Sau ngày làm việc mệt mỏi, tôi lướt Facebook tìm chút niềm vui thì tài khoản liên tục báo lỗi, không đăng nhập được.
Một ngày rất mệt. Tôi vừa đi làm trở lại sau 1 năm rong chơi. Tôi yêu môi trường làm việc này nhưng có vẻ 1 năm sống chậm khiến tôi khó bắt nhịp.
Tối đến, tôi lướt Facebook tìm chút niềm vui thì tài khoản liên tục báo lỗi, không đăng nhập được. Phải chăng Facebook cũng ghét mình?
Lên Zalo ngó nghiêng mới biết, té ra không phải. Facebook sập trên toàn cầu. Người ta ồn ào, lo lắng, mất ngủ. Kẻ than thở. Người hạnh phúc. Tôi gật gù tự nhủ: Vậy là mình không cô đơn.
Tôi không có nhiều bạn bè. Sau này lấy chồng, sinh con, trầm cảm, nghỉ việc, bạn bè càng ít. Tôi nghĩ, họ còn ở lại vì thương tôi, chứ một thời gian dài tôi chẳng muốn nói chuyện với bất kỳ ai.
Tôi vẫn muốn được quan tâm. Bằng chứng là tôi vẫn post Facebook đều đều, vẫn hài hước, vẫn đọc từng bình luận, thậm chí vào từng bài xem ai đã thả tim, ai bấm Haha, ai bấm Like, ai giận dữ.
Chỉ là tôi chẳng muốn trả lời ai. Người ta không hỏi han, tôi thấy cô đơn. Người ta nhắn tin hỏi thăm, gọi điện, tôi lại thấy phiền. Hay tới cái tuổi ngoài 30, tính khí nó thất thường vậy? Đến tôi còn chẳng hiểu bản thân mình muốn gì nữa mà.
Hôm nay tôi buồn quá. Muốn lên Facebook đăng dòng trạng thái câu like mà Facebook sập. Đăng Zalo thì chẳng có mấy người, không phải bạn bè thì đâu có xem bình luận được, đâu có biết người ta đang "khẩu chiến", chửi bới nhau rôm rả ở đâu, thế nào… Những lúc chán, nghe các "phật online", "anh hùng bàn phím" giảng đạo đức rồi đọc bình luận cũng có thú vui của nó. Nghe đọc để biết, trên mạng toàn người tốt và anh hùng. Chỉ là khi bước ra cuộc đời, gặp câu chuyện tương tự, chưa chắc ai cũng làm được như họ nói.
Thở dài đặt điện thoại xuống, tôi nói với chồng:
- Anh, hôm nay em buồn ghê! Tối giờ chưa ăn gì mà ăn hông nổi.
Lão im lặng, xuống bếp lục đục lấy lon bia, đĩa mồi. Hai đứa ngồi nhậu. Gần 5 năm vợ chồng, chỉ cần lão bước chân ra đường tôi đã biết lão đi nhậu hay đi công việc. Cũng như khi tôi về nhà, dù có cười toét miệng tới mang tai, lão cũng biết tôi vui hay buồn.
Tại sao buồn thúi ruột thúi gan lại đăng trạng thái hài hước, vui vẻ? Vì tính tôi vậy. Vì năm nay tôi 32 tuổi rồi, đã là vợ, là mẹ. Vì những lúc buồn tôi chỉ muốn một mình, ôm điện thoại, lướt Facebook, đăng mấy dòng trạng thái hề hước. Cuộc sống thật đã vất vả rồi, trên mạng "ảo" chút đâu sao.
Người thương tôi thấy tôi buồn sẽ lo lắng. Người ghét tôi, thấy tôi buồn sẽ hả hê. Nên ít khi tôi đăng chuyện buồn trên Facebook. Trái đất đâu có vì chuyện tôi buồn mà ngừng quay. Cho nên những lúc buồn tôi chỉ muốn một mình. Nói chuyện với chồng nhiều khi cũng bấm tin nhắn... Ban đầu là vì sợ ồn ào, rồi lâu dần thành thói quen, cho lẹ.
Thời gian trôi qua, cơm áo gạo tiền bào mòn dần tình yêu, sự lãng mạn của tuổi trẻ. Chẳng nhớ lần gần nhất hai đứa đi xem phim là bao giờ? Cái hẹn "hôm nào" con đi học mình đi xem Mai của Trấn Thành, tới nay phim đạt doanh thu 500 tỷ rồi, vẫn chỉ là lời hẹn.
Cũng không hẳn là bận. Chỉ là rảnh rỗi thì mỗi đứa một góc, ôm điện thoại, lướt Facebook, nhoáng cái đã mấy tiếng đồng hồ, rồi lười.
Tối qua, Facebook sập. Đĩa mồi nhỏ, lon bia, tôi kể về áp lực công việc, lão giỡn giỡn vài câu, nỗi buồn vơi đi lúc nào chẳng biết. Là vơi thiệt chứ chẳng phải liều thuốc giảm đau tạm thời của những lời thăm hỏi đãi bôi, xã giao trên mạng xã hội.
Anh ơi, hay về nhà tối muộn mình cất điện thoại đi, off Facebook lại.
Rảnh rỗi mình dắt nhau đi cafe, ra Năm Nghêu làm vài ve Sài Gòn, trốn con đi xem phim. Em không nhắn tin cho anh trên Messenger hay Zalo nữa.
Buồn thì em nói. Buồn nữa thì ôm anh.
Mình chạy xe vòng vèo qua những con đường hẻm nhỏ Sài Gòn như hồi mới yêu nhau. Nỗi buồn bay theo gió...