Theo các chuyên gia sản khoa, nghén là hiện tượng hoàn toàn bình thường ở phụ nữ mang thai, có người nghén suốt 9 tháng thai kỳ.
Ám ảnh vì nghén
Chị Hoàng Thị Vân, 34 tuổi, Đống Đa, Hà Nội kể chị bị nghén “khủng khiếp” và đến giờ, cứ nghĩ tới chửa đẻ là chị sợ. Trong lần mang thai đầu tiên 7 năm trước, chị Vân nghén đến mức không thể ăn uống được, phải vào bệnh viện truyền nước.
Chị Vân nghén mọi loại đồ ăn và nghén vào buổi sáng. Khi ngủ dậy, chị chỉ cần nhìn thấy ánh sáng, bóng điện là cơn buồn nôn đã ập đến, có khi chị còn không kịp chạy vào nhà vệ sinh thì đã nôn ói.
Chồng chị Vân để sẵn hai cái chậu quanh giường để vợ có thể nôn bất cứ lúc nào. Mang thai 12 tuần đầu, chị Vân giảm 4 kg, người gầy, xanh xao. Đến tuần thứ 13, chị bớt nghén và bắt đầu ăn được.
Ở lần thứ hai mang thai, chị Vân còn “vật” hơn cả lần đầu. Chị có thể ăn cả cân sấu. Lúc nào chị cũng thèm quả sấu nhưng ăn nhiều thì bụng lại cồn cào, trong khi chỉ ngửi thấy mùi cơm, mùi đồ ăn... là chị nôn.
Chị Vân phải xin nghỉ việc không lương và 3 tháng đầu thai kỳ, thực đơn của chị là sấu chấm muối, sữa bầu. Những người xung quanh thấy chị Vân nhai sấu mà cảm giác... “ghê răng”.
1001 kiểu nghén: Khi bà bầu ăn cả cân sấu vẫn không ghê răng (Ảnh minh họa)
Trong khi đó, chị Vũ Thị Ngà, 29 tuổi, Hà Đông, Hà Nội cho biết khi nghén, chị chỉ thèm ăn tóp mỡ. Trong suốt thai kỳ, chị ăn cơm với tóp mỡ chấm nước mắm. Đến tuần thứ 32, bác sĩ cho biết chị bị thiếu canxi và đường huyết cao do ăn nhiều cơm.
Chị Ngà kể có hôm đến 12h đêm, chị vẫn thèm cơm nóng với tóp mỡ. Lúc đó, nhà hết tóp mỡ nên cả nhà náo loạn, người thái thịt rán lấy tóp mỡ, người cắm cơm để phục vụ bà bầu.
Chị Hằng ở Xa La, Hà Đông thì lại nghén mắm nêm Đà Nẵng trong khi chồng chị lại rất sợ mùi này. Lần nào đi siêu thị, chị Hằng cũng mua mắm nêm. Mỗi lần chị mở chai mắm nêm là anh chồng lại phải tránh thật xa. Có đêm, trước khi đi ngủ chị còn lục tủ, mở chai mắm nêm ra chấm chấm một chút cho đỡ cơn thèm.
Nghén có nguy hiểm hay không?
Theo bác sỹ sản khoa Lê Thị Kim Dung thuộc Trung tâm y tế lao động Thái Hà, nghén là hiện tượng sinh lý hoàn toàn bình thường của bà bầu. Nhiều nơi gọi hiện tượng này là thai hành.
Hiện tượng nghén thường xảy ra vào trước tuần thai thứ 9 và đến tuần thứ 13, 14 của thai kỳ sẽ hết. Nhưng bác sỹ Dung cho biết cũng có nhiều người nghén tới hết thai kỳ.
Việc bánh nhau tăng tiết một số nội tiết tố như BhCG, estrogen vào máu người mẹ đã làm người mẹ bị nghén. Tuy nhiên, một vài nghiên cứu cho thấy những người mẹ bị nghén trong thai kỳ có tỷ lệ sảy thai thấp hơn người không nghén.
Những người nghén nặng, nôn nhiều có thể bị mất nước, do đó, bác sỹ Dung cho biết trong trường hợp như vậy, bà bầu cần theo dõi kỹ và cần có sự tư vấn của bác sĩ để tránh hiện tượng rối loạn điện giải. Những trường hợp nghén nặng phải nhập viện theo dõi.
Nghén không gây nguy hiểm cho em bé mà ngược lại, mẹ nghén là em bé phát triển tốt. Tuy nhiên, nếu đang nghén nặng mà đột nhiên hiện tượng nghén biến mất thì thai phụ cũng cần kiểm tra bởi có thể thai nhi đã bị chết lưu.
Để giảm tình trạng nghén, mẹ bầu có thể tránh những mùi gây khó chịu, buồn nôn. Việc mở cửa phòng thoáng đãng cũng làm giảm tình trạng bí bách, nghén ở mẹ bầu.
Phụ nữ mang thai nên ăn các loại thực phẩm không mùi, ít dầu mỡ, dễ tiêu hóa như sữa chua, trái cây, ngũ cốc, salad… và có thể bổ sung thêm axit folic. Nếu tình trạng buồn nôn thường xuyên xảy ra, bà bầu có thể ngậm gừng tươi, mứt gừng, kẹo gừng, trà gừng để thấy dễ chịu hơn.
Các bà bầu không nên quá lo lắng với các triệu chứng nghén mà cần “sống chung” với nó một cách an toàn, bác sỹ Dung nói.