Không chỉ dừng lại ở việc trồng cây, gieo hạt, dần dần mẹ đảm cũng hướng dẫn con những thứ khó hơn, mang tính thử thách hơn như vận hành vô số dụng cụ và thiết bị, bao gồm máy cưa góc, mỏ hàn, máy cưa nghiêng,…
Có người trồng rau, làm vườn vì muốn cung cấp nguồn thực phẩm sạch cho gia đình, có người lại biến nơi đó thành khu vườn chữa lành, nơi thư giãn của cả gia đình. Còn với chị Rebecca Sorensen ở Đồi Chapel (Bắc Carolina, Mỹ), chị trồng một trang trại hoa xinh đẹp để giúp đỡ cậu con trai mắc chứng tự kỷ của mình.
Người mẹ cho biết, chị có quyết định táo bạo này khi trường học của con trai Raimee Sorensen (hiện 27 tuổi) bị đóng cửa vào năm 2015. Trang trại chỉ cách nhà chị chỉ vài trăm mét nên rất thuận tiện đi lại.
Chị Rebecca và cậu con trai bị tự kỷ Ramiee.
Chia sẻ về quyết định này, chị Rebecca nói: “Tôi còn nhớ khi đó chỉ còn khoảng 10 ngày nữa là bắt đầu năm học mới, khi ấy Raimee chuẩn bị vào lớp 11, thì nhà trường bị đóng cửa do học sinh quá ít. Vợ chồng tôi bắt đầu đặt câu hỏi rằng, giáo dục chính quy có ý nghĩa như thế nào đối với Raimee. Bằng tốt nghiệp trung học có ý nghĩa gì đối với thằng bé khi 90% người lớn mắc chứng tự kỷ đang thất nghiệp?
Rồi tôi và chồng nhớ lại những khoảnh khắc Ramiee vui vẻ, hạnh phúc thế nào khi được trải nghiệm công việc làm nông khi đi làm tình nguyện viên cho viện sinh thái. Chúng tôi nhận thấy sau chuyến đi đó, Ramiee có nhiều năng lượng hơn, tập trung hơn. Nên vợ chồng tôi nghĩ, thay vì ép thằng bé đối mặt với tờ giấy chứng nhận tốt nghiệp chẳng mang lại lợi ích gì cho nó thì hãy tìm thứ gì đó để đưa thằng bé đến với niềm vui và sự độc lập. Vì vậy, chúng tôi đã bắt đầu mở một trang trại”.
Cứ như thế, chị Rebecca và con trai đã bắt đầu trồng hoa vào mùa xuân năm 2016 trên mảnh đất rộng hơn 1.000m2 cạnh nhà. Bà mẹ đã chỉ dạy cho con từng tí một, rằng mỗi bông hoa đều khác nhau, mỗi giai đoạn thu hoạch đều khác nhau, mỗi cách trồng cây cũng có thể khác nhau một chút, khoảng cách gieo hạt cũng khác nhau,…
Không chỉ dừng lại ở việc trồng cây, gieo hạt, dần dần mẹ đảm cũng hướng dẫn con những thứ khó hơn, mang tính thử thách hơn như vận hành vô số dụng cụ và thiết bị, bao gồm máy cưa góc, mỏ hàn, máy cưa nghiêng,…
“Mỗi sáng, tôi sẽ cùng Ramiee viết thời khóa biểu, những việc cần làm trong ngày rồi giảng giải cho thằng bé hiểu. Sau đó, chúng tôi tập một số bài tập thở và tới trang trại. Khi đến nơi, tôi và con sẽ kiểm tra phòng ươm mầm đầu tiên rồi di chuyển đến nhà kính, tưới nước cho cây ở đó và cây ở bên ngoài.
Qua nhiều năm, tôi không cần phải đi gieo hạt, trồng cây nữa. Con trai tôi đã học được, nhớ tất cả, và thực sự làm rất tốt. Ramiee không bao giờ làm tôi hết ngạc nhiên với sự cẩn thận, thận trọng và năng lực của nó. Khuyết tật không có nghĩa là không có khả năng. Chỉ cần bạn trao cho con sự nhẫn nại và tin tưởng bằng cả trái tim rồi con sẽ làm được thôi”, chị Rebecca nói.
Ramiee tự tay ươm cây.
Sau 8 năm, trang trại hoa của mẹ con chị Rebecca ngày càng được nhiều người biết đến. Trang trại do anh Ramiee làm chính cùng một số cộng sự. Trang trại cung cấp hơn 75 loại hoa như hướng dương, thược dược, hoa cúc,… Ngoài ra, trang trại còn cung cấp dịch vụ tới tay mọi người, điều này giúp con trai chị Rebecca kết nối được với cộng đồng.
“Raimee mang những bông hoa ra này ra bên ngoài và mọi người nói với nó rằng nó thật tuyệt vời. Cảm giác đó thật tốt. Chúng tôi nhận thấy việc trồng hoa, làm vườn cũng như kết nối với cộng đồng có tác động tích cực không nhỏ tới sức khỏe thể chất và tinh thần của Raimee”, chị Rebecca nói.
Một số loài hoa thu hoạch trong trang trại nhà chị Rebecca.
Bên cạnh đó, trang trại của chị Rebecca còn mở cửa cho những người bị tự kỷ, sử dụng nông nghiệp như một phương pháp trị liệu. “Hoa là cầu nối giữa tình bạn và sự giao tiếp. Thông điệp mà chúng tôi đang cố gắng chia sẻ với cộng đồng là khuyết tật không có nghĩa là họ không có điều gì đó tốt đẹp để đóng góp cho thế giới và điều đó cũng giúp Raimee có cơ hội nhận ra giá trị của mình cũng như tiềm năng của nó. Nó nhận ra bản thân mình sống có ý nghĩa, mình cũng có những điều tốt đẹp để cho đi”, mẹ đảm nói.
Lợi ích của việc làm vườn đối với trẻ tự kỷ
- Cải thiện khả năng xử lý giác quan
Trẻ tự kỷ thường gặp khó khăn trong việc xử lý và phản ứng với các kích thích giác quan. Làm vườn có thể giúp cải thiện kỹ năng xử lý giác quan của trẻ bằng cách cung cấp cho trẻ nhiều trải nghiệm giác quan khác nhau như cảm nhận kết cấu của đất, ngửi các loại cây khác nhau và nghe thấy âm thanh của thiên nhiên,… Điều này có thể giúp phát triển khả năng xử lý và phản ứng với các kích thích giác quan hiệu quả hơn.
- Cung cấp một môi trường trị liệu êm dịu
Làm vườn mang lại một môi trường trị liệu êm dịu, có thể giúp trẻ tự kỷ được thư giãn và cảm thấy thoải mái hơn. Được bao quanh bởi thiên nhiên có thể có tác dụng làm dịu hệ thần kinh và giảm lo lắng, căng thẳng của trẻ. Ngoài ra, làm vườn cũng có thể mang lại cảm giác thành tựu và tự hào, điều này có thể nâng cao sự tự tin của trẻ tự kỷ.
- Khuyến khích hoạt động thể chất
Làm vườn là một hoạt động thể chất có thể giúp trẻ tự kỷ cải thiện kỹ năng vận động, khả năng phối hợp và sức mạnh. Nó cũng có thể tạo cơ hội cho các em tham gia vui chơi và tập thể dục ngoài trời, điều này có thể cải thiện sức khỏe thể chất và tinh thần của các em.
- Thúc đẩy sự tương tác và giao tiếp xã hội
Làm vườn có thể tạo cơ hội cho trẻ tự kỷ tham gia vào các hoạt động giao tiếp và tương tác xã hội. Nó có thể là một hoạt động hợp tác đòi hỏi kỹ năng làm việc nhóm, giải quyết vấn đề và giao tiếp. Làm vườn với những người khác cũng có thể tạo cơ hội để phát triển các kỹ năng xã hội như chia sẻ và hợp tác.
- Phát triển kỹ năng sống
Làm vườn có thể giúp trẻ tự kỷ phát triển các kỹ năng sống quan trọng như tính trách nhiệm, tính kiên nhẫn và sự kiên trì. Nó cũng có thể tạo cơ hội cho các em tìm hiểu về khoa học, sinh học và môi trường.
Nếu con bạn bị tự kỷ, bạn cũng có thể cho con làm vườn để cải thiện tình trạng của con. Đây là một số mẹo để bắt đầu:
- Bắt đầu từ việc nhỏ, mảnh vườn nhỏ cho con không bị choáng ngợp. Khi con trở nên thoải mái, tự tin hơn thì bạn có thể tăng dần quy mô, giao cho con những công việc làm vườn phức tạp hơn.
- Chọn loại cây dễ trồng và chăm sóc, có hình dáng bắt mắt, màu sắc cũng như mùi vị khác nhau để thu hút các giác quan của con bạn. Trước tiên hãy chọn những loại cây mà con bạn thích và dần dần giới thiệu những loại cây mới khi con đã quen hơn với việc làm vườn.
- Coi làm vườn như một công cụ giảng dạy. Bằng cách cho trẻ tự kỷ tham gia vào quá trình trồng và chăm sóc cây, bạn có thể giúp trẻ tìm hiểu về các giai đoạn phát triển khác nhau của cây, tầm quan trọng của chất dinh dưỡng trong đất cũng như vai trò của nước và ánh sáng mặt trời đối với sự phát triển của cây.
Bạn cũng có thể coi việc làm vườn như một cơ hội để dạy con về môi trường, vai trò của thực vật trong việc làm sạch không khí và sản xuất oxy hoặc thảo luận về tầm quan trọng của ong và các loài côn trùng giúp thụ phấn khác.
- Nên kết hợp các trò chơi khi làm vườn để con hứng thú và vui vẻ hơn với công việc này.
- Nên có sự tham gia của cả gia đình, việc này sẽ giúp những đứa trẻ mắc chứng tự kỷ cảm thấy gắn kết hơn với gia đình và phát triển các kỹ năng xã hội, đồng thời giúp xây dựng các mối quan hệ gia đình.