10 lần chồng mon men lại gần là cả 10 lần bị vợ đuổi khỏi phòng bởi chỉ nhìn thấy chồng là đã buồn nôn. Thành thử vợ chồng tuy sống chung nhà mà như thể ly thân, không dám động chạm.
Em đang mang bầu tháng cuối của thai kì. Trộm vía sức khỏe ổn định, thai phát triển tốt. Tuy nhiên em lại bị nghén kinh khủng, sợ hầu hết các mùi từ mùi dầu mỡ nấu ăn, mùi cơm sôi, nước rửa chén, nước giặt đồ. Không những vậy, mùi cơ thể chồng cũng khiến em ám ảnh, sợ ngồi bên. Vì thế từ khi em mang bầu, vợ chồng hầu như không gần gũi. Nhiều lúc nhớ vợ, chồng em cũng “mon men” đề nghị nhưng đều bị vợ đuổi. Anh thấy vậy phụng phịu bảo: “Vợ bầu bí kiểu gì lại ghét chồng vậy. Chồng ngồi gần cũng không cho?”.
Nghe anh ấy nói thế, em thấy thương và có lỗi lại cũng sợ có lúc anh chán vợ, ra ngoài phát sinh chuyện. Nhiều lần cố nhắm mắt “chiều chồng” cho xong nhưng anh vừa ngả lưng nằm xuống bên cạnh là em nôn mật xanh mật vàng. Anh cuống cuồng nửa xót vợ, nửa phát cáu, làu bàu: “Chồng tắm giặt sạch sẽ thơm tho thế vẫn chê”. Nói xong, anh vò đầu bứt tóc ôm gối ra phòng khách ngủ.
Nhiều lúc nhớ vợ, chồng cũng “mon men” đề nghị nhưng đều bị vợ đuổi. (Ảnh minh họa)
Em cứ nghĩ chỉ nghén 3 tháng, cơ thể sẽ bình thường trở lại để vợ chồng được gần gũi như xưa. Ai ngờ những tháng sau em chẳng đỡ nghén chút nào, vẫn sợ mùi cơ thể của chồng. Dù anh biết ý, trước khi về phòng là tắm giặt sạch sẽ, thay đủ các loại dầu gội sữa tắm để vợ đỡ sợ song tình hình không hề cải thiện. Hễ gần chồng là em lại buồn nôn.
Cũng may chồng em là người hiểu chuyện, dù bị vợ “từ chối” suốt nhưng không giận dỗi. Thương chồng, em động viên hỏi có buồn khi vợ “lạnh nhạt”? Anh cười đáp: “Vợ mang thai chịu bao vất vả, mệt mỏi còn không than khổ. Anh chịu ‘thiếu thốn’ chút có đáng gì. Chỉ cần vợ khỏe mạnh, vượt cạn bình an là anh hạnh phúc”.
Sang tháng thứ 6 của thai kỳ, em còn bị dọa sẩy, mọi sinh hoạt đi lại phải hạn chế và rất nhẹ nhàng. Anh cơm bưng nước rót tận giường phục vụ. Sau đó anh lại phải lủi thủi xuống bếp ăn. Có hôm buồn, anh muốn ngồi ăn gần vợ thì phải bưng mâm tận cửa phòng chứ ngồi gần là em nôn hết.
Cũng may chồng em là người hiểu chuyện, dù bị vợ “từ chối” suốt nhưng không giận dỗi. (Ảnh minh họa)
Suốt 9 tháng mang bầu, chồng em bị vợ “cách ly” như thế. Anh ấy toàn đùa bảo: “Từ hôm vợ bầu, chúng mình sống đúng kiểu ly thân ở cùng nhà ấy nhỉ. Anh chẳng được bén mảng lại gần vợ. Đợi vợ đẻ xong, anh nhất định sẽ bắt vợ bù gấp đôi”.
Em phì cười vì thật sự tới chính em cũng không thể hiểu nổi kiểu nghén khác người của mình. Người ta ốm nghén thường mong chồng ở bên an ủi, chăm sóc. Em ngược lại, mang thai chỉ muốn chồng đi công tác để đỡ bị nghén vì mùi của chồng. Có chị em nào nghén lạ đời giống em không? Càng nghĩ em càng thấy thương chồng, đồng thời cũng lo đến lúc chồng không “kiềm chế” được, ra ngoài tìm người khác. Khi đó em biết làm thế nào?
Cách giảm ốm nghén khi mang thai Có nhiều cách để làm giảm bớt tình trạng ốm nghén khi mang thai, mẹ bầu có thể tham khảo! - Chia nhỏ bữa ăn: mẹ bầu nên chia ba bữa ăn chính thành nhiều bữa nhỏ trong ngày (5-6 bữa). Mẹ không nên để dạ dày trống vì có thể gây cảm giác buồn nôn và nôn. Mỗi bữa ăn mẹ nên ưu tiên thực phẩm giàu đạm như trứng, thịt, cá, đậu,… tăng cường các thực phẩm giàu xơ và vitamin như rau, củ, quả đồng thời ăn vừa đủ các loại thực phẩm giàu chất béo và tinh bột. - Mẹ có thể chuẩn bị sẵn một ít bánh mỳ hoặc bánh quy ở đầu giường để ăn nhẹ vào buổi sáng nhằm giảm cảm giác buồn nôn lúc sáng sớm. - Cố gắng uống đủ nước mỗi ngày (khoảng 1600 – 2200ml), nên uống từng ngụm nhỏ, bắt đầu từ khi vừa ngủ dậy. - Tránh tiếp xúc với các thực phẩm có mùi vị kích thích như thịt sống, cá sống, những đồ cay nóng,… Gừng là thực phẩm có tác dụng giúp giảm cảm giác buồn nôn. Một số gợi ý cho mẹ đó là: kẹo gừng, nước gừng pha đường,… - Đảm bảo phòng ở thông thoáng, sạch sẽ. - Mẹ bầu nên chuyển sang làm những công việc nhẹ nhàng và nghỉ ngơi nhiều hơn. - Tâm sự cùng những người thân yêu để giúp tinh thần thoải mái và thư giãn. - Tập luyện nhẹ nhàng, phù hợp theo tình trạng cơ thể mẹ bầu: đi bộ, yoga, hít thở và tắm nắng,… |