Khi bị nghi ngờ nhiễm HIV, mẹ bầu được chỉ định uống thuốc để ngăn chặn lây truyền cho con, nhưng chị lại quyết định đình chỉ thai kỳ và phải hối hận sau đó không lâu.
Hai tháng trước, chị Lâm (36 tuổi, sống ở huyện Đô Giang Uyển, thành phố Thành Đô, Trung Quốc) vẫn đang đắm chìm trong niềm vui được làm mẹ lần nữa. Do tuổi đã cao và lần trước từng bị sảy thai một lần nên lần mang thai này chị rất cẩn thận, chú ý từng chút một từ chế độ ăn uống cho đến thói quen sinh hoạt.
Vào ngày 3/6 vừa qua, mẹ bầu tới Bệnh viện Dương Đô thăm khám, lúc đó chị đang mang thai ở tháng thứ 3. Sau khi siêu âm, bác sĩ bảo chị có thể làm xét nghiệm máu và việc này là hoàn toàn miễn phí. Tuy nhiên, điều chị không ngờ là kết quả xét nghiệm cho thấy chị dương tính với virrus HIV. Vào thời điểm đó, bác sĩ nói với thai phụ rằng họ không thể khẳng định chắc chắn, cần phải đến các bệnh viện khác để kiểm tra.
Tới 4h chiều cùng ngày, sau khi nhận được cuộc gọi từ bác sĩ, chị Lâm lại tới bệnh viện. “Bác sĩ nói họ nghi ngờ tôi bị nhiễm HIV và cô ấy vừa đi lấy thuốc về cho tôi. Sau đó bác sĩ đưa cho tôi một tờ giấy cam kết về việc sử dụng thuốc để ngăn ngừa lây truyền bệnh AIDS từ mẹ sang con và yêu cầu tôi ký tên vào”, chị Lâm nói. Quá sợ hãi và hoảng hốt, mẹ bầu nhanh chóng ký tên vào giấy mà chẳng suy nghĩ gì nhiều.
Khi mang thai được 3 tháng, chị Lâm tới bệnh viện khám thai và bị nghi nhiễm HIV. Ảnh minh họa
Trưa ngày hôm sau, chị Lâm lại nhận được cuộc gọi từ bác sĩ, yêu cầu chị tới Trung tâm y tế công cộng Thành Đô để kiểm tra. Tới ngày 11/6, tức 5 ngày sau đó, báo cáo xét nghiệm xác nhận chị Lâm âm tính với HIV. Thế nhưng, cầm tờ thông báo “âm tính với kháng thể HIV” trên tay, người phụ nữ này lại không thể vui nổi vì chị đã đình chỉ thai kỳ 7 ngày trước đó.
Cụ thể, vào ngày 5/6, chị đã tới bệnh viện để đình chỉ thai kỳ. “Họ yêu cầu tôi uống thuốc và thúc giục tôi lên thành phố để kiểm tra. Điều đó khiến tôi cảm thấy mình là một bệnh nhân nhiễm HIV. Nếu đứa trẻ được sinh ra, nó chắn chắn sẽ nhiễm bệnh thôi”, chị Lâm đau đớn nói.
Hơn nữa, kể từ khi bị nghi ngờ nhiễm HIV, tình cảm 12 năm giữa chị và chồng cũng rạn nứt. Cả hai đều nghi ngờ lẫn nhau, cho rằng đối phương đã vụng trộm bên ngoài rồi nhiễm bệnh, về nhà lây cho mình. Mãi cho tới khi có kết quả xác nhận, mối nghi ngờ này mới được gỡ bỏ, nhưng dù vậy chị Lâm vẫn không thể vui nổi vì đứa con trong bụng đã không còn nữa.
Chị tin Bệnh viện Dương Đô phải chịu trách nhiệm về toàn bộ việc này. “Tôi chưa được kết luận chính xác vào thời điểm đó, tại sao lại ép tôi dùng thuốc để ngăn chặn lây nhiễm từ mẹ sang con?”, người phụ nữ 36 tuổi bức xúc.
Khi bị nghi ngờ nhiễm HIV, mẹ bầu đã quyết định đình chỉ thai kỳ. Ảnh minh họa
Chia sẻ với phóng viên vào ngày 15/7, bác sĩ Tăng – người trực tiếp thăm khám cho chị Lâm – nói rằng thực sự có khả năng “dương tính giả” trong lần đầu xét nghiệm HIV. Khi có kết quả, theo quy định thì bác sĩ sẽ phải cho thai phụ uống thuốc ngăn chặn sự lây truyền từ mẹ sang con và yêu cầu thai phụ tới Trung tâm y tế công cộng Thành Đô khám lại trong vòng 24h.
Về việc chị Lâm đình chỉ thai kỳ, bác sĩ Tăng cho biết chị đã cố gắng khuyên can nhưng không được. Vào sáng 5/6, bác sĩ Tăng đã gửi 4 tin nhắn khuyên thai phụ nên đợi kết quả cuối cùng rồi đưa ra quyết định nhưng mẹ bầu không nghe.
Thế nhưng, khi bản thân bị chẩn đoán nhiễm HIV, vợ chồng nghi kỵ lẫn nhau, sống trong sự dè bỉu của những người xung quanh và lo lắng con sinh ra sẽ nhiễm bệnh nên chị Lâm vô cùng áp lực. Quyết định nóng vội đó khiến chị đau đớn không nguôi.
Làm thế nào để mẹ nhiễm HIV sinh con ra khỏe mạnh Theo các nghiên cứu khoa học cho thấy, tỷ lệ trẻ nhiễm HIV từ mẹ sang con khi chưa tiến hành các can thiệp dự phòng là rất cao chiếm khoảng 35-40%, tuy nhiên nếu được can thiệp dự phòng thì tỷ lệ lây truyền HIV từ mẹ sang con chỉ khoảng 2% thậm chí là thấp hơn. Vì vậy nếu muốn con sinh ra khỏe mạnh, không bị lây nhiễm HIV từ mẹ thì cần thực hiện tốt các bước sau: Trước khi mang thai: Người mẹ chưa nhiễm HIV cần chủ động đến các cơ sở y tế để tư vấn và xét nghiệm HIV, đồng thời nên tư vấn bác sĩ chuyên khoa trước khi có ý định mang thai. Đối với những người mẹ đã nhiễm HIV cần phải điều trị ARV sớm và tuân thủ điều trị tốt để đạt được tải lượng vi rút dưới 200 bản sao/1ml máu và nên tư vấn bác sĩ chuyên khoa về thời điểm mang thai. Trong khi mang thai: Khám thai định kỳ ở cơ sở y tế chuyên khoa sản để được tư vấn, hướng dẫn về chăm sóc thai sản, chọn nơi sinh phù hợp. Người mẹ đang nhiễm HIV cần phải tuân thủ điều trị để tải lượng vi rút dưới 200 bản sao/1ml nhằm giảm thiểu tối đa khả năng lây truyền HIV cho con. Trong quá trình sinh: HIV từ nước ối, dịch tử cung, dịch âm đạo của mẹ xâm nhập vào trẻ qua niêm mạc mắt, mũi, hậu môn hoặc da bị sây sát của trẻ trong quá trình sinh. HIV cũng có thể từ trong máu của mẹ thông qua các vết loét ở cơ quan sinh dục của mẹ xâm nhập vào cơ thể của trẻ sơ sinh. Vì vậy những người mẹ nhiễm HIV thường được tư vấn sinh mổ để hạn chế sây sát da em bé, giảm thiểu nguy cơ lây truyền HIV. Sau khi sinh: Người mẹ cần đến cơ sơ điều trị HIV/AIDS để được tiếp tục theo dõi sức khỏe và điều trị ARV. Trẻ em ngay sau sinh (trong vòng 24 giờ) được uống thuốc ARV theo chỉ dẫn của bác sĩ để dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con. HIV có thể lây từ mẹ sang con do HIV có trong sữa mẹ hoặc máu, dịch tiết từ các vết nứt ở núm vú người mẹ, vì vậy tốt nhất không cho trẻ bú mẹ. |