Khi nào thì nên sinh con?

Ngày 29/01/2024 16:00 PM (GMT+7)

Giàu - nghèo không liên quan đến việc nên sinh con hay không mà dạy con như thế nào mới quan trọng

Gần đây, phát ngôn của MC Đức Bảo: "Nếu sinh con ra để kế thừa sự vất vả, nghèo khó của bạn vậy không sinh con cũng chính là một loại lương thiện" đã gây nhiều tranh cãi. Bỏ qua những suy nghĩ cá nhân, phát ngôn của MC này cũng gợi nên nhiều câu hỏi về việc khi nào thì nên sinh con, trách nhiệm của cha mẹ đối với con cái và xã hội khi quyết định sinh con…

Chuẩn bị kỹ trước khi có con

Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, một nữ chuyên gia tâm lý lâm sàng phân tích ông bà ta có câu "Không ai nghèo 3 họ, không ai khó 3 đời", con người luôn có sự phấn đấu. Cha mẹ nghèo không có nghĩa là con sẽ nghèo. Thực tế, có nhiều cha mẹ nghèo khó nhưng vẫn giáo dục con rất tốt, con vẫn thành đạt, giỏi giang. Giàu - nghèo không liên quan đến việc nên sinh con hay không mà dạy con như thế nào mới quan trọng.

Theo chuyên gia này, độ tuổi sinh học thích hợp để sinh con của phụ nữ là 22 - 32 tuổi. Tuy nhiên, nếu bản thân chưa chuẩn bị tốt thì sau sinh khó có thể toàn tâm toàn ý chăm sóc con.

"Có con không chỉ là lo ăn uống, học hành, mà người làm cha mẹ phải thật sự đón nhận con bằng tình yêu thương; có kiến thức, sự hiểu biết để hướng dẫn và giáo dục con trong sự phát triển của xã hội. Do đó, trước khi quyết định sinh một đứa con, cần chuẩn bị nhiều yếu tố: tài chính, sức khỏe, năng lực… Cha và mẹ phải có sự thống nhất trong việc dạy con để đứa trẻ lớn lên có trách nhiệm với bản thân, gia đình và xã hội" - chuyên gia này nhắn nhủ.

Cùng quan điểm, chuyên gia tâm lý Đào Lê Hòa An - Giám đốc Trung tâm Đào tạo, Phát triển nguồn nhân lực và Hướng nghiệp JobWay - cho rằng sinh con là một quyết định lớn, đầy trách nhiệm. Nó bao gồm việc đánh giá sức khỏe, tài chính, sẵn sàng tâm lý và khả năng chăm sóc con. Bởi trách nhiệm của cha mẹ đối với con không chỉ về vật chất mà còn bao gồm cả khía cạnh tinh thần và giáo dục. Vì vậy, cần thảo luận, lên kế hoạch với chồng/vợ; bảo đảm sự đồng thuận và sẵn sàng hỗ trợ lẫn nhau. Đánh giá tình hình tài chính hiện tại, xây dựng kế hoạch tài chính cho tương lai. Cần kiểm tra sức khỏe trước khi có thai, xem xét chế độ dinh dưỡng và lối sống hiện tại, cân nhắc thay đổi những thói quen không lành mạnh… Song song đó, nắm vững kiến thức về chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ để tự tin hơn khi đón chào em bé…

"Quá nhiều ông bố, bà mẹ tự tạo hình ảnh của trẻ theo ý mình, đánh mắng nếu con không giống cái khuôn đó. Cũng không ít trường hợp bố mẹ bị mắc kẹt trong cách nuôi dạy của ông bà. Nên chăng có một "kỳ thi quốc gia" cho những ai đang có ý định trở thành bố mẹ và chỉ người đạt mới đủ điều kiện làm bố mẹ" - ông Đào Lê Hòa An nêu ý kiến.

Minh họa: KHỀU

Minh họa: KHỀU

Trách nhiệm với con, bản thân và xã hội

Còn theo chuyên viên tâm lý Mai Thanh Thủy, Trung tâm Tham vấn Tâm lý The Sight, cha mẹ nghèo không phải là vấn đề. Cha mẹ giàu có hay cha mẹ viện cớ nghèo, không cố gắng vươn lên vượt khó, thiếu trách nhiệm trong nuôi dưỡng, giáo dục con mới là điều cần suy nghĩ. Sinh con ra, ngoài trách nhiệm với con thì cũng là trách nhiệm với bản thân và cao hơn là với xã hội. Những đứa trẻ được nuôi dạy tử tế, khỏe mạnh sẽ là những người con hiếu thảo, những công dân có ích cho xã hội.

"Trên hết, cha mẹ là người trực tiếp quan tâm, giáo dục con về đạo đức, nhân cách, quyền và bổn phận của con cái; giúp con phân biệt tốt - xấu, đúng - sai, nên - không nên…; tạo môi trường lành mạnh, an toàn cho sự phát triển toàn diện của con; có trách nhiệm gương mẫu về mọi mặt cho con noi theo… Muốn vậy, cha mẹ phải được trang bị kiến thức, kỹ năng trong nuôi dạy con ở từng giai đoạn, lứa tuổi" - bà Mai Thanh Thủy nói.

Ngoài ra, theo bà Mai Thanh Thủy, để cha mẹ nuôi dạy con tốt, vai trò quản lý nhà nước rất quan trọng, thông qua việc ban hành những quy định pháp luật về trách nhiệm của cha mẹ đối với con cái, chế tài - xử phạt nếu không làm tròn trách nhiệm nuôi dạy con… Nhà nước nên khuyến khích tổ chức, cá nhân thành lập cơ sở tư vấn cho trẻ em, cha mẹ, người giám hộ về việc bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em. Thường xuyên mở các lớp tập huấn kiến thức, kỹ năng tiền hôn nhân nhằm nâng cao nhận thức, kiến thức, kỹ năng về xây dựng và tổ chức cuộc sống gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc bền vững cho các cặp đôi nam, nữ thanh niên trong độ tuổi kết hôn, chuẩn bị kết hôn.

"Nên tổ chức các lớp học tiền hôn nhân bắt buộc cho các cặp đôi chuẩn bị lập gia đình như một số nước nhằm bảo đảm các cặp vợ chồng sắp cưới sẽ được chuẩn bị tốt về cảm xúc lẫn thể chất để bước vào cuộc sống hôn nhân và đảm nhận trách nhiệm làm cha mẹ" - bà Mai Thanh Thủy đề xuất. 

Đừng ngại nghèo khó mà không sinh con!

Nêu quan điểm về vấn đề trên, bà Nguyễn Thị Thu Thảo, nguyên Phó Ban Nữ công LĐLĐ TP HCM, nói qua thống kê dân số cho thấy các bạn trẻ ngày nay không thích lập gia đình (chiếm 12% dân số), nếu lập gia đình cũng không thích sinh con. Về lâu dài, lực lượng lao động Việt Nam ngày càng già hóa, ai sẽ thay thế?

"Khi có con, ta sẽ trưởng thành, có trách nhiệm với gia đình nhỏ của mình và có trách nhiệm với cha mẹ mình. Đừng ngại nghèo khó mà không sinh con. Cố gắng vươn lên trong cuộc sống, có việc làm, có thu nhập, có sự hiểu biết, kỹ năng trong chăm sóc, dạy dỗ con thì sẽ nuôi sống gia đình, nuôi dạy con tốt" - bà Thảo chia sẻ.

Độ tuổi và cơ hội mang thai thành công: Những con số chị em cần biết!
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến sự sụt giảm khả năng sinh sản liên quan đến tuổi tác, nhưng lý do chính là do số lượng trứng ít trứng hơn và tỷ lệ trứng...

Chuẩn bị mang bầu

Vũ Đào Yến
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tập luyện cường độ cao, giảm cân quá nhiều, bỏ qua tiêm vaccine, tăng lượng vitamin đều có thể ảnh hưởng không tốt đến khả năng sinh sản.

Tin bài cùng chủ đề Các bước chuẩn bị mang thai