Vì muốn có người ở bên cạnh động viên, an ủi trong lúc "vượt cạn" nên mẹ bầu này đã đề nghị chồng vào phòng sinh cùng.
Sinh con có lẽ là thời điểm phụ nữ đau đớn, yếu đuối và cần sự động viên từ người thân nhất. Đó chính là lý do ngày càng nhiều bệnh viện cho phép người nhà sản phụ cùng vào phòng sinh và sự lựa chọn thường là người chồng "đầu gối tay ấp" hàng ngày bên mẹ bầu. Tuy nhiên, việc để chồng chứng kiến cảnh sinh nở cũng có thể dẫn đến những "hậu quả" tiêu cực như trong câu chuyện của gia đình dưới đây.
Feifei (sống tại Trung Quốc) là một cặp vợ chồng kiểu mẫu với vẻ ngoài ưa nhìn, công việc ổn định và tình cảm khăng khít. Khi Feifei mang bầu, chồng cô rất yêu thương và chăm sóc cô bằng mọi cách có thể. Ngày nào anh cũng đưa đón cô đi làm, luôn yêu chiều mua cho cô mọi thứ cô thích và còn chủ động làm hết việc nhà để vợ bầu được nghỉ ngơi. Sự quan tâm, chăm sóc của ông xã Feifei khiến bạn bè và đồng nghiệp cô phải ghen tị.
Ông xã đã cùng vào phòng sinh để động viên vợ khi sinh nở.
Gần đến ngày sinh nở, Feifei càng lo lắng, áp lực về chuyện sinh nở. Trước đó cô cũng xem được những đoạn video "vượt cạn" cùng chồng rất tình cảm, xúc động nên cũng mong muốn có chồng ở bên cạnh động viên, an ủi trong giây phút quan trọng của cuộc đời. May mắn thay khi cô đề nghị, chồng rất vui vẻ đồng ý.
Chỉ trong nháy mắt, ngày vượt cạn đã đến. Feifei cuối cùng cũng hạ sinh sau nhiều giờ đau đẻ. Cô cũng rất hạnh phúc vì ông xã đã đồng hành với mình trong giây phút khó khăn. Vậy nhưng sau ca sinh, thái độ của ông xã Feifei lại dần thay đổi. Đến nay, con gái đã được 5 tháng tuổi nhưng anh vẫn nhất quyết ngủ riêng, chỉ khi nào đêm cô cần gọi giúp đỡ thì anh mới sang. Ban đầu, bà mẹ trẻ nghĩ rằng ông xã đi làm mệt mỏi, lại giúp đỡ mình chăm con nên muốn ngủ riêng cho yên giấc. Vậy nhưng đến khi cô cảm thấy muốn "gần gũi" trở lại với chồng và đề nghị anh về phòng ngủ chung thì anh vẫn nhất mực từ chối.
Sau khi Feifei sinh con, ông xã cô nhất mực đòi ngủ riêng.
Lúc này Feifei mới thấy lạ và tâm sự với đồng nghiệp về thái độ của chồng thay đổi trước và sau khi sinh. Chị gái đồng nghiệp cho biết điều có thể việc chứng kiến Feifei sinh nở đã để lại ám ảnh tâm lý với ông xã cô nên giờ anh sợ chuyện "chăn gối" với vợ.
Feifei nghe vậy mới bừng tỉnh và về trò chuyện trực tiếp với chồng. Sau nhiều lần gặng hỏi, anh cũng gật đầu thừa nhận sau khi thấy cảnh cô sinh nở đầy máu me, "vùng kín" nở rộng. Anh bị ám ảnh và không dám chạm vào vợ nữa còn bản thân vẫn rất yêu thương vợ con. Sau đó, hai vợ chồng đã phải đi tư vấn tâm lý để dần dần cởi bỏ rào cản trong lòng ông xã Feifei và cuộc sống của cả hai hòa hợp trở lại.
Trên thực tế, không phải người chồng nào cũng phù hợp để vào phòng sinh con cùng vợ. Đã có những trường hợp chồng cùng vợ đi đẻ nhưng con chưa chào đời thì bố đã ngất xỉu vì căng thẳng, sợ hãi. Chính vì vậy, để có một ca "vượt cạn có đôi" suôn sẻ, người chồng cần lưu ý 3 vấn đề sau:
- Học tiền sản, làm quen với quy trình sinh con: Sợ hãi là tâm lý chung của con người khi đến một môi trường xa lạ, đặc biệt là còn nhiều máu, thuốc sát trùng, dụng cụ y tế như phòng sinh. Chính vì vậy, người chồng nên làm quen trước với môi trường này, tham gia những buổi học tiền sản để hiểu rõ quy trình sinh con.
- Chuẩn bị tâm lý: Khi được vào phòng sinh cùng vợ, người chồng sẽ trở thành trụ cột tinh thần cho sản phụ đang trong cơn đau đớn. Chính vì vậy, chồng cần chuẩn bị tâm lý vững vàng, bình tĩnh. Khi người chồng nóng nảy, lo lắng quá mức có thể ảnh hưởng đến hiệu quả làm việc của bác sĩ cũng như tâm lý của người mẹ.
- An ủi vợ bằng lời nói, hành động: Khi đang trong cơn đau đớn, người vợ rất cần được an ủi, động viên bằng cả lời nói và hành động. Trong lúc này, nếu người chồng chỉ im lặng quan sát thì sẽ chẳng giúp đỡ được gì, hãy nhẹ nhàng nắm tay, tâm sự, ổn định tâm lý cho vợ. Những hành động như vuốt tóc, lau mồ hôi cũng sẽ giúp người mẹ đang sinh con có thêm động lực.