Kết hôn luôn sợ mẹ chồng, mãi đến khi mang bầu sinh con thứ nhất, chị Lê Thủy (27 tuổi, Hà Nội) mới hết nỗi sợ mang tên “mẹ chồng nàng dâu”.
Lấy chồng năm 22 tuổi, khi bạn bè vẫn bay nhảy ở bầu trời rộng lớn kia, chị Lê Thủy (27 tuổi, Hà Nội) vẫn chưa bao giờ cảm thấy quyết định của mình là vội vàng bởi chị có một người chồng hết mực yêu thương và bố mẹ chồng vô cùng tâm lý. Cả 2 lần mang bầu, đi sinh, mẹ chồng luôn bên cạnh, chăm sóc chị từng ly từng tí, cơm bưng nước rót đến tận giường cho con dâu.
Chị Thủy và 2 thiên thần nhỏ.
Mang bầu lẫn đi sinh, mẹ chồng cơm bưng nước rót đến tận giường
Chị Thủy kết hôn 2013. Ngày mới về nhà chồng, trong chị luôn có tâm lý lo sợ bởi câu nói “mẹ chồng nàng dâu” muôn thuở ám ảnh. Hơn nữa, mẹ chồng chị hơi sắc sảo chút nên chị lại càng sợ hơn. Chưa kể, chị làm dâu khi còn trẻ, tính khí vẫn còn ngang bướng, mạnh mẽ nên cuộc sống sau kết hôn của chị thường xuyên xảy ra những mâu thuẫn với mẹ chồng trong 2 năm đầu tiên.
Mãi đến khi sinh bé đầu được 15 tháng, khi đi ra ngoài tiếp xúc với mọi người, hiểu rõ hơn đúng sai chị mới thay đổi suy nghĩ về mẹ chồng.
“Thật ra trong thâm tâm mình biết mẹ chồng là một người tốt. Vì không có mẹ chồng nào nghỉ làm không lương chăm con dâu một tháng cả, rồi khi cháu ốm theo cháu và con dâu chăm.
Lúc đấy mình mới học xong đã cưới rồi, không có việc làm, chồng lương có 4,5 triệu nên mẹ chồng phải nuôi 2 vợ chồng đều khi con được 15 tháng. Thậm chí cả tiền đi đẻ mẹ cũng cho”, chị Thủy cho hay.
Chị Thủy chia sẻ, chị mang bầu bé gái đầu năm 2014 và bé gái thứ 2 năm 2019. Cả 2 lần mang thai chị được mẹ chồng chăm sóc từng ly từng tí, đi du lịch Thái Lan cũng tìm mua váy bầu đẹp cho chị mặc bằng được. Mỗi lần chị nói thích ăn gì, mẹ đều lọ mọ làm, hết trứng ngỗng đến cá chép cho chị ăn tẩm bổ. Thậm chí, mẹ chị còn cẩn thận lọc thịt bọc xương cá phi hành để át mùi tanh để chị có thể ăn được khi bị nghén.
Nhờ có mẹ chồng chăm mà mang bầu 2 bé chị tăng cân nhiều, bé đầu tăng 25kg còn bé thứ 2 tăng 16kg.
Không chỉ chăm sóc con dâu bầu bí, mẹ chồng chị còn là người đầu tiên luôn đồng hành trên hành trình vượt cạn đầy gian nan, là người luôn an ủi, động viên chị khi sinh bé thứ 2 là con gái.
“Mẹ chồng mình cũng mong cháu trai vì chồng là con một nhưng mẹ vẫn yêu thương. Mẹ chăm sóc mấy mẹ con mình, nấu ăn tẩm bổ đủ thứ. Mẹ còn bảo nếu thích thì đẻ thêm chứ ông bà cũng không coi nặng chuyện đó, chỉ cần các cháu khỏe là vui rồi.
Bé đầu mình sinh mổ ở tuần thứ 41 nặng 3,2kg. Khi đi sinh, ngồi trên xe taxi, mẹ chồng còn dúi cho mình nắm xôi bảo ăn tý có sức đẻ.
Bé thứ 2 mình cũng sinh mổ ở tuần thứ 37, nặng 3,2kg vào đúng ngày 14/2 năm nay. Lúc đó, mình đi khám bị ối phồng bác sĩ chỉ định mổ gấp. Mình gọi điện thoại về mếu máo với mẹ chồng, chỉ 10-15 phút sau mẹ đã có mặt rồi. Nhiều chuyện mình chỉ kể, tâm sự với mẹ chồng nhiều hơn cả mẹ đẻ”, chị kể.
Mẹ chồng chị chăm con dâu từng ly từng tí khi mang bầu, sau sinh.
Sau sinh, mẹ chồng chị cũng một tay cơm nước đỡ đần, chăm lo cho con dâu. Chị còn nhớ, lần sinh bé đầu bị tắc sữa sốt 40 độ, bà bế con để chị nghỉ ngơi, lo cơm cữ cho chị từng bữa đầy đủ. Không những vậy, bà còn giặt giũ quần áo cho mẹ con chị, bê cơm đến tận phòng cho chị ăn.
Sau sinh, chị không phải làm và động tay động chân vào bất cứ chuyện gì. Cứ ngày 2 lần cơm và 2 lần cháo đều đặn. “Mẹ chồng mình nấu ăn ngon nữa nên cơm cữ của mẹ nấu không bao giờ chán luôn. Bà không phải người cổ hủ nên mình ở cữ với mẹ chồng cũng sướng lắm, mẹ chỉ khuyên không bao giờ bắt làm điều gì”.
Ai cũng chê con dâu, sốc nhất câu nói mẹ chồng
Chị Thủy tâm sự, mẹ chồng chị là người khá tình cảm, luôn tâm sự với con dâu mặc dù hay xưng “mày-tao”. Biết con dâu nghỉ đẻ ở nhà không có tiền, bà là người tổ chức sinh nhật cho chị. Hễ thấy quần áo đẹp là lại rủ chị đi thử rồi rủ chị đi làm tóc, nối mi, làm móng. Chính vì vậy mà mỗi lúc cùng mẹ đi chợ hay đi ra ngoài chơi, không ai nghĩ chị là con dâu mà nghĩ là con gái.
Nhiều nàng dâu luôn than phiền khi mẹ chồng kể xấu nhưng chị chưa bao giờ phải lo lắng điều đó. Dù chị có sai hay không tốt, bố mẹ chồng cũng chưa bao giờ nói xấu một lần mà chỉ về nhà dạy. Bởi vậy, 6 năm làm dâu, họ hàng cũng không ai biết những tật xấu của chị.
“Hồi đầu mới về làm dâu mình còn nhiều cái chưa biết, dại lắm nhưng mẹ chồng uốn nắn từ từ, dạy cho nhiều cái để biết sống hơn. Giờ mình được làm hình mẫu chuẩn con dâu nhà người ta rồi. Họ hàng ai có con trai cũng mong có được con dâu như con dâu mẹ Loan nhưng nào ai có ai biết mẹ từng "vất vả" thế nào để dạy con dâu đâu.
Lần đầu tiên về ra mắt mẹ chồng mình làm cháy nguyên chảo đậu rán còn giờ tự tin nấu 5-6 mâm cỗ. Gia đình mình còn phải công nhận mẹ chồng giỏi đào tạo con dâu”, chị Thủy cười.
Bố mẹ chồng tuyệt vời của chị.
Nói về mẹ chồng, có lẽ chị Thủy không bao giờ “kể xấu” hết. Chị luôn cảm động về sự bênh vực của mẹ dành cho mình khi con dâu bị chê sinh con một bề.
“Mình sinh bé đầu, mẹ bảo “Ruộng sâu trâu nái, tập 2 con trai cho có nếp có tẻ”. Đến bé thứ 2 cũng là con gái, ra ngoài ai chê mẹ cũng bênh “Trai gái quan trọng gì, con gái cho mau giàu, đỡ tốn tiền mua nhà”. Trước khi có cháu, mẹ hay bảo “sữa mẹ là tốt nhất cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, trẻ bú sữa mẹ mới không bị ốm".
Mình đẻ đứa thứ 2 mẹ cũng hì hục nấu nướng, ai mách gì cũng mua về nấu cho con dâu ăn để có sữa. Cuối cùng, con dâu không có sữa phải nuôi sữa ngoài.
Ai cũng chê con dâu bà vô dụng rồi con sẽ hay ốm đau, mẹ nói luôn “Biết chửa đẻ là không vô dụng rồi, còn không có sữa thì nuôi sữa ngoài. Trẻ con nó phải có lúc ốm lúc đau, chứ dễ nuôi quá không thấy vất vả lại đẻ như gà ý à”.
Cháu trộm vía 1 tý thì bà bảo “trẻ con phải bụ 1 tý mới đáng yêu, cái bọn còi còi chả thích" và khi cháu đến giai đoạn lười ăn bớt bụ, bà lại bảo “con gái không cần bụ, nhanh nhẹn là được, bụ để thành nắm cơm à”.
Ông nội thấy bà hay "đổi trắng thay đen", bà lại nói “chỉ cần là con cháu nhà tôi, thối tôi cũng đưa lên mũi bảo thơm được”. Đúng là giờ lấy chồng còn phải hơn nhau ở tấm mẹ chồng”, chị Thủy cười “kể xấu” mẹ chồng.
Tổ ấm nhỏ hạnh phúc của chị.
Ngoài mẹ chồng, chị còn có bố chồng vô cùng tuyệt vời, thương con cháu. Nếu như người ta thường nói “cháu hư tại bà” thì đối với nhà chị câu nói ấy lại ngược lại “cháu hư tại ông”. Bên cạnh đó, chị cũng có một người chồng tâm lý, yêu chiều vợ hết mực. Đối với chị đó là niềm hạnh phúc nhất.