Cố chịu đau gần 12 tiếng đồng hồ để được sinh thường nhưng do thai ngôi ngược nên bác sĩ bắt buộc phải mổ bắt em bé, đảm bảo sự an toàn cho cả hai mẹ con.
Đặng Thị Oanh (SN 1994) là một nhân viên văn phòng ở Hà Tĩnh. Sau ngày kết hôn không lâu cả gia đình hạnh phúc khi biết tin cô mang thai, lại là con đầu lòng nên hai vợ chồng hồi hộp hơn bao giờ hết. Thế nhưng thai kỳ đang thuận lợi thì đến ngày sinh cô bất ngờ nhận được tin không thể sinh thường do ngôi thai ngược.
Hình ảnh cô nàng 9X ngày chưa mang bầu.
Thai kỳ chỉ dám nằm mép giường vì chuột rút
Vì mong có em bé nên trước khi có bầu Oanh đã chuẩn bị rất kỹ cho sức khỏe, từ dinh dưỡng thai kỳ đến những mũi tiêm phòng. Do gia đình có tiền sử mắc bệnh tiểu đường nên ngay từ khi cấn thai mẹ 9X đã đăng ký bác sĩ chuyên khoa để thăm khám định kỳ, làm các xét nghiệm sàng lọc tránh các rủi ro không đáng có.
Đặng Oanh chia sẻ: “Trong khi mang bầu mình bổ sung sắt và chủ yếu bổ sung chất dinh dưỡng qua đường ăn uống như những hạt óc chó, macca, hạt chia, hạnh nhân. Trong một tuần mình cũng cố gắng bổ sung các món thịt bò, tôm, cua đều đặn”.
Ngày mang bầu dù đã chuẩn bị sức khỏe rất nhiều nhưng vẫn không tránh khỏi chuột rút
Nhờ được chăm sóc chu đáo nên suốt 9 tháng 10 ngày sức khỏe của mẹ và em bé đều khỏe mạnh, thai nhi phát triển cân nặng phù hợp với tuổi thai theo từng giai đoạn. Vì sợ sau này con ra đời kén ăn nên dù có ốm nghén nhưng Oanh vẫn cố gắng tìm mọi cách để bổ sung năng lượng vào cơ thể.
Mang bầu khiến cơ thể cô thay đổi nhiều, nhất là cân nặng và những cơn căng cứng đôi chân vì chuột rút. Càng về những tháng cuối thai kỳ càng cảm nhận rõ hơn những triệu chứng của tăng cân, phù chân hay còn gọi là “xuống máu”.
Oanh từng chia sẻ, đêm đi ngủ phải nằm mép giường để kịp xử lý mỗi khi có cơn co rút
Mẹ bỉm sữa kể lại: “Trong quá trình mang bầu mình thường xuyên bị chuột rút, những lúc đó chồng lại phải đi trực không thể ở bên hỗ trợ. Đêm nào cũng ngâm chân trước khi đi ngủ nhưng cơn co rút vẫn cứ tới, mình chỉ dám nằm mép giường để khi thấy chân căng cứng có thể đứng xuống sàn mới đỡ, có những ngày cơn chuột rút đến nhanh quá nên không kịp phản ứng mình đau tới phát khóc luôn”.
Dù không bị sạm da như nhiều bà bầu khác nhưng mụn cũng nổi đầy trên khuôn mặt do thay đổi nội tiết. Tuy nhiên cô không dùng bất cứ loại mỹ phẩm nào để trị mụn, thay vào đó Oanh bắt đầu điều chỉnh chế độ sinh hoạt và ăn uống của chính bản thân, không uống nước ngọt, không ăn đồ nhiều dầu mỡ và đặc biệt không thức khuya. “Mặc dù bầu bí có bị thay đổi nhưng mình vẫn cảm thấy may mắn vì có một thai kỳ vô cùng khỏe mạnh và thuận lợi” – mẹ Hà Tĩnh nói.
Chịu đau 12 tiếng để được đẻ thường không ngờ vẫn phải “ăn dao”
Nhắc lại về ngày đi đẻ của mình, Oanh cho biết, giống như các bà bầu khác khi thấy có dấu hiệu chuyển dạ cô nhập viện để theo dõi. Qua thăm khám sàng lọc mọi thứ vẫn bình thường, bé thuận thai và được bác sĩ tư vấn sinh thường. Đến buổi trưa cơn đau mỗi lúc tới một nhiều hơn nên không thể ăn được gì, xế chiều cũng là lúc con nằm trong bụng mẹ đạp liên hồi, cứ ăn vào là lại nôn ra. "Cứ thế càng ngày càng đau cảm giác có người bẻ giãn xương cốt", bà mẹ 9X nhớ lại
Chịu đau đớn suốt từ 5h chiều hôm trước đến 5h sáng hôm sau, đến khi cổ tử cung mở được 8cm, cô được khám và thông báo trong quá trình chuyển dạ thai nhi đạp quay đầu lên trên dẫn đến ngôi thai ngược không thể sinh thường, lúc này thai phụ mất sức nên bác sĩ yêu cầu mổ cấp cứu gấp.
Đánh đổi lại tất cả mẹ 9X sinh được một em bé khỏe mạnh bụ bẫm
“Thật sự lúc đó nghe xong mình buồn lắm vì đã cố gắng chịu các cơn đau để được sinh thường, khi vào phòng sinh nghe bác sĩ nói vậy mình thấy thất vọng và cũng khá giận con. Mẹ đã phải chịu đau gần 12 tiếng đồng hồ vậy mà con ngược thai làm cho mẹ phải “ăn dao”. Lúc nghe tin bác sĩ gọi người nhà vào ký giấy cam kết mình đã ngất đi, tới lúc vào phòng mổ đèn mổ chiếu mặt và bác sĩ gọi dậy bẻ cong người để gây tê xong mình lại lịm đi không biết gì. Về sau nghe tiếng khóc của con mình chợt tỉnh dậy và không quên hỏi “mấy giờ rồi bác sĩ?”, Oanh nhắc nhớ lại quá khứ.
Do ảnh hưởng của kháng sinh liều cao nên sau sinh Oanh chưa có sữa về. Sau 5 ngày nằm viện theo dõi, hai mẹ con được xuất viện về nhà nhưng sữa vẫn ít trong khi em bé lại háu ăn. Xác định được vai trò quan trọng của sữa mẹ nên chị đã tìm mọi cách để có sữa mẹ cho con bú.
Nếu như 15 ngày đầu sơ sinh con ngủ đêm rất ngoan thì 15 ngày sau bé chuyển sang ngủ rất ít, liên tục thức cả ngày lẫn đêm đòi bế, có những ngày cô phải thức bế từ 11h đêm đến 8h sáng khiến mẹ kiệt quệ sức lực.
Tổ ấm nhỏ của cô nàng 9X bên chồng và cậu con trai bé bỏng
Vừa áp lực vì chăm con mọn, vừa trăn trở quá nhiều khi chứng kiến thân hình “bùng nhùng” sau sinh, nhiều lúc cô cảm thấy chán nản chính bản thân. “Nhìn thân hình mà chán, lúc mang bầu tháng cuối là 85kg, sinh xong không dám cân chỉ dám đo bụng mà 95cm. Mình đeo nịt bụng nhưng vẫn đau do vết mổ nên đã chuyển sang chế độ thiết kế bữa ăn từ yến mạch và ngũ cốc. Cũng không dám kiêng khem quá mức vì sợ sẽ không có sữa cho con bú.
Thực đơn hằng ngày của mình là sáng ra 1 cốc sữa yến mạch, nửa buổi 1 cốc ngũ cốc, gần trưa uống một cốc yến mạch và ăn ½ chén cơm, không ăn quá no 1 lần ăn. Cứ thực hiện như vậy 1 tháng đầu tiên áp dụng mình giảm 8kg bụng xuống 75cm. Mình tiếp tục ăn như vậy tháng thứ 2 áp dụng giảm được 10kg bụng xuống 68cm. Bốn tháng sau sinh cân nặng mình đã về lại 53kg, bụng nhỏ như thời con gái, không bị chảy xệ, da cũng đẹp lên, giảm cân nhưng mẹ vẫn đủ sữa cho con bú đều đều”, mẹ bỉm sữa bộc bạch.
Mẹ Hà Tĩnh không ngại chia sẻ bí quyết để giảm mỡ bụng đến đông đảo các mẹ bỉm sữa khác
Giờ đây em bé tròn 14 tháng cũng là quãng thời gian hơn một năm Oanh được thực hiện thiên chức làm mẹ. Từ những ngày đầu vẫn còn nhiều bỡ ngỡ, giờ đây cô đã khác xa rất nhiều, nuôi và chăm sóc con rất thuần thục, người mẹ này cũng không ngừng tìm hiểu các phương pháp chăm con từ các mẹ bỉm sữa khác để có dành cho con những điều tốt nhất.