Có giới hạn tuổi cho phụ nữ muốn sinh con bằng phương pháp IVF?

Ngày 11/12/2023 15:00 PM (GMT+7)

Ngày càng nhiều trường hợp phụ nữ trên 50 tuổi, thậm chí 60, 70 tuổi làm IVF thành công. Nhiều người đã đặt câu hỏi liệu có giới hạn độ tuổi đối với phương pháp này hay không?

Theo PGS.TS. Hồ Sỹ Hùng - Giảng viên Bộ môn Phụ sản Đại học Y Hà Nội, Phó Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ sinh sản - Bệnh viện Phụ sản Trung ương, tuy trên thế giới có nhiều phụ nữ lớn tuổi thành công với phương pháp thụ tinh ống nghiệm (IVF) nhưng với góc nhìn chuyên gia việc phụ nữ lớn tuổi tiếp cận với phương pháp IVF là rất khó khăn và gặp nhiều rủi ro.

PGS.TS. Hồ Sỹ Hùng - Giảng viên Bộ môn Phụ sản Đại học Y Hà Nội, Phó Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ sinh sản - Bệnh viện Phụ sản Trung ương.

PGS.TS. Hồ Sỹ Hùng - Giảng viên Bộ môn Phụ sản Đại học Y Hà Nội, Phó Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ sinh sản - Bệnh viện Phụ sản Trung ương.

Ở mỗi quốc gia có quy định riêng về độ tuổi tối đa để được phép thực hiện IVF. Ở Việt Nam, nghị định 10/2015/NĐ-CP sinh con bằng kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm ngày 28/01/2015 của Chính phủ cũng không quy định về độ tuổi tối đa cho bệnh nhân được điều trị thụ tinh ống nghiệm nhưng thực tế thực hiện IVF đối với phụ nữ càng lớn tuổi (đặc biệt từ 50 tuổi trở lên) càng gặp nhiều khó khăn, rủi ro, tỷ lệ thành công thấp và khi có thai cũng mắc nhiều bệnh lý như tiền sản giật, đái tháo đường và tỷ kệ bất thường cũng cao hơn.

1. Thụ tinh ống nghiệm là gì?

PGS.TS Hồ Sỹ Hùng cho biết, thụ tinh ống nghiệm (In Vitro Fertilization – IVF) là kỹ thuật điều trị vô sinh, hiếm muộn phổ biến nhất hiện nay, trong đó tinh trùng của người chồng và trứng của người vợ sẽ được thụ tinh trong ống nghiệm để tạo thành phôi. Sau khoảng thời gian nuôi cấy tại phòng thí nghiệm (thông thường khoảng 2 – 5 ngày), phôi sẽ được chuyển trở lại buồng tử cung của người vợ để phát triển thành thai nhi.

IVF được biết đến là phương pháp điều trị hiệu quả cho những trường hợp người vợ bị tắc ống dẫn trứng, là nguyên nhân thực thể cản trở việc trứng và tinh trùng gặp nhau để thụ thai. Ngoài ra phương pháp này được chỉ định mở rộng cho các trường hợp vô sinh do nam giới cặp vợ chồng lớn tuổi, kèm theo các bệnh lý: lạc nội mạc tử cung, rối loạn phóng noãn, bất thường ở tinh trùng và các yếu tố miễn dịch, hoặc vô sinh chưa rõ nguyên nhân…

2. Tuổi tác và khả năng sinh sản

Tuổi tác ảnh hưởng đến khả năng sinh sản của cả vợ và chồng khi thụ tinh ống nghiệm.

Tuổi tác ảnh hưởng đến khả năng sinh sản của cả vợ và chồng khi thụ tinh ống nghiệm.

Để hiểu tác động của tuổi tác đến tỷ lệ thành công của IVF, điều quan trọng là phải biết mối liên quan giữa tuổi và khả năng sinh sản. Cả nam giới và phụ nữ đều trải qua những thay đổi về chức năng sinh sản khi có tuổi mà chủ yếu là giảm khả năng sinh sản, điều này có thể ảnh hưởng đến khả năng thụ thai tự nhiên và kết quả của các phương pháp điều trị IVF.

Phụ nữ được sinh ra với số lượng trứng hữu hạn và khi có tuổi, cả số lượng và chất lượng trứng đều giảm sút theo thời gian. Sự suy giảm dự trữ buồng trứng và chất lượng trứng này ảnh hưởng đến khả năng sinh sản và tỷ lệ thành công của phương pháp điều trị IVF. Ngược lại, đàn ông tiếp tục sản xuất tinh trùng trong suốt cuộc đời của họ nhưng tuổi cha cao vẫn có thể ảnh hưởng đến khả năng sinh sản và kết quả IVF.

3. Tuổi và tỷ lệ thành công trong IVF

Độ tuổi sinh sản của phụ nữ tính từ tuổi 15 đến 44. Tỷ lệ thành công của điều trị IVF bị ảnh hưởng đáng kể bởi độ tuổi của cặp vợ chồng. Phụ nữ trẻ tuổi có xu hướng có cơ hội mang thai thành công cao hơn khi thực hiện IVF so với những phụ nữ lớn tuổi.

Đối với phụ nữ, khả năng sinh sản giảm theo tuổi tác rõ rệt hơn do các yếu tố như dự trữ buồng trứng giảm, chất lượng trứng giảm và khả năng tử cung mang thai cũng khó khăn hơn. Phụ nữ từ 25 đến 30 tuổi thường có tỷ lệ thành công cao nhất, sau 35 tuổi tỷ lệ có thai sẽ giảm dần.

Ngoài ra, phụ nữ lớn tuổi có nhiều nguy cơ phôi lệch bội, phôi bất thường nhiễm sắc thể và ít có khả năng mang thai. Hơn nữa phụ nữ lớn tuổi cũng gặp các bệnh lý phụ khoa ảnh hưởng đến khả năng sinh sản như u xơ tử cung hoặc lạc nội mạc tử cung.

Nguy cơ mắc các bệnh liên quan đến thai nghén như tiền sản giật, đái tháo đường thai kỳ… cũng tăng hơn. Những rào cản này khiến chị em dù có thể thụ thai nhưng có nguy cơ cao sinh ra trẻ bất thường hình thái và chức năng. Do đó, việc phụ nữ lớn tuổi làm IVF càng gặp nhiều khó khăn và rủi ro hơn.

Đối với nam giới, mặc dù tốc độ giảm khả năng sinh sản nhìn chung chậm hơn so với phụ nữ, nhưng người cha tuổi cao vẫn có thể ảnh hưởng đến kết quả IVF. Đàn ông lớn tuổi có thể bị giảm chất lượng tinh trùng, bao gồm giảm khả năng di chuyển và tăng sự phân mảnh DNA. Những yếu tố này có thể ảnh hưởng đến tỷ lệ thụ tinh và sự thành công chung của điều trị IVF.

Chú ý một số yếu tố có thể ảnh hưởng đến tỷ lệ thành công của phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm (IVF) gồm:

Chế độ dinh dưỡng: Cần xây dựng chế độ dinh dưỡng khoa học, bổ sung đầy đủ các chất dinh dưỡng cần thiết như đạm từ thịt bò, thịt gà, thịt heo, cua, hàu, tôm…; bổ sung nhiều chất xơ từ rau củ quả và trái cây. Người vợ cần bổ sung các loại thực phẩm chứa nhiều acid folic như ngũ cốc, giá đỗ, cam, bưởi,… các loại thực phẩm nhiều omega 3 như dầu cá, dầu thực vật…

Đời sống sinh hoạt của hai vợ chồng: Tập thể dục điều độ, nâng cao sức khỏe. Giữ tâm trạng vui vẻ, thoải mái. Cả hai vợ chồng đều cần tránh sử dụng các chất kích thích như rượu bia, thuốc lá. Đặc biệt, cần hạn chế quan hệ tình dục trong thời gian này nhằm tránh kích thích tử cung co bóp, gây ảnh hưởng đến phôi thai.

Không mắc các bệnh lý ở đường sinh dục: Trước khi thực hiện IVF, hai vợ chồng cần kiểm tra sức khỏe tổng quát cũng như khám sức khỏe sinh sản để phát hiện các bất thường ở đường sinh dục.

Tuy nhiên ngày nay, do sự tiến bộ của nền y học, phụ nữ trên 50 tuổi cũng có thể thực hiện IVF thành công. Cách đây 10 năm, cặp vợ chồng nữ bác sĩ 53 tuổi Đinh Thị H. và chồng là ông Nguyễn Bình M. 63 tuổi đã thực hiện IVF thành công sinh đôi 2 con gái. Tháng 6/2023, Bệnh viện Phụ sản Hải Phòng thực hiện ca mổ đẻ thành công cho sản phụ 60 tuổi, chồng 63 tuổi. Thậm chí như cụ bà 70 tuổi ở Uganda mới đây đã thụ thai, sinh con bằng các phương pháp hỗ trợ sinh sản hiện đại như thụ tinh trong ống nghiệm.

4. Phụ nữ lớn tuổi có nên sinh con bằng IVF không?

Mang đa thai có thể khiến cân nặng của bé thấp, sinh non hoặc sinh khó.

Mang đa thai có thể khiến cân nặng của bé thấp, sinh non hoặc sinh khó.

Theo PGS.TS Hồ Sỹ Hùng, do có nhiều nguy cơ rủi ro hơn so với mang thai khi tuổi bà mẹ còn trẻ nên chỉ những trường hợp đặc biệt, gia đình có mong muốn thiết tha làm mẹ, bác sĩ mới tiến hành thực hiện kỹ thuật hỗ trợ sinh sản. Khi thụ tinh trong ống nghiệm cho phụ nữ lớn tuổi có thể gặp phải những trở ngại như:

- Phụ nữ lớn tuổi có thể đã mãn kinh, tử cung teo nhỏ, niêm mạc mỏng, bác sĩ sẽ phải điều kinh lại và chuẩn bị niêm mạc cũng khó khăn.

- Buồng trứng giảm dự trữ nên không thể lấy trứng của bản thân họ mà phải xin trứng của người khác, do vậy đối với những người này chỉ trong hoàn cảnh thật đặc biệt mới nên điều trị chẳng hạn chưa có con nào hoặc con bị mất...

- Những yếu tố về sức khỏe bà mẹ, tuổi càng cao sức khỏe bà mẹ càng suy giảm, quá trình mang thai, đi lại đều khó khăn đối với phụ nữ lớn tuổi.

- Mang đa thai (mang từ 2 thai trở lên). Điều này có thể khiến cân nặng của bé thấp, sinh non hoặc sinh khó;

Trong những tình huống như vậy, sự chăm sóc của gia đình và bác sĩ, trong đó việc thăm khám để phát hiện những bất thường hoặc nguy cơ phải được tiến hành thường xuyên hơn. Cụ thể những nguy cơ như về đái tháo đường thai kỳ, bất thường thai nghén, huyết áp của sản phụ, các chức năng của sản phụ... có thể tăng lên, ảnh hưởng sức khỏe của mẹ và con, có thể gây ra thai chết lưu hoặc sảy thai.

Ngoài ra, tỷ lệ mắc dị tật bẩm sinh như hội chứng Down, dị tật cơ xương hoặc các bệnh liên quan đến phổi hoặc tim mạch… ở những trường hợp này thường rất cao, vì vậy các mẹ cần tiến hành các biện pháp chẩn đoán sàng lọc trước sinh để phát hiện dị tật bẩm sinh ở trẻ.

Trà Kombucha đang hot, bà bầu có uống được loại trà này không?
Trà Kombucha vốn được biết đến là mang lại nhiều lợi ích cho cơ thể, tuy nhiên với phụ nữ đang mang thai thì việc uống trà Kombucha có an toàn không?...

Dinh dưỡng thai kỳ

Theo Bảo Châu
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Chuẩn bị mang bầu