Mùi củi cháy

Hoàng Thị Hồng - Ngày 26/01/2024 00:37 AM (GMT+7)

Hà Nội những ngày cuối năm, cái lạnh ùa về. Những người kiếm sống bên vỉa hè lại chất một đám lửa sưởi ấm dưới dưới gió bấc mưa dầm. Chạy xe ngang qua mùi củi cháy, lòng bỗng nôn nao nhớ Tết.

Giờ này, củi và trấu có lẽ đã chất đầy gian bếp của bố. Những ống giang rừng chắc cũng đã được bố dựng một góc hiên, nhẩn nha chẻ lạt mỗi ngày một ít để độ đôi tuần nữa thì gói bánh chưng. Hơn 30 năm qua, năm nào tôi cũng thấy bố ngồi chẻ lạt trong cái lạnh cuối cùng của một năm đã đến hồi già cỗi. Chỗ giang thừa còn lại bố sẽ đưa dao chẻ một đoạn ở giữa dài cỡ gang tay và rộng chừng nửa đốt, rồi đóng đinh treo lên cột bếp làm cái giá để dao.

Giờ này, gà đang lục cục cãi cọ trong chuồng, giàn bầu nép mình nơi bức tường rào tránh gió đang trổ quả và những luống rau hây hẩy nhú lá non. Nếu bé lại và trở về căn nhà thơ ấu, có lẽ tôi đang thơ thẩn trong vườn, mặc cái áo len xanh đỏ, xỏ đôi tất có những cục sợi vo tròn li ti sờn lên vì cũ kỹ và đi tìm bọ ngựa trong đám su hào. Sương móc và mưa đọng trên những vạt xanh nhấp nhô run lẩy bẩy mỗi khi con bọ ngựa nhấc chân qua, nghênh nghênh cái đầu truy vết bầy sâu non mới nở trong kẽ lá. Thời gian của đứa trẻ là tôi trôi đi lặng thinh như tiếng mưa dầm chạm vào lòng đất ẩm. Cứ lặng thinh như thế khi tiếng củi cháy lép bép trong bếp đánh thức những rộn ràng giáp Tết.

Mùi củi cháy - 1

Mùi củi cháy, mùi hương trầm ở bất cứ nơi nào cũng dễ đánh thức nỗi nhớ Tết, nhớ nhà trong tôi. Có lẽ vì nó là cái mùi của kí ức. Dù chen vào nỗi nhớ ấm sực ấy là cả cái cảm giác buốt tay ngồi rửa lá dong hay nhặt rác rơm ở mớ mùi già mẹ mua về. Thời gian thủa ấy sao trễ nải, thong dong. Chẳng có gì vội vã, gấp gáp dù dáng ai cũng tất bật. Tỉ mẩn nhặt từng cọng rác cho đến khi mớ mùi thật xanh thì bỏ vào chậu nhôm, lấy nước mưa trong bể dội rửa 3 lần mới cuộn lại để vừa chiếc xoong gang cỡ lớn mẹ chỉ dùng để nấu nước tắm gội. Bứt một dây vỏ bưởi mẹ hong nơi gác bếp, đập dập một nhánh gừng già, thêm đôi củ sả rồi bắc lên bếp củi, cạnh nồi bánh chưng đang sôi râm ri.

Cái nồi nước thơm để tắm gội ấy mấy chục năm qua mẹ tôi không bỏ. Dù thảo dược sấy khô đóng gói không thiếu, cũng chẳng đắt đỏ gì, bình nóng lạnh cũng lắp đặt từ lâu và mẹ tôi cũng không phải người tiết kiệm. Chỉ là bà quen một cái nếp cả đời không tìm được lý do để từ bỏ. Bà muốn con cháu phải được tắm gội bằng nồi nước thơm ấy trong mấy ngày Tết ngắn ngủi ở bên bà.

Không có công thức cố định nào cho nồi nước ấy. Mẹ tôi nhặt nhạnh trong vườn và hong sấy được gì trong năm thì bỏ vào đun. Cả nhà đông đúc tắm chung một nồi nước thì có bất tiện không? Tôi không rõ dâu rể của mẹ tôi cảm thấy thế nào. Riêng tôi ưa cái cảm giác lấy gáo múc nước thơm vào chậu lớn cho từng người tắm lần lượt, rồi lại tra thêm nước mới, lại bắc lên bếp, lại chất thêm củi, ghé miệng thổi cho lửa bùng lên và vẩn vơ nhìn lửa đổ bóng lập loà trùm lên gian bếp. Cái mùi khói quấn lại trong tóc, trong áo dìu dịu. Không gian nén lại, thời gian doãi ra. Một đêm 30 thanh tẩy dềnh dàng chậm rãi như không vội bước sang vòng quay mới trong vũ trụ mênh mông.

Mùi củi cháy - 2

Ở tuổi chưa già và không còn trẻ, những người sống xa nhà như tôi sợ điều gì nhất? Ngày thường có lẽ sợ nếp nhăn, còn ngày Tết sợ mất đi cái nhịp thân quen. Ví như cái nồi nước lá trên bếp củi ấy. Bước chân về đến hiên nhà, thấy dây vỏ bưởi ngả màu vàng đất treo lủng lẳng, thấy chùm tỏi chùm hành khô mẩy trên cao, thấy bát đũa nằm hong nắng trong rổ tre tạm quên những đành hanh tanh tách, và mùi củi, mùi lá thơm len lỏi lãng đãng, thế tức là mẹ vẫn đây, bố vẫn đây. Tết còn cha, còn mẹ.

Tôi sẽ lại cắm một bình lay ơn thược dược với mấy cành violet tím dâng lên bàn thờ tổ tiên. Đôi khi nếu gặp may thì vạt cải cúc bố tôi trồng sẽ trổ hoa và có thêm bình cải cúc cắm chơi trên bàn tiếp khách. Rồi ngồi tám chuyện với chị em trong nhà trong lúc gói nem, xào giò, ngắm bọn trẻ cười giòn tan bên một đám củi khác chúng chất lên để nướng khoai nướng trứng. Tiếng vỏ trứng rạn ra và thi thoảng nổ bộp vì quá lửa, tiếng của nhựa thông ứa ra nơi mảng vỏ nào đó còn chưa rút nước, và âm thanh reo vui lặng lẽ nơi ánh lửa nhảy nhót trên tường bếp.

Mùi củi cháy vờn tôi, kéo tôi vào vùng kí ức ấu thơ ấm nồng thấp thoáng giấc ngủ ngọt ngào đêm canh nồi bánh chưng rúc chân trong chăn cùng bố mẹ, thiêm thiếp trong cơn mơ có tiếng dế tự tình trong hang đất ngày xuân.

Mùa xuân kho cá
Chủ nhật về nhà, tôi hỏi mẹ: "Tết này mẹ thích ăn món gì để con mua sắm dần". Vẫn là bài ca tiếc của, nhưng đặc biệt mẹ dặn: "Cho mẹ một khúc cá trắm...

Chạm

Theo Hoàng Thị Hồng
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

"Anh có biết điều em tự hào nhất ở bản thân mình là gì không? Chính là tất thảy những vết sẹo mà em đang mang. Chúng là lỗi lầm, là ngây...

Trung thu xưa, chúng tôi háo hức từ trước cả tháng, tập múa, làm đèn, đếm ngược từng ngày đợi Rằm tháng Tám. Trung thu nay, đứng giữa đêm...

Thật lạ là khi bé, ta được khuyến khích hãy mơ những giấc mơ thật lớn lao. Nhưng khi trưởng thành, câu chúng ta hay nghe lại là: "Thực tế...

Tin bài cùng chủ đề Tết nguyên đán