Sức ép phải thụ tinh nhân tạo để có con tuổi Rồng

Ngày 18/03/2024 15:00 PM (GMT+7)

Hà Nội - Bị sức ép từ gia đình phải sinh con trai năm Giáp Thìn, chị Thương, 28 tuổi, quyết "dốc cạn tiền" thụ tinh nhân tạo (IVF) dù bác sĩ từ chối thực hiện.

Đầu tháng 3, vợ chồng chị Thương đến Bệnh viện Phụ Sản Trung ương khám sức khỏe, mục đích làm IVF để có con trai. Ngày đi khám, mẹ chồng liên tục gọi điện hỏi "nguyên nhân do ai" càng khiến chị tủi thân.

Chị Thương và anh Nam (30 tuổi) kết hôn tháng 10/2023. Sau cưới, bố mẹ chồng yêu cầu vợ chồng chị phải sinh con trai trong năm sau, tức năm 2024 - năm Giáp Thìn. Bị sốc với đề nghị của mẹ nhưng nghĩ chồng là con trai trưởng, chị tìm mua nhiều thuốc bổ, vitamin, tăng đề kháng để sớm có con. 5 tháng trôi qua, cả hai vẫn chưa có tin vui.

"Để có con năm nay, chúng tôi chỉ còn hai tháng để chạy đua", chị nói và quyết định đầu tư hơn 100 triệu đồng làm IVF "săn" con trai.

Sau khi kiểm tra, sức khỏe hai vợ chồng bình thường, bác sĩ khuyên về "thả" tự nhiên để có thai kỳ khỏe mạnh. Tuy nhiên, chị Thương vẫn đề xuất làm IVF để sinh con như ý, dù biết bị pháp luật cấm. Bác sĩ từ chối, khuyên gia đình nên suy nghĩ thêm.

Chị Minh, 30 tuổi, quê Hà Nam, cũng sẵn sàng làm IVF để có con trong năm nay để không bị "mắng nhiếc" là không sinh được quý tử cho nhà chồng. Suốt ba tháng qua, chị tuân thủ chế độ ăn nhiều đạm từ thịt, hàu và khuyên chồng hạn chế rượu bia. Người phụ nữ còn chi chục triệu đồng mua tinh chất hàu và thực phẩm chức năng giúp bổ trứng, bổ tinh trùng.

"Thời gian chẳng chờ đợi ai", chị nói và cho biết nếu không có con trong năm thì không tốt cho sự nghiệp của chồng. Chị cho rằng năm sau là năm Rắn, "nếu sinh con dễ gây thất bát, xung đột gia đình do khắc tuổi".

Đến bệnh viện, chị yêu cầu được thăm khám để được thụ tinh nhân tạo, nghĩ "một lần ăn chắc" và đứa con IVF đã được sàng lọc phôi thì thai kỳ cũng không cần thăm khám nhiều.

Việt Nam cũng như nhiều nước châu Á đang chuẩn bị cho đợt gia tăng số ca sinh vào năm Giáp Thìn. Theo quan niệm của những quốc gia này, năm Rồng đem lại phước lành, người tuổi Thìn thường may mắn, giỏi giang, xinh đẹp và giàu có. Do đó, các bậc cha mẹ đã cố gắng sinh con vào năm này với mong ước con cái được thành công.

Bác sĩ Phan Chí Thành, Khoa khám bệnh, Bệnh viện Phụ sản Trung ương, cho biết nhu cầu sinh con trong năm Giáp Thìn tăng 30-40%, bao gồm cả thăm khám và hỗ trợ sinh sản. Tỷ lệ cặp vợ chồng mong muốn can thiệp khoa học để "săn" được Rồng vàng tăng cao, kể cả cặp đôi không có bất thường hay hiếm muộn cũng chủ động đi thăm khám để được hỗ trợ sinh sản để IVF, chiếm khoảng 10-15%, giống như Thương, Minh.

Tại các bệnh viện khác như Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, Bệnh viện Hồng Ngọc, Bệnh viện đa khoa Tâm Anh, tỷ lệ thăm khám cũng tăng đột biến. Các phòng khám tư ghi nhận tình trạng tương tự.

Các cặp vợ chồng không nên giữ tinh thần thoải mái, không nên quá áp lực và áp dụng phương pháp cực đoan. Ảnh: Mom Junction

Các cặp vợ chồng không nên giữ tinh thần thoải mái, không nên quá áp lực và áp dụng phương pháp cực đoan. Ảnh: Mom Junction

Lý giải tình trạng này, bác sĩ cho rằng chủ yếu do áp lực gia đình, "ép" sinh con năm Rồng để sớm phát tài phát lộc và con thông minh. Kinh tế phát triển, đời sống dư dả nên nhiều gia đình có điều kiện hơn trước. Chưa kể, nhiều người tin IVF như "phép màu", cứ can thiệp là có con và có thể chọn giới tính theo ý muốn.

IVF là phương pháp hỗ trợ sinh sản chỉ định cho những trường hợp không thể thụ thai tự nhiên do các nguyên nhân như rối loạn rụng trứng, suy giảm dự trữ buồng trứng, u xơ tử cung, không có tinh trùng hoặc vô sinh không rõ nguyên nhân... Đây là "cứu cánh" của cặp đôi hiếm muộn, mong con lâu năm.

Quy trình IVF bao gồm chọc hút trứng từ buồng trứng, thu thập tinh trùng, thụ tinh trong phòng thí nghiệm, cuối cùng chuyển trực tiếp phôi vào buồng tử cung để phát triển thai.

"Tuy nhiên, đây không phải dịch vụ theo yêu cầu, các cặp vợ chồng cần tôn trọng chỉ định chuyên môn thay vì cưỡng ép can thiệp để có con", ông Thành nói.

Theo bác sĩ, quy trình IVF không chỉ có 9 tháng 10 ngày như đứa trẻ bình thường. Các cặp vợ chồng cần chuẩn bị, kiểm tra sức khỏe từ hai đến ba tháng, sau đó chuyển phôi, sàng lọc. Tỷ lệ IVF thành công trong lần đầu chỉ khoảng 40- 50%. Nhiều mẹ kỳ vọng có con quá mức dễ gây stress, khó thụ thai hơn.

Khi làm IVF, các mẹ phải can thiệp nhiều thủ thuật đau đớn như gây tê, chọc trứng, kích trứng, chuyển phôi... gây kiệt sức, mệt mỏi. Trường hợp không đậu thai, các mẹ có nguy cơ trầm cảm, ảnh hưởng sức khỏe tâm thần. Các cặp vợ chồng dễ xung đột, cãi vã càng khó có con hơn. Chưa kể, chi phí cho một lần can thiệp IVF khoảng 80 đến 100 triệu đồng, bên cạnh các khoản tài chính cho việc dưỡng thai, sinh và nuôi con.

Người mẹ khi thụ tinh nhân tạo để có thai còn có nguy cơ tăng huyết áp, tiểu đường, tiền sản giật, trẻ cân nặng to hơn với trẻ sinh tự nhiên, tăng tỷ lệ đẻ mổ. Tại Bệnh viện Phụ sản Trung ương, mỗi năm có hơn 20.000 ca đẻ, trong đó hơn một nửa là mổ. Tỷ lệ đẻ mổ tăng dần theo các năm. 5 năm gần đây (2015 đến 2019), trong hơn 110.000 ca sinh nở tại bệnh viện có gần 68.000 ca mổ, tức là hơn 50%, và gấp đôi so với 10 năm trước đó.

Bác sĩ Thành thăm khám cho bệnh nhân. Ảnh: Thùy An

Bác sĩ Thành thăm khám cho bệnh nhân. Ảnh: Thùy An

Tương tự, bác sĩ Lưu Quốc Khải, nguyên Trưởng khoa Đẻ 2 Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, cho biết đứa trẻ IVF vẫn phát triển bình thường như trẻ được mang thai tự nhiên, song "lạm dụng IVF để sinh con trai kéo theo nhiều hệ lụy và tốn kém không cần thiết".

Báo cáo năm 2020 do Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA) công bố, Việt Nam là một trong ba quốc gia đang có tỉ số mất cân bằng giới tính khi sinh cao nhất thế giới, chỉ sau Trung Quốc và Ấn Độ. Một số tỉnh có tỷ số chênh lệch giới tính cao, hơn 120 bé trai/100 bé gái là Sơn La, Hòa Bình, Bắc Giang, Hưng Yên, Hà Nam, Bà Rịa - Vũng Tàu.

Dự báo cho thấy, nếu tỷ số giới tính khi sinh vẫn giữ nguyên như hiện nay, đến năm 2034 Việt Nam sẽ thừa 1,5 triệu nam giới từ 15-49 tuổi, đến năm 2059 thừa 2,5 triệu nam giới. Nếu kịch bản này xảy ra, khả năng cao Việt Nam sẽ phải nhập khẩu cô dâu như Trung Quốc và Ấn Độ.

Ngoài ra, nhiều cặp vợ chồng cưỡng ép làm IVF để sinh đôi "cho xong nhiệm vụ". Là bác sĩ vô sinh hiếm muộn, ông Phạm Thanh Sơn tư vấn các gia đình "không nên từ một người khỏe mạnh lại lao vào hành trình đầy bất trắc, tỷ lệ bế con trên tay thấp". Bởi khi mang song thai, nguy cơ tử vong cho mẹ và bé tăng gấp 6 lần. Tỷ lệ tai biến, biến chứng trong thai kỳ và lúc chuyển dạ cũng tăng 2,5 lần so với người mang một thai. Mẹ có nguy cơ sinh non, khiến thai nhi chưa kịp phát triển toàn diện.

Các cặp song sinh chào đời (do can thiệp) có nguy cơ dị tật bẩm sinh gấp đôi, nhất là bệnh thần kinh nứt đốt sống, khuyết tật ống thần kinh... Thai nhi dễ mắc hội chứng truyền máu trong song thai (hai thai khác buồng ối nhưng dùng chung một bánh nhau), xoắn hoặc thắt nút dây rốn khiến trẻ tử vong trong bụng mẹ.

Bác sĩ khuyên các cặp gia đình nên "thuận theo tự nhiên" trước hoặc sử dụng phương pháp kích trứng, thay đổi chế độ dinh dưỡng, chọn ngày quan hệ để có thai tự nhiên, không nên tin vào quảng cáo tràn lan hay quá kỳ vọng vào IVF. Các cặp đôi có thể tham khảo các thực phẩm chức năng nhưng không nên mù quáng, dễ dãi với sức khỏe của mình.

Trường hợp hai vợ chồng quan hệ tình dục đều đặn, không sử dụng bất kỳ biện pháp tránh thai nào trong vòng một năm mà vẫn chưa có thai, nên đi khám để được điều trị sớm.

*Tên nhân vật được thay đổi

Người Việt sinh con năm nào nhiều nhất?
Các gia đình ở thành thị thường có xu hướng sinh nhiều con hơn so với vùng nông thôn vào những "năm đẹp" và quan tâm cả can, chi theo tử vi.

Tin tức mẹ bầu

Thùy An
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Bé Rồng tới đây