Trong quá trình siêu âm đo chiều dài cổ tử cung, Thảo được bác sĩ phát hiện túi ối sa ra ngoài âm đạo, có nguy cơ sảy thai.
Quãng ngày mang thai là khoảng thời gian hạnh phúc nhất đối với mỗi người phụ nữ khi được ngày ngày cảm nhận được có một sinh linh bé nhỏ đang lớn lên trong cơ thể. Thế nhưng, bên cạnh những cảm xúc hạnh phúc đó vẫn có những mẹ bầu trong suốt thai kỳ sống trong lo lắng, bất an, thậm chí có lúc như chết lặng vì được thông báo con không khỏe mạnh. Những sự lo lắng này chắc chắn chỉ những người đã từng trải qua mới hiểu và với Thu Thảo (SN 1995) ở huyện Cẩm Mỹ, tỉnh Đồng Nai cũng vậy.
Thu Thảo làm mẹ ở tuổi 25 và đã trải qua rất nhiều cảm xúc từ khi mang bầu cho đến lúc sinh con.
Thai nghén đến mức đi xe máy cũng nôn
Theo lời Thảo, ngay từ khi biết tin cấn bầu cô đã lên các trang mạng tìm hiểu các phương pháp thai giáo cho em bé từ trong bụng mẹ. Tuy nhiên, do ốm nghén nặng nên cô không thể áp dụng những bài giảng thai giáo sớm cho con.
Nói về những tuần đầu thai kỳ, mẹ trẻ vẫn chưa hết ám ảnh do nghén quá nặng, Thảo cho biết: “Giờ nghĩ lại vẫn thấy thực sự kinh khủng, chỉ cần uống nước lọc thôi cũng sẽ nôn ra hết, khi ăn thì rất là ngon miệng nhưng vừa ăn xong cũng sẽ nôn ra sạch. Thậm chí đi xe máy mà mình cũng chóng mặt, hễ cứ leo lên xe máy đi đâu đó là y như rằng vừa đi vừa phải dừng lại để nôn”.
Bé Đốm của mẹ Thảo chào đời khi mẹ mới bầu đến tuần 26.
Cũng vì ốm nghén nên dù có bồi bổ hay nạp dinh dưỡng nhưng 18 tuần đầu thai kỳ cô không tăng được cân nào, rất may mắn mỗi lần khám định kỳ bác sĩ đều nói thai nhi khỏe mạnh và đáp ứng được các chỉ số phát triển.
Hay tin con ổn định nên cặp vợ chồng trẻ ngày ngày làm việc, đêm về lại nói chuyện thì thầm với con, chờ đợi đến ngày con chào đời. Qua thời kỳ ốm nghén Thảo đã bắt đầu ăn uống nhiều trở lại, tranh thủ bổ sung các chất dinh dưỡng cần thiết với hy vọng con sẽ tăng cân tốt hơn.
Những tưởng mọi chuyện sẽ êm xuôi đến ngày “vượt cạn” khi ở tuần thứ 22 – 24 đi khám định kỳ, cô và em bé được các bác sĩ đều kết luận bình thường. Vậy nhưng vào ngày thứ 2 của tuần thai 26, sau khi siêu âm và khám đo chiều dài cổ tử cung qua đường âm đạo thì bác sĩ đã phát hiện bất thường: Cổ tử cung mẹ mở 1cm, túi ối có dấu hiệu sa ra ngoài âm đạo, rất có thể bị nhiễm trùng.
Chưa kịp hình dung việc gì đến với mình cô liền nghe bác sĩ thông báo mẹ có biểu hiện sảy thai, không thể giữ em bé thêm được nữa, cùng lúc đó gia đình thai phụ được tư vấn chuyển tuyến để được xử trí an toàn. “Nghe đến đó chân tay mình như rụng rời, con đã đến và đi cùng mẹ được hơn nửa chặng đường rồi mà bây giờ lại rời xa mẹ nhanh như vậy, mẹ chịu sao nổi. Không suy nghĩ được gì nhiều mình và người nhà bắt taxi lên bệnh viện Từ Dũ để cấp cứu” – mẹ 9X kể.
Song bằng rất nhiều nỗ lực, mẹ Thảo và em bé đã kiên cường đồng hành bên nhau, vượt qua những tháng ngày khó khăn đầu đời.
Tại bệnh viện cô được chẩn đoán cổ tử cung mở 1cm, có dấu hiệu sinh non và yêu cầu nhập viện theo dõi. Nằm theo dõi tại đây được một ngày, Thảo được siêu âm và truyền thuốc làm giảm cơn gò kèm theo những tư vấn về nguy cơ khó lường trước.
Nhớ lại thời khắc ký giấy cam kết, mẹ trẻ nói: “Bác sĩ nói phải ký cam kết thì mới đc sử dụng thuốc vì loại thuốc này rất đắt tiền (20 triệu) nhưng cũng không chắc là sẽ giữ em bé được thêm 2 tuần. Hai vợ chồng đặt bút ký cam kết mà trong lòng nặng trĩu, vừa mừng vì có cách giữ được con trong bụng thêm 2 tuần mà cũng vừa lo vì sợ thuốc sẽ không có tác dụng đối với 2 mẹ con”.
Sinh non tuần 26, em bé nặng vỏn vẹn 9 lạng
Sau hai ngày kết thúc liệu trình truyền giảm cơn gò, cô bắt đầu đau bụng dữ dội, lên bàn khám thì cổ tử cung đã nở 5cm, bác sĩ nói không giữ em bé lâu trong bụng thêm được nữa nên đã nhanh chóng chuyển thai phụ qua phòng sinh.
Sau nhiều ngày điều trị tích cực, con được áp da ba mẹ.
Các cơn đau bụng chuyển dạ dồn dập tới, 4h30phút sáng 18/10 khi mới ở tuần thai 26 Thảo buộc phải sinh non bằng phương pháp sinh thường. Bé trai chào đời được mẹ đặt tên cho là Đốm chỉ nặng vỏn vẹn 900gram, con ra ngoài phản xạ kém, hơi thở yếu.
Thảo nói: “Lúc con vừa lọt lòng, mẹ còn chưa dứt cơn đau thì nghe bác sĩ nói: “Em ơi, con nhỏ lắm, cơ hội sống chỉ 50/50 nhé, mà cũng không có gì là chắc chắn được”. Sau câu nói đó mình được nhìn con sơ qua một cái rồi con được chuyển luôn xuống khoa sơ sinh để điều trị đặc biệt”.
Sau sinh Thảo trở về phòng hậu phẫu, nhìn cảnh mọi người xung quanh có con để chăm sóc để cho bú còn mình bị cách ly với con khiến cô không thể kìm lòng. Sau 2 ngày nằm viện cô được về nhà còn em bé vẫn phải nằm lồng kính để hỗ trợ thở máy.
Cũng chính nhờ hơi thở và làn da của tình mẫu tử thiêng liêng đã con sớm khỏe mạnh.
Đó là chuỗi ngày vô cùng khó khăn đối với bà mẹ trẻ khi chỉ bất lực nằm ở nhà và đợi chồng gọi điện về thông báo tin của con. Vì sinh thiếu tháng nên bé Đốm mắc một số bệnh lý trẻ sinh con, con mắc hội chứng trụy hô hấp, viêm phổi, viêm đường ruột. Mãi tận 17 ngày sau sinh mẹ mới được gọi tới bệnh viện để thăm con. Nhìn con bé xíu lại dây dựa chằng chịt xung quanh, quá xót con nên cô gái trẻ dường như chẳng thể đứng vững.
Những tưởng con đã ổn định nhưng chỉ ngày hôm sau cô lại như sét đánh ngang tai khi được bác sĩ kết luận con bị nhiễm trùng máu nặng, buộc phải chuyển con qua phòng đặc biệt để cách ly. Đứng từ xa trông thấy con yếu hơn rất nhiều, da xanh xao, mắt lờ đờ, chân tay im ru khiến bà mẹ trẻ chỉ biết nuốt nước mắt xót thương con. Đã quá hai lần bác sĩ dặn dò về việc gia đình chuẩn bị tâm lý để đón nhận trường hợp xấu nhất có thể đến với em bé.
Và xuất viện về nhà sau 50 ngày nằm điều trị bệnh lý trẻ sinh non.
Thế rồi chuỗi ngày đi đưa sữa và ngóng tin tốt lành từ con cũng trôi qua. Sau 43 ngày điều trị tích cực, em bé từ hỗ trợ thở máy đã chuyển sang thở bằng oxy, sau 4 ngày con đã được cai máy thở và thở được bình thường.
Sau 50 ngày nằm viện, bé Đốm đã dần ổn định và được xuất viện về nhà. Được ôm con trong vòng tay, Thảo vẫn cứ ngỡ đó là một giấc mơ, bởi trải qua một hành trình không quá dài nhưng đủ để đưa đôi vợ chồng trẻ đi từ nỗi buồn, lo lắng đến niềm vui, hạnh phúc khi được làm cha mẹ.