Trên diện tích vườn rộng 300m2, chị Yến Phương đã thiết kế chia vườn thành 4 ô chuyên biệt: 1 ô chuyên trồng rau theo thời vụ, 1 ô chuyên trồng những cây leo giàn, 1 ô trồng cây ăn quả, và ô còn lại dành để làm chuồng chim, chuồng gà để lấy trứng.
Vì ông xã sinh ra từ một vùng quê, trải qua nhiều khó khăn mới có được thành quả của hiện tại, nên chị Yến Phương (sinh năm 1985) dù đang sinh sống ở Móng Cái (Quảng Ninh) - thành phố nơi địa đầu Tổ quốc, vợ chồng chị vẫn giữ nguyên đam mê với công việc điền viên, tự tay thiết kế, xây dựng và làm đẹp chính khu vườn của mình.
Gia đình nhỏ của chị Phương ở Quảng Ninh.
Là một người phụ nữ của gia đình, chị Yến Phương cũng như nhiều bà mẹ khác đều phải trăn trở với việc chăm lo sức khoẻ gia đình. Vợ chồng chị sống cùng ông bà, lại có bốn bé, nên chị luôn cố gắng chăm chút, tìm và sử dụng những thực phẩm sạch. Móng Cái lại là địa phương chưa có một mô hình trồng rau sạch chuyên nghiệp, chủ yếu nhập thực phẩm, nông sản từ nơi khác tới, nên nguồn gốc, độ an toàn khó có thể tin tưởng được. Lúc này, vợ chồng chị bắt đầu nghĩ tới việc phải làm thế nào để thực phẩm nấu cho gia đình thực sự đảm bảo vệ sinh, tốt cho sức khoẻ.
Mẹ đảm bên thành quả sau nhiều tháng ngày cần mẫn làm điền viên.
Hiểu được mong muốn của người bạn đời, chồng chị Yến Phương hết mực ủng hộ. Anh chị đã dành ra 300m2 kế bên nhà để xây dựng “khu vườn trong mơ”. Chị Yến Phương cho biết, ngay từ ban đầu thiết kế không gian trồng trọt, chị Yến Phương đã lên ý tưởng phân chia khu vườn theo từng ô chuyên biệt: 1 ô chuyên trồng rau theo thời vụ, 1 ô chuyên trồng những cây leo giàn, 1 ô trồng cây ăn quả, và ô còn lại dành để làm chuồng chim, chuồng gà để lấy trứng, cung cấp thực phẩm sạch cho gia đình.
Hoa quả và rau củ xanh tốt.
Chia sẻ về quá trình làm vườn, theo chị Phương, thời gian đầu anh chị vấp phải khá nhiều khó khăn do đặc tính của đất vườn rất xấu, “nghèo” dinh dưỡng, lại thêm chưa có kinh nghiệm trồng trọt, nhiều lần chị gieo hạt mà chưa thành công lên mầm. Vợ chồng chị quyết định phải cải tạo lại chất đất đầu tiên.
Tất cả đều được chăm sóc bằng phương pháp hữu cơ.
Để đất vườn có thêm nhiều chất dinh dưỡng cung cấp cho cây, vợ chồng chị Yến Phương đã cất công về những vùng nông thôn tìm mua tro trấu, phân động vật, sau đó đem trộn cùng trùm quế, xơ dừa, bã đậu. Chị luôn tận dụng những phần rác bỏ đi như vỏ hoa quả, vỏ trứng, rau thừa đem trộn thêm nấm Trichodema, EM để ủ phân sau đó hòa lấy nước để tưới cho cây.
Mướp và bí sai lúc lỉu.
Mỗi khi gieo trồng một giống cây, chị đều phải dành thời gian tìm hiểu rõ về đặc tính, cách chăm bón để có thể đạt hiệu quả cao nhất.
Đa dạng các loại trái cây.
Để trị sâu bệnh cho các loại cây trong vườn, chị Yến Phương luôn ưu tiên sử dụng các phương pháp đơn giản, an toàn như dùng vôi bột, thuốc lào, nước súc miệng, sữa chua không đường… Tùy theo loại sâu bệnh chị Phương sẽ pha theo tỉ lệ, công thức riêng. Chị cũng không quên tỉa bớt lá gốc, để cây thoáng gốc sẽ hạn chế được nhiều sâu bệnh.
Hiện tại khu vườn nhà chị có phong phú các loại rau và cây ăn quả đặc trưng cho mùa hè như: bầu, bí, mướp, rau dền, rau muống, bơ, táo, na, chuối, hồng xiêm, mít, đu đủ,… Bên cạnh đó, chị còn trồng thêm một dãy hoa hồng cạnh hàng rào vừa để tăng vẻ đẹp cho khu vườn, vừa để thư giãn mỗi khi rảnh rỗi. Vợ chồng chị cũng dành ra một góc sân nhỏ thiết kế làm ao nuôi cá, thoả mãn thú vui của chồng.
Và còn có cả bể cá.
Vì có bốn bé nên để có thể dành thời gian chăm sóc khu vườn nhỏ, chị cũng phải dành ra rất nhiều tâm huyết, “hi sinh” thêm thời gian của riêng mình. Theo chị, chỉ cần sắp xếp khoa học sẽ đỡ rất nhiều sức người, lại tiết kiệm thời gian mà vẫn có thể thực hiện đam mê. Là một “cô nông dân nghiệp dư”, chị Yến Phương đã từng ngày hiện thực hoá “khu vườn trong mơ” của hai vợ chồng như thế.
“Nông trại mini” với thiết kế khoa học, sáng tạo nên dù sống ở thành phố nhưng mỗi sáng thức dậy cả nhà đều như đang đứng giữa không gian bình yên, thanh mát ngay chính ngôi nhà của mình.
Được biết, khu vườn của chị Yến Phương cũng vinh dự được các giải thưởng của những cuộc thi như “Từ vườn xuống nhà”, “Khu vườn tâm huyết”… Tuy nhiên, mục tiêu lớn hơn là chị muốn có một môi trường để giáo dục các con của mình thêm yêu thiên nhiên, yêu lao động và sáng tạo; để khu vườn của vợ chồng chị là “điểm hẹn thơ mộng” cho khách ghé thăm. Và hơn hết, là để cung cấp rau sạch cho gia đình, đảm bảo sức khỏe cho mỗi thành viên yêu thương.
Với nhiều người, đây là cuộc sống đáng mơ ước.