Những tưởng bạn sẽ chúc mừng vì sinh được một đứa con mập mạp, không ngờ rằng sản phụ lại bị bạn khuyên nhủ nên đưa con đi khám vì đứa trẻ có thể bị bệnh.
Làm cha làm mẹ ai chẳng muốn sinh ra một đứa con trắng trẻo, mập mạp, khỏe mạnh. Nhiều người cho rằng con sinh ra càng mập mạp thì càng khỏe mạnh nên không ít thai phụ thường xuyên bổ sung nhiều chất dinh dưỡng, thậm chí là chất béo để cân nặng của con tăng lên. Nhưng một đứa trẻ sinh ra có cân nặng vượt trội liệu có thực sự khỏe mạnh hơn không?
Chị Dương sống ở Trung Quốc vốn cũng nghĩ rằng con sinh ra càng nặng càng tốt nên trong quá trình mang thai, chị ra sức tẩm bổ cho mình. Kết quả, thai phụ tăng hơn 25 kg trong 41 tuần mang thai.
Hành trình “vượt cạn” của sản phụ diễn ra rất khó khăn. Sau 5-6 tiếng, chị hạ sinh một bé trai mập mạp nặng 5,2kg. Khi nhìn thấy đứa bé bụ bẫm, mập mạp, nặng bằng cả đứa trẻ 1 tháng tuổi, gia đình ai cũng mừng rỡ, khen chị Dương thật "khéo đẻ".
Việc sinh nở của chị Dương diễn ra khá khó khăn. Ảnh minh họa
Sản phụ nhanh chóng báo tin vui này cho bạn bè và được họ gửi lời chúc. Thế nhưng, một người bạn học ngành y lại cảm thấy lo lắng thay cho chị Dương, “tạt cả gáo nước lạnh” vào người chị: “Bé nặng như vậy có thể không khỏe, chị nên đưa bé đi khám sức khỏe đi”.
Khi nghe bạn nói vậy, chị Dương vô cùng tức giận, nghĩ rằng tại sao bạn không chúc mừng mình thì thôi còn “trù ẻo” con mình bị bệnh. Tuy nhiên, sau này bà mẹ đã vô cùng hối hận khi phát hiện con trai thực sự gặp vấn đề về sức khỏe, cụ thể là lượng đường huyết bị thấp.
Trên thực tế, không phải trẻ càng nặng cân thì càng tốt, trọng lượng của một đứa trẻ sơ sinh bình thường chỉ nên dao động từ 2,5kg đến 4kg. Trẻ dưới 2,5kg là bị nhẹ cân và nếu trên 4kg là bị thừa cân.
Chị Dương hạ sinh một bé trai nặng 4,5kg nhưng bị bạn nói nên đưa đứa bé đi khám. Ảnh minh họa
Có nhiều yếu tố ảnh hưởng tới trọng lượng của thai nhi, bao gồm thời gian phát triển của thai nhi và thói quen sinh hoạt của thai phụ. Trong đó, thói quen sinh hoạt của thai phụ là có ảnh hưởng lớn nhất.
Thai nhi to không chỉ gây ra tình trạng khó sinh mà còn khiến bé có khả năng mắc nhiều bệnh lý như hạ đường huyết, tim bẩm sinh, tăng bilirubin trong máu. Vì vậy, để ngăn chặn sự xuất hiện của những “em bé khổng lồ”, mẹ nên chú ý những việc này trong quá trình mang thai.
1. Không nên bổ sung quá nhiều chất dinh dưỡng
Không ít mẹ bầu cho rằng mang thai là phải ăn cho 2 người nhưng quan niệm này là hoàn toàn sai lầm. Bởi lẽ thai nhi còn nhỏ, không cần quá nhiều chất dinh dưỡng như bố mẹ tưởng tượng, thai phụ chỉ cần ăn uống bình thường và ăn thêm những thực phẩm giàu dinh dưỡng.
2. Tập thể dục nhẹ nhàng
Mẹ bầu nên vận động nhẹ nhàng trong quá trình mang thai. Ảnh minh họa
Nhiều thai phụ quá chú ý tới chế độ dinh dưỡng mà bỏ qua sự vận động. Tuy nhiên, nếu như chỉ có bổ sung chất dinh dưỡng mà không vận động thì mẹ bầu dễ tăng cân chóng mặt, thai nhi lớn và gây khó khăn cho quá trình sinh nở. Do đó, mẹ bầu nên tập thể dục nhẹ nhàng trong quá trình mang thai. Đi bộ chậm cũng có thể thúc đẩy quá trình tiêu hóa thức ăn và giảm khả năng mắc các vấn đề về tiêu hóa ở bà bầu.
3. Thường xuyên đo vòng bụng
Thai phụ cần phải chú ý tới sự thay đổi của vòng bụng và đo thường xuyên, bởi vì sự tăng trưởng của vòng bụng có liên quan tới sự phát triển của thai nhi. Nếu vòng bụng tăng quá nhanh thì mẹ bầu cần phải chú ý kiểm soát bằng chế độ ăn uống của mình, kết hợp vận động nhẹ nhàng.