Mang bầu lần thứ 4 sau 3 lần sinh mổ, chị Thanh Huyền lo lắng vì mình gặp biến chứng nguy hiểm trong thai kỳ, có nguy cơ phải mất con và bị mất tử cung.
Gần 2 tháng sau khi sinh con thứ 4 được mẹ tròn con vuông, chị Trần Thanh Huyền (34 tuổi, Long Biên, Hà Nội) mới được thở phào nhẹ nhõm. Cuối cùng những tháng ngày mang bầu vất vả, đối diện với bao lo toan của thai kỳ như ngồi trên đống lửa, quyết định mạo hiểm giữ con thứ 4 của vợ chồng chị đã vượt qua.
Tổ ấm nhỏ của chị Huyền.
Mang bầu lần thứ 4 nguy hiểm nhưng vẫn quyết không tước đi mạng sống của con
Ở tuổi 34, trong khi nhiều bạn bè đã bắt đầu nhàn nhã vì con cái lớn thì chị Thanh Huyền vẫn đầu tắt mặt tối làm bà mẹ bỉm sữa của 4 con, bé Sóc (8 tuổi), bé Bon (6 tuổi, bé Chen (hơn 1 tuổi) và bé Chúc (gần 2 tháng tuổi). Mặc dù vậy chị vẫn hài lòng với sự lựa chọn và tổ ấm nhỏ của mình.
Chị Huyền mang bầu bé Sóc, Bon, Chen rất thuận lợi và nhẹ nhàng, bé nào chị cũng tăng 20-25kg, con chào đời nặng trên 3kg. Tuy nhiên do không sinh thường được, phải sinh mổ nên những lần mang thai sau, vừa nhận tin vui chị đã phải chuẩn bị sẵn tinh thần lên bàn mổ “ăn dao”.
Thế nhưng những lần trước dễ dàng bao nhiêu thì lần mang thai bé thứ 4 này, chị lại gặp khó khăn bấy nhiêu. Đặc biệt, ngay từ khi biết mình mang thai bé thứ 4, chị đã lo lắng như ngồi trên đống lửa vì sợ vết mổ chưa hồi phục, lo cho con thứ 3 còn chưa được 1 tuổi đã phải làm chị.
“Biết tin mang thai lần thứ 4 mình sợ hơn là vui bởi bé thứ 3 chưa được một tuổi mà mẹ lại mang thai tiếp bé thứ 4. Mình rất sợ ảnh hưởng vết mổ. Và đúng như những gì mình lo lắng, mang bầu lần này nhiều lần mình phải khóc nghẹn khi nghe bác sĩ thông báo tình hình con. Khi mới biết mang bầu mình đã tiên lượng được tất cả những gì xấu nhất xảy ra”, chị Huyền tâm sự.
Mang bầu lần 4 chị chỉ tăng 12kg.
Mang bầu lần thứ 4, chị Huyền không may mắn bị nhau cài răng lược – một biến chứng nguy hiểm cho thai phụ trong thai kỳ. Chị phải đối diện với rất nhiều nguy cơ, thậm chí có thể không thể giữ được con hoặc phải cắt tử cung. Mỗi lần đi khám thai là một lần chị sốt ruột và quặn thắt tim khi nghe bác sĩ thông báo về thai kỳ của mình.
Thế nhưng, bỏ mặc tất cả những nguy cơ nguy hiểm đó, chị mang sức khỏe của mình và tính mạng của con ra cân đo đong đếm. Cuối cùng dù bên nào thiệt, bên nào hơn chị vẫn quyết định chọn giữ lấy con bởi chị không thể vì sự ích kỷ của mình mà tước đi mạng sống của con.
Sinh mổ 3 lần trước nên khi mang bầu sau chưa đầy một năm sinh mổ, chị bị nhau cài răng lược.
Do có kinh nghiệm của 3 lần mang thai trước, và tìm hiểu nhiều kiến thức khi mang thai nên lần mang bầu thứ 4, chị vẫn giữ được sức khỏe tốt, để em bé phát triển ổn định, bình thường. Nếu như 3 bé trước, bé nào mang bầu chị cũng tăng 20-25kg thì bé thứ 4 này chị hạn chế không lên cân nhiều và cố gắng kiêng khem, ăn ít tinh bột.
“Sợ bục vết mổ cũ nên mình không để bản thân lên cân nhiều. Mình ăn theo chế độ, không ăn cơm, uống nước mía, nước dừa. Bên cạnh đó, mình ăn khoai lang, hoa quả, thịt bò, hải sải, uống sữa tươi không đường thay nước lọc, ăn yến chưng táo đỏ nên cả thai kỳ chỉ tăng 12kg thôi. Dẫu vậy trong thai kỳ, không ít lần chị thót tim, hoang mang vì hay bị ra máu”, chị Huyền cho hay.
Bị nhau cài răng lược, cả ê kíp vật lộn 4 tiếng với ca mổ
Phải nói, mang bầu và đi sinh bé thứ 4 để lại cho vợ chồng chị Huyền rất nhiều kỷ niệm. Và ngày đi sinh con là một ngày vô cùng đáng nhớ đối với chị. Thậm chí, đến bây giờ chị vẫn nhớ như in ngày 10/11/2019 đi sinh con sau khi đi họp lớp về.
Chị kể, ngày hôm đó, dù ở nhà thấy trong người mệt nhưng chị vẫn cố dậy đi họp lớp cùng bạn cho đỡ buồn. Nào ngờ sau khi tô son mặc đẹp đi họp lớp xong xuôi, đúng đêm hôm đó chị phải vào viện gấp để đi đẻ.
Vì bị nhau cài răng lược khá nguy hiểm nên ca sinh mổ của chị được các y bác sĩ chú ý đặc biệt. Tất cả các bác sĩ đã phải vật lộn 4 tiếng để thực hiện ca mổ đẻ của chị, giúp chị được mẹ tròn con vuông.
“Đêm hôm đó mình thấy ra máu báo nên vào viện đẻ. Lần sinh này vì bị nhau cài răng lược nên khá nguy hiểm. Mình mổ chủ động ở Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, phải gây mê khi mổ và ca mổ kéo dài 4 tiếng. Cả ê kíp mổ chắc rất vất vả với ca mổ của mình bởi mình phải cắt đi bán phần tử cung”, chị Huyền nhớ lại ca sinh mổ nguy hiểm của mình.
Bé Chúc sinh ngày 10/11/2019.
Ba bé lớn nhà chị rất yêu thương em.
Em bé nhà chị chào đời ở tuần thứ 35, nặng 2,5kg. Sau sinh vì truyền nhiều kháng sinh nên chị không thể cho con bú trực tiếp, bé phải ăn sữa ngoài 5 ngày. Tuy nhiên nhờ có ông xã ở bên trong phòng mổ và những ngày sau đó chăm sóc 2 mẹ con mà chị đã hồi phục sức khỏe nhanh chóng.
“Phải nói ông xã mình là một người chồng tuyệt vời. Khi mang bầu anh luôn dành sự quan tâm cho mình, nửa đêm thèm ăn mận, anh cũng đi tìm mua bằng được. Những ngày mình ở viện sau sinh, anh rất bận nhưng vẫn dành thời gian chăm sóc cho mình, đút từng thìa cháo cho mình ăn. Biết vợ sợ uống thuốc, anh còn ngồi viên từng viên với mật ong cho mình nữa”, chị Huyền cười hạnh phúc.
Ông xã chị luôn bên cạnh chị khi mang bầu, sau sinh.
Món quà lớn nhất của chị ở tuổi 34.
Hiện nay, bé Chúc nhà chị đã được gần 2 tháng tuổi. Dẫu đầu tắt mặt tối với công cuộc mẹ bỉm sữa, chăm con mọn nhưng chị hạnh phúc vì các con nhỏ tuổi vẫn rất yêu thương, không hề tị nạnh với em. Bé thứ 3 mới 1,5 tuổi lạ lẫm khi có em đã rất hăng hái đi vứt bỉm, uống sữa thừa của em, còn 2 bạn lớn cũng đã biết đỡ đần chị chăm em hộ bố mẹ. Đối với chị, đó là điều hạnh phúc nhất hiện nay.