Tôi gọi những hành động cả nhà vượt rào, nhóm thanh niên sàm sỡ, dìm các cô gái xuống nước… là một “cơn lệch chuẩn tập thể”. Vậy làm thế nào để sau cơn lệch chuẩn tập thể, bạn vẫn thấy mình “chuẩn”?
Hình ảnh phản cảm hàng nghìn người chen lấn, giẫm đạp lên nhau, nam thanh nữ tú mặc váy, bikini, trẻ nhỏ trèo rào để vào cửa miễn phí công viên nước tràn lan trên khắp các phương tiện thông tin đại chúng ngày vừa qua. Thậm chí, nhiều đoạn clip quay lại cảnh những cô gái bị hàng chục, hàng trăm thanh niên sàm sỡ, té nước, xé rách bikini cũng được tung lên mạng.
Sau khi xem những hình ảnh đó cảm nhận chung của nhiều người là thất vọng và xấu hổ. Khampha.vn xin giới thiệu góc nhìn của một bạn trẻ 9X về hiện tượng này.
Sau sự kiện miễn phí vào cửa Công viên nước Hồ Tây ngày Chủ nhật vừa qua, những khung hình cả nhà trèo rào, thanh niên lột nội y, dìm phụ nữ… gợi cho tôi 3 suy nghĩ nhỏ bé: Về marketing, về đám đông và chuẩn mực.
Marketing thiếu đạo đức?
Miễn phí là một trong những công cụ marketing đắc dụng, vì của cho không ai mà chẳng thích! Người làm marketing cho Công viên nước Hồ Tây, cũng như bao người làm nghề khác có lẽ chỉ mong hiệu quả doanh thu cao nhất – một sứ mệnh quá đúng đắn. Tôi cho rằng chiến dịch một ngày miễn phí công viên nước dịp đầu hè là một ý tưởng thú vị và mạnh dạn. Nếu thực hiện chu đáo thì hiệu quả sẽ rất tốt. Nhưng…
Thứ nhất, miễn phí chắc chắn sẽ dẫn đến lượng người tham gia quá đông. Thứ hai, bể bơi là môi trường nhạy cảm, nếu chưa chuẩn bị sẵn biện pháp kiểm soát khả thi thì hành vi đồi trụy là khó tránh. Nếu Ban quản lý Công viên nước Hồ Tây chưa tính đến các rủi ro mà chấp nhận chiến dịch này thì quá liều lĩnh và thiếu nhạy cảm truyền thông. Nếu họ biết nhưng bất chấp, thì đây có lẽ là một điển hình của thiếu đạo đức trong marketing. Hoặc có thể trường hợp Công viên nước Hồ Tây chỉ đơn giản là họ chưa đủ cẩn trọng, do chủ quan, chưa thực sự thấu hiểu khách hàng nên không lường được việc vượt rào. Thực tế đã chứng minh nhiều lần rằng ở Việt Nam, cứ miễn phí thì rất dễ chứng kiến cảnh tranh nhau, bất chấp quy chuẩn.
Một người bạn tôi thậm chí chua xót: "Chẳng biết ban quản lý Công viên nước Hồ Tây có biết sẽ biến ngày miễn phí thành “xiếc tập thể” và “liên hoan xác thịt” không?'' Làm marketing cần có cái nhìn bao quát đến mọi hệ quả, đặc biệt là tác động đến khách hàng và tác động xã hội - điều mà tôi chưa được nghe nhiều ở nước mình.
Giữ 'chuẩn' bản thân trong những 'cơn lệch chuẩn tập thể'
Điều thứ hai tôi nghĩ đến, là tại sao tụ tập đông người thì người ta dễ “suy thoái” vậy? Tôi gọi những hành động cả nhà vượt rào, nhóm thanh niên sàm sỡ, dìm các cô gái xuống nước… là một “cơn lệch chuẩn tập thể”. Vì vốn dĩ nếu chỉ có mình họ, trong điều kiện khác, thì có lẽ từng người họ không làm vậy. Cũng tương tự như những vụ hiếp dâm tập thể, ném đá tập thể, hay những vụ cả làng đánh chết kẻ trộm chó.
Điều gì dẫn đến cơn lệch chuẩn tập thể ấy?
Thứ nhất là sự đổ lỗi/ từ chối trách nhiệm đạo đức: Tôi làm do hoàn cảnh phải vậy, có lý do chính đáng, không chỉ mình tôi mà ai cũng làm... Như thế, dù làm gì tôi vẫn đạo đức;
Thứ hai là sự tập nhiễm/xã hội hóa: Quy chuẩn đạo đức là thứ được tiếp nhận từ xã hội, để giúp con người hòa nhập. Nghĩa là, số đông có áp lực mạnh đến chuẩn mực cá nhân – khi bạn làm theo số đông thì bạn đúng;
Thứ ba là bản chất con người. Theo S. Freud, tính dục là động lực của sự sống. Theo Tuân Tử và Lý Quang Diệu, nhân chi sơ tính bản ác. Cái tôi muốn nói là: Bản năng con người là như vậy, bình thường con người kìm giữ bản năng nhờ có sự kiểm soát xã hội. Khi thiếu đi sự kiểm soát bằng luật pháp, quy chế, bộ phận an ninh… thì bản năng xấu bộc phát là đương nhiên.
Từ những nguyên nhân ấy, tôi thấy ai cũng rất dễ đánh mất mình và làm theo số đông trong hoàn cảnh thích hợp. Nhưng đấy có thực là đúng với chuẩn mực của bạn? Đừng để đám đông dẫn dắt. Hãy là chính mình - dù trong tình huống nào thì mình vẫn luôn có sự lựa chọn, và phải chịu hoàn toàn trách nhiệm về lựa chọn đó. Làm thế nào để sau cơn lệch chuẩn tập thể, bạn vẫn thấy mình “chuẩn”!
Tự bảo vệ mình trước cái lệch chuẩn
Cuối cùng, tôi muốn nói về những cô gái bị sàm sỡ, dìm nước trong ngày Chủ nhật ấy. Người thì thương, người thì trách họ. Đằng nào cũng có cái lý.
Một mặt, người ta trách các bạn vì tự đẩy mình vào nguy hiểm. Như trên đã nói, “Nhân chi sơ tính bản ác”. Đừng nên vì chủ quan, mất cảnh giác để người khác dễ dàng hại mình, hãy tự tránh những tình huống tạo điều kiện cho bản chất xấu bộc lộ. Khi không tránh được thì đành “nhặt gậy lên và tự vệ”! Gậy có thể là pháp luật, sự kỳ thị của cộng đồng, hay vài anh bạn trai to con hộ tống. Có gậy thì phải dùng ngay.
Mặt khác, phái yếu không phải lúc nào cũng tự vệ thành công. Việc đẩy trách nhiệm hết cho người bị hại là sự bất nhân và bất công, và chỉ đưa vấn đề đi vòng vòng không hồi kết. Như tại Ấn Độ, một xã hội tin rằng “phụ nữ bị hiếp dâm là lỗi của phụ nữ”, gậy của họ liệu có thể là gì? Trở lại Hồ Tây, rõ ràng trách nhiệm thuộc về chính những nam thanh niên đi sàm sỡ và ban quản lý Công viên nước Hồ Tây chứ không phải những cô gái thiếu khả năng tự vệ. Con người chỉ hành động theo chuẩn mực khi có kiểm soát xã hội - cần phải xử lý đúng người, đúng lỗi thì mới hạn chế lệch chuẩn được.