Cô gái chào đời dính liền phần dưới với chị, 20 năm sau "choáng váng" nhận tin có bầu

Ngọc Linh - Ngày 15/08/2021 12:02 PM (GMT+7)

Cô gái người Chiết Giang đã sống sót sau ca phẫu thuật tách rời khỏi người chị song sinh và lớn lên khỏe mạnh.

Vào một buổi chiều đầy nắng, tại lối vào của siêu thị nhỏ ở thành phố Ôn Châu (tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc), cậu bé Khang Khang hơn 1 tuổi đang chơi đùa với chú chó nhỏ. Xen giữa tiếng cười khanh khách giòn giã của cậu bé là giọng phụ nữ vọng ra từ siêu thị: "Đừng chạy xa quá!". 

Nhìn thấy cảnh này, bác sĩ Jia Jinfa (trưởng khoa Phẫu thuật Sơ sinh, bệnh viện Nhi tỉnh Chiết Giang) nở nụ cười: "Đứa bé này giống hệt Beibei khi còn nhỏ". Hôm nay, ông cùng những người đồng nghiệp đang đến thăm một bệnh nhân đặc biệt - cô bé thuộc cặp song sinh dính liền mà ông đã phẫu thuật từ hơn 20 năm trước. Câu chuyện của cô chưa bao giờ phai mờ trong tâm trí ông. 

Cặp song sinh chào đời dính với nhau, phẫu thuật chỉ cứu được 1 bé 

Baobao và Beibei là tên bà Huang Lanjuan đặt cho hai bé gái trong bụng khi biết mình đang mang thai đôi vào năm 2000. Như bao nhiêu bà mẹ khác, bà cũng rất háo hức chờ đến ngày các con chào đời. 

Vậy nhưng ngày 28/5/2000, khi Huang Lanjuan sinh cặp song sinh bằng phương pháp sinh mổ, bà chết lặng khi nghe bác sĩ thông báo hai con gái bà bị dính liền vào nhau. Baobao và Beibei dính nhau từ phần rốn đến đáy chậu. Hai bé có tim, gan, thận và bàng quang độc lập nhưng có nhiều dị tật ở hệ tiêu hóa, hệ sinh sản và đường tiết niệu. Trong đó, Beibei bẩm sinh không có hậu môn, trực tràng và ruột già, một đoạn ruột non cũng thông với người chị sinh đôi. 

Hình ảnh Baobao và Beibei dính liền nhau khi chào đời, sau phẫu thuật chỉ có Beibei còn sống sót.

Hình ảnh Baobao và Beibei dính liền nhau khi chào đời, sau phẫu thuật chỉ có Beibei còn sống sót.

3 tháng sau ngày chào đời, Baobao và Beibei được đưa lên bàn phẫu thuật để tách rời nhau. Đáng tiếc sau ca phẫu thuật đầy khó khăn đó, chỉ có một mình Beibei sống sót. Trong vòng 2 năm sau đó, cô bé tiếp tục trải qua 3 ca phẫu thuật khác để hoàn thiện các cơ quan trong cơ thể. 

Đáng lẽ ra trong vòng 10 năm sau đó, Beibei phải được theo dõi sát sao về tình trạng sức khỏe nhưng các bác sĩ tại bệnh viện Nhi Chiết Giang đợi mãi vẫn không thấy bé được đưa đến tái khám. Mãi đến năm 2013, bà Huang Lanjuan mới đưa Beibei đến bệnh viện và các bác sĩ cũng mới biết được rằng hơn chục năm qua, cô bé phải sống với chứng són phân. 

"Khuyết thiếu cơ vòng hậu môn nên con bé không thể điều khiển hậu môn được, gây ra tình trạng đi vệ sinh không tự chủ", bác sĩ Jinfa giải thích. Sau đó, các bác sĩ đã phẫu thuật tạo cơ vòng thay thế cho Beibei, đồng thời tạo một lỗ thông ở rốn để bài tiết một phần chất thải ra túi đựng bên ngoài. 

Khi tìm hiểu về hoàn cảnh của Beibei, các bác sĩ ở bệnh viện đều rất xót xa. Hóa ra 10 năm cô bé "mất tích" là do bố mẹ ly hôn, cô chuyển đến Quý Châu sống cùng bố. Vì những khiếm khuyết cơ thể, sức khỏe yếu nên Beibei học mãi cũng không qua được tiểu học, trở thành học sinh ở lại lớp nhiều nhất trường và thường xuyên bị bạn bè trêu chọc. 

Beibei đã trải qua nhiều khó khăn về sức khỏe và tâm lý trong hơn chục năm đầu đời.

Beibei đã trải qua nhiều khó khăn về sức khỏe và tâm lý trong hơn chục năm đầu đời.

Choáng váng nhận tin mang bầu, 9 tháng "nín thở" giữ thai 

Sau khi được phẫu thuật vào năm 2013, cuộc sống của Beibei dần tốt hơn. Tuy vậy chuyện học hành của cô vẫn không suôn sẻ. Đến năm 2016, khi vừa tròn 16 tuổi, cô quyết định nghỉ học và đi làm.

Năm 2018, cô xin vào làm tại một nhà máy sản xuất linh kiện điện tử và tại đây đã gặp tình yêu của đời mình, anh Xiao Liu, hơn cô 3 tuổi. Dù 2 bên đều có cảm tình với nhau nhưng Beibei luôn tự ti vì vấn đề sức khỏe của bản thân, tuy đã phẫu thuật nhưng cô cơ thể mình không thể như người thường, đặc biệt là chức năng sinh sản. 

Beibei đã thẳng thắn chia sẻ việc mình từng là một đứa trẻ dính liền với Xiao Liu. Anh tò mò về nhà tìm tin tức trên mạng và đọc hết những thông tin về Beibei. Sau khi tìm hiểu, anh càng thương cô hơn và quyết định tỏ tình. "Anh ấy không hề chán ghét tôi mà ngược lại càng đối xử với tôi tốt hơn. Tôi rất cảm động", nhớ lại những ngày mới yêu, gương mặt Beibei dường như càng thêm rạng rỡ. 

Đến đầu năm 2019, cả hai làm đám cưới. Không lâu sau đó, một tin tức khiến cả gia đình Beibei choáng váng: Cô đã mang thai. 

Luôn nghĩ rằng mình từng phải phẫu thuật các cơ quan liên quan đến sinh sản chắc chắn sẽ khó có con nên Beibei không cầm nổi nước mắt khi nghe bác sĩ thông báo: "Cô đang mang thai". Cùng chồng ra khỏi phòng khám, việc đầu tiên Beibei làm là gạt nước mặt và gọi về thông báo với mẹ. Chính bà Huang Lanjuan cũng không tin nổi con gái mình có thể mang bầu. 

Không ai dám tin Beibei có thể mang thai và sinh con khỏe mạnh.

Không ai dám tin Beibei có thể mang thai và sinh con khỏe mạnh.

Sau những giây phút vui mừng khi nhận "tin vui" là quãng thời gian Beibei "nín thở" giữ thai. Tử cung của cô là tử cung đôi, cộng thêm từng có sẹo phẫu thuật nên bác sĩ cho biết nguy cơ sảy thai, sinh non hay thai nhi gặp bất trắc trong thai kỳ là cao hơn người thường rất nhiều.

"Mầm sống" trong cơ thể Beibei đã vượt qua nhiều gian nan để xuất hiện nhưng để giữ được nó thì càng vất vả hơn. Tuần nào Beibei cũng được chồng đưa đi khám. Cô cũng rất cẩn thận trong đi lại, ăn uống. Ở tuần 29, bác sĩ phát hiện tim thai bất thường và khuyên Beibei nên mổ lấy thai sớm để đảm bảo an toàn. Vậy nhưng bản năng người mẹ khiến Beibei đưa ra quyết định khác. 

"Con ở trong bụng thêm một ngày thì sẽ nhận được thêm càng nhiều dinh dưỡng, cơ hội sống khỏe mạnh khi chào đời sẽ càng cao. Tiếp tục theo dõi được không bác sĩ, nếu có bất thường tôi sẽ đồng ý mổ ngay", Beibei thuật lại những lời cô đã nói với bác sĩ khi đó. Và ông đã đồng ý. 

Không phụ sự kỳ vọng của mẹ, em bé trong bụng Beibei kéo dài được đến tận 34 tuần 6 ngày. Tình trạng thể chất của Beibei không thể sinh con tự nhiên và chỉ có thể sinh bằng phương pháp mổ lấy thai. Từ khi biết tin Beibei có thai, bác sĩ Jinfa đã sớm liên hệ với bác sĩ sản khoa để trao đổi cũ thể về cấu tạo sinh lý của cô và lên kế hoạch phẫu thuật mổ lấy thai trước.

Cuối cùng, dù ca mổ lấy thai mất nhiều thời gian hơn những sản phụ sinh thường nhưng quá trình này vẫn diễn ra suôn sẻ và hai mẹ con đều an toàn. Con trai của Beibei chào đời thành công, được đặt tên là Kangkang (Khang khang - nghĩa là khỏe mạnh) với hy vọng rằng bé sẽ không phải trải qua những đau đớn về thể xác và tâm lý như mẹ mình. 

Gia đình Beibei chụp ảnh cùng các y bác sĩ tới thăm.

Gia đình Beibei chụp ảnh cùng các y bác sĩ tới thăm.

Chứng kiến đứa trẻ dính liền đầy đáng thương năm nào giờ đây đã làm mẹ, có cuộc sống hạnh phúc, bác sĩ Jinfa cũng hạnh phúc lây. Ông cho biết Beibei sẽ còn phải trải qua một ca phẫu thuật nữa, để đóng lỗ thông thoát phân ở rốn vì hiện tại cô cơ bản đã tự chủ được việc đi vệ sinh, rất ít phải sử dụng lỗ này. Ông hy vọng ca phẫu thuật này sẽ là lần cuối Beibei phải nằm trên bàn mổ và cuộc sống sau này của cô sẽ được bình an bên chồng con. 

Mẹ mang thai 7 chấn động thế giới, bụng bầu chạm đến gối giờ ra sao?
Ngay khi phát hiện Bobbi đang mang thai 7, nhiều bác sĩ đã khuyên cô nên giảm thiểu bớt thai để đảm bảo an toàn nhưng vợ chồng cô từ chối.
Ngọc Linh (Dịch từ Sohu)
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Câu chuyện mang thai