Thai 14 tuần chị Thủy được thông báo mang song thai 1 trai và 1 gái. Đến tuần thứ 28 chị bất ngờ có dấu hiệu sinh non, bác sĩ mổ bắt 2 con ra ngoài, thế nhưng thật đau xót khi bé trai chỉ ở lại với bố mẹ được một ngày rồi mãi mãi ra đi.
Gần 1 năm trôi qua sau ngày “vượt cạn”, chị Nguyễn Thủy (sống ở Sài Gòn) vẫn nhớ như in cảm giác đau xót khi phải nhìn một em bé bỏ bố mẹ ra đi, còn một em bé suốt 3 tháng nằm bệnh viện chiến đấu kiên cường để giành giật sự sống.
Thế nhưng, sau rất nhiều cố gắng, nỗ lực của bác sĩ, của mẹ và của chính bản thân em bé. Gia đình trẻ đã đoàn tụ theo một cách trọn vẹn và ý nghĩa. Chị gọi con gái (bé Sumy) là chiến binh dũng cảm, kiên cường nhất bởi con đã đồng hành cùng chị vượt qua những ngày tháng khó khăn nhất vừa qua.
Tổ ấm nhỏ của gia đình chị Nguyễn Thủy sau những tháng ngày sinh và nuôi con sinh non vất vả
Vỡ ối non, mẹ 9X quặn thắt tim ký vào cam kết mổ bắt thai
Chị Nguyễn Thủy kết hôn tính đến thời điểm này đã được hơn 5 năm. Sau ngày cưới anh chị tính chuyện mua nhà nên đã lên kế hoạch sang năm mới sinh con. Ngay khi nhà cửa vừa ổn định đôi vợ chồng trẻ hạnh phúc đón nhận tin có em bé, khám thai ở tuần thứ 7 chị vỡ òa khi biết con đã có tim thai, bác sĩ hẹn đến tuần 12 tái khám và làm các xét nghiệm dị tật thai nhi. Thế nhưng khi vừa bước vào tuần thứ 11 chị siêu âm và được bác sĩ thông báo thai đã ngừng phát triển. Lúc này trời đất như đổ sụp dưới đôi chân của bà mẹ trẻ.
Trải qua một hành trình vất vả, cặp vợ chồng trẻ mới chính thức được đón con thơ.
Không ít những bà mẹ trải qua 9 tháng mang bầu nặng nề nhưng khi sinh con lại không được nghe tiếng khóc chào đời... => XEM NGAY: Chịu đau 16 giờ vật vã, 9X Sơn La đẻ xong nhưng chờ mãi không được nghe tiếng con khóc |
Sau ngày xảy ra biến cố đó, anh chị tiếp tục động viên nhau nghỉ ngơi để sức khỏe mau phục hồi. Ba tháng sau vợ chồng chị Thủy “thả cửa” để con về nhưng mãi vẫn bặt vô âm tín. Một năm trôi qua hai anh chị vẫn chờ đợi trong vô vọng. Mãi đến năm 2018, sau một thời gian dài uống đủ các loại thuốc nhưng không có kết quả, anh chị đã quyết định tìm đến sự can thiệp của y học hiện đại. Rất may mắn ngay lần thụ tinh trong ống nghiệm (IVF) đầu tiên chị đã đậu được 2 phôi thai.
Thai 14 tuần chị tiến hành siêu âm và được bác sĩ thông báo mang hai bào thai 1 trai và 1 gái. Khó có con là vậy nhưng đến khi mang thai chị lại còn phải trải qua hàng ngàn những thử thách những tưởng ranh giới giữa có con và mất con vô cùng mong manh. Vì mang thai đôi nên nguy cơ sinh non rất cao, bác sĩ đã phải tiến hành khâu eo cổ tử cung ở tuần thai 14.
Những tưởng mọi chuyện sẽ suôn sẻ nhưng biến cố đã ập đến, khi chị mang song thai nhưng chỉ một bé ở lại
Sau ngày đó chị như y thức được tình trạng sức khỏe thai kỳ nhiều bất ổn nên hạn chế đi lại vận động nặng. Tháng ngày trôi qua chị và hai bé phát triển ổn định đến tuần thứ 26 trong một lần khám thai định kỳ, chị Thủy được phát hiện cổ tử cung tụt thấp, kiểm tra dung nạp đường thì phát hiện tiểu đường thai kỳ mặc dù mới chỉ tăng 5kg.
Lo lắng bệnh lý sẽ ảnh hưởng đến các con trong bụng, chị lập tức tìm đến bác sĩ sản nội tiết để được điều trị và theo dõi lượng đường trong máu. Kế tiếp sau đó chị lại nhập viện để tiêm trưởng thành phổi. Bước sang tuần thai 28 chị bất ngờ có dấu hiệu sinh non.
Sau sinh thiếu tháng, em bé phản xạ chậm nên chỉ đến một thời gian sau đó con mới được áp da mẹ
Nhắc nhớ lại thời khắc sắp sinh con, mẹ bỉm sữa nói: “Chiều ngày 25/1 mình vừa ngủ chiều dậy thấy có ra chút máu chảy ra ở vùng kín, liền gọi cho chồng và chuẩn bị đồ đi thẳng đến Bệnh viện Từ Dũ. Tại bệnh viện mình được truyền giảm cơn co để giữ con nhưng vừa truyền xong một chai thì vỡ ối. Ngay lập tức các bác sĩ chuyển mình lên phòng đẻ. Bác sĩ kiểm tra một lần nữa, sau đó chỉ định mổ chủ động.
Lúc đó mình mạnh mẽ tới mức không thể khóc nổi, chỉ nằm cầu nguyện cho hai con được bình an. Sau khi hoàn tất thủ tục cam kết, bác sĩ tiến hành mổ bắt em bé ra ngoài và thông báo cho gia đình rằng bé gái 9 lạng đặt tên là Sumy, còn bé trai nặng 1 cân. Ngay khi các con chào đời do phản xạ yếu nên được chuyển lên phòng chăm sóc đặc biệt để hỗ trợ thở máy”.
Từ một đứa trẻ sinh non, nhờ chăm sóc đặc biệt nên con có những tiển triển tích cực
Theo lời mẹ Sài Gòn chia sẻ, một ngày sau sinh chồng của chị được lên buồng chăm sóc trẻ sơ sinh nhìn các con qua lồng kính. Tuy nhiên, vì bé trai sinh non quá yếu, sức khỏe không có tiến triển nên đã bỏ bố mẹ ra đi. Nhận tin dữ chị Thủy muốn bật dậy để đến gặp con một lần, song do người thân lo sợ chị sẽ không kìm chế được cảm xúc nên đã ngăn không cho chị lên tiễn con lần cuối.
Bé gái kiên cường đã giành giật sự sống ở lại bên bố mẹ
Nằm viện 5 ngày chị được làm thủ tục xuất viện, còn bé gái vẫn phải tiếp tục nằm lồng kính để chăm sóc đặc biệt. “Vậy là mình ra về mà chưa được gặp con một lần. Về nhà thì 2 - 3 ngày chồng mình lên bệnh viện thăm con một lần, cả nhà đều ngóng tình hình sức khỏe của con từ bác sĩ. Em bé nằm lồng ấp một tháng thì mẹ được gọi lên ấp con vì con sắp cai máy thở. Lúc đó mình vừa mừng vừa hạnh phúc, mặt khác cũng tò mò xem con sẽ giống ai. Lần đầu vào thăm con nhìn dây dợ lằng nhằng khắp cơ thể mà mẹ đau từng khúc ruột, nước mắt cứ chảy dài vì vừa hạnh phúc lại vừa thương nhớ con” – 9X tâm sự.
Những tưởng khó khăn đã dừng lại ở đây nhưng khi vừa cai máy thở được 2 ngày, con gặp phải một số vấn đề bệnh lý, em bé được phát hiện bị viêm ruột nên lại tiếp tục nằm ấp lồng kính. Mẹ Sài Gòn cho biết: “Trong quá trình điều trị con bé xíu nên lấy ven bầm tím hết tay chân, thậm chí phải cạo tóc đặt ven cố định”.
Giờ đây sau 9 tháng chào đời, con đã có thể ngồi và cứng cáp không thua kém gì những bạn cũng trang lứa
Điều trị bệnh lý được 10 ngày, em bé được ra ghép mẹ, lúc này con từ một đứa trẻ 9 lạng đã tăng lên 1,3 cân. Vài ngày sau đó con bắt đầu được tháo ống xông dạ dày để tập tự uống sữa. Theo mẹ 9X chia sẻ, đây là quãng thời gian cực kỳ vất vả, do lần đầu làm mẹ, em bé lại sinh non, rất khó thích nghi với môi trường bên ngoài nên hễ ăn được vài thìa sữa con lại lăn ra ngủ, 3 tuần sau sinh mới đạt được 1,4kg. Do có lịch tái khám mắt nên chị Thủy đã phải thuê phòng trọ gần bệnh viện để đợi đến ngày bác sĩ kiểm tra mắt cho em bé.
Quãng ngày vừa lo hồi phục sức khỏe sau sinh, vừa ngược xuôi thăm và ấp con khi bác sĩ cho phép đã khiến chị Thủy mệt mỏi trông thấy. Thế nhưng, từ sâu thẳm trong con người chị chỉ cần được nhìn thấy con ngoan là chị cảm thấy đủ hạnh phúc và ấm áp.
Sau 3 tháng vừa nằm bệnh viện điều trị bệnh lý trẻ sinh non, vừa theo dõi hệ hô hấp và giác mạc bé Sumy và mẹ mới dám xuất viện. Ba tháng chăm sóc cật lực em bé sinh thiếu tháng đã cán mốc 2,5kg.
Hiện nay, em bé Sumy nhà chị Thủy đã tròn 9 tháng tuổi, con tuy hơi còi so với các bạn cũng trang lứa nhưng khá cứng cáp. Mẹ cũng đã đi làm lại và cân bằng lại cuộc sống hơn vì luôn có con làm động lực để vượt qua tất cả. Chị không quên nhắn nhủ đến các mẹ có hoàn cảnh giống mình “Hãy coi những em bé sinh thiếu tháng như những đứa trẻ bình thường, tính các mốc phát triển của con theo tuổi dự sinh để đánh giá sự phát triển của con. Mẹ cũng không nên so sánh với các em bé khác để rồi tự tạo áp lực cho chính mình”.