"Anh có biết điều em tự hào nhất ở bản thân mình là gì không? Chính là tất thảy những vết sẹo mà em đang mang. Chúng là lỗi lầm, là ngây dại, là trưởng thành, là tha thứ. Chúng là tài sản thuộc về em mà em hy vọng bất kì ai thực sự thương em cũng sẽ yêu luôn cả chúng. Sự bao dung là gì em không rõ, nhưng em tin khi người ta chân thành người ta luôn xứng đáng được tôn trọng!".
Năm 2016, tôi từng có cơ hội đến nói chuyện thân mật với một nhóm nhỏ phụ nữ gặp phải các vấn đề gia đình khác nhau. Có người bị bạo hành, có người chồng ngoại tình hay các mâu thuẫn khác như tiền bạc, nghĩa vụ, trách nhiệm. Trong đó có một cô gái với tuổi đời còn khá trẻ khiến tôi rất ấn tượng bởi vẻ ngoài xinh xắn đượm chút ưu buồn bảng lảng.
Cô gái đó tên là Vy. Năm đó Vy 26 tuổi. Ban ngày Vy làm kế toán cho một công ty đồ gỗ. Buổi tối, Vy đi học thêm tiếng Anh, thỉnh thoảng tham gia một số hoạt động tình nguyện trong thành phố mà em biết được qua bạn bè hay mạng xã hội như đi phát cơm cho người nghèo hay dọn rác thải công cộng. Vy nuôi con một mình. Cậu nhóc được hơn tám tuổi. Sống cùng mẹ và bà trong một căn tập thể khiêm tốn giản dị ở quận Đống Đa. Em đến tham gia buổi nói chuyện của tôi theo một người bạn gái khác, ngồi nhỏ bé ở một góc phòng.
Tôi nhớ, trong buổi nói chuyện đó, tôi có chia sẻ: "Mối quan hệ giữa người và người vốn dĩ không cần các loại danh xưng như phụ tử, mẫu tử, phu thê… để được gọi là gia đình; để người với người trọn vẹn đối xử tử tế chân thành. Tất cả những gì chúng ta cần chính là học cách chấp nhận đối phương!". Rồi tôi thấy Vy len lén lau nước mắt. Tôi đến gần và hỏi em có cần một cốc nước không. Nếu em muốn, em có thể chia sẻ câu chuyện của chính mình. Tôi ở đây là để lắng nghe.
Mọi người im lặng thật sâu, chờ Vy bình tĩnh lại. Khoảng vài phút sau, Vy ngước mắt nhìn thẳng tôi và hỏi: "Theo chị thì tại sao mình cố gắng thế nào người ta cũng không thể chấp nhận mình chỉ vì những chuyện lỗi lầm trong quá khứ?".
Câu hỏi của Vy, tôi tin nó là khúc mắc của không ít bạn trẻ. Bởi phải may mắn lắm hoặc vĩnh viễn sống trong vùng an toàn thì chúng ta mới có một quá khứ không chút tì vết nào. Thứ gọi là lỗi lầm vô cùng đa dạng. Dựa trên các chuẩn mực đạo đức xã hội mà có những mức độ nghiêm trọng khác nhau. Đôi khi nó còn phụ thuộc vào nhân sinh quan của cả chính người tiếp nhận nữa. Không phải ai cũng có thể cảm thông hay thấu hiểu. Và cũng chẳng thể yêu cầu bất kì một ai bao dung hay có cái nhìn khoáng đạt nếu như người ta không thực sự muốn. Chúng ta chỉ có thể tự mình đối diện với nó. Nhưng chắc hẳn là khó khăn vô cùng mới đến được giai đoạn chấp nhận sự thật có phần nghiệt ngã đó của cuộc đời. Như lúc Vy đặt cho tôi câu hỏi ấy. Tôi biết, em lại một lần nữa phải trả giá cho lỗi lầm của bản thân.
Năm Vy 16 tuổi, bố Vy có người đàn bà khác và quyết định bỏ đi. Lúc ra đi mang theo tất cả tiền bạc vợ chồng dành dụm được. Còn ngôi nhà không mang theo được nên mới để lại cho hai mẹ con Vy. Từ bé đến lớn, đó là người đàn ông mà em thần tượng hết mực. Cú sốc đó đẩy Vy tới những suy diễn tiêu cực như là mẹ đã làm gì đó sai trái nên bố mới thay đổi đến mức sẵn sàng vứt bỏ như vậy. Vy hắt hủi mẹ. Lao vào những mối quan hệ hỗn loạn. Và rồi Vy có thai. Bỏ ngang đại học. Mơ hồ, sợ hãi, yếu đuối và cả quá mong manh. Vy đổ sập xuống.
Khi ấy, người duy nhất bên cạnh Vy là mẹ. Người duy nhất không một câu oán than, đi tìm, đưa Vy về nhà, đưa Vy đi bác sĩ, khuyên Vy hãy giữ đứa trẻ vì nếu bây giờ còn từ chối nó có lẽ Vy sẽ không bao giờ có thể tha thứ được cho mình. Chính tình cảm và sự kiên trì của mẹ đã giúp Vy đi qua những ngày giông bão nhất, những ngày cả thế giới nhìn Vy bằng con mắt khinh rẻ. Rồi em đứng lên, làm thêm nhiều công việc phụ giúp mẹ, đăng ký học ngoại ngữ, học văn bằng kế toán, văn bằng vi tính. Bất kể cái gì học được, Vy đều tìm cách học. Một thời gian sau gặp được chủ tốt, giới thiệu cho công việc ổn định, thu nhập tốt trong xưởng gỗ bây giờ.
Hiển nhiên, có không ít chàng trai theo đuổi Vy. Nhưng như con chim non sợ cành cong, Vy không dám mở lời với bất kỳ ai cho đến khi gặp Minh. Người đàn ông kiên trì đối đãi với Vy bằng sự quan tâm ấm áp nhưng không vồ vập vội vã. Mưa dầm thấm đất suốt một năm trời thì Vy bằng lòng tìm hiểu. Chờ đến một cơ hội thích hợp, Vy quyết định thành thật mọi chuyện trong quá khứ của bản thân cho Minh.
Cơ mà rõ ràng rằng cuộc đời không phải luôn là những bộ phim tình cảm lãng mạn hay áng truyện ngôn tình đậm màu hồng. Minh bảo cần suy nghĩ một vài ngày vì chuyện này anh chưa từng tưởng tượng tới bản thân phải xử lý như thế nào. Một tuần sau Minh hẹn gặp Vy để nói lời xin lỗi. Anh là con một, gia đình anh lại tương đối quy củ lễ nghi, có tiếng nói và vị trí nhất định. Anh có tình cảm với Vy là thật, tôn trọng Vy là thật nhưng anh cũng phải làm trọn trách nhiệm của một người con.
Khi câu chuyện của Vy kết thúc, trong phòng đã có không ít tiếng xì xầm oán trách người đàn ông tên Minh. Tôi nghe thấy có người chê anh hèn, có người lại bảo anh chẳng yêu Vy nhiều như anh ta tưởng. Tôi thì chỉ đơn thuần nhận ra Minh đang sống theo cách mà anh ta lựa chọn thôi. Nếu không có tình cảm với Vy thì Minh sẽ không theo đuổi lâu đến vậy. Anh ta cũng không hèn vì ít ra anh ta thẳng thẳn nói chuyện với Vy như cách mà anh ấy bước vào cuộc đời cô gái trẻ có quá khứ phức tạp. Chúng ta không một ai có quyền đánh giá quyết định của Minh bởi vì chúng ta không ở địa vị của anh ấy, không thể hiểu rõ hết được mọi ràng buộc anh ta phải mang trên vai. Nếu không thể làm được, thì không hứa hão, không để đối phương ảo tưởng.
Thế nên, tôi mong Vy tin rằng, không phải là em lại phải trả giá cho những gì em đã gây ra. Mà nên thấy một chút may mắn vì vẫn có thể gặp được một người không lợi dụng em, không kéo em vào một cái vòng xoáy mới mà anh ta không đủ khả năng che chở mẹ con em. Hiểu một cách lạc quan hơn nữa, quả báo đã bắt đầu lùi dần lùi dần rồi. Có thể chậm thôi nhưng nó nhất định đã lùi dần rồi.
Có một câu thế này: "Thần tiên cũng có quá khứ mà ác quỷ nào cũng có một tương lai". Đứng trước những vấp ngã, tôi tin cái chúng ta cần làm trước hết không phải là van xin sự tha thứ hay bao dung thấu hiểu từ bất cứ ai. Mà chính chúng ta phải tha thứ cho mình. Tha thứ cho bản thân là một hành trình miệt mài không dễ. Bởi không phải sự nỗ lực nào cũng đều mang lại một kết quả ưng ý. Và khi thất bại, sau tất thảy những oán thán, chúng ta lại quay mũi kim về vị trí cũ. Chúng ta chán ghét, mất đi mọi động lực; chúng ta nản lòng và có xu hướng chui ngược vào cái kén để không tổn thương nữa. Tuy nhiên, đừng quên, sai thì phải trả giá. Cái giá đó không phải do chúng ta định đoạt là nó kéo dài bao lâu hay như thế nào. Chỉ có thể cần mẫn gom góp hy vọng, sự tử tế chân thật và bền bỉ đi qua.
Tác giả nổi tiếng T.D Jakes từng nói: "Sự tha thứ vốn dĩ khiến chúng ta mạnh mẽ hơn chứ không phải biến quá khứ trở thành một vết chàm vĩnh viễn!". Đến một thời điểm, ngay cả khi bị từ chối, khinh miệt vì một quá khứ kém tươi sáng, thì chúng ta vẫn bình thản, can đảm đứng vững hiên ngang bằng hiện tại cùng tương lai ta có. Đó là khi ta đã bình yên với mọi chuyện đã qua, ta thấu hiểu và tôn trọng nỗ lực của chính mình. Ta tin hạnh phúc có thể sẽ muộn nhưng ta xứng đáng với nó. Ta không còn hổ thẹn điều gì nữa! Người chọn ta hay ta chọn người không quan trọng. Quan trọng nhất vẫn là nhìn nhận ta như ta vốn dĩ, như một ta xước xát nhưng không gục ngã.
Vậy nên, tôi luôn liên tưởng đến Kintsugi mỗi khi đối diện với những người mình đã gặp mà mang trên mình gánh nặng quá khứ. "Kintsugi: the art of precious scars", là một trong những kỹ thuật truyền thống của Nhật Bản được sử dụng để phục hồi những sản phẩm gốm sứ bị bể hoặc nứt vỡ. Nghệ nhân dùng hợp chất tương tự như vàng để hàn gắn lại những vết nứt, cho nó một khởi đầu mới không kém phần rực rỡ. Không che giấu, đầy kiêu hãnh, Kintsugi là biểu tượng của hồi sinh trong tổn thương.
Tôi mong những cô gái như Vy, và rất nhiều cô gái khác bên ngoài kia nữa. Đừng vội vã bỏ cuộc! Đừng oán giận số mệnh! Vững chãi, can trường đến ngày trở thành một tác phẩm Kintsugi bản lĩnh!