Dù bác sĩ đã cố gắng cấp cứu, nhưng vì tình hình của sản phụ nghiêm trọng nên chỉ có thể cứu được 1 trong 2.
Khi mang thai, bác sĩ luôn dặn dò phải hạn chế “chuyện vợ chồng” trong 3 tháng đầu và 3 tháng cuối của thai kỳ. Tuy nhiên, không phải ông chồng nào cũng biết “giữ mình” dẫn đến mâu thuẫn vợ chồng, thậm chí còn đẩy vợ con vào tình thế nguy hiểm.
Khuya ngày 18/8 vừa qua, bệnh viện huyện An Sơn (tỉnh Liêu Ninh, Trung Quốc) đã cấp cứu cho một sản phụ tên là Tiểu Giang (35 tuổi) đang mang thai ở tuần 28. Đi cùng với sản phụ đang ngất xỉu là chồng và 2 bên bố mẹ.
Sau khi kiểm tra sơ bộ cho bệnh nhân, bác sĩ liền vội vã đẩy sản phụ vào phòng mổ. 3 giờ sau, cuối cùng cánh cửa phòng phẫu thuật cũng mở ra, nhưng bác sĩ lại bảo tính mạng của người mẹ đã an toàn, nhưng rất tiếc thai nhi đã không còn nữa. Nghe đến đây, mẹ của Tiểu Giang liền lao vào vừa đánh con rể vừa la: “Tất cả là tại con! Tại sao lại không biết kiềm chế bản thân?”. Bác sĩ liền hỏi nguyên nhân sự việc.
Dù đã cố gắng hết sức, bác sĩ cũng chỉ cứu được Tiểu Giang, còn em bé thì đã mất (Ảnh minh họa)
Hóa ra vợ chồng Tiểu Giang bị hiếm muộn, chạy chữa nhiều nơi, nhiều năm mãi mới có thai. Mang thai ở tuổi 35 lại có tiền sử huyết áp cao nên bác sĩ luôn dặn dò cô và người nhà không được để bị xúc động mạnh.
Tối hôm xảy ra sự việc, chồng của Tiểu Giang đi nhậu về say quá nên đã vứt điện thoại trên giường, sau đó nằm lăn ra ngủ. Đang ngủ ngon, Tiểu Giang bỗng bị đánh thức bởi tiếng tin nhắn điện thoại. Cô vô cùng thắc mắc vì bây giờ đã là 11 giờ đêm rồi, ai còn nhắn tin cho chồng làm gì.
Vì tò mò, mẹ bầu này đã mở điện thoại của chồng lên xem. Thì ra đó là Wechat của một người phụ nữ gửi cho ong xã Tiểu Giang. Kéo lên đọc các đoạn tin nhắn phía trên, cô phát hiện chồng mình đã “tòm tem” với người phụ nữ khác trong khi vợ bầu bí cần phải kiêng cữ. Quá tức giận, Tiểu Giang liền đánh thức chồng dậy, hai vợ chồng cãi nhau to.
Một lúc sau, Tiểu Giang đột nhiên lên cơn co giật rồi ngất xỉu. Người nhà vội vàng gọi xe cấp cứu đưa cô vào bệnh viện nhưng vẫn không thể cứu được em bé.
Nghe hết câu chuyện, bác sĩ quay qua mắng luôn chồng của sản phụ: “Anh có biết tức giận và kích động sẽ ảnh hưởng rất lớn đến thai nhi không? Nó không chỉ ảnh hưởng đến sự phát triển mà còn tác động cả lên trí tuệ và tính cách của đứa trẻ. Cộng với bệnh tăng huyết áp nữa thì càng có thể dẫn đến sảy thai. Làm người chồng, anh phải biết mình nên làm gì để giúp đỡ vợ, chứ không thể chỉ nghĩ đến bản thân mình”.
Cao huyết áp là một bệnh lý thường xảy ra trong thai kỳ, nếu không được phát hiện và điều trị sớm sẽ dẫn đến nhiều vấn đề nghiêm trọng ở cả mẹ bầu và thai nhi (Ảnh minh họa)
Theo bác sĩ, cứ trong khoảng từ 8 – 12 thai phụ thì sẽ có 1 người bị huyết áp cao. Đây là một bệnh lý thường xảy nhất thai kỳ, và nếu không được phát hiện sớm cũng như kiểm soát và điều trị kịp thời thì sẽ gây nguy hiểm cho cả mẹ bầu lẫn thai nhi. Bởi vì cao huyết áp có thể gây ra các vấn đề nguy hiểm sau:
1. Các vấn đề đối với mẹ bầu
- Tiền sản giật: Khi bị cao huyết áp, một số cơ quan như thận và gan của mẹ bầu có thể sẽ không hoạt động bình thường, từ đó dẫn đến tình trạng tiền sản giật. Tiền sản giật là một bệnh lý nghiêm trọng, nếu không được điều trị kịp thời sẽ dẫn đến các vấn đề nghiêm trọng, bao gồm tổn thương thận, gan và não. Nghiêm trọng hơn nữa, nó còn khiến mẹ bầu bị co giật và hôn mê.
- Nhồi máu cơ tim: Huyết áp cao trong thai kỳ có thể gây áp lực lên một số cơ quan, trong đó có tim, dẫn đến đau tim, suy tim, đột quỵ.
- Suy thận: Đây là một tình trạng nghiêm trọng xảy ra khi thận không hoạt động tốt và tạo điều kiện cho chất thải tích tụ trong cơ thể.
2. Các vấn đề đối với trẻ sơ sinh
- Sinh non: Khi bị cao huyết áp dẫn đến tiền sản giật thì các mẹ bầu sẽ có khả năng sẽ phải sinh non. Sinh non không chỉ khiến em bé nhẹ cân, mà còn có thể kém phát triển về thể chất như bị khiếm thính, khiếm thị, suy tim và kém phát triển về trí não như bại não…
- Hạn chế sự phát triển của bào thai: Huyết áp cao có thể sẽ thu hẹp các mạch máu trong dây rốn – sợi dây kết nối cung cấp máu và oxy từ mẹ sang thai nhi. Điều này dẫn đến tình trạng em bé không nhận đủ oxy và chất dinh dưỡng nên chậm phát triển.
- Sảy thai: Huyết áp cao ở mẹ bầu còn khiến em bé chết một cách tự nhiên vào bất kỳ thời điểm nào của thai kỳ.
Do đó, để bảo vệ bản thân và thai nhi, các mẹ bầu cần đi khám thai đầy đủ và đúng kỳ hạn. Nếu bạn bị cao huyết áp, bác sĩ sẽ kê đơn thuốc cho bạn uống dựa trên tình hình sức khỏe thực tế. Ngoài ra, mẹ bầu cũng chỉ nên ăn thực phẩm lành mạnh, hạn chế ăn đồ mặn có nhiều muối vì nó sẽ làm huyết áp của bạn bị đẩy lên cao. Hãy cố gắng vận động 30 phút mỗi ngày để kiểm soát cân nặng, giảm căng thẳng và phòng ngừa tình trạng tiền sản giật.