Anh chồng lập luận rằng lần trước mang thai không bị nghén mà sao lần này lại bị nghén, hay vợ mình đã có người khác nên vịn cớ mệt để từ chối chồng.
Có nhiều ông chồng cho rằng mang thai thì lần nào cũng giống nhau. Nên khi thấy vợ sao lần trước mang thai khỏe re, mà lần này lại nghén vật vã thì cho rằng vợ giả vờ, khiến cả gia đình rạn nứt vì mâu thuẫn.
Hâm Đình và chồng vốn là thanh mai trúc mã, yêu nhau được 5,6 năm rồi mới kết hôn nên cuộc sống vợ chồng của hai người rất hạnh phúc. Họ được xem là cặp đôi kiểu mẫu trong một khu chung cư tọa lạc ở Thành Đô (tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc).
1 năm sau khi về chung một nhà, Hâm Đình mang thai. Chồng cô mừng rỡ và ngày càng chăm sóc cho vợ. Dù công việc bận rộn nhưng anh vẫn đưa đón vợ đi làm mỗi ngày, rồi chăm sóc cho cô từng miếng ăn giấc ngủ. May mắn là cô không hề bị nghén ngẩm gì nên thai kỳ thuận lợi trôi qua nhanh chóng, Hâm Đình hạ sinh một “tiểu công chúa” xinh xắn đáng yêu. Vì cả hai bên bố mẹ đều ở quê xa, lại bận công việc nên hai vợ chồng cô đều quyết định ở lại thành phố tự chăm nhau. Thế là chồng Hâm Đình một tay giết gà, hầm canh, tắm rửa giặt giũ cho vợ cho con, cáng đáng hết mọi việc trong nhà. Điều này khiến Hâm Đình vô cùng cảm kích và thấy mình thật may mắn khi lựa chọn đúng người.
Hâm Đình rất cảm kích khi chồng tự tay chăm sóc cho vợ con, không nề hà bất cứ việc gì (Ảnh minh họa).
Vì đang cho con bú, kinh nguyệt lại không thấy “ghé thăm” nên Hâm Đình đinh ninh rằng mình vẫn đang ở giai đoạn an toàn nên hai vợ chồng không dùng biện pháp tránh thai nào cả. Ai ngờ, khi con được 6 tháng thì cô phát hiện mình đang mang thai hơn 2 tháng.
Đặc biệt, lần mang thai này Hâm Đình còn bị ốm nghén nặng. Cô bị buồn nôn, không ăn uống được gì, người mệt mỏi, suy nhược và chóng mặt. Vừa chăm con nhỏ cả ngày lại bị ốm nghén hành hạ, tối đến khi chồng đi làm về, Hâm Đình chẳng còn sức để nói chuyện với chồng. Tối nào cô cũng đi ngủ thật sớm.
Trong khi đó, ông xã của Hâm Đình lại là một người tình cảm. Thấy vợ cả tháng chẳng nói năng hỏi han gì đến chồng, anh có chút không vui. Nhân lúc con ngủ, anh lại đến lay lay đánh thức vợ dậy để “yêu”, nhưng mẹ bầu này lại từ chối, rằng 3 tháng đầu phải kiêng cữ cho con. Anh quá tức giận liền ôm chăn gối ra sofa ngủ.
Hai đêm tiếp theo, lần nào chồng Hâm Đình cũng đều bị vợ từ chối. Không kìm chế được, chồng Hâm Đình đã lớn tiếng với vợ: “Lần trước mang thai, tôi đã phải chịu thiếu thốn đủ thứ. Chưa gì em đã lại mang bầu. Có phải em có người khác rồi nên mới không thèm chồng nữa không?”. Mặc cho Hâm Đình giải thích về tình trạng ốm nghén và mệt mỏi của mình, nhưng anh vẫn bắt bẻ: “Tại sao lần trước cũng mang thai mà không bị nghén, bị nôn hay mệt mỏi gì? Tại sao cùng là mang thai mà lần này lại khác lần trước? Cô đừng có giả vờ. Nếu cô có người khác, chúng ta sẽ ly hôn”.
Tuy rằng sau này nhờ sự giảng hòa của bố mẹ và chị mà chồng của Hâm Đình đã làm hòa với vợ, cũng đã xin lỗi vợ. Nhưng trong lòng của người mẹ trẻ này đã hằn sâu một vết thương lòng.
Chồng Hâm Đình nghi ngờ cô giả vờ mệt mỏi vì đã có người khác nên mới từ chối chồng (Ảnh minh họa)
Theo Sally Urang – nữ hộ sinh có 30 năm kinh nghiệm, đồng thời là thành viên ban cố vấn y tế của Babycenter, thật khó để giải thích lý do mỗi một lần mang thai, người mẹ lại bị ốm nghén hay trong những tình trạng khác nhau. Nhưng có 4 đặc điểm mà thường lần mang thai thứ 2 sẽ khác với lần đầu tiên.
1. Bụng bầu sẽ nhanh to hơn
Mặc dù em bé vẫn giữ nguyên tốc độ phát triển như lần đầu nhưng mẹ bầu sẽ dễ dàng nhận ra rằng bụng bầu của mình lớn nhanh hơn so với lần mang thai trước đây. Điều này được giải thích là do cơ bụng của bạn vốn đã có độ giãn trong lần mang thai đầu rồi nên bây giờ cũng sẽ “phình to” một cách dễ dàng.
2. Mệt mỏi thường xuyên hơn
Điều này cũng không có gì đáng kinh ngạc vì đơn giản là bạn còn có một đứa trẻ cần chăm sóc. Bạn sẽ phải vận động liên tục và ít có thời gian nghỉ ngơi nên bạn sẽ nhanh rơi vào trạng thái mệt mỏi, kiệt sức. Lúc này, vai trò của người chồng rất quan trọng. Ngoài việc giúp đỡ vợ chăm sóc con cái, nhà cửa ra thì anh cũng nên thông cảm cho việc vợ hay than mệt mỏi.
3. Đau lưng hơn
Đau lưng là hiện tượng thường gặp ở các mẹ bầu. Và nếu khoảng cách giữa 2 lần mang thai quá gần, cơ bụng sau lần sinh trước còn chưa được hồi phục thì nguy cơ đau lưng ở lần mang thai kế tiếp càng cao. Chưa kể, vì vừa mang thai lại vừa chăm sóc con nhỏ, mẹ bầu cứ liên tục đi loanh quanh, đứng lên ngồi xuống liên tục nên triệu chứng đau lưng càng nặng.
4. Dễ suy nghĩ tiêu cực hơn
Nếu lần mang thai trước, mẹ bầu vui mừng bao nhiêu thì lần mang thai này lại lo âu bấy nhiêu. Bạn thương con nhỏ không được mẹ chăm sóc đầy đủ, thương thai nhi vì mẹ không được nghỉ ngơi đầy đủ, thương chồng phải chịu thêm gánh nặng về kinh tế để lo cho 3 mẹ con… Lo âu vì sợ kinh tế gia đình không đủ để lo cho các con được đủ đầy như người ta. Bao suy nghĩ tiêu cực bao trùm càng khiến mẹ bầu mệt mỏi.
Suy cho cùng, mang thai là một quãng đường đầy chông gai mà người phụ nữ phải một mình vượt qua. Là chồng, các anh nên thông cảm, chia sẻ vợ nhiều hơn nữa. Đặc biệt, không phải lần mang thai nào cũng giống nhau nên các anh đừng bao giờ so sánh bởi tại mỗi thời điểm, cơ thể của người phụ nữ có một sự thích ứng khác nhau.