Máu của mẹ bầu này không phải màu đỏ mà lại là màu trắng đục pha lẫn màu đỏ, gọi là "máu nhờn".
Sau khi mang thai, vấn đề ăn uống của các mẹ bầu được coi trọng hơn cả. Bạn không chỉ cần ăn đầy đủ các món hơn, mà còn phải lựa chọn những sản phẩm xanh, sạch, đồng thời chế độ ăn phải khoa học và lành mạnh. Song, cách đây vài ngày, Bệnh viện Nhân dân số 1 Thuận Đức (Nam Kinh, Trung Quốc) đã tiếp nhận một thai phụ 32 tuần đột nhiên bị chướng bụng, đau bụng dữ dội. Khi xét nghiệm máu, các bác sĩ đã “tá hỏa” khi phát hiện một nửa số máu được rút ra từ thai phụ là… dầu.
Sau khi kiểm tra, Tiến sĩ Quách – trưởng khoa sản của Bệnh viện Nhân dân số 1 Thuận Đức đã phải hội chẩn với 6 khoa khác như tiêu hóa, nội tiết,... Để có kết quả chính xác hơn, các bác sĩ đã lấy thêm máu để xét nghiệm cho thai phụ. Nhưng điều không ngờ là thứ mà y tá hút ra không phải là máu bình thường mà là “máu nhờn”. Nghĩa là máu có lẫn dầu mỡ. Tiến sĩ Quách mô tả: “Máu của thai phụ có màu đục, dầu trắng đặc có lẫn máu đỏ và dầu chiếm một nửa ống”.
Máu của thai phụ này có màu đục, dầu lẫn vào trong máu đỏ và chiếm một nửa ống xét nghiệm.
Sau đó, dựa trên các chỉ số xét nghiệm, Tiến sĩ Quách cùng các bác sĩ kết luận bệnh nhân bị viêm tụy cấp khi mang thai vì lượng lipid có trong máu cao. Ông cho biết: “Phụ nữ mang thai mà có “máu nhờn” là tương đối hiếm gặp. Trong trường hợp nghiêm trọng, viêm tụy cấp có thể đe dọa tính mạng của cả bà mẹ và thai nhi. Nhưng may mắn là tình trạng thai phụ này vẫn chưa hẳn là nghiêm trọng nhất nên vẫn có phương pháp cứu chữa”.
Sau khi được điều trị, tình trạng của thai phụ ngày càng ổn định.
Tại sao bà bầu này lại có “máu nhờn”?
Để tìm hiểu vấn đề này, Tiến sĩ Quách đã hỏi thăm người nhà về chế độ ăn uống của thai phụ. Người mẹ cho biết theo tập tục ở quê, khi sắp đến thời kỳ sinh nở, người ta sẽ cho các bà bầu ăn nhiều đồ ăn nhiều dầu mỡ để bồi bổ cơ thể. Vì thương con, nên bà cũng thường xuyên tẩm bổ cho con gái theo cách này.
Nghe đến đây, Tiến sĩ Quách chỉ biết lắc đầu ngao ngán vì họ đã quá thiếu hiểu biết. Theo ông, nếu bà bầu ăn quá nhiều dầu mỡ khi mang thai sẽ khiến cho glucocorticoid và glucangon tăng cường huy động chất béo và làm lipid trong máu tăng cao.
Để bồi bổ cơ thể, thai phụ này thường xuyên ăn các món ăn có nhiều dầu mỡ (Ảnh minh họa)
Bên cạnh đó, một lượng lớn chất béo trung tính có thể làm tăng độ nhớt của máu, hình thành tắc mạch hạt chylo và gây rối loạn vi tuần tuyến tụy. Chất béo trung tính cũng có thể tạo ra chất béo tự do, làm hỏng các tế bào tuyến tụy. “Tuyến tụy có nhiều mạch máu, nếu dầu làm tắc nghẽn sẽ gây phù tụy. Dịch tụy đáng lẽ được thải xuống tá tràng và dùng để tiêu hóa thức ăn thì sẽ bị chảy ngược lại, gây viêm tụy”, Tiến sĩ Quách giải thích.
Mẹ bầu cần làm gì để ăn uống khoa học trong thai kỳ?
Tiến sĩ Quách chia sẻ vấn đề dinh dưỡng trong giai đoạn giữa và cuối thai kỳ rất quan trọng. Vì nếu mẹ bầu không kiểm soát tốt chuyện ăn uống của mình dễ bị tăng cân quá mức, lượng đường trong máu cao, thiếu máu và không cung cấp đủ canxi. Do quá trình trao đổi chất của thai nhi phụ thuộc hoàn toàn vào cơ thể của mẹ nên trách nhiệm của thận rất nặng nề. Vì vậy các mẹ bầu cần:
- Ăn đủ 3 bữa chính: mẹ bầu cần ăn đầy đủ các chất trong một bữa ăn, bao gồm thịt nạc, cá, hải sản, trứng, ăn nhiều rau xanh, trái cây, các loại ngũ cốc, các loại hạt…
- Lựa chọn những thực phẩm hữu cơ: Mẹ bầu nên chọn lựa các loại thực phẩm sạch làm thức ăn cho mình nhằm hạn chế lượng thuốc trừ sâu.
- Tập thể dục thường xuyên: Các mẹ bầu cần vận động 30 phút/ngày với cường độ nhẹ nhàng vừa phải như đi bộ, bơi lội, tập yoga... Việc này vừa giúp bạn tăng sức đề kháng, sự dẻo dai cho cơ thể, vừa kiểm soát được một số biến chứng thai kỳ như tăng cân nhanh, tiểu đường trong thai kỳ...