây... Cuối tuần chị lại đón tiếp chiêu đãi bạn bè, người thân bằng những món nhà trồng được.
Từ căn nhà và khu vườn xanh ngắt của bản thân, nhiếp ảnh gia Sài Gòn cho rằng, bỏ phố về vườn không đơn thuần là một câu nói hay một cảm xúc bâng quơ. Chúng ta phải có sức khoẻ, một chút vốn liếng và thực sự kiên trì và đam mê công việc đồng áng, phải có người kề vai sát cánh vì quá trình thực hiện có những chuyện bất ngờ xảy ra nhiều khi một mình khó có thể giải quyết.
Khu vườn chính là vùng đất hoài niệm đáng yêu mà chị và gia đình muốn được sống lại, cũng là nơi để đám trẻ biết cha mẹ chúng đã lớn lên như thế nào.