Hồi đầu chồng chị Linh phản đối việc trồng rau trên sân thượng, nhưng khi mùa thu hoạch đến, chị bê từng rổ dưa, rổ cà chua đầy ắp, vàng ươm, đỏ mọng xuống nhà, ông xã chị lại cười.
Cái nghề làm vườn, một khi đã dấn thân vào thì khó lòng dứt ra được. Bởi, khi thấy thành quả sau những ngày vun trồng của mình, ai nấy đều cảm thấy lâng lâng hạnh phúc, nên chỉ muốn trồng rau trồng hoa hết vụ này đến vụ khác, vừa là để tìm thêm niềm vui trong cuộc sống, vừa để cung cấp rau sạch cho gia đình.
Năm 2021 khi xây nhà xong, chị Hải Linh (37 tuổi, ở Hạ Long, Quảng Ninh) nghĩ trồng ít hoa hồng và mấy cây cảnh xung quanh nhà để tô điểm thêm cho không gian sống. Nhưng sau khi vào các hội nhóm trồng rau trên sân thượng, ngắm nghía khu vườn “trên mây” của mọi người, chị lại mê lúc nào không hay và bắt đầu tập tành làm nông dân sân thượng.
Mặc chồng phản đối, chị Linh vẫn xách "đồ nghề" lên sân thượng trồng rau.
Ban đầu chị chủ yếu trồng các loại rau ăn lá phục vụ cho gia đình hàng ngày, sau đó chị tiếp tục thử thách bản thân với những loại rau củ quả khó hơn như cà chua, đậu cove, dưa chuột,… và mê nhất là dưa lưới. “Tôi không nghĩ những quả dưa to ngon ngày trước hay mua ở chợ giờ tôi cũng có thể tự tay trồng được. Thậm chí quả còn thơm, giòn và ngọt hơn mình đi mua nữa ấy chứ”, chị Linh hạnh phúc chia sẻ.
Mặc dù khu vườn của chị Hải Linh có diện tích khá khiêm tốn với 25m2 nhưng lúc nào cũng có rau sạch cung cấp cho những bữa ăn gia đình. Mùa nào chị trồng rau ấy, chị cũng ươm sẵn cây con nên khi thu hoạch xong là có cây kế tiếp vào luôn.
Ngoài rau xanh, chị còn trồng nhiều loại hoa như hoa hồng, cẩm tú cầu, đồng tiền,... để ngôi nhà tràn ngập sắc hương.
Cũng như bao nông dân sân thượng khác, chị Hải Linh rất lo lắng về việc thấm sàn, nên trước khi trồng rau trên sân thượng chị đã xử lý thật kỹ phần chống thấm. Chị còn đầu tư thêm mái che di động phía trên để những hôm mưa to sẽ che lại, vừa giảm tải được lượng nước mưa xuống mái vừa che được cây.
“Có những ngày mưa kéo dài hàng tuần liền. Nhìn mưa gió ầm ầm mà sót ruột. Ngày trước khi chưa làm mái, có đêm mưa to xót cây tôi còn chẳng ngủ được.
Khi làm mái ai cũng hỏi làm bao nhiêu tiền, tôi toàn cười. Nói thật, sợ mọi người bảo mình hâm ấy. Tiền đấy có mà mua ra ăn mấy năm không hết. Điều này chỉ có dân mê cây, mêm làm vườn mới hiểu được thôi”, chị Hải Linh nói.
Rau xanh từ khu vườn trên sân thượng nhà chị Hải Linh.
Ngoài ra, chị còn đầu tư vào chậu trồng rau và giá kê chậu để mặt sàn luôn thông thoáng, vệ sinh dễ dàng hơn và giảm đáng kể việc thấm sàn.
Về chậu trồng, chị dùng loại bán thủy canh nên khi tưới nước sẽ không bị chảy ra sàn. Có quên một ngày không tưới rau cũng không lo rau bị khô héo.
Theo chị Hải Linh, việc trồng rau quan trọng nhất là khâu trộn và ủ đất, phải ủ đất cho hết mầm bệnh mới có thể trồng rau được. Sau mỗi vụ rau, cần phơi cho đất khô, sau đó trộn thêm phân và chất tạo xốp (như mùn dừa, trấu hun, vỏ lạc, bã mía) có gì dùng đấy.
Chị Hải Linh thường trộn đất theo tỷ lệ: 50% đất cũ + 30 chất tạo xốp + 20 phân. Phân chị chủ yếu dùng phân hữu cơ như trùn quế, phân dơi, phân gà, đạm cá. Trộn đều, ủ tầm 2-3 tuần là có thể trồng cây.
Chị Hải Linh không ngờ cũng có ngày chị tự trồng được dưa để ăn.
Ngoài ra, mẹ đảm còn tự ủ một số loại phân khác như dịch chuối, phân trứng sữa, phân cá để bón cho cây. “Đất đủ dinh dưỡng cần thiết nên trồng rau rất nhàn, chỉ cần tưới nước ẩm hàng ngày là có rau sạch cho gia đình. Mỗi lần thu hoạch xong chỉ cần ngâm phân gà qua đêm rồi pha loãng tưới cho cây. 3-4 hôm sau là có thể thu hoạch tiếp lứa khác. Tôi dùng hoàn toàn phân hữu cơ nên không cần phải cách ngày dài. Còn về cây ăn trái, lượng phân cần tăng thêm một chút, ngoài ra cần phải bón lót giữa các chu kỳ phát triển của cây để cây có sức nuôi trái”, chị Hải Linh chia sẻ về cách bón phân cho rau, cây ăn quả chị thường làm.
Trồng rau khó tránh khỏi bị sâu bệnh hại tấn công, tuy nhiên chị không dùng thuốc hóa học mà chọn dùng các loại thuốc dòng sinh học như tinh dầu Nem, Bio, tỏi ớt ngâm rượu. Chị phun luân phiên các dòng, cách nhau 7-10 ngày/ lần.
Mẹ đảm cho biết, dưa tự trồng thậm chí còn thơm, ngon, giòn, ngọt hơn mua ngoài chợ.
Mẹ đảm Quảng Ninh chia sẻ, thực ra hồi đầu ông xã chị không cho chị trồng rau trên sân thượng vì sợ nặng mái, hỏng mái. Nhưng chị vẫn quyết chí làm. Mỗi lần mua phân, mua chậu chị đều phải căn thời gian chồng đi làm mới dám bảo shipper mang đến.
Nhưng khi mùa thu hoạch đến, chị bê từng rổ dưa, rổ cà chua đầy ắp, vàng ươm, đỏ mọng xuống nhà, ông xã chị lại cười. “Chắc anh cũng mê lắm nhưng ngại không nói ra”, chị Hải Linh cười kể.
Thành quả thu được từ vườn rau sân thượng nhà chị Hải Linh.
Với chị Hải Linh, vườn rau không chỉ là nơi cung cấp rau sạch cho gia đình hàng ngày mà nó còn mang giá trị tinh thần rất lớn. “Nó là đứa con tinh thần của chị đấy. Dù có bận việc cũng phải dành thời gian cho nó, bởi lên ngắm vườn cũng thấy vui rồi. Có khi đi làm về muộn, tôi cũng phải lên ngó một xíu mới xuống ngủ được. Mọi người không hiểu khéo còn bảo tôi hâm ấy chứ”, mẹ đảm tâm sự.