Mẹ chồng đã nhận trách nhiệm trông bé cho con dâu mới sinh nghỉ ngơi nhưng cô lại trách bà để giường nệm ẩm ướt.
Sau khi sinh con tại bệnh viện, các y bác sĩ sẽ giữ sản phụ ở bệnh viện theo dõi khoảng 2-3 ngày, đến khi sức khỏe cả hai mẹ con ổn định mới cho về nhà. Những trường hợp xuất viện sớm có thể dẫn đến hậu quả khôn lường như bà mẹ trẻ dưới đây.
Tiểu Lan (26 tuổi, sống tại Quý Châu, Trung Quốc) mới sinh con đầu lòng cách đây không lâu. Ca sinh thường của cô diễn ra nhanh chóng, suôn sẻ. Sau sinh Tiểu Lan khỏe mạnh, tỉnh táo, em bé được về với mẹ ngay nhưng bác sĩ vẫn yêu cầu hai mẹ con ở lại bệnh viện thêm 1 ngày để theo dõi tình hình sức khỏe.
Tuy vậy, vì đang có dịch bệnh COVID-19, Tiểu Lan sợ rằng ở lâu trong bệnh viện sẽ tăng nguy cơ tiếp xúc với người mang virus gây bệnh nên khăng khăng đòi về nhà ngay. Dù cả chồng và bác sĩ thuyết phục hay đảm bảo thế nào, cô cũng không đồng ý. Cuối cùng, chồng cô còn phải kí giấy đảm bảo để đưa vợ con về nhà.
Tiểu Lan cảm thấy khỏe khoắn nên muốn xuất viện sớm. (Ảnh minh họa)
Trước ngày Tiểu Lan sinh 1 tuần, mẹ chồng cô đã từ quê lên để hỗ trợ. Khi thấy con dâu xuất viện, bà còn nhận trách nhiệm trông em bé giúp để cô được thoải mái nghỉ ngơi. Vậy là Tiểu Lan yên tâm lên giường nằm ngủ. Nhưng sau khi nằm được một lúc, cô bỗng dưng gọi mẹ chồng vào và trách móc: "Mẹ ơi sao giường nệm cứ ẩm ẩm vậy? Hôm trước con đã dặn mẹ phơi nắng hết đồ cho thơm tho, sạch sẽ mà".
Nghe con dâu trách, mẹ chồng Tiểu Lan không khó chịu mà mặt lại vô cùng hốt hoảng. Bà vừa lật tấm chăn Tiểu Lan đang đắp lên, vừa với gọi con trai ở phòng ngoài bấm gọi cấp cứu. Hóa ra khi nghe Tiểu Lan than nệm ẩm, bà đoán ngay cô bị xuất huyết sau sinh, bởi trước đó giường nệm thật sự đã được phơi khô ráo, sạch sẽ. Và đúng là khi chồng Tiểu Lan chạy vào đã thấy giường cô đang nằm ướt một khoảng lớn vì máu, gương mặt tái nhợt.
Hóa ra cảm giác ẩm ướt Tiểu Lan thấy là do cô bị băng huyết sau sinh.
May mắn thay nhà Tiểu Lan không quá xa bệnh viện, cô được đưa đến cấp cứu kịp thời nên các bác sĩ đã xử lý nhanh chóng và truyền máu cho cô. Sau đó, bà mẹ mới sinh phải ở lại bệnh viện thêm 2 ngày nữa để theo dõi. Lúc này, cô mới hối hận vì không nghe lời bác sĩ trước đó.
Những nguyên nhân gây băng huyết sau sinh
Theo Tổ chức Y tế thế giới, băng huyết sau sinh là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến tử vong ở sản phụ, chiếm 35% tỷ lệ tử vong, ảnh hưởng đến cuộc sống và sức khoẻ của rất nhiều gia đình ở nhiều quốc gia. Những nguyên nhân gây băng huyết sau sinh bao gồm:
- Đờ tử cung (Tone): là nguyên nhân thường gặp nhất, nguy cơ cao ở các sản phụ có tử cung quá căng do đa thai, đa ối, thai to...;
- Cơ tử cung kiệt sức: chuyển dạ nhanh, chuyển dạ kéo dài, tăng co lâu bằng oxytocin, đa sản...;
- Nhiễm trùng ối: vỡ ối sớm, lâu...;
- Cấu trúc tử cung bất thường: u xơ tử cung, nhau tiền đạo, tử cung dị dạng, có sẹo,...;
= Suy nhược, suy dinh dưỡng, thiếu máu nặng, huyết áp cao trong thai kỳ,...;
- Sử dụng các loại thuốc vô cảm đường toàn thân;
- Sót nhau: thường gặp trong các trường hợp: Bánh nhau phụ, cuống rốn ngắn, thể tích và diện tích nhau quá lớn như trong đa thai, phù nhau thai... ;
- Nhau bám bất thường: nhau cài răng lược, nhau bám đoạn dưới, nhau bám ở góc tử cung...;
- Nhau dính vào lớp nội mạc một cách bất thường do viêm, teo bẩm sinh hay do nạo thai, u xơ dưới niêm mạc, nguyên nhân nội tiết..., gây cản trở hiện tượng tróc nhau sinh lý;
- Sang chấn đường sinh dục: do sinh nhanh, sinh thủ thuật, cắt tầng sinh môn quá rộng hoặc sâu, vỡ tử cung, lộn tử cung do thủ thuật bóc nhau thô bạo...Tuy nhiên, trong trường hợp không có các nguy cơ kể trên thì vẫn không được loại trừ cuộc sinh có sang chấn;
- Rối loạn đông máu: Bệnh lý đông máu di truyền hoặc mắc phải: Hemophilie, xuất huyết giảm tiểu cầu, xơ gan, điều trị thuốc kháng đông...;
- Do nhau, thai: nhau bong non, thai lưu, tiền sản giật gây xuất huyết giảm tiểu cầu, hội chứng HELLP, thuyên tắc ối...;